Thứ sáu, 26/04/2024,


HỒN THƠ LỤC BÁT ĐONG ĐẦY TÌNH QUÊ (đọc tập thơ“Bên gốc đa quê” - Tập thơ Lục bát của Khuất Quang Thảo) (16/03/2019) 

 HỒN THƠ LỤC BÁT ĐONG ĐẦY TÌNH QUÊ

(Đọc “Bên gốc đa quê” - Tập thơ Lục bát của Khuất Quang Thảo)

 

 

Cảnh quê của nhà thơ: Khuất Quang Thảo.

 

Nhà thơ QUANG HOÀI

 

“Bên gốc đa quê” là tập thơ Lục bát của Khuất Quang Thảo được viết trong khoảng thời gian 1 năm từ tháng 7-2015 đến tháng 8-2016, gồm 135 bài. Đó không chỉ thể hiện niềm say mê, thuỷ chung với Lục bát của tác giả, mà theo tôi, nó còn là sự thôi thúc nội tâm trước những đổi thay chóng mặt của làng quê Việt Nam trong thời kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, đòi hỏi phải bảo trì, kế thừa và phát triển văn hoá dân tộc trong thời đại mới, chống lại sự xuống cấp, xói mòn, tha hoá về văn hoá, đạo đức và lối sống tốt đẹp vốn được hình thành và trường tồn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tôi cho rằng đó là động lực tinh thần dung dưỡng và tạo nên cảm xúc, để chỉ trong một thời gian ngắn, Khuất Quang Thảo có được một thành quả thơ thật đáng trân trọng.
Cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn đã có một nhận định khá xác đáng về thơ Lục bát như sau: “Người làm thơ, ai cũng hiểu viết Lục bát dễ mà lại khó, cái thể thơ của những khúc hát ru thuần Việt ấy, nửa nghiêng về dân gian, nửa nghiêng về bác học. Chỉ khi nào cảm xúc của nhà thơ đạt tới độ chín, tìm được tứ thơ mới lạ và sáng tạo, ngôn ngữ chắt lọc, uyển chuyển, Lục bát mới lên ngôi, vượt thoát khỏi nguy cơ rơi xuống vè”. Có thể nói, Lục bát của Khuất Quang Thảo là Lục bát khởi phát từ cảm xúc. Mỗi khi cảm xúc chín muồi gắn kết chặt chẽ với tâm thức dân tộc là ở anh lại bùng phát những câu thơ giàu ẩn dụ và có dư ba, mang hơi thở và phong cách dân gian rất rõ nét. Chính vì thế, đọc 135 bài thơ Lục bát của anh, ta không cảm thấy nhàm chán, bởi không ít ý thơ và tứ thơ đã đem lại cho ta hứng khởi và suy cảm hướng tới chân, thiện, mỹ. Và cũng chính cái đó đã hình thành nên cái tôi trữ tình của Khuất Quang Thảo, một giọng điệu riêng có của thơ anh. Có được như vậy là bởi Lục bát của anh thấm đẫm chất tình: tình trong hồn đất, hồn làng; tình trong ngõ quê, chợ quê, vị quê, gái quê; tình trong phận tre, phận người, cánh cò, tiếng cuốc, lời ru, v.v... Có thể nói “Bên gốc đa quê” của Khuất Quang Thảo là một hồn thơ Lục bát đong đầy tình quê.
Khuất Quang Thảo là người con của xứ Đoài mây trắng, của “sông Đáy chậm mình qua Phủ Quốc” - nơi hội tụ linh khí ngàn năm của cha ông kết nên hồn quê, hồn dân tộc. Đúng như anh đã thổ lộ:


“Lớn từ củ sắn, củ khoai
Trong veo đôi mắt xứ Đoài mộng mơ
Biết nhau từ lúc tình cờ
Tôi thành đất sỏi cứ trơ gan gà
Đá ong thành những nụ hoa
Đồi mây tha thẩn lối nhà em thăm”.


Đó là tình cảm sâu nặng của anh đối với một người em gái quê hương từ thuở thiếu thời. Nhưng bây giờ anh đã là một đại tá quân đội, đã trở thành người phường phố, người của thời hiện đại, của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Song, cái gốc quê vẫn ngày ngày đau đáu trong anh:
“Ta là ta của hôm nay
Là con của mẹ quê ngày hôm xưa
Bao năm sung gẩm muối dưa
Vẫn hoang hoải nhớ như vừa hôm qua
Chiều nay hình bóng quê nhà
Đưa ta về lại gốc đa đầu làng
Lời thề buộc sợi rơm vàng
Gốc đa vết khắc thời gian phủ mờ”.
Trong tâm thức của Khuất Quang Thảo, về với gốc đa quê là về với nơi thâm nghiêm, nơi chở che cuộc đời mình: “Thâm nghiên là gốc đa quê/ Chở che bao mảnh hồn mê mẩn hồn/ Già nua bóng mẹ đầu thôn/ Oằn vai gánh tuổi thơ con nhọc nhằn”; và cũng là: “Ta về với những cỗi cằn/ Dẫu chai đá sỏi vẫn vần vũ gieo”, để cho: “Câu thơ Lục bát quê nghèo/ Ngọt từ bụng mẹ mà theo đến giờ”.
Về với quê hương, về với nguồn cội trở thành một khát khao, một hối thúc: “Trả ta về với đất này/ Hồn thơ còn lại xanh cây đa làng”. Cuộc đời xanh, hồn thơ xanh phải bám rễ vào đó, phải được dung dưỡng và phục sinh từ bầu sữa đó - bầu sữa quê hương, bầu sữa cội nguồn.
Chính vì thế, tình quê trong thơ Lục bát Khuất Quang Thảo thể hiện đậm đà khi anh viết về những kỷ niệm in sâu trong tâm thức như những lát cắt văn hoá tạo nên tình quê, hồn quê trong anh.
Với anh, hồn đất là “Hồn quê chôn dưới đất dày thăng hoa”, là “Đất phù sa giữ lời nguyền hồi sinh”, mặc cho “Chiến tranh, loạn lạc, đao binh/ Vẫn trong như ngọc lung linh giữa làng”. Trong hồn thơ ấy lại ẩn chứa vị quê đằm thắm, mà vị quê lại chính là tình đất, tình người: “Mồng tơi, đậu ván em trồng/ Mâm cơm ấm cả mùa Đông ven đồi” và “Bao nhiêu phú quý, cao sang/ Chẳng bằng một bữa rau lang vườn nhà”...
Với anh, ngõ quê không chỉ là lối về, mà trở thành thước đo của sự xa cách, của tình yêu cách trở: “Lối về qua ngõ nhà em/ Bỗng dài dằng dặc qua đêm tạ từ”. Quê hương mất hút bóng em, cái ngõ cứ dài ra dằng dặc, và nỗi nhớ cũng dằng dặc dài theo, không thể nguôi ngoai trong tâm khảm: “Níu từng giây phút dùng dằng/ Vườn em trăng muộn cứ vằng vặc đêm”.
Với anh, phận tre như phận người “Thẳng ngay cốt cách hồn quê bao đời”. Tre là thành luỹ, là sức sống bất diệt của xóm làng: “Lời ru ngọt lịm ca dao/ Hoá thân thành những luỹ rào chở che/ Cỗi cằn một mảnh đất quê/ Vẫn xanh thắm giữa bốn bề bão giông”.
Với anh, sân đình mỗi mùa thu về đã để lại trong anh bao niềm thương nỗi nhớ: “Sân đình rộn rã tiếng cười/ Nhà quê vác chiếu ra ngồi dưới trăng/ Gốc đa lũ trẻ dung dăng/ Hát đồng dao, chạy loăng quăng trước đình”. Như một ảnh tượng thấm sâu trong tâm thức, gốc đa và sân đình trở thành nơi hội tụ nghĩa tình, dung dưỡng tình yêu: “Gốc đa rộn rã trưa hè/ Nôn nao rát bỏng tiếng ve gọi chiều/ Bóng đa như bóng cánh diều/ Làng quê níu giữ bao nhiêu nghĩa tình”, và dưới bóng đa “Có thôn nữ thích ca dao/ Nửa đêm quảy ánh trăng vào vườn Thu”...
Đặc biệt, tình quê trong thơ Lục bát của Khuất Quang Thảo còn được thể hiện sâu lắng ở tình cảm của anh đối với những con người của quê hương anh. Đó là những cô gái quê: “Lấm lem bùn đất cũng đành/ Không son, không phấn cũng giành hoa khôi”. Với những cô gái lỡ làng hay muộn màng, anh cảm thông với tấm lòng đầy trắc ẩn: “Cải ngồng em chở đi đâu/ Nhẹ tay thôi nhé kẻo nhầu nhĩ hoa” và “Tôi gồng năm tháng trên vai/ Gánh hương cải đắng vườn ai năm nào”.
Chính vì vậy, Khuất Quang Thảo không ngại ngần bày tỏ quan điểm của mình về thơ Lục bát và sự thuỷ chung của anh với thể thơ mang đậm hồn cốt dân tộc:
“Đường về xưa cũ không xa
Mà sao đi mãi đến già chưa xong
Lúa non vừa trổ đòng đòng
Phải chi hôm ấy đừng bong mắt nhìn”.
Đó là sự gợi mở với ý tứ thầm kín như nhắn nhủ ta hãy nâng niu và phát triển thơ Lục bát lên một trình độ mới trước yêu cầu đổi mới đối với thi ca hiện nay.
Khuất Quang Thảo cho rằng, thơ Lục bát không chỉ để bồi bổ cảm xúc, thanh tẩy tâm hồn mà còn là của cải dành dụm cho mai sau:
“Câu thơ làm của để dành
Lỡ mai nắng tắt cũng thành chiều xưa”.
Chúc anh có nhiều “của để dành” như anh mong mỏi và có những đóng góp xứng đáng cho thơ Lục bát.

Phố Vương Thừa Vũ - Hà Nội
Ngày 30-4-2018
Q.H

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: