Bài thơ “Chiều Đồng Lộc”, tác giả Trịnh Toại, lời bình: “Đất thiêng của mười đóa hoa bất tử" của Vương Bảo.
Trịnh Toại
CHIỀU ĐỒNG LỘC
Nghe từng mạch đất chuyển lay
Đường xưa mỗi bước chân này nhói đau
Mãi còn chiến tích hằn sâu
Lật bao lớp đất đỏ ngầu máu tươi
Nằm kia, các chị ngậm cười
Còn bao đồng đội về nơi non ngàn?
Rừng cây thả gió như than
Ngỡ như tiếng mẹ ru làn tóc xanh
Nén nhang cầu nguyện an lành
Tượng đài Đồng Lộc chất thành khí thiêng
Tuổi hai mươi tụ cửa thiền
Người người kính cẩn, mọi miền viếng thăm
Hố bom loang lổ tím bầm
Khoét vào ruột đất ngàn năm ròng ròng.
Tháng 11/2019
Trịnh Toại
(Lời bình: Vương Bảo Quý tặng nhà thơ Trịnh Toại)
Đến Hà Tĩnh không thể bỏ qua một di tích lịch sử, chấn động trái tim tình cảm ta, đó là Ngã ba Đồng Lộc. Đồng Lộc, thời chống mỹ có một tiểu đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ canh giữ giao điểm phá bom và sửa đường thông xe khi bom phá - Tiểu đội 4, đại đội 552. Ác liệt thay nơi đây phải chịu đựng khoảng mười lăm trận bom một ngày. Nay hố bom còn chồng chất - Tội ác của kẻ thù xâm lược là đây !
Xúc động về sự hy sinh của dân tộc ta, của người dân Hà Tĩnh, Đồng Lộc, nhà thơ Trịnh Toại đã có thi phẩm: Chiều Đồng Lộc. Ai đã đến Đồng Lộc vào buổi chiều khi hoàng hôn đang sập xuống mới thấy hết, nghe hết, cảm hết cái buồn cố hữu của một thời xa khi mà trước mặt ta là một khu di tích tràn ngập những sự hy sinh của một thời chống Mỹ mà dân tộc ta đã chịu đựng. Đồng Lộc đã kiên cường:
Nghe từng mạch đất chuyển lay
Đường xưa mỗi bước chân này nhói đau
Mãi còn chiến tích hằn sâu
Lật bao lớp đất đỏ ngầu máu tươi
Nghe từng mạch đất chuyển lay; Đất Đồng Lộc vẫn an lành thế mà: đất chuyển lay (thơ là sản phẩm đặt biệt của trái tim. Có lẽ chỉ có nhà thơ mới nghe, nhìn… những gì mà ta không nhận ra. Vì nhà thơ có sự mẫn cảm đặc biệt, thi sĩ "đã nghe đất chuyển thành con sông dài"; nhìn vào quá khứ xa xăm…).
Nghệ thuật dùng phép hồi tưởng để ẩn dụ cho sự xúc động đến diệu kỳ trước cảnh không sao cầm lòng được của nhà thơ. Hiện thực của quá khứ ấy cứ làm tác giả xúc động, bởi con đường xưa; Từng mạch đất ấy làm chân ta nhói đau mỗi bước ta vận hành.
Nói đến Hà Tĩnh ta nhớ đến Ngã Ba Đồng Lộc, nơi đất thiêng của mười đóa hoa bất tử, của tiểu đội Thanh niên Xung phong mà thành tích chiến đấu còn hằn sâu trong ký ức người dân Việt. Lại một biện pháp nghệ thuật; Hư trong thực đó là dòng thơ: Lật bao lớp đất đỏ ngầu máu tươi. Máu tươi đâu còn nữa vì chiến tranh đã kết thúc lâu rồi. Nhưng chắc chắn rằng những lớp đất ở đây đã trộn bao máu xương của chiến sĩ đồng bao ta; “nay ta yêu quê hương vì trong từng nắm đất có một phần xương thịt của em tôi”. Chỉ một khổ thơ mở đề, tác giả đã suy tưởng để dẫn độc giả đến với mảnh đất thiêng Hà Tĩnh, nơi có Ngã Ba Đồng Lộc.
Chiều Đồng Lộc lại cuồn cuộn chảy trôi: Nằm kia, các chị ngậm cười/Còn bao đồng đội về nơi non ngàn?/ Rừng cây thả gió như than/ Ngỡ như tiếng mẹ ru làn tóc xanh
Cặp lục bát:
Nằm kia các chị ngầm cười
Còn bao đồng đội về nơi non ngàn?
Cặp lục bát cứ chảy trôi, níu vịn vào nhau mà thăng hoa trong lòng độc giả. Hai hình ảnh mang hai số liệu có tính ước phỏng; các chị, bao đồng đội. Đó là những số nhiều mà không giấy mực nào ghi hết được. Tác giả đã góp phần làm cho tiếng Việt đẹp lên (cho nên người nước ngoài khi đến Việt Nam nghe tiếng Việt Nam, người ta cứ tưởng tiếng của yến, oanh). Những số liệu ước phỏng đã minh chứng hùng hồn cho sự hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam anh hùng thời chống Mỹ vì: Còn giặc Mỹ xâm lược thì không ai có hạnh phúc cả.
Hai dòng lục bát: Nằm kia các chị ngậm cười/ Còn bao đồng đội về nơi non ngàn? Là hai dòng địa chỉ được khóa lại bằng dấu hỏi tu từ hư trương (dấu hỏi tu từ hư trương là dấu hỏi đặt sau câu mà không trả lời, để người đọc suy nghĩ và giải quyết). Đó cũng là lời nhắc nhở của quá khứ đối với hiện tại. Mỗi chúng ta phải làm gì đây để xứng đáng với hy sinh của tiền nhân.
Vần thơ lục bát lại phơi phới trên trang thơ: Rừng cây thả gió như than/Ngỡ như tiếng mẹ ru làn tóc xanh. Phép so sánh lại ẩn chìm trong nhân hóa. Hai sợi tơ lòng đan dệt trong thi phẩm. Cảnh vật nơi đây cũng ngậm ngùi thương tiếc với các chị các anh. Thơ không buồn, thơ vẫn lạc quan tin tưởng. Rừng cây vẫn buông những mạch gió lành, mẹ Việt Nam vẫn ru cho con mẹ giấc ngàn thu bằng lời tha thiết.
Những người đến viếng thăm Đồng Lộc, ai cũng kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh của các chiến sĩ nới đây:
Nén nhang cầu nguyện an lành
Tượng đài Đồng Lộc chất thành khí thiêng
Tuổi hai mươi tụ cửa thiền
Người người kính cẩn, mọi miền viếng thăm…
Nén nhang thắp lên, làn khói xanh mờ ảo như lời nhắn gửi chân thành của khách thập phương với người đã khuất. Các anh chị, những người con yêu dấu của Việt Nam sẽ sống mãi trong trái tim lớp lớp con cháu. Các anh chị là những người đã viết tiếp những trang sử oai hùng chống giặc ngoại xâm của thế kỷ XX. Tượng đại Đồng Lộc là những bức phù điêu tụ hội khí thiêng của người dân Việt. Những người chiến sĩ ở đây đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập tự do.
Kết thúc bài thơ là một cặp lục bát với hai hình ảnh chấn động trái tim đa cảm của bạn đọc:
Hố bom loang lổ tím bầm
Khoét vào ruột đất ngàn năm ròng ròng.
Tác giả đã nói được hiện thực mà lại rất thơ về tội ác tày đình của kẻ thù xâm lược; Hố bom loang lổ, khoét vào ruột đất... Vũ khí của người chiến sĩ là lưỡi lê, họng súng. Vũ khí của người thi sĩ là ngọn bút và ngôn từ. Cả hai thứ vũ khí ấy đã chinh phục được lẽ phải, chinh phục được lòng ta. Hố bom giặc Mỹ chẳng những khoét vào ruột đất ở Đồng Lộc mà còn khoét sâu lòng căm thù của cả một dân tộc với giặc ngoại xâm. Cũng từ đây ta thấy được vinh dự sống cuộc đời tự do, no ấm ngày nay.
Viết về Đồng Lộc thì nhiều nhưng tứ thơ về Đồng Lộc của Trịnh Toại vẫn có những nét riêng trên nền lục bát mà sáng tạo. Ta bắt gặp trong thi phẩm nhiều thủ pháp nghệ thuật, nhiều con đường dẫn đến trái tim độc giả ví như: Nghệ thuật hư trong thực, nhân hóa ẩn trong so sánh, hành tiến hàng ngang để tôn cao dần chất thép của những đóa hoa Đồng Lộc.
Cảm ơn nhà thơ Trịnh Toại đã cho tôi được thưởng thức một thi phẩm hay và đẹp.
Hải Phòng: 27.7.2022
Vương Bảo
ĐT: 0932.297.399
Hội viên CLB thơ nhà giáo Hải Phòng
BTV giới thiệu: Nhà thơ Trịnh Toại