Thứ ba, 05/11/2024,


Đến với bài thơ hay (31/12/2021) 

 LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ ĐỖ TRỌNG KHƠI BÀI THƠ NỔI TIẾNG “ BỜ SÔNG VẪN GIÓ” CỦA THI SỸ TRÚC THÔNG

 

 

Nhà thơ Trúc Thông đã tạ thế, hưởng thọ 82 tuổi.

 

Từ những năm đầu 1990, 1991…tôi bước vào đường thơ, được cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi dìu dắt, rồi qua nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi tôi biết đến tên tuổi Trúc Thông khi đó hai ông đang cùng làm việc ở chương trình Tiếng thơ - Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này, khi nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi tạ thế thì nhà thơ Trúc Thông phụ trách chương trình Tiếng thơ. Rồi sau đó ngoài sáng tác thơ tôi bắt đầu tập tành công việc viết bình thơ và viết giới thiệu các tập thơ, bài viết thường được nhà thơ Trúc Thông ưu ái đưa lên sóng. Gần chục năm sau, năm 2000 tôi mới được gặp ông. Đó là lần tôi có việc lên Hà Nội, nghỉ ở khách sạn Kim Liên, hay tin nhà thơ cùng biên tập viên, chị Trịnh Bích Ba vào thăm và làm cuộc thu thanh phỏng vấn. Qủa thực những năm tháng ban đầu chập chững theo nghiệp văn chương còn non nớt, vụng về nhiều mặt, tôi đã được các ông Nguyễn Bùi Vợi, Trúc Thông cùng nhiều nhà thơ cao niên chỉ bảo, và có lẽ cả châm chước cho điểm non nớt mỗi khi nhận sáng tác và cho đăng tải hay phát sóng. Nhờ vậy mà tôi có được sự tự tin, được chắp cánh để tiếp tục sáng tác. Tôi vô cùng biết ơn các ông!

Qua đêm nay, sáng mai thi hài ông đã được gia đình đưa đến đài hóa thân hoàn vũ. Thế là ông đã đi hết con đường đời của mình, nhưng con đường thơ được trải ra với tất cả tình yêu, tài năng, nhiệt huyết thì sẽ còn lại lâu dài. Rất lâu dài, cũng như Bờ sông kia gió sẽ không ngừng thổi! Và bởi tôi biết, với ai đó có thể xem thơ nhưng một phần việc nhẹ nhàng, một cuộc đua vui, còn với thi sỹ Trúc Thông thì thơ là một sứ mệnh thiêng liêng bậc nhất mà ông phải thực thi ở lần sống này!

Kính tiễn ông về nơi an nghỉ Vĩnh Hằng!

Cầu nguyện ông về “Cõi sống mới đó vẫn được Sống Thơ!”

Kính cẩn!

*

Nhân đây, tôi xin trân trọng giới thiệu bài thơ nổi tiếng BỜ SÔNG VẪN GIÓ của ông với lời bình của tôi. Vui là bài bình đã được ông xem và cho phát sóng trong chương trình Tiếng thơ, cũng như được đăng trên nhiều sách/báo.

BỜ SÔNG VẪN GIÓ

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió...

người không thấy về...

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối... một lần về cuối thôi

Về thương lại bến sông trôi

Về buồn lại đã một thời tóc xanh

Lệ xin giọt cuối để dành

Trên phần mộ mẹ, nương hình bóng cha

Cây cau cũ, giại hiên nhà

Còn nghe gió thổi sông xa một lần

Con xin ngắn lại đường gần

Một lần rồi mẹ hãy dần dần đi.

TRÚC THÔNG

Lời bình:

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió... người không thấy về...

Trong đời sống người dân miền châu thổ, con sông là nguồn sữa phù sa nuôi dưỡng cánh đồng. Ấy là xét về giá trị thời gian, mùa vụ. Về không gian thì hình ảnh con sông được xem là một điểm mốc hẹn mang giá trị lâu dài, có khi thành bất tử. Bất tử ngay cả khi nó đã bị lấp đi! Cái con sông - Bờ sông - xưa tiễn đưa, nay đang mong đợi, ở tình thơ này được tác giả xây dựng với cả hai yếu tố không gian, thời gian và lồng cộng với hai biểu tượng tinh thần là lá ngô và làn gió. Một thời gian mang niềm thương nhớ khôn nguôi; một không gian không đổi dời; một tiếng gọi tha thiết đêm ngày của gió quê và một thứ sinh thể mang cái màu sắc thiên thu đã lay động lên, hoá thượng thanh khí lên, là chiếc lá ngô - nơi cõi phần ký ức. Bốn lực tác động tạo hình ảnh, hình tượng này, chúng đã hoá thân vào nhau làm Một - niềm hướng tưởng Cố Hương.

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió... người không thấy về...

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối - một lần về cuối thôi

Về thương lại bến sông trôi

Về buồn lại đã một thời tóc xanh...

Nỗi nhớ quê hương trong tâm tưởng người tha hương mặn mòi, da diết lắm. Người ta xưa nay hằng: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau...”, nhìn sông thấy khói sóng lúc cuối ngày mà buồn, nhìn trăng sáng đẹp mà nhớ. Đến cả loài cầm thú cũng đã“ba năm quay đầu về núi…” kia mà.

Niềm tha hương ở thơ “Bờ sông vẫn gió”, với người mẹ đã dành cả quãng ngày xanh tuổi trẻ cho con cháu, nay da mồi, tóc bạc, tuổi đã ngả sang chiều mà vẫn chưa thực hiện được nguyện ước, về thăm quê hương bản quán mà khoảng cách dặm đường nào có xa xôi: “Con xin ngắn lại đường gần...” Lẽ thường con người đứng trước khoảng cách “đường xa dặm thẳm” mới phải mong cho “ngắn lại”! Chính từ cái “nghịch lý” này mới hoạ rõ lên cái “nghịch phận”. Tình thơ bởi thế mới sâu nặng, mới ám ảnh. Và cũng bởi thế, không phải ngẫu nhiên trong một bài thơ ngắn, tác giả đã dụng từ “xin” tới ba lần: Xin người hãy trở về quê; Lệ xin giọt cuối để dành; Con xin ngắn lại đường gần. Từ “xin” trong ngôn ngữ tiếng Việt mang đậm tính thân phận, nhân tính, phật tính. Như, cầu xin, xin lỗi, xin phép, xin ăn, xin học v.v... Vậy nên từ này thường chỉ được dùng khi tấm lòng có việc thành kính, ai hoài. “Bờ sông vẫn gió” mang trong nó tâm thi thành và ai. Qua cái tâm thi này, niềm thân phận buồn thương, lệ tình mẫu tử đã lung linh ngời sáng lên tính luân lý và đạo lý sâu sắc.

Một điểm kỹ thuật, nhưng đầy sự dụng công cũng cần được soi tỏ.

Tổng lượng câu chữ của bài thơ là 12 câu, với 84 chữ. Một bài thơ có số lượng câu chữ giản thiểu như vậy nhưng ở phần phân lượng chữ lại được nhà thơ sử dụng gia tăng, nhân đầy lên. Tính cả cụm từ “một lần” thì bài thơ có 7 chữ được sử dụng lặp đi lặp lại thành 24 lần chữ. Lặp ngôn tới tỷ lệ vậy mà khi thưởng thức, không phải người kỹ tính không dễ nhận ra. Ấy là bởi trong một thi phẩm khi tình thơ, hồn thơ toả sáng lên, động vang lên, tạo ra một trường xung cảm mạnh mẽ giữa thi phẩm và người thưởng thức, thì khi ấy, tính hình thức, kỹ thuật trở thành một phương tiện cấu thành, biểu đạt của nội dung nghệ thuật, tình thơ sẽ cất cánh bay thoát ra khỏi cái vỏ ngôn ngữ, thơ đã đi từ cái cá thể mang dấu vết ngôn ngữ và thân phận, đến hợp thể vào đồng vang nơi tiếng nói - thanh ngữ. Đó là nơi cư ẩn truyền nối thiêng liêng của cõi phần tâm tình, tâm linh. Nơi mà kỹ thuật ngôn ngữ chỉ còn tồn tại như một nghi lễ trước bàn thờ tinh thần: Hồn Thơ Mầu Nhiệm!

Thi phẩm Bờ sông vẫn gió của nhà thơ Trúc Thông là một đóng góp quý giá cho kho tàng nghệ thuật thơ lục bát nước nhà.

Đ.T.K

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: