Thứ hai, 16/09/2024,


Hình ảnh mẹ trong thơ Nguyễn Quang Huỳnh. Bài bình của Thạc sỹ Ngữ văn Nguyễn Thị Bình trong tập thơ "Lục Bát duyên quê" (06/07/2021) 

HÌNH ẢNH MẸ TRONG THƠ NGUYỄN QUANG HUỲNH

Bài bình của Thạc sỹ Ngữ văn Nguyễn Thị Bình Hội viên  VHNT tỉnh Ninh Bình. Điện thoại: 0912851047

 

Tác giả: Nguyễn Quang Huỳnh

 

        Trong cảm thức của mỗi người, Mẹ luôn là những gì gần gũi, thân thương nhất. Cho dù người ta có biết làm thơ viết nhạc hay không, thì Mẹ luôn có một chỗ đứng vĩnh viễn trong trái tim mỗi người. Đối với những người có tâm hồn thi sĩ thì Mẹ luôn là đề tài không bao giờ vơi cạn cho những sáng tác của họ. Trường hợp của Nguyễn Quang Huỳnh cũng vậy. Đọc tập “Lục bát duyên quê” của ông, tôi rất ấn tượng với những bài thơ viết về mẹ. Ai đó đã nói thơ chính là người, vậy nên, trước khi đề cập đến vấn đề này, tôi muốn nói đôi chút về tác giả. Nguyễn Quang Huỳnh quê ở Bình Lục, Hà Nam, nhưng ông lại sinh ra tại Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình. Ông công tác trong ngành Thủy lợi và hiện đang cùng gia đình định cư tại Bình Dương. Tôi được quen biết ông, khi ông đạt giải Nhì cuộc thi thơ “Sống khỏe- Sống đẹp”, do Báo Người cao tuổi và nhãn hàng Tiền liệt vương tổ chức, năm 2018. Điều tôi khâm phục nhất ở ông chính là ông đã vượt qua bạo bệnh, để đến với thi ca như một cứu cánh. Năm 2001, ông bị tai biến nằm điều trị mấy tháng liền tại bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày nằm viện, ông tìm đến sách báo, văn thơ, trước là để giải khuây, sau để quên đi bệnh tật. Đọc những bài thơ của bạn bè, ông nghĩ “người ta làm được thơ tại sao mình lại không”? Thế là ông bắt đầu làm thơ và cũng bắt đầu tập tẹ với cái máy tính… Nghe ông tâm sự, tôi chợt nghĩ ông hơi “liều” và chủ quan. Bởi lẽ, làm thơ là công việc lao tâm khổ tứ và cần có một chút năng khiếu nữa, chứ đâu phải cứ thấy người ta làm thì mình cũng làm là được? Nhưng thật may, việc đến với thơ của ông có lẽ là một cơ duyên “trời cho”, giúp ông vừa chiến thắng bệnh tật, vừa là nơi để ông bày tỏ nỗi lòng… Đó là lý vừa do giản dị, vừa thiết thực đưa ông đến với thơ. Những bài thơ của ông được bạn bè hưởng ứng, khích lệ và hồn thơ của ông được chắp cánh. Ông đã có thơ đăng trên các báo Trung ương và địa phương. Cho đến nay, ông đã xuất bản được ba tập thơ: “Lá vẫn xanh”- NXB Văn học, năm 2012; “Mùa quả ngọt”- NXB Văn học, năm 2015; “Lục bát duyên quê”- NXB Văn học, năm 2018.

Hiện ông là hội viên “Câu lạc bộ thơ Việt Nam”; Hội viên “Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam”; Ủy viên Ban chủ nhiệm hội viên “Câu lạc bộ thơ Hương đất Dĩ An”; hội viên “Câu lạc bộ thơ Lục bát.Com”. “Lục bát duyên quê” tập hợp các bài thơ đã được đưa lên trang “Lục bát.Com”, và như vậy, tập thơ chỉ riêng một “màu” lục bát. Chọn giọng điệu lục bát để chuyển tải nỗi niềm, chính là tác giả đã ký gửi vào đây, bao tình cảm nhớ thương vơi đầy của mình với quê hương, nơi in dấu những kỉ niệm không dễ phai mờ; với người lính và những năm tháng chiến tranh; với những người phụ nữ chung thủy đợi chồng, cùng biết bao nỗi niềm nhân thế… Trong bộn bề tình cảm ấy, nổi bật và xuyên suốt tập thơ chính là hình ảnh người mẹ. Mỗi bài thơ ông viết về mẹ lại ẩn chứa những cảm nghiệm khác nhau, nhưng tựu chung lại cũng chỉ là để diễn tả lòng biết ơn của ông với đấng sinh thành. Mà công ơn của mẹ thì không thể giấy bút nào tả xiết, thế nên, dù ông có viết bao nhiêu đi chăng nữa chắc không thể nào thấu hết công ơn của mẹ: “Con đi cuối đất cùng trời/ Không quên công mẹ một đời nắng mưa”. (Đời mẹ tôi) Mẹ trong thơ Nguyễn Quang Huỳnh là người mẹ đồng chiêm nghèo khó, cả đời lam lũ vất vả, nuôi con lớn khôn nên người. Mỗi khi viết về mẹ, lời thơ lại nghẹn ngào xa xót: “Tảo tần bắt tép mò cua/ Nẻ chân, xước móng nắng mưa lội đồng”. Xót xa hơn, giờ đây mẹ chỉ còn trong ký ức, trong nỗi nhớ thương của cháu con: “Mò cua bắt tép nấu canh/ Miếng ngon miếng ngọt mẹ dành cho tôi/ Trưa hè áo đẫm mồ hôi/ Quằn lưng gánh nặng trên đôi vai gầy” (Đời mẹ tôi). Và: Thân cò lặn lội nẻo quê/ Tay bùn chân đất, rét tê tái lòng” (Còn đâu dáng mẹ ngày xưa). Những kỉ niệm về mẹ cứ trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Quang Huỳnh, kỷ niệm nào cũng neo lại nơi người đọc nỗi xúc động nghẹn ngào. Một lần về quê viếng mộ mẹ cha, ngắm cảnh đồng lúa chín vàng trải dài ngút mắt, ông lại chạnh lòng nghĩ đến ước mơ của mẹ ngày xưa: “Xưa nghèo mưa gió ngược xuôi/ Bốn mùa áo mẹ mồ hôi thấm nồng/ Hai sương, một nắng, cấy trồng/ Ươm cây mạ xuống chờ bông lúa vàng” (No). Nhớ về mẹ là nhớ về những lam lũ nhọc nhằn mẹ đã trải: “Chai tay cầy cuốc đất cằn/ Chạy ăn từng bữa trở trăn thân già”.

Một đời mẹ vất vả vì con, cho con ăn học bằng người: “Một đời mẹ túp lều tranh/ Mong con khôn lớn nên danh phận người”… “Thương thay những giọt mồ hôi/ Vắt từ đời mẹ nuôi tôi học hành” (Đời mẹ tôi). Viết được những câu thơ “rút ruột” như vậy, chắc hẳn tác giả phải trăn trở nghĩ suy với một niềm yêu kính mẹ khôn cùng? Cũng đúng thôi, hỏi có ai mà không yêu kính mẹ? Nhưng đối với một người con sớm xa mẹ, xa quê, thì niềm yêu kính ấy còn thêm nỗi dằng dặc nhớ thương, nhất là khi: “Con khôn lớn mẹ chẳng còn/ Chỉ trong tiềm thức cháu con tháng ngày/ Mẹ ơi con đã về đây/ Đốt hương gọi mẹ đong đầy nhớ thương” (Nhớ mẹ đồng chiêm). Yêu thương con, tất cả vì con, che chắn cho con mọi bề là nét đẹp chung của những người mẹ. Sinh ra và lớn lên nơi miền quê nghèo khó, thì sự hy sinh của mẹ dường như không gì đong đếm nổi. Những ngày xa quê, mỗi khi đông về, nghĩ đến người mẹ nghèo khó, bệnh tật nơi quê nhà, lời thơ lại trào dâng xúc động: Đêm thâu sương muối trắng trời/ Lại thêm bệnh khớp… Mẹ ngồi ổ rơm”. Những lúc ấy người con chỉ biết thốt lên, bất lực: “Con thương mẹ lắm mẹ ơi/ Giá mà gánh được cho người vợi đau” (Giá mà gánh được). Ký ức ngày ấu thơ có mẹ vẫn theo con đi suốt cuộc đời: “Chợ quê xa tít mà tăm/ Một đầu quang gánh con nằm, mẹ vui… Lớn lên con bước vào đời/ Vẫn không quên được những lời mẹ ru” (Lời ru của mẹ) Bao nhiêu hồi ức vơi đầy về mẹ là bấy nhiêu nỗi niềm tác giả gửi vào câu chữ. Cứ chân thành mộc mạc như thế mà gói ghém cả thân phận nghèo của mẹ, cùng nỗi nhớ thương và lòng biết ơn sâu thẳm của con đối với mẹ: “Cho con gấm vóc lụa là/ Cho con ăn học đi ra bằng người/ Hoa từ đất, mưa từ trời/ Giọt mồ hôi mẹ cho đời con xanh” (Cho đời con xanh). Hình ảnh Mẹ trong thơ Nguyễn Quang Huỳnh còn được mở rộng và nâng lên thành người mẹ chiến sĩ. Khi đất nước còn chiến tranh, hình ảnh người mẹ mòn mỏi chờ con như xoáy vào lòng ta một câu hỏi: Bao giờ các anh trở về và niềm mong đợi con của mẹ có phải là vô vọng? Nhưng có một sự thật là đêm nào mẹ cũng thức đợi chờ con. Đợi đến “dầu cạn bấc mòn” mẹ vẫn không hề nản.

 

 

Hình ảnh người mẹ luôn hiện hữu trong thơ Nguyễn Quang Huỳnh

 

Nỗi mong chờ ấy cứ lặp đi lặp lại như một niềm tin không bao giờ tắt, dù mẹ chỉ được gặp con trong mơ: “Biết con vì nước vì non/ Máu hòa đất Việt tô son sắc cờ/ Bao năm mẹ vẫn ngóng chờ/ Chập chờn giấc ngủ trong mơ con về” (Đợi con), thì những giấc mơ ấy cũng là niềm an ủi nhỏ nhoi cho những năm tháng đợi chờ của mẹ. Mẹ đêm ngày cứ mòn mỏi đợi con. Đợi đến mức “Cạn khô dòng lệ mắt mòn hằn sâu” nhưng mẹ không nản vẫn kiên tâm đợi chờ, dõi theo từng bước con đi mà lo lắng, xót xa và càng nhớ thương con hơn bao giờ hết. Tấm lòng của người mẹ vĩ đại, bao la là vậy, lúc nào cũng nghĩ cho con, vì con: “Đêm nào giấc ngủ cũng mơ/ Mơ con canh giữ cõi bờ biên cương/ Mong nhiều nhớ lắm… Càng thương/ Con càng biền biệt quê hương mẹ chờ” (Mẹ vẫn chờ con). Thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, anh lính trẻ xa nhà luôn nghĩ về mẹ, nghĩ đến những nhọc nhằn vất vả của mẹ mà thương mẹ vô cùng: “ Mặc gió rét, mặc mưa xa/ Áo dành che mạ như là che con/ Mẹ thương cây lúa còn non/ Quản chi thân mẹ gầy mòn sạm da ”. Những lúc ấy anh tự nhủ cầm chắc tay súng, giữ yên quê nhà, để phần nào đáp đền công ơn của mẹ: “Con đang canh giữ Trường Sa/ Con thương mẹ rét vẫn ra ngoài đồng/ Kịp mùa gieo hạt cấy trồng/ Vắng con mẹ phải gánh gồng nhiều thêm” (Quà xuân tặng mẹ). Có thể nói hình ảnh Mẹ trong tập thơ “Lục bát duyên quê” của Nguyễn Quang Huỳnh được chắt lọc từ tình cảm chân thành, niềm biết ơn của ông đối với người mẹ của mình nói riêng, và những bà mẹ Việt Nam khác nói chung, cho nên nó vừa mang tính cụ thể vừa có ý nghĩa khái quát. Những bài thơ lục bát nhẹ nhàng, uyển chuyển cùng với hình ảnh, ngôn từ giản dị gần gũi chính là cầu nối của người viết đến với người đọc. Có thể thơ lục bát của Nguyễn Quang Huỳnh, nhất là những câu thơ viết về mẹ đây đó có lúc còn chưa thực sự “nhuyễn”, nhưng bù lại cái tình của ông đặt vào mỗi câu thơ, ý thơ thì vô cùng chân thật nên vẫn tạo được sự đồng cảm nơi độc giả. Hy vọng hồn thơ lục bát của ông ngày càng được mở rộng và thăng hoa để tác phẩm của ông ngày càng chỉn chu hơn, đáp ứng nhiều hơn yêu cầu độc giả và xã hội.

                                                                                                                        Thạc sỹ ngữ văn: Nguyễn Thị Bình

Hội viên Hội văn học Nghệ thuất Ninh Bình .ĐT:0912851047

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  phạm công nhiên - phamcongnhien1951@gmail.com - 0378246615 - phường DĨ AN,TP DĨ AN BÌNH DƯƠNG  (Ngày 05/06/2022 19:45:38)

hình ảnh người mẹ bao giờ cũng là hình ảnh đẹp nhất trong tâm chí của mỗi chúng ta;không bút nào tả hết...hình ảnh người mẹ thân thương bao đời nay vẫn là đề tài chân quý và đẹp đẽ nhất trên đời...khóc thầm con đói không thành.ngủ không tròn giấc rét canh bên ngoài.chiêm bao mừng thấy khóm khoai.đưa về nấu cháo ngày mai đây rồi.kiếm tìm thấy mẹ nụ cười.một lần cũng thỏa cho đời mẹ vui..trên đây là mấy câu thơ mà tôi viết trong bài thơ (nụ cười mẹ yêu) phần nào minh chứng những công lao tảo tần của người mẹ nam lũ trong thời kỳ kháng chiến để chung ta rất tự hào và chân trọng người mẹ việt nam ;là biểu tượng những đức tính cao đẹp trong gìn giữ hạnh phúc gia đình cũng như trong xã hội.....

Các bài khác: