Thứ ba, 19/03/2024,


Phong tục đẹp ngày xuân của người Việt (01/01/2019) 

 Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt. Đây không chỉ là dịp để người người nhà nhà quây quần bên nhau mà còn là thời điểm để bảo tồn bản sắc dân tộc qua việc duy trì những phong tục đẹp ngày xuân với ước nguyện về một cuộc sống no đủ, sung túc và may mắn.

 

Chơi hoa



Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhà ai nấy cũng không thể thiếu những cây đào, mai, quất… vừa để trang trí nhà cửa vừa cầu mong sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng. Ngày nay, thú chơi hoa của người Việt đã được nâng cấp lên với những loài hoa, cây cảnh được du nhập từ nước ngoài.
 
Phong tục đẹp ngày xuân của người Việt

Chơi hoa là một thú vui ngày xuân của người Việt


Gói bánh chưng bánh tét


Đây là một nét đẹp truyền thống đã được gìn giữ qua các thế hệ. Trong những ngày se lạnh cuối năm, cả thôn xóm cùng ngồi quây quần bên nồi bánh tỏa khói nghi ngút thể hiện sự sum vầy, đoàn tụ. Ngày nay, mặc dù cuộc sống bận rộn hơn nhưng nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn giữ được phong tục gói bánh chưng bánh tét để nhớ công ơn của tổ tiên.
 
Phong tục đẹp ngày xuân của người Việt

Gói bánh chưng bánh tét là một nét đẹp truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về


Tổng cựu nghinh tân


Những ngày cuối năm, người Việt có phong tục dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm quần áo, đồ dùng mới. Người lớn cũng dặn dò con cháu, trong khoảnh khắc giao thừa sẽ không cãi cọ, không trách phạt hay mắc lỗi. Những người có hiềm khích với nhau cũng xí xóa hết, giây phút năm mới chỉ chúc tụng nhau những gì tốt lành và may mắn.
 

Đón giao thừa


Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng khi mà đất trời gặp nhau và ai chứng kiến cũng đều trào dâng lên một cảm xúc khó tả. Đón giao thừa không thể thiếu mâm ngũ quả bao gồm mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với ước nguyện cho một năm mới sung túc và no ấm.
 
Phong tục đẹp ngày xuân của người Việt

Còn gì tuyệt vời hơn khi cả nhà cùng đoàn viên, quây quần bên mâm cơm và chờ đón khoảnh khắc giao thừa

 

Xông đất

 
Dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng người Việt vẫn giữ được tục xông đất ngày Tết. Người ta tin rằng nếu người xông đất hợp tuổi thì cả năm gia đình đấy sẽ gặp nhiều may mắn, phát tài phát lộc. Vì thế, họ thường mời những người có vận tốt, hợp tuổi với chủ nhà đến xông đất. Người xông đất phải ăn mặc chỉnh tề, sau đó phải đi hết một vòng quanh nhà với hy vọng may mắn sẽ luôn tràn ngập khắp nhà gia chủ.
 
Phong tục đẹp ngày xuân của người Việt

 Dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng người Việt vẫn giữ được tục xông đất ngày Tết


Chúc Tết và mừng tuổi


Chúc Tết là phong tục đẹp và không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán. Dịp năm mới, mọi người đều trao cho nhau nhiều lời chúc tốt đẹp như sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý và hướng tới những điều tốt lành. Song song với chúc Tết đó là tục lệ mừng tuổi. Theo quan niệm của người Châu Á, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Vì vậy, các bậc ông bà, cha mẹ hay lì xì cho con cháu mình những bao lì xì đỏ chót với lời chúc may mắn, thành công.
 
Phong tục đẹp ngày xuân của người Việt

Chúc Tết và mừng tuổi là phong tục đẹp và không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán


Hái lộc đầu xuân



Đầu năm, người Việt thường đi hái lộc để cầu mong một năm mới bình an cùng những điều tốt đẹp sẽ đến với mình và người thân. Bên cạnh đó, họ sẽ không quên hái một nhành lộc ở cây nào đó và mang về nhà. Theo quan niệm, nếu cành lộc càng tươi tốt thì năm đó gia chủ sẽ gặp nhiều điều may mắn.


Khai nghề



Vào dịp năm mới, người có chức tước khai ấn, học trò sẽ khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở cửa hàng lấy ngày. Sau ngày Mồng Một, “Tứ dân bách nghề” đều chọn ngày để khai nghề với ước mong về một năm mới làm ăn phát tài phát lộc, thuận buồm xuôi gió.
 
Phong tục đẹp ngày xuân của người Việt

Khai nghề cũng là phong tục đẹp rất được người Việt chú trọng trong dịp Tết Nguyễn Đán
 
Dù đi xa mấy nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, người người đều cố gắng trở về quê hương, đoàn viên bên gia đình. Bao nhiêu năm trôi qua, mỗi người con đất Việt đều không quên đi cội nguồn, mỗi ngày đều góp phần bảo tồn, gìn giữ những truyền thống, phong tục đẹp đẽ của dân tộc.
(SƯU TẦM)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: