Thứ sáu, 29/03/2024,


"Xa em..." nhưng thấy thật gần! (10/04/2012) 
 
Thơ lục bát bao giờ cũng là một thể loại dễ bày tỏ những cung bậc cảm xúc nhớ thương tha thiết của con người. Nhưng thơ lục bát dễ đọc mà không dễ làm vì những quy tắc bắt buộc của nó, làm sao để đảm bảo đúng vần, không phạm lỗi mà vẫn thể hiện thật sâu sắc ý tình của nhân vật trong thơ. Nhưng đọc những bài lục bát như thế này thì hình như mọi điều băn khoăn ấy bỗng trở nên thật đơn giản. Tất cả đều tự nhiên, bình dị như lời nói ân cần thường ngày, mà lại vẫn rất thơ!
 
LỤC BÁT XA EM
 
Xa em… cây khẳng khiu cành
Giờ đây vòm lá mướt xanh khoảng trời
Lá non biết những bồi hồi?
Vàng khô rơi rụng… rối bời tâm anh
 
Xa em… mùa chẳng buồn nhanh
Tháng Ba rét lại, ấm lành trao nhau
Đất trời hiểu góc tim sâu
Mong bình yên lúc xa lâu… nhủ lời
 
Xa em… trống vắng khoảng đời
Xa không gian… cách biệt thời gian quay
Đêm em… cứ lẫn sang ngày
Khi em ngon giấc… giờ này anh đi
 
Vẩn vơ hỏi mãi… làm gì?
Nhớ quên công việc… anh đi lẻ lòng
Bao lần em hỏi… nhớ không?
Xa em… kể mấy nhớ mong cho vừa!
 
Trần Mạnh Tuân
 
 
 
Bài thơ là tâm trạng của người đi xa nhớ về người bạn đời của mình. Đọc bài thơ, tôi chợt nghĩ đến ca khúc “Điều giản dị” của nhạc sĩ Phú Quang với những câu rất đơn sơ mà rất đúng:
 
“Nếu không có người, cuộc đời trôi về đâu
Nếu không có người, mặt đất quá hoang vu…
… Và ta biết một điều thật giản dị
Càng xa em ta càng thấy yêu em”
 
Khi người ta xa nhau, sẽ có nhiều thời gian để kiểm nghiệm lòng mình, tình mình. Trong bài thơ này, bốn khổ thơ lục bát là bốn khúc tâm tình ngẫm ngợi về thời gian xa cách, trong đó, ba khổ trên đều mở đầu bằng từ “Xa em…” kèm theo những dấu chấm lửng như kéo dài thời gian bất tận:
 
- “Xa em… cây khẳng khiu cành”
- “Xa em… mùa chẳng buồn nhanh”
- “Xa em… trống vắng khoảng đời”
 
Ba lần “Xa em…” như thế đã phác họa nhanh ba miền không gian và thời gian, cả vô hình và hữu hình. Đó là một khoảng trời cây lá mùa đông hiu hắt, cành khô gầy guộc sắt se trong gió lạnh như nỗi buồn đơn lẻ khi bắt đầu cảm nhận về thời điểm bắt đầu phải “xa em”. Đó là một khoảng thời gian như quá chậm chạp, một ngày như trăm năm, vì những ngày đó chẳng có em bên mình “mùa chẳng buồn nhanh”! Và đó là cả một miền tâm trạng khi cảm nhận rõ khoảng đời trống vắng của mình: “Xa em… trống vắng khoảng đời”. Thật vậy sao? Thì ra đến lúc này người ta mới hiểu rằng người mình yêu thương có một ý nghĩa đến thế nào! Bình thường luôn bên nhau, chưa thấy được là cuộc đời mình đã quá đủ đầy trọn vẹn, để bây giờ xa nhau rồi mới thấy đời mình trống trải biết bao!
Mỗi khổ thơ là một khúc tâm tư của người đi xa sau một khoảng thời gian đủ để thấm thía sự cô đơn của mình. Thời gian thật nhanh, mà cũng thật chậm, nhưng cái nhanh hay chậm không quan trọng, mà là những biến thiên của sự vật trong thời gian đó mới khiến người ta phải ngẫm ngợi:
 
“Xa em… cây khẳng khiu cành
Giờ đây vòm lá mướt xanh khoảng trời
Lá non biết những bồi hồi?
Vàng khô rơi rụng… rối bời tâm anh”
 
Một mùa đông đã qua, xuân đang về rồi, mang theo màu xanh mướt cho cây lá tươi tắn cả khoảng trời, vậy mà anh chưa được về bên em! Mỗi chiếc lá là một khoảnh khắc anh nhớ em, ngàn cây bật chồi biếc là ngàn nỗi nhớ về em. Có một sự đối lập ngầm ẩn trong hình ảnh lá non của cây cối ngoài trời và lá vàng rơi rụng trong lòng người. Đất trời đã vào xuân mà trong lòng anh vẫn là mùa đông lạnh lẽo! Cây có biết chăng trong lòng anh bao nhiêu nỗi buồn như lá rụng mùa đông? Các tính từ chỉ tâm tư “bồi hồi”, “rối bời” xuất hiện liên tiếp trong vần thơ khiến lòng người đọc cũng thấy xao xuyến bâng khuâng…
Và đến lúc cảm thấy thời gian trôi quá chậm chạp thì cũng là lúc người ta dừng lại để thấm thía ý nghĩa của những gì mà tình yêu có thể trao nhau:
 
“Xa em… mùa chẳng buồn nhanh
Tháng Ba rét lại, ấm lành trao nhau
Đất trời hiểu góc tim sâu
Mong bình yên lúc xa lâu… nhủ lời”
 
Vần thơ gợi nhớ cổ tích về cái rét nàng Bân. Nàng Bân may áo rét cho chồng, khi tấm áo hoàn thành thì mùa đông đã qua, Trời thương cảm cho rét trở lại để chồng nàng được mặc tấm áo yêu thương ấy. Trong câu thơ, “ấm lành trao nhau” không chỉ là sự gửi trao một tấm áo, mà là cả tấm lòng, là chia ngọt sẻ bùi, cùng đau nỗi đau của nhau, vui buồn đồng cảm. Những điều sâu lắng nhất trong góc xa thẳm trái tim đôi lứa, có mình biết và đất trời hiểu thấu. Bỗng thấy rưng rưng khi đọc những câu thơ như một lời nhắn gửi thì thầm: “Mong bình yên lúc xa lâu… nhủ lời”… Chỉ có người quá hiểu nhau mới có cách cảm, cách nghĩ, cách nhắn gửi thân thương đến thế!
Sự xa cách tiếp tục được khắc họa thật cụ thể trong sự đối chiếu giữa thời gian, không gian vật lí và thời gian, không gian của tâm trạng và cuộc đời:
 
“Xa em… trống vắng khoảng đời
Xa không gian… cách biệt thời gian quay
Đêm em… cứ lẫn sang ngày
Khi em ngon giấc… giờ này anh đi”
 
          Nửa vòng trái đất cách xa, khi nơi em là đêm yên lành thì nơi anh là một ngày mới. Cũng không chỉ là sự so sánh đêm - ngày thông thường giữa hai bán cầu, mà chất chứa trong đó rất nhiều nhớ nhung, trăn trở và âu lo. Tại sao không phải là “Đêm anh…” và “khi anh ngon giấc…, giờ này em đi”? Bởi lẽ anh là người hiểu bạn đời của mình hơn ai hết. Cả ngày, “em” bận rộn với bao công việc, cái bận rộn khiến cho “em” ít nhớ anh hơn là anh nhớ em chăng? Nhưng điều khiến anh lo lắng hơn là “em” cũng ít nhớ đến sức khỏe bản thân mình nữa! Khi đêm buông xuống, em yên giấc rồi, anh bừng dậy và mở đầu ngày mới với nỗi nhớ về em, lo cho em. Cả ngày của anh vẫn cứ là tâm tư ấy, không thể khác được! Không diễn giải nhiều, mà câu thơ cứ thế lặng lẽ thấm thía, thấm thía đến tận cùng của tình yêu…
          Có một điều rất lạ là khi yêu nhau, kể cả khi đã trở thành chồng thành vợ, người ta vẫn cứ hay hỏi nhau: “Có yêu anh không?”, “Có yêu em không, nhớ em không?” Hỏi không phải vì không biết, mà là thích được nghe thêm lần nữa cái câu muôn thuở: Yêu em và nhớ em thật nhiều! Ở đây, câu thơ viết về điều ấy thật nhẹ nhàng, như lời thủ thỉ yêu thương:
 
“Vẩn vơ hỏi mãi… làm gì?
Nhớ quên công việc… anh đi lẻ lòng
Bao lần em hỏi… nhớ không?
Xa em… kể mấy nhớ mong cho vừa!”
 
          Anh đi và nhớ em, em có biết lòng anh nơi xa thật cô đơn và lẻ loi, khi bất chợt chạnh lòng nghĩ rằng, biết đâu một khoảnh khắc nào đó, em không nhớ tới anh, vì công việc hay vì một lí do rất… vu vơ nào! Nhưng dù thế nào đi nữa, thì tấm lòng anh dành cho em, hướng về em muôn đời không đổi, không có gì so sánh được! “Xa em… kể mấy nhớ mong cho vừa!”. Câu thơ cuối cùng kết thúc cũng bằng từ đã mở đầu bài thơ “Xa em…” đã tạo nên điệp khúc tình yêu sâu lắng, và dư âm của nó còn vang mãi. Chẳng có từ nào diễn tả “cho vừa” nỗi nhớ mong thiết tha ấy!...
          Âm hưởng dịu dàng, ân cần của bài thơ “Lục bát xa em” và những từ ngữ giản dị, lắng đọng trong những cung bậc tâm hồn, đã tạo nên một khúc tâm tình thiết tha nhất về tình yêu nỗi nhớ. “Xa em”, nhưng lại thấy gần gũi biết bao!
 
9/4/2012
 
Quỳnh Trâm
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: