Thứ sáu, 19/04/2024,


Lục bát Nguyễn Bảo Sinh (04/04/2012) 
 
Trước Nguyễn Bảo Sinh, lục bát đã rất nhiều “tuổi” - ít nhất cũng bằng tuổi ca dao. Nhà thơ Việt Nam nói chung có lẽ không ai không thử bút ở thể loại truyền thống này. Nhưng có được một câu lục bát để đời không phải chuyện dễ, mặc dù đã từng xảy ra trường hợp bài lục bát có tên tác giả đàng hoàng mà người ta cứ tưởng ca dao. Đó là bài thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải:
 
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.”

Thế kỷ XIX, bằng “truyện Kiều” Nguyễn Du đã đưa thể lục bát dân tộc lên một tầm vóc mới - bác học hơn và sang trọng hơn. Chỉ có bút lực của thiên tài mới làm được như vậy.
Là thể thơ thuần Việt, một bài thơ lục bát tối thiểu phải có hai câu: một câu sáu chữ (tiếng) và một câu tám chữ đi cùng nhau. Cách gieo vần của lục bát luôn theo công thức chữ thứ sáu của câu bát phải cùng vần với chữ cuối của câu lục ở trên. Chữ cuối của câu bát đó lại phải cùng vần với chữ cuối của câu lục tiếp theo và cứ như thế cho đến hết bài. Làm thơ lục bát khó nhất là gieo vần. Ngay cả nhà thơ nổi tiếng cũng có lúc không tránh khỏi sự gượng ép trong khi sử dụng từ ngữ để hiệp vần:

“Tiên rằng: "Bớ chú cõng con!
Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài?”
(“Lục Vân Tiên” - Nguyễn Đình Chiểu )

Lục bát Việt Nam hiện đại có thể kể tên nhiều tác giả mà tác phẩm của họ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc như Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn.... Người ta cũng hay nhắc đến Bút Tre, người đã sáng tạo ra kiểu tách từ, ngắt câu, hiệp vần không giống ai nhưng lại được dân gian bắt chước đến độ không còn phân biệt được đâu là Bút Tre thật và đâu là Bút Tre giả:

“Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng”

Nguyễn Bảo Sinh với kiểu tư duy thơ rất lạ, đã thêm tên mình vào danh sách những người làm thơ lục bát đáng được nhắc đến, dẫu cho ông tự nhận là nghiệp dư, hay chỉ là một “tay chơi”:

“Làm thơ anh chỉ nghiệp dư
Hội thơ chuyên nghiệp họ chưa cho vào
Yêu em anh cũng nghiệp dư
Hội yêu chuyên nghiệp họ chưa cho vào!”

“Làm thơ nuôi chó chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!”

Chơi đến “bơ phờ”, chơi hết mình quả thật hiếm có và đáng nể. Thời buổi này, người ta làm thơ như gà đẻ trứng, thơ “… như rác đổ thùng” (Chế Lan Viên). Có không ít nhà thơ được gọi là chuyên nghiệp nhưng tác phẩm của họ chẳng được nhớ đến dù chỉ một câu. Vậy mà nhiều bài lục bát của “tay chơi” nghiệp dư Nguyễn Bảo Sinh lại khơi gợi được hứng thú của người đọc, thậm chí được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đưa vào tác phẩm của mình. Với người làm thơ, đó là một niềm hạnh phúc lớn.
Lục bát của Nguyễn Bảo Sinh rất giống ca dao ở việc dùng hình ảnh so sánh, liên tưởng; đến nỗi nhiều bài đọc lên ta cứ thấy ngờ ngợ. Chẳng hạn:

“Đôi ta như thể đôi bờ
Gặp nhau sóng chẳng bao giờ thành sông
Thôi đành muôn kiếp song song
Đôi ta trả lại dòng sông cho đời”
(“Đôi bờ”)

Nhưng nếu lục bát ca dao (không kể ca dao trào phúng) thường mang đậm chất trữ tình – tự sự (yếu tố kể) thì lục bát Nguyễn Bảo Sinh lại mang đậm chất triết lý - một thứ triết lý dân dã, đời thường thời hiện đại. Vì vậy, xét ở một khía cạnh nào đó, lục bát Nguyễn Bảo Sinh rất gần với tục ngữ. Nói cách khác, những bài lục bát này là sự đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn, những quan sát, chiêm nghiệm về cuộc đời của một con người ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Nhiều mối quan hệ vốn có của đời sống đã được soi rọi từ một góc nhìn mới, lạ và được nói ra bằng một giọng tưng tửng, nhiều lúc như bỡn cợt mà hình như lại rất nghiêm chỉnh, hàm chứa những chân lý của đời sống, những sự thật trần trụi. Và thấp thoáng phía sau là nụ cười hóm hỉnh của tác giả. Đôi khi sự luận giải của ông về một hiện tượng nghe phi lý, buồn cười, nhưng nghĩ cho kỹ lại thấy... có lý:

“Ngày xưa trái đất hình vuông
Cho nên đi đứng trên đường thẳng hơn
Bây giờ trái đất hình tròn
Cho nên bao kẻ lom khom định bò”.
(“Vuông tròn”)

Đề tài sáng tác của Nguyễn Bảo Sinh là những điều bình thường, quen thuộc trong cuộc sống. Chỉ cần điểm tên các bài thơ cũng thấy rõ: “ Con”, “Đạo bồ bịch”, “Danh”, “Tự do”, “Mê ngộ”, “Yêu”, „Nợ”, “Đời người”... Khi viết về những đề tài này, dường như ông muốn “định nghĩa” lại các hiện tượng, muốn đem vào các khái niệm thông thường cách nghĩ mới của mình, cho nên nhiều bài lục bát của ông được viết theo kiểu “A là B”:

“Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con”
(“Con”)

“Vợ là cửa cái, bạn gái là cửa sổ.
Càng nhiều cửa sổ càng sang,
Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra.
Vợ là cửa cái nhà ta,
Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng”.
(“Đạo bồ bịch”)

“Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông!”
(“Tu”)

Việc đem vào các khái niệm thông thường một nội hàm mới, một cách hiểu mới dựa trên sự đúc kết kinh nghiệm cá nhân nhà thơ qua nhiều bài lục bát đã tạo ra những nhận thức bất ngờ, lý thú cho người đọc. Lẽ dĩ nhiên, khi nói về đạo làm người, một số bài lục bát của Nguyễn Bảo Sinh không tránh khỏi tính chất giáo huấn như ca dao, tục ngữ:

“Đừng trách đời làm khổ ta
Ta làm khổ họ gấp ba bốn lần
Nên khi nhắm mắt lìa trần
Chỉ xin được nói một lần: Cảm ơn!”
(“Cảm ơn”)

“Muốn đừng để đời chửi ta
Thì đừng cố bắt người ta khen mình”
(“Vô đề”)

 
Cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
 
Không chỉ mang tính chất triết lý dân gian hiện đại, lục bát của Nguyễn Bảo Sinh còn có “yếu tố của Phật giáo”(chữ dùng của Nguyễn Huy Thiệp). Đọc thơ ông, người ta bắt gặp một hệ thống từ ngữ của Phật giáo như “tu”, “nhân duyên”, “mê”, ngộ”, “bể khổ”, “cực lạc”, “Tây Trúc”, “thiền”, “cà sa”... Không dừng lại ở các từ ngữ, nhiều bài thơ của ông thấm nhuần quan niệm của đạo Phật về kiếp người như bài lục bát dưới đây:
 
“Nhà mình bảo bãi tha ma
Quán trọ lại nhận đây là nhà ta
Vào nhà lại bảo rằng ra
Đến trọ lại bảo rằng ta về nhà”
(“Nhà đâu”)

Có những bài thơ của Nguyễn Bảo Sinh đã đạt đến sự nhuần nhuyễn giữa triết lí đời sống và yếu tố Thiền như:
 
“Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang”
(“Đò ngang”)

Phải chăng do chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo và triết lý dân gian nên nhiều bài lục bát của ông được xây dựng trên mối quan hệ nhân - quả mà biểu hiện rõ nhất là trong thơ ông thường có kiểu câu “Vì...nên”, “cho nên”...? Phật giáo giúp cho ông “giác ngộ” về lẽ sinh diệt của con người để rồi có một thái độ ung dung tự tại trước mọi đổi thay của hoàn cảnh, không kinh ngạc trước các hiện tượng bất thường của đời sống và luôn lạc quan. Nhưng cũng như hầu hết chúng sinh, Nguyễn Bảo Sinh không phải là người thoát tục:
 
“Đời là bể khổ mênh mông
Sao ai cũng muốn sống trong bể đời
Quy tiên là được lên trời
Sao ai cũng muốn sống đời trần gian”
(“Bể khổ”)


Hai câu lục bát - hai câu nghi vấn, mà thực ra cũng đã chứa đựng sự khẳng định. Có lẽ chất Thiền trong lục bát Nguyễn Bảo Sinh là ở sự khích lệ con người đứng cao hơn những tham, sân, si; nhìn mọi sự hỉ, nộ, ái, ố của kiếp người bằng cái nhìn bình thản. Điều này không hề mâu thuẫn với ước muốn mãnh liệt được gắn bó với cuộc đời:
 
“Cho ta về chỗ gió mưa
Cho ta về chỗ có trưa có chiều
Về nơi có ghét có yêu
Nắng, mưa, yêu, ghét, sớm, chiều như ta”
(“Như ta”)

Tóm lại, lục bát Nguyễn Bảo Sinh là một thứ lục bát có sức hấp dẫn, đem đến nhiều điều thú vị cho người đọc. Tiếc rằng, ở một số bài, tác giả còn để xảy ra hiện tượng lặp từ khi gieo vần một cách dễ dãi.
 
 
Hoàng Trọng Hà
(Nguồn: Báo Lâm Đồng)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - NgocjNX1939@ gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 01/10/2015 14:37:18)

GỬI TÁC GIẢ BẢO SINH

Bảo Sinh ơi hỡi Bảo Sinh
Thơ anh đã để cho mình nhớ lâu
Tôi xin chắp nối đôi câu
Để cho phong phú cho giầu tình thơ

CỬA CÁI VÀ CỬA CON

“Vợ là cửa cái trong nhà”
Em là cửa sổ hay là “cửa con”
Bây giờ em vẫn còn son
Về làm cửa cái nuôi con cho chàng

Có thương nên thiếp nên chàng
Không thương gì ghẻ con “chàng ” thêm đau
Thôi đành đợi đến kiếp sau
Dập dìu chi để thêm sầu cô đơn
Xuân Ngọc

  Đoàn Đức Hiền - hiendd@haphong.com.vn - 0914351727 - t8-83ALyThuongKiet Hoan Kiem  (Ngày 06/04/2012 9:37:41)

Tôi quen và khâm phục Anh Bảo Sinh từ lâu và thuộc lòng rât nhiều thơ của Anh.Thế cũng đủ nói rằng thơ Anh sống được trong lòng công chúng mà không cần phải goi , phải tôn vinh Anh thành nhà này nhà nọ, có một bài của Anh tôi muốn nhắc lại đây để mọi người suy ngẫm:
Trăng qua cửa sổ trăng vuông
Gió dẹt mình xuống để luồn mái gianh
Con người muốn lọt vào Danh
Thì mình phải tự ép thành cái Tên !
Kính chúc Anh Sống vui Sống khỏe để cho chúng tôi được đọc nhiều thơ Anh hơn nữa !
Đoàn Đức Hiền

  Chu Văn Keng - cv-keng@gmx.de - 00 49 30 2966 1360 - N.B.Str.27/10245 Berlin CHLB Đức  (Ngày 04/04/2012 22:14:04)


Nhắc đến Bảo Sinh, tôi vô cùng khâm phục ông
và luôn coi ông là một nhà Hiền Triết của thời hiện đại...
Tôi đã làm bài thơ để tri ân ông:

NGẪM...

Hai câu thơ của Bảo Sinh
Ngang tầm tâm thức...sánh bì ca dao

"Ra đường sợ nhất Công - Nông
Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì"
Bảo Sinh ơi! Ông thật tài
Thời đại thâu tóm...nói gì hôm nay?
Ông dùng "sợ nhất" thật hay!
Lại còn thật đúng...hiện nay dân mình

Thơ ông sao ngẫm...thấu tình
Nhưng vẫn đạt ý để đời...tạc ghi!

Chu Văn Keng, CHLB Đức

Các bài khác: