Thứ sáu, 29/03/2024,


Ngỡ như tóc gió dài thêm kiếp người! (29/03/2012) 
 
THĂM MỘ EM MÙNG 8 THÁNG 3
Trời còn sương gió mù mờ
Thăm em giữa chốn bơ vơ vắng người
Lúa chưa xanh được tiếng cười
Em nằm dưới mộ biết đời còn Xuân?

Đã xa nửa kiếp phong trần
Em ơi... giờ đã bớt dần vết đau!?
Nhớ ngày hai đứa bên nhau
Tóc em xanh cả một bầu trời mây

Em nằm đây
Anh ngồi đây
Cách nhau nửa thước đất dày mà xa...
Đĩa hoa mùng tám tháng ba
Khói hương sao cũng xanh da thế này?!

Hạt sương đậu ngọn cỏ may
Gió lay run cả tháng ngày không em
Đưa tay vuốt ngọn cỏ mềm
Ngỡ như tóc gió dài thêm kiếp người!
 
Nguyễn Khắc Hiền
 
 
Khi bạn đọc một bài thơ, ai đó hỏi bạn là bài thơ đó thế nào? Bạn trả lời “hay”. Lúc đó bạn đã thực sự hiểu thế nào là “hay” chưa? Hay chỉ là bởi vì nó có một chút gì đó giống với cảm xúc của bạn trong một khoảnh khắc nhất thời nào đó? Để viết lên những cảm nhận, có rất nhiều từ mà ta khó có thể phân tích cặn kẽ. Nào hãy cùng nhau đi tìm xem cái “hay” là gì? Có bài thơ hay về ý, có bài hay về tứ hoặc những lời thơ được tỉa tót gọn gàng, trau chuốt. Có bài thơ hay vì cảm xúc của nó gần gũi với cảm xúc nhiều người. Có những bài thơ hay vì đọc nó ta thấy toát lên một niềm vui khó tả, nhưng có những bài thơ phải buồn mới hay.
Dường như Nguyễn Khắc Hiền được sinh ra là để viết những vần thơ buồn. Hơn nửa sáng tác của anh là những bài thơ buồn da diết. Nỗi buồn của những éo le cuộc sống, nỗi buồn của những chia ly mất mát, nỗi buồn này trùm lên những nỗi buồn khác đã làm nên cái “để đời” của thơ anh. Bài thơ “Thăm mộ em 8/3” của Nguyễn Khắc Hiền là một trong số những bài thơ như thế.
“Trời còn sương gió mù mờ
Thăm em giữa chốn bơ vơ vắng người”
Mở đầu bài thơ tác giả đã dẫn ta đến một khung cảnh mờ ảo của cái chốn “bơ vơ vắng người” mà âm dương cách biệt. Cũng tại nơi này anh đã không thể kìm nổi lòng mình mà chợt nấc lên tiếng nấc nghẹn ngào của hai phần ba cuộc đời kìm nén.
“Lúa chưa xanh được tiếng cười
Em nằm dưới mộ biết đời còn Xuân
Đã xa nửa kiếp phong trần
Em ơi giờ đã bớt dần vết đau?
Những câu thơ toát lên nỗi xót xa về sự đau đớn mà người còn sống đang ngày ngày phải cố gồng đôi vai để gánh chịu. Nỗi buồn quá lớn của một người con trai đã mất đi người yêu từ khi còn rất trẻ. Trong anh những hình ảnh của mối tình thời trai trẻ ấy luôn hiện hữu, ùa về quẫy đạp.
“Nhớ ngày hai đứa bên nhau.
Tóc em xanh cả một bầu trời mây”.
Hạnh phúc đẹp là thế, thơ mộng là thế, vậy mà bây giờ:
“Em nằm đây, anh ngồi đây
Cách nhau nửa thước đất dày mà xa”
Câu thơ thể hiện nỗi đau mất mát lớn nhất của bài thơ. Tấc đất ấy ngày xưa đã là nơi cho người ấy trốn để anh đi tìm. Màu của đất nơi đồng chiêm ấy đã nhuốm vàng cả những ngón chân của người con gái mà anh đã yêu sau nhiều vụ cấy. Tuổi 17 đã biết yêu từ đấy. Thế mà bây giờ, tấc đất thân yêu quen thuộc kia đã chia cắt duyên anh. Khi nỗi đau dâng đến tột cùng, anh đã khóc:
“Đĩa hoa mùng tám tháng ba
Khói hương sao cũng xanh da thế này”
Trong nhạt nhòa của khói hương nghi ngút, anh đã cất lên tiếng nấc nghẹn ngào nhớ thương người đã khuất hay anh đang khóc cho nỗi đau của người còn sống ? Sự mất mát quá lớn, nỗi đau quá lớn tưởng khó có thể vượt qua. Đã có lúc anh phải cố bấu víu vào cái gì đó để đứng dậy.
“Hạt sương đậu ngọn cỏ may
Gió lay run cả tháng ngày không em”.
Những ngày tháng ấy, cái màu nâu của đất, cái mơn mởn của lúa đang thì con gái hay màu xanh của từng vạt cỏ may với anh cũng đều là chỗ dựa.
“Đưa tay vuốt ngọn cỏ mềm
Ngỡ như tóc gió dài thêm kiếp người!”
Phải nói rằng câu kết của bài thơ đã là một sự thăng hoa của cảm xúc. Hình ảnh “tóc gió dài thêm kiếp người” là một phát hiện mới và ấn tượng của bài thơ, nó đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Kiếp người hay kiếp nhân sinh, thoáng chốc qua đi, chỉ mấy độ xuân tàn rồi nhắm mắt. Đọc đến đây ta chợt liên tưởng đến một hình ảnh: “Hồn còn tìm bóng dáng xa/ Thời gian thoáng chốc đi qua kiếp người”. Câu kết là một bất ngờ, một sáng tạo đã mang lại thành công của bài thơ. Cuộc đời thì ngắn mà nỗi nhớ thì dài. Hình ảnh câu kết với sự khát khao sự sống đã cho ta thấy kiếp người cần được trân trọng nâng niu nhiều hơn thế. Câu thơ còn cho ta thấy được cái giá trị lớn lao của một con người. Ta sẽ yêu nhiều hơn những kiếp người ấy bởi lẽ giá trị của con người là vô hạn vì bản thân nó là hữu hạn, phải vậy không? Tôi chắc chắn là mọi người đều nghĩ vậy, tôi cũng vậy, bạn cũng vậy và… Nguyễn Khắc Hiền cũng vậy.
Đọc xong bài thơ, phảng phất một nỗi buồn trĩu nặng nhưng lại nhìn thấy hình ảnh một linh hồn đang bay lên cùng cỏ xanh. Những câu thơ mượt mà trau chuốt thẫm đẫm nỗi buồn nhưng mang đậm tính nhân văn. Bài thơ của anh đã thổi bùng lên tình yêu lứa đôi và khát khao sự sống. Bởi lẽ, khi đọc xong nó ta đã gặp ở đây một Nguyễn Khắc Hiền yêu, một Nguyễn Khắc Hiền thơ, một Nguyễn Khắc Hiền tình rất tình.
 
Nguyễn Thúy Hạnh
Email: hanhncdt@yahoo.com
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: