Thứ bảy, 27/04/2024,


"Đừng khuyết tháng Giêng" - Bài thơ khát vọng đời người. (18/02/2012) 
 
ĐỪNG KHUYẾT THÁNG GIÊNG
 
Tháng giêng là tháng giêng xoan
Lả lơi câu hát hội làng yếm bay
Ngỡ ngàng, lá chẳng muốn lay
Gió còn ngơ ngẩn vì say dáng người
Tháng giêng non một vòm trời
Thả muôn mảnh vỡ tiếng cười bên sông
Ngực em mơn mởn nụ hồng
Ta đem lông ngỗng... để không lạc đường!
Tháng giêng môi ướt niềm thương
Một hơi thở nhẹ cũng tương tư buồn
Tóc thề nắng sớm vừa buông
Đôi tay cuống quýt muốn luồn sợi yêu
Tháng giêng là tháng giêng kiêu
Đời bao giấc mộng của nhiều ái ân
Ngây thơ trong cõi hồng trần
Em về bên ấy đau thầm lòng ta
Cầu cho giá lạnh đi qua
Áo em vẫn chật, nụ hoa vẫn hồng
Tháng giêng đừng khuyết... bến sông
Vu vơ nỗi nhớ... bềnh bông tiếng cười!
 
Dương Phượng Toại
 
 
Trăng khuyết rồi trăng lại tròn, hoa tàn cho nụ bừng thức, sông cạn rồi lại đầy, đông qua thì xuân tới. Đó là những quy luật tuần hoàn bất biến của tự nhiên. Và thời gian nữa, cứ mải miết trôi đi vô thủy vô chung, bắt đầu vào tháng giêng, kết thúc tháng mười hai. Trong chuỗi chuyển động tuần hoàn ấy có một điều gì đó tác động sâu sắc tới Dương Phượng Toại. Bởi thế anh chọn tên thi phẩm của mình nghe là lạ: “Đừng khuyết tháng giêng”. Đọc hết bài thơ ta ngộ ra tác giả thật có lý:
Tháng giêng là tháng giêng xoan
Lả lơi câu hát hội làng yếm bay
Ngỡ ngàng, lá chẳng muốn lay
Gió còn ngơ ngẩn vì say dáng người.

Tác giả mượn khách thể là lá và gió để nói thay lòng mình chứ thật ra là anh đang bị “tháng giêng” hút hồn, như “gió còn ngơ ngẩn”... Một cách nhìn khái quát mô phỏng cho người đọc hình dung ra vẻ đẹp quyến rũ của hội xuân. Đó là những hoạt động đậm nét văn hóa phồn thực Á Đông. “Tháng giêng non một vòm trời/ Thả muôm mảnh vỡ tiếng cười bên sông”. Nụ cười trữ tình đặt vào một không gian trữ tình mới khéo làm sao. Chỉ khi nào ta thật sảng khoái với tâm hồn trong veo mới có được nụ cười hồn nhiên đến như vậy. Tôi có cảm giác tác giả bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của hội làng, của mùa xuân đầy những mảnh vỡ tiếng cười. Điều gì đã chi phối anh đến vậy. Chỉ có tình yêu mà thôi, chẳng phải thế mà: “Ngực em mơn mởn nụ hồng/ Ta đem lông ngỗng... để không lạc đường”. Câu thơ tưởng như là bâng quơ nhưng chứa đựng những ẩn dụ thầm kín bên trong. Ngực em, nụ hồng, lông ngỗng, lạc đường. Nếu quan sát kỹ ta sẽ bắt được tình ý của tác giả. Tình ý ấy đã được ngụy trang khéo léo bằng cách mượn bóng câu chuyện tình xa xưa của Trọng Thủy - Mỵ Châu. Này nhé, nàng Mỵ Châu theo vua cha chạy trốn dùng lông ngỗng chỉ đường cho ngườì yêu tìm đến. Còn chàng Dương Phượng Toại lại dùng lông ngỗng để làm dấu riêng cho mình, vì sợ mải mê ngắm nụ hồng đẹp mà quên mất lối về. Dù nụ hồng kia có đẹp đến bao nhiêu, anh cũng không thể quên lối về ngõ nhà mình, về với đóa hồng của anh ở vườn nhà. Và có lẽ đây cũng là sự mách bảo cho chúng ta vì sao lại đừng khuyết tháng giêng là thế.
Tháng Giêng trong tâm hồn nhà thơ thật đẹp và diệu kỳ:

Tháng giêng môi ướt niềm thương
Một hơi thở nhẹ cũng tương tư buồn
Tóc thề nắng sớm vừa buông
Đôi tay cuống quýt muốn luồn sợi yêu.

Tôi không thích từ cuống quýt, có gì đó hơi gấp gáp, thiếu tự chủ không đúng với phong cách của Dương Phượng Toại. Đó là theo cảm quan của riêng tôi. Nhưng cả khổ thơ thì tôi lại rất cảm tình. Lời thơ dung dị có phần mộc mạc nhưng biểu cảm nội tâm thật sâu lắng.
Chọn thể thơ lục bát cho thi phẩm Dương Phượng Toại khai thác triệt để được thế mạnh của mình đã là khôn khéo. Lối dẫn dụ bài thơ của anh càng tinh tế hơn. Phần đầu bài thơ tưởng như ý thơ thể hiện hướng ngoại. Nhưng càng về cuối ta mới nhận ra biểu cảm của anh hoàn toàn hướng nội:
 
Tháng giêng là tháng giêng kiêu
Đời bao giấc mộng của nhiều ái ân
Ngây thơ trong cõi hồng trần
Em về bên ấy, đau thầm trong ta.

Đây chính là điểm nhấn tầng sâu tư tưởng của bài thơ. Những điều thầm kín anh muốn gửi gắm bây giờ mới thực sự bộc bạch. Với cách nhìn nhân văn sâu sắc, nhà thơ biểu đạt rất rõ ràng và trong sáng quan điểm của mình. Điều gì đến khắc sẽ đến, dù không bén duyên nhưng chia tay thì không khỏi giằng xé, níu kéo. Điều đáng trân trọng ở đây đầy nỗi đau ấy chỉ mình nhà thơ biết, rồi âm thầm tự xoa dịu. Không những thế, anh tìm ra được sự giải thoát cũng thật là khoáng đạt:
 
Cầu cho giá lạnh đi qua
Áo em vẫn chật nụ hoa vẫn hồng.

Mãi mong cho cuộc đời tươi đẹp bởi những nụ hoa vẫn hồng sắc ban đầu tươi mới, và áo em, tức vồng ngực, cơ thể thiếu nữ, vẫn căng đầy nhựa sống thanh tân.
Bài thơ được kết thúc bằng câu kết cũn là lạ như tên bài thơ:
 
Tháng giêng đừng khuyết... bến sông
Vu vơ nỗi nhớ... bềnh bông tiếng cười.

Một câu kết mở không chỉ dành riêng cho mình. Anh chờ ở người đọc điều gì đó mà chỉ có ở mỗi một người đọc mới tìm thấy sự đồng điệu với tiếng lòng của nhà thơ. Đọc hết bài thơ mà như còn muốn đọc tiếp bởi những câu lục bát nhuần nhụy. Dương Phượng Toại không chỉ ru lòng mình, mà còn ru cả lòng người. Đi suốt cả bài thơ ta chỉ nghe thấy sự dịu dàng ấm áp của những nốt nhạc dịu êm, những hơi thở trầm ấm. Dường như mặt hồ không xao động, nhưng ở tầng sâu thăm thẳm lại đang xôn xao những tình cảm rất riêng của Dương Phượng Toại với tháng giêng vừa xoan lại vừa kiêu./.
 
 
Vũ Quang Năm
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: