Thứ sáu, 26/04/2024,


Tuyên ngôn của một người phụ nữ làm thơ (21/11/2011) 
 
LAN MAN VỚI THƠ
 
Ngại ngùng trước những danh xưng
Đóa thi ca nở thẹn thùng chốn quê
Buồn vui rưng lối em về
Câu thơ lạc giữa bộn bề lo toan...

Thói đời, cũng lắm đa đoan
Cầu cho nhân nghĩa ngập tràn trái tim
Khóc - cười thơ vẫn lặng im
Cùng em khấp khểnh đi tìm tri âm...

Đa mang chi mấy sắt cầm
Đèo bòng chữ nghĩa nhủ thầm lòng trinh
Viết gì để đúng là mình
Cái danh thi sĩ như bình hoa thôi!?

Áo cơm bươn trải phận người
Tâm trong xanh biếc cuộc chơi vô thường
An nhiên tựa bóng tà dương
Chờ trăng sáng rọi nẻo đường thơ qua!
 
Phạm Tâm An
 
 
Cuộc sống với muôn vàn góc cạnh, sắc màu… cứ cuốn con người ta vào vòng xoáy của nó. Với một người phụ nữ bình thường thì điều đó đã là những nỗi nhọc nhằn, với người phụ nữ mang tâm hồn nhạy cảm của thi ca thì những nỗi niềm ấy càng thêm chất chứa, dồn nén đến khôn cùng, để rồi những dứt day, vò xé ấy sẽ tới lúc bật ra thành những câu chữ, thành ngôn ngữ thi ca. Vậy nên những người phụ nữ vướng vào nghiệp văn chương thường là những người có lắm nỗi đa đoan trong cuộc sống. Phạm Tâm An cũng vậy. Với bài thơ “Lan man với thơ” của nữ thi sĩ đất cố đô Hoa Lư đã khắc họa rất rõ nét những tâm tư, trăn trở của một người phụ nữ làm thơ. Những câu thơ chính là sự giãi bày nỗi lòng của tác giả, nó tựa như từng mảng da thịt được cắt ra để bày lên cho mọi người chiêm ngưỡng, cách ví von này có thể hơi cường điệu nhưng quả đúng như vậy.
Qua bài thơ, ta thấy hiện ra hình ảnh một người phụ nữ chân quê đang tong tả bước đi trong dòng xoáy cuộc đời, trên vai mang nặng những lo toan vất vả của cuộc sống và cũng mang nặng một nỗi niềm trên con đường đi đến với thi ca. Tuy nhiên, người phụ nữ ấy lại có một dáng vẻ an nhiên trước tất cả những xô bồ của cuộc sống và cả trong chốn văn chương. Cái sự điềm đạm ấy được thể hiện ở khổ thơ thứ ba:
 
Đa mang chi mấy sắt cầm
Đèo bòng chữ nghĩa nhủ thầm lòng trinh
Viết gì để đúng là mình
Cái danh thi sĩ như bình hoa thôi!?

Tự biết mình là ai và đang đứng ở đâu là một điều rất khó mà không thể ai cũng làm được. Phạm Tâm An đã có một ánh nhìn bình thản, một sự điềm tĩnh đối với những bon chen đời thường. Tuyên ngôn thơ này có thể ví như một nhát búa giáng vào thói háo danh, tự mãn thường thấy trong giới văn chương.
            Tới khổ thơ cuối thì tư chất của người phụ nữ làm thơ được khẳng định với một nỗi khát khao cùng một cái tâm trong sáng:
 
Áo cơm bươn trải phận người
Tâm trong xanh biếc cuộc chơi vô thường
An nhiên tựa bóng tà dương
Chờ trăng sáng rọi nẻo đường thơ qua!
 
Cứ an nhiên mà sống rồi ai cũng sẽ đạt tới cái đích của mình. Đây chính là triết lý sâu xa trong đạo Phật. Hãy sống trong đời bằng một cái tâm trong sáng, hãy biết tự kiềm chế và xem thường những hư vinh, những ham hố đời thường, bởi những gì là của mình thì ắt ta sẽ gặp được nó trên đường đời và ngược lại.
Phạm Tâm An, một người đàn bà làm thơ cần mẫn ở chốn quê, một cái tên chưa được biết đến nhiều trên văn đàn. Nhưng qua những câu chữ gói ghém trong bài thơ “Lan man với thơ”, người viết bài này tin rằng, nếu như chị tiếp tục theo đuổi con đường thi ca đầy nhọc nhằn và trắc trở này thì chị sẽ có được những bước tiến xa, rất xa…
 
 
Hoàng Văn
Email: hoangvanynh@yahoo.com.vn
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: