Thứ bảy, 27/04/2024,


Ước gì trở lại người dưng một thời (09/11/2011) 
 
Người dưng
 
Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này
(Ca dao)
 
Bỗng dưng lại nhớ quá chừng
Gió ơi xin gió hãy đừng rung cây!
 
Không! Không! Quyết chẳng mê say
Người dưng không nghĩ, lối này không qua
Ta về nhặt những cánh hoa
Mùi hương rất lạ như là nụ hôn
Mắt người nghiêng xuống nỗi buồn
Chiều dồn thành lửa đêm dồn thành than.
 
Không! Không! Quyết chẳng mơ màng
Ta về nhặt ánh trăng vàng mình ta
Người từ một cõi trời xa
Bàn tay giọng nói cứ nhoà vào tim
Run run nâng mái tóc mềm
Giật mình! Chỉ có bóng đêm mịt mùng
 
Ước gì bắt được gió rừng
Ước gì trở lại người dưng một thời.
 
Thu Loan
(Tạp chí Văn nghệ quân đội số 12/1995)
 
 
Có bao nhiêu đôi lứa yêu nhau thì có bấy nhiêu cung bậc tình yêu, kiểu dáng tình yêu. Có tình yêu thầm kín, có tình yêu mãnh liệt sôi nổi, có tình yêu gần mà như xa, có tình yêu thân mật như bè bạn..., nói như nhà thơ Lưu Trọng Lư thời kỳ Thơ Mới ra đời là “trăm hình muôn trạng”. Người yêu có khi được gọi đúng tên “người tình” đầy âu yếm, nhưng cũng có khi ẩn dưới cái tên “bạn” hay “người quen”, “người ấy”... Và có một “người dưng” nhưng đầy tha thiết, đắm say trong thơ Thu Loan đang chờ chúng ta giải mã. Lời đề từ là sự dẫn dắt đến mã số ấy:
 
“Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”
 
Bài thơ có bốn đoạn, nhưng tập trung miêu tả tâm trạng và thể hiện tứ thơ là ở hai khổ giữa, mỗi khổ bắt đầu bằng hai từ “Không! Không!”. Toàn thể đoạn thơ gợi nhớ những dòng tự sự của chàng trai trong “Người hàng xóm” (Nguyễn Bính):
 
“Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng?
Không, từ ân ái nhỡ nhàng
Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao”
 
“Cái gì như thể nhớ mong
Nhớ nàng, không, quyết là không nhớ nàng
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa”
 
Để rồi:
 
“Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng!”
 
Với những đoạn thơ của Thu Loan, cho thấy một sự tương phản mạnh mẽ giữa lý trí và con tim. Lý trí: quyết không nghĩ, không nhớ (hai từh: “ Không, không” lặp lại hai lần đầy quyết liệt). Nhưng trái tim thì vẫn nhớ, vẫn mơ tưởng, vẫn yêu tha thiết...
Nỗi nhớ tưởng đã vùi sâu trong tâm tưởng, người xưa tưởng đã thành người dưng. Thế mà bất chợt cơn gió miền ký ức đã ùa về, đánh thức dậy, làm trào dâng nỗi nhớ: nhớ đến “ quá chừng”.
Nỗi nhớ lan toả từ những cánh hoa, từ mùi hương vây bọc lấy tâm trí, đánh thức hồi tưởng về nụ hôn xưa, nhưng đậm nét nhất là từ ánh mắt. Ai đó đã nói tình yêu bắt đầu từ ánh mắt. Ánh mắt là tâm điểm của nhớ thương.? đây, ánh mắt đã được đặc tả và cực tả. Không còn chỉ là một “ rặng mi dài xao động ánh dương vui” (Xuân Diệu), một thoáng nhìn “ bối rối” (Đỗ Trung Lai), hay hơn nữa, những phút giây “nhìn nhau buồn vời vợi, có nói cũng khôn cùng” (Lưu Trọng Lư) mà đã là cả một vũ trụ đầy tâm sự:
 
“Chiều dồn thành lửa đêm dồn thành than”
 
Nỗi buồn dâng trong mắt, chiều và đêm dồn thành “lửa”, thành “than” cháy ngời trong đôi mắt ấy. Ánh nhìn ấy có sức lay động đến tận tâm can bởi những tín hiệu không lời chất chứa trong đó. Nó làm chao đảo cả linh hồn người bắt gặp, như xoáy ngầm hút tất cả. Nhưng phải có một tình yêu mãnh liệt, một sự choáng ngợp sâu xa của tâm hồn mới có thể cảm nhận được ánh mắt ấy:
 
“Mắt người nghiêng xuống nỗi buồn
Chiều dồn thành lửa đêm dồn thành than”
 
Cái phút “chiều dồn thành lửa đêm dồn thành than” ấy là khoảnh khắc thăng hoa, bay vút lên của tình yêu và cảm hứng. Đây cũng là câu thơ hay nhất trong bài.
Đoạn tiếp vẫn lặp lại quyết tâm của lý trí: “Không! Không! Quyết chẳng mơ màng” nhưng vẫn không sao kìm nén được tình cảm và cả sự yếu đuối của tâm hồn. Người yêu hay người dưng vẫn hiện về trong tâm tưởng:
 
“Người từ một cõi trời xa
Bàn tay giọng nói cứ nhoà vào tim
Run run nâng mái tóc mềm”
 
Hình ảnh người xưa thật đến nỗi con người đang kìm nén tình cảm đến tội nghiệp với những từ: “Không! Không!” dằn giọng mà yếu ớt kia bất giác:
 
“Run run nâng mái tóc mềm”
 
Nhưng hiện thực phũ phàng đã đập ngay vào mắt:
 
“Giật mình! Chỉ có bóng đêm mịt mùng”
 
Đó là sự tương phản giữa mơ ước, tình cảm và hiện thực. Không thể nói: “Không” trước tình cảm của chính mình, không thể tiếp tục kìm nén nhớ thương vì mọi cố gắng của lý trí đều vô nghĩa trước con tim, bài thơ đã phải bật ra lời thú nhận thực nhất:
 
“Ước gì trở lại người dưng một thời”
 
Và vậy là ở đây những kỷ niệm của một thời yêu dấu, những yêu thương sâu sắc nhất vẫn còn mãi trong lòng tác giả. Đó là cái Đẹp trong lòng người.
Hình ảnh “gió” được nhắc đến 3 lần (đề từ, hai câu đầu và hai câu cuối) phải chăng có một ẩn ý nào đó? Đó là gió thực, gió trong ký ức hay chỉ là cái cớ để tác giả nhắc tới “người dưng”? Có lẽ là cả ba. Nhưng tôi nghiêng về phía thứ ba hơn. Từ cơn gió mà nghĩ tới và tả nỗi nhớ, tình yêu – Thu Loan đã thể hiện một tình ý sâu sắc, tuy những kỷ niệm đã xa nhưng chỉ cần một cái cớ là dâng lên, tràn đầy tâm trí. Và gió đã trở thành tín hiệu đánh thức hoài niệm, yêu thương.
Bài thơ không có một từ “yêu” nào nhưng người đọc vẫn thấy thắm đượm không khí tình yêu. Đó là một trong những điểm hay và sáng tạo của bài thơ.
“Người dưng” ngắn gọn nhưng ý thơ phong phú, không trùng lặp, tình cảm sâu sắc, đã góp mặt vào thế giới thơ tình bằng cách riêng của nó.
 
 
Trần Thị Tích
Đ/c: 561 Ngô Gia Tự, TP. Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh
ĐT: 0985560078 - Email: ditimgiacmo78@gmail.com
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thanh Trang - thanhtrangchtq@gmail.com - 0963314986 - Chiêm Hóa, Tuyên Quang  (Ngày 08/10/2014 21:23:31)

Bài viết của chị hay quá!

Các bài khác: