Thứ sáu, 26/04/2024,


Từ trong sâu thẳm nát nhàu nhớ thương… (01/11/2011) 
 
ĐỐI THOẠI VỚI TRĂNG
 
Ô kìa, hỡi ánh trăng buông
Sao không tỏa sáng đêm buồn thế gian?
Không xanh xa, lại cứ vàng
Tãi mơn man... phủ khẽ khàng đồi hoang
Ô kìa, hỡi ánh trăng ngân
Cớ sao trăng khỏa trắng ngần ngực em?

Phải đâu là kẻ vô tình
Để em áo mỏng nguyên trinh căng đầy
Mảnh trăng vờ vĩnh thơ ngây
Cho em phải níu bóng mây thì thầm
Dẫu rằng trăng cố lặng câm
Cũng xin đừng phụ những lần khổ đau

Đêm nay mình lẫn vào nhau
Từ trong sâu thẳm nát nhàu nhớ thương…

Thủy Hướng Dương
 
 
 
Đây là bài thơ tình lãng mạn và hay, ẩn dụ mà kín đáo. Nếu chúng ta đọc kỹ, nghĩ sâu sẽ tìm ra ẩn số của bài thơ. Ngay khúc đầu của bài:

Không xanh xa, lại cứ vàng
Tãi mơn man... phủ khẽ khàng đồi hoang…

… Ô kìa, hỡi ánh trăng ngân
Cớ sao trăng ngả trắng ngần ngực em?
 
Phải chăng tác giả đã mượn trăng để nói hộ tình yêu nam nữ? Ở hai câu: "Tãi mơn man... phủ khẽ khàng đồi hoang/ Cớ sao trăng khỏa trắng ngần ngực em?" đã không thua gì nữ Thi sĩ Hồ Xuân Hương với: "Thân em vừa trắng lại vừa tròn" (Bánh trôi).

Tiếp đó là:

Phải đâu là kẻ vô tình
Để em áo mỏng nguyên trinh căng đầy
 
Cái căng đầy của Hồ Xuân Hương: "Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn"! Các đấng nam nhi nghe qua đã sởn da gà, chân tay lóng ngóng...!

Và nữa: 

Mảnh trăng vờ vĩnh thơ ngây
Cho em phải níu bóng mây thì thầm
 
Trộm nghĩ có thể người tình kia giả bộ "vờ vĩnh thơ ngây" để cho em phải níu vít cổ "bóng mây" mà "thì thầm" mà tâm sự.

Dẫu rằng trăng cố lặng câm
Cũng xin đừng phụ những lần khổ đau
 
Trăng lặng câm hay người lặng câm? Để cho nàng phải "... xin đừng phụ những lần khổ đau". Nàng đã dâng hiến cái "... nguyên trinh căng đầy", cái "... trắng ngần ngực em" mà anh cố lặng câm ư? Thật phũ phàng cho tình yêu đơn phương để cho nàng phải: "... níu bóng mây thì thầm". 

Tuy vậy nhưng đến hồi kết thì vẫn tràn đầy hạnh phúc: 

Đêm nay mình lẫn vào nhau
Từ trong sâu thẳm nát nhàu nhớ thương...


Bài thơ “Đối thoại với trăng” đã khép lại tròn vành vạnh như trăng rằm với ý sâu, tứ lạ, tính ẩn dụ mênh mông, trong thơ như có nhạc... Cái hay nhất của Thủy Hướng Dương là "ý tại ngôn ngoại”, yêu đắm say mà kín đáo, khao khát nhưng không dung tục.
 
Hà Nội: 23-10-2011

Hà Đức Ái (Đà Lạt)
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: