Thứ sáu, 26/04/2024,


Thơ lục bát và những cây bút tài hoa (02/10/2011) 
 
Sau giải phóng miền Nam, nhất là từ khi “Đổi mới”, thơ cũng chạy đua theo thời trang đẻ ra nhiều mốt lạ: Loại thì “Âu Á giao duyên”, loại thì “Dịch thơ ta ra tiếng Việt”, loại thì “Mười phần tốc bảy còn ba, đến khi quá đà tốc hai còn một” còn có loại chẳng khác gì hũ nút “Đọc xong hiểu được chết liền”!
Những đứa con tinh thần của các “Mẹ” thơ ấy được nhà thơ Trần Mạnh Hảo gọi là những “Quái thi”, những Quái thi ấy đã làm phí khá nhiều thời gian của người ham của lạ, thích tò mò!
Cũng hay - Trong các mốt thời trang, tà áo dài Việt Nam vẫn cứ là vô địch! Trong các mốt thơ thì Lục bát vẫn cứ là vô địch! Nó đã và sẽ sống mãi trong lòng dân tộc.
Những cây Lục bát  tài hoa của nước ta - Các bậc Tiền hiền có Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, kế tục sau này có Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Duy, Đinh Nam Khương...
Bùi Giáng và Đồng Đức Bốn đã rủ nhau đi gặp các bậc Tiền hiền còn Đinh Nam Khương, Nguyễn Duy... đang trụ vững để bảo tồn “Bình bát” của cụ Tiên Điền trao lại cho hậu thế.
Đúng như cố Thi sỹ Xuân Diệu khẳng định “Đinh Nam Khương đã góp phần trả lại giá trị cho thơ Lục bát” (Bàn việc làm thơ - VN số38 ngày 18 tháng 9 năm 1982).
Ông Nguyễn Huy Thiệp chia thơ lục bát ra làm hai môn phái - “Trí năng” và “Ngộ năng”. Ông cho rằng Trí năng dung tục hơn Ngộ năng, đọc câu lục có thể luận ra được câu bát, số người làm thơ kiều này khá đông đảo. sau đây là vài ví dụ:
 
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
 
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư đông đúc như hình con long
 
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói lên nghi nghút chẳng thơm tý nào
Khói bay đến tận Thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi đứa nào đốt rơm ?
 
Còn Ngộ năng thì: “lấy tình át chữ đọc câu sáu mà không đoán ra được câu tám thế nào. Ngộ năng  có phần hay hơn Trí Năng… Trí năng học tập được, rèn luyện được, ngộ năng thì chịu, dứt khoát trời cho”.
Nói theo Nguyễn Huy Thiệp thì Thi hào Nguyễn Du đúng là ông Tổ của môn phái này và số người kế tục có thể đếm trên đầu ngón tay. Chắc không ngoài mấy vị kể trên.
Trước hết là cụ Tiên Điền, cụ đã để lại cho dời tác phẩm Kiều tới hơn ba ngàn câu lục bát với phong cách ngôn ngữ tinh xảo, lão luyện qua cách ngắt nhịp, dùng từ, dùng hình ảnh rất gợi tả và gợi cảm. Khi tả cảnh thì cảnh gắn với tình. Cảnh và tình cứ như hình với bóng:
 
Sè sè nấm đất bên đàng
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
 
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
 
Còn đây là của cụ Tản Đà:
 
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
 
Hôm qua chửa có tiền nhà
Suốt đêm thơ nghĩ chả ra câu nào
Đi ra rồi lại đi vào
Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ
 
Tiếp theo Tản Đà là Nguyễn Bính:
 
… Em nghe họ nói phong thanh
Hình như họ biết chúng mình với nhau
Ai làm cả gió đắt cau
Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non
 
… Thế rồi máu chảy về tim
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi
Đêm qua mưa gió đầy giời
Trong hồn chị có một người di qua
 
Sau Nguyễn Bính có lẽ là Bùi Giáng:
 
… Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa
Gọi tên là một hai ba
Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm
 
… Rằng thưa ký ức đàn bà
Tên là thiếu nữ tuổi là dấn thân
 
Sau Bùi Giáng phải chăng là Đồng Đức Bốn và Nguyễn Duy?
 
Chăn trâu đốt lửa trên dồng
Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro
 
 
Tre xanh xanh tự bao giờ
Tự ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi!
                                                
Sau Đồng Đức Bốn và Nguyễn Duy là Đinh Nam Khương?
 
Lúa đi để lại tháng mười
Và cơn gió thổi rỗng trời ở trên
Trời cao bỗng vút cao thêm
Bâng khuâng vì hẫng chân đêm mất rồi
Gặt rồi còn gốc rạ thôi
Và bao nhiêu dấu chân người mới nguyên
 
Những cây bút tài hoa trên đây còn rất nhiều bài hay, câu hay. Rất tiếc, trong khuôn khổ này, không có điều kiện trích dẫn nhiều. Chỉ bấy nhiêu đây cũng đủ thấy: “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”!  
Hình như ở họ có một mẫu số chung về ngôn ngữ. Đó là sự tự nhiên giản dị, không dụng công gọt đẽo mà vẫn rất tinh xảo, không nạp điện mà vẫn phát sáng như ngọc trong trai như kim cương trong đá. Rất quen mà cũng vô cùng lạ. Có lẽ “Trời cho” là ở điểm này? Tâm là đây và tầm cũng là đây. Thơ lục bát mãi mãi là hồn thiêng đất Việt!
Phải thế này chăng? Thi hào Nguyễn Du trao “Bình bát” cho thế hệ sau để trường tồn mãi mãi.
         Lục bát còn thì nước Nam còn - đã như thế và mãi mãi là như thế!
 
Hoàng Tấn Đạt
(Hội Giáo chức BR-VT)
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Ninh - phvanninh801@gmail.com - 0987645231 - !0B- Khu G.V Quận Hà Đông- Hà Nội Hà Nội  (Ngày 11/10/2011 11:13:12)

Tác giả Hoàng Tấn Đạt trong bài viết có nêu những tác giả thơ lục bát từ trước đến nay nhưng chưa chọn được các tác giả thật sự tiêu biểu của thời kỳ từ sau Nguyễn Bính vì thế một số tác giả thơ lục bát đã cho rằng chưa có sự thỏa đáng và muốn liên hệ với tác giả Hoàng Tấn Đạt thì không rõ địa chỉ? kể cả anh chị em ở Bà Rịa- Vũng tàu cũng chưa đọc tác giả Hoàng Tấn Đạt- Hội giáo chức bao giờ? Hay là tác giả không muốn công khai địa chỉ ? Thường thường dưới các bài viết tác giả nên ghi rõ địa chỉ để anh chị em đồng nghiệp và bạn đọc tiện theo dõi, liên lạc...Vì ngoài bài viết ra còn có những nội dung trao đổi thuận lợi thì sẽ có tác động hữu ích hơn! Dù sao tôi cũng nhận biết được một số đánh giá của tác giả qua quá trình nghiên cứu cửa mình về Thơ lục bát của chúng ta, sự trân trọng của dân ta với thể thơ mang tính dân tộc rất sâu sắc , cần gìn giữ và phát huy!

Trân trọng và mong hồi âm của tác giả Hoàng Tấn Đạt!

Các bài khác: