Thứ bảy, 27/04/2024,


Bản tình ca ấy lời chưa hết lời... (13/07/2011) 
 
BẢN TÌNH CA XƯA
 
Em ơi kỷ niệm năm xưa
Trường Sơn khi nắng khi mưa có còn...

Rừng khuya treo mảnh trăng non
Bên nhau phiến đá... nát mòn thời gian

Con nai gọi bạn xốn xang
Tiếng chim giật thột mơ màng dốc quen

Rừng cây giăng võng êm êm
Có con gõ kiến ru mềm đêm mưa...

Trường Sơn... giờ đã xa xưa
Bản tình ca ấy lời chưa hết lời...
 
Nguyễn Quang Huy
 
 
 
Ai đã đi qua Trường Sơn cũng không thể quên được những kỷ niệm có một không hai trong cuộc đời. Đối với người lính thì càng không thể quên được. Đó là bản tình ca như một huyền thoại đã đi vào năm tháng.
        
Em ơi kỷ niệm năm xưa
Trường Sơn khi nắng khi mưa có còn…
  
Trường Sơn năm xưa mà lại có em mới là một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đồng chí và em, tưởng như là đối lập, nhưng nó ẩn chứa một tình yêu của người lính, của con người, một tình yêu bất tử, một tình yêu lãng mạn. Nó đẹp hơn cả bức tranh thủy mặc, nó dịu êm như mặt nước ao thu. Nó bừng sáng như buổi bình minh rực rỡ.
            Mảnh trăng non và phiến đá lại là sự bất ngờ thứ hai:
 
Rừng khuya treo mảnh trăng non
Bên nhau phiến đá nát mòn thời gian.
 
Hình ảnh người chiến sĩ với chiếc gậy Trường Sơn chót vót trên đỉnh núi đá tai mèo, ngày đêm hành quân lại bất ngờ bắt gặp mảnh trăng non cuối rừng là sự giao thoa của sức mạnh tinh thần sắt đá với sự mềm mại, trong sáng, lạc quan, yêu đời. Đó chính là tình yêu đôi lứa bất chấp đạn bom vượt lên cả không gian và thời gian để giành giật lấy một tình yêu chân chính. Sự sống trong chiến tranh có thể là gang tấc, nhưng tình yêu vẫn là bất tử. Dù cho cuộc chiến tranh ấy là chính nghĩa hay phi nghĩa thì tình yêu đôi lứa vẫn là thứ quý giá nhất của con người mà Thượng đế đã ban cho.
Lấy một hình tượng đặc trưng của thể rắn để so sánh với sự mềm mại, yếu ớt của trăng non, đó là sự hoà quyện thực thực, hư hư, chính là sự mâu thuẫn thống nhất như một quy luật để khẳng định cho sự vĩnh hằng của tình yêu thì quả là một sự khéo léo đầy ấn tượng.
Núi rừng Trường Sơn hùng vĩ! Rừng Trường Sơn đã từng giấu những đoàn quân ra trận, ngày và đêm là một, chiếc gậy Trường Sơn và chiếc võng dù, bộ đội với thanh niên xung phong, tiếng chim hót với con nai vàng ngơ ngác… Tất cả như một xã hội được thu gọn mà ẩn chứa bên trong sức sống mãnh liệt để tồn tại một sự sống không cùng! Con người, rừng cây, muông thú, hiển nhiên vẫn cứ sinh sôi nảy nở. Phải chăng, con người với thiên nhiên cùng chung một sự sống, cùng phải vượt qua những biến cố thăng trầm của lịch sử.
 
Con nai gọi bạn xốn xang
Tiếng chim giật thột mơ màng dốc quen.
Rừng cây giăng võng êm êm
Có con gõ kiến ru mềm đêm mưa.
 
Giấc ngủ của người lính nằm trên chiếc võng trong một đêm mưa như nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết trong bài thơ “Bầu trời vuông”.
 
Thắng rồi trận đánh thọc sâu
Lại về với mái tăng, bầu trời vuông.
Sục sôi bom lửa chiến trường
Tâm tư yên tĩnh vuông vuông một vùng…
         
Tăng, võng là căn nhà thì dù đêm có mưa cũng chẳng là gì nữa.Tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tăng hoà với tiếng con gõ kiến lại là lời ru ngọt ngào cho giấc ngủ sâu hơn:
 
Có con gõ kiến ru mềm đêm mưa.
 
Những âm thanh thánh thót của mưa rơi với tiếng con gõ kiến hòa thành bản tấu không lời ru giấc ngủ đoàn quân.
Bài thơ lục bát chỉ vẻn vẹn có 10 dòng mà chứa đựng được tất cả những gì của núi rừng Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tác giả đã dùng những hình tượng văn học khá nhuần nhuyễn như Nát mòn thời gian, ru mềm đêm mưa,… làm lắng đọng một hoàn cảnh không gian, thời gian đặc biệt của con người với thiên nhiên, dù trong chiến tranh thì sự sống vẫn cứ sinh sôi nảy nở. Con người vẫn ca hát, yêu đương, con nai vẫn ngơ ngác trên thảm cỏ xanh rờn, con chim vẫn thánh thót trên đại ngàn hùng vĩ.
           Bài ca không quên là bản hùng ca đất nước, dân tộc, con người Việt nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc. Nó đã để lại một dấu son trong lịch sử. Ai đã hành quân qua Trường Sơn, ai từng đánh giặc ở Trường Sơn càng thấy giá trị hơn bao giờ hết. Trong bài thơ “Nước non ngàn dặm” cố nhà thơ Tố Hữu từng viết:
 
Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa tới đó như chư rõ mình.
 
Kết thúc bài thơ tác giả như vẫn còn luyến tiếc một thời trai trẻ, một tình yêu đôi lứa với bao kỷ niệm về Trường Sơn, là sự khẳng định không quên, không thể nào quên và không bao giờ quên!
 
Trường Sơn giờ đã xa xưa
Bản tình ca ấy lời chưa hết lời…
 
Nghĩa Châu 29.6.2011
 
Lại Ngọc Mạnh
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thị Xuân Đào - nguyenthixuandao1957@gmail.com - 0905127969 - 120/4 Nguyễn Lương Bằng. Liên Chiểu, Đà Nẵng  (Ngày 22/07/2011 10:02:26)

BẢN TÌNH CA MUÔN ĐỜI

"Trường Sơn đông nắng tây mưa"
"Bản tình ca ấy lời chưa hết lời"
Trường Sơn sâu thẳm nguồn khơi
Bản tình ca ấy muôn đời ... em ơi!
Nguyễn Thị Xuân Đào

Viết bởi Cái Kiến — 03 May 2011, 23:51
Về thăm nơi chiến trường xưa
Thắp nhang trên những nấm mồ các anh
Anh đi mái tóc còn xanh
Mà nay đầu bạc trong mành khói sương
Xa xôi biết mấy dặm trường
Gặp anh trao lại niềm thương quê nhà
Tượng đài dâng những đoá hoa
Vần thơ em viết làm quà tặng anh!

Cái Kiến xin được chia xẻ cùng anh bằng mấy vần cảm xúc của Ck trong chuyến đi thăm quan miền Trung hòi tháng 8 năm ngoái

Nguyễn Thị Xuân Đào Sưu tầm nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7/2011(http://thachcau.vnweblogs.com/post/21814/295455)

Các bài khác: