Thứ bảy, 27/04/2024,


Trương Nam Chi với "Cà phê buồn" (04/05/2011) 

Cà phê buồn

 

Một mình bên cốc cà phê
Một mình nhấm nháp lời thề đã phai
Cà phê tí tách sớm mai
Hạt huyền tựa ánh mắt ai hôm nào

Ngoài trời đổ trận mưa rào
Tình thôi đã hết ngọt ngào từ đây
Xót xa ôm một khối cay
Ngấm thêm vị đắng mới hay sự đời

Thì thôi hãy cứ khóc cười
Thì thôi ta hãy như người chưa quen
Nếu gặp xin đừng gọi tên
  Đừng đem sợi nắng rải lên tình buồn

 

Trương Nam Chi

 

 

Cà phê đã đi vào cuộc sống của chúng ta thật nhẹ nhàng và lãng mạn. Bên ly cà phê có những người tìm thấy hạnh phúc, cũng có những người có thể trút được những nỗi niềm mà không thể chia sẻ cùng ai. Bạn đã từng nghe cà phê ngọt, cà phê đắng, nhưng đã từng nghe câu chuyện Cà phê buồn chưa? Cà phê đối với một số người không chỉ là thức uống mà còn là bạn, là tri kỷ. Bài thơ “Cà phê buồn” của Trương Nam Chi như là lời thủ thỉ tâm sự của chị bên cốc cà phê vào một buổi sáng Sài Gòn với nỗi lòng, tâm trạng đặc quánh.

Có chuyện tình nào buồn hơn thế không? Có lẽ trong một nghìn lẻ chuyện tình thì tình yêu nào dù bất cứ lý do gì không đến được với nhau cũng đều buồn hết. Nhưng có một nhà thơ đã nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, liệu rằng chuyện tình bên ly “cà phê buồn” của Trương Nam Chi có “đẹp” mà “buồn” không? Ta hãy lắng lòng lại nghe chị tâm sự:

 

“Một mình bên cốc cà phê

Một mình nhấm nháp lời thề đã phai

Cà phê tí tách sớm mai

Hạt huyền tựa ánh mắt ai hôm nào”

 

Cà phê vốn là một thú vui nhiều rung cảm mà rung cảm thì thuộc về tâm hồn, nơi vắng lý lẽ nó khơi khơi… như tình yêu cũng vậy, chỉ biết yêu thôi mà không cần biết tại sao ta yêu, nên có khi vì thương mến một góc quán nhỏ mà ta chối từ một nơi chốn lao xao. Có những lúc tâm hồn là một nỗi niềm cô đơn tuyệt đối, chẳng màng đến những niềm vui của “trà tam, rượu tứ”. Bỗng bản nhạc của Ngọc Lễ “sáng nay cà phê một mình” du dương cất lên, không biết đây là lần thứ bao nhiêu Trương Nam Chi đã nghe được ca khúc này, nhưng có phải đây là lần đầu tiên Chị thấy mình trong những ca từ đó?

 

“Một mình bên cốc cà phê

Một mình nhấm nháp lời thề đã phai”

 

Phải rồi, chỉ có “một mình” chị bên cốc cà phê thôi. Chỉ có “một mình” chị gặp nhấm những nỗi buồn cho một chuyện tình đã qua khi “nhấm nháp” từng giọt cà phê đắng. Lời thề giờ đây đã để gió cuốn bay đi mất, chị cô đơn khi nghĩ về những ngày tháng đẹp trong ký ức. Sáng nào chị cũng “cà phê tí tách” bên người bạn tri kỷ của mình. Từng giọt cà phê đen lấp lánh như “ánh mắt” của ai vẫn còn ẩn hiện đâu đây. Ngày xưa thi sĩ Vũ Hoàng Chương thì “Thoáng hiện em về trong đáy cốc”, còn giờ đây Trương Nam Chi thì “hạt huyền tựa ánh mắt ai hôm nào”. Nhớ lắm đôi mắt ấy, đôi mắt luôn hiện hữu trong tâm hồn nhà thơ, như thói quen uống cà phê hàng ngày ngắm nhìn những hạt cà phê đen mà tưởng tượng tới… ký ức xa xăm lại hiện về… Điệp từ “một mình” được lặp lại hai lần, như càng tăng thêm nỗi buồn, nỗi đơn độc của Trương Nam Chi.

Hoàn cảnh mở đầu cho bài thơ “Cà Phê buồn”  là “một mình”. Diễn biến trong tâm trạng buồn của Trương Nam Chi là những suy tư, xót xa… làm cảm động lòng người đọc:

 

“Ngoài trời đổ trận mưa rào

Tình thôi đã hết ngọt ngào từ đây

Xót xa ôm một khối cay

Ngẫm thêm vị đắng mới hay sự đời”

 

Ai chưa từng chịu những mất mát, lòng chưa cứa sâu những vết đau, hằn sâu những vết thương thì xin đừng đến với cà phê. Khi cuộc đời đã ngấm đắng cay, mặn chát, thấm nỗi đau đời, mới tìm đến nhạc của Trịnh Công Sơn nương náu. Cũng như phải qua chìm nổi, trải qua mấy gian truân mới đau xót tới từng câu Kiều. Giữa sự ồn ào và hối hả của nhịp sống mỗi ngày, đôi khi con người ta rất cần sống chậm lại, tạm dừng bước để cảm nhận cuộc sống, ngẫm nghĩ về những nẻo đường mình đã đi qua… Một ly cà phê lặng lẽ nơi góc phố chiều – khi mùa thu vừa thoáng ghé qua thả lại từng đám lá vàng xao xác trong gió mùa se se lạnh, sẽ cho lòng ta cảm thấy bình yên, đối diện với chính tiếng nói vọng lên từ thẳm sâu tâm hồn mình về cảm thức thời gian… Có gì quyến rũ đến vậy trong màu nước tối thẫm và thăm thẳm như đêm đông mà khiến lòng ta say mê đến lạ? Từng giọt, từng giọt ánh đen, rụng xuống như sương cùng một vị đắng sẽ dần tan nơi đầu lưỡi, mấy ai cảm nhận được sự ngọt bùi? Có phải chăng mỗi giọt cà phê kia âm thầm rơi xuống là những “giọt” đời nặng trĩu, đọng mãi nơi hồn người? Vâng, Trương Nam Chi đã cảm nhận cuộc đời qua ly cà phê một cách sâu sắc. Từ những giọt cà phê chị liên tưởng tới chuyện tình buồn của mình. Từ cảm nhận “cà phê buồn”, vị giác của chị lại cảm thấy “cà phê cay” từ khi “ngoài trời đổ trận mưa rào”. Khi ta sống trong tình yêu thì luôn cảm thấy sự “ngọt ngào” thăng hoa trong cảm xúc, nhìn đâu cũng toàn thấy màu hồng. Trương Nam Chi cũng vậy, bao yêu thương “ngọt ngào” trong chị đã hết, giờ đây chỉ còn là nỗi “xót xa”, ôm một khối cay đắng cho một chuyện tình đã qua. Hình ảnh thơ “ngoài trời đổ trận mưa rào” vừa tả thực, vừa là hình ảnh ẩn dụ để nói đến sự thăng trầm trong tình yêu của Trương Nam Chi. Vì một lý do nào đấy mà tình yêu của chị đã “hết ngọt ngào”, có thể do sóng gió của cuộc đời chăng? Để rồi chị càng ngẫm nghĩ cuộc đời mình qua ly cà phê: “Ngẫm thêm vị đắng mới hay sự đời”. Có ai biết trước được sự đời đâu! Cũng như có ai biết trước được chữ “ngờ” đâu! Đến khi “ngộ” được rồi thì cuộc đời… chao ôi, cay đắng, xót xa quá! Vị đắng của tình yêu là chua chát vậy sao? Trương Nam Chị đã ngộ ra và chị tự an ủi mình:

 

“Thì thôi hãy cứ khóc cười

Thì thôi ta hãy như người chưa quen”

 

Mọi sự nông cạn hời hợt và vô vị, nhạt nhẽo khó ở bên ly cà phê. Một đời người cũng rất cần có nỗi buồn. Nếu không, làm sao hiểu niềm vui và hạnh phúc là mỏng manh và dễ vỡ đến vô cùng. Từ trong nỗi đau bước ra, con người sẽ thêm cứng rắn và mạnh mẽ hơn… Trương Nam Chi đã gắng gượng dậy và tự động viên an ủi mình “thì thôi hãy cứ khóc cười” với cuộc sống. Cuộc đời luôn có cả niềm vui và nước mắt cơ mà. Có việc chi đâu phải bận lòng. Hạnh phúc đâu phải lúc nào cũng mỉm cười quanh ta. Khóc đã hết nước mắt thì rồi cũng phải có ngày gạt nước mắt đi để mà sống, để cười tươi, để đón nhận hạnh phúc ở đời. Lựa chọn giải pháp cuối cùng của chị “thì thôi ta hãy như người chưa quen” để làm lại cuộc sống từ đầu, chẳng nhớ nhung, chẳng vương vấn gì nữa.

 

“Anh vẫn là anh

Em thuộc về người khác

Dòng người ngược xuôi cuốn đi nhiều khao khát

Mất nhau rồi nay đã hóa người dưng…

 

Bao yêu thương đều vứt bỏ giữa đường

Chỉ có xót xa trọn đường cùng đau khổ

Cuộc đời em nay đã neo dừng một bến đỗ

Cũng không đành lòng khi vứt bỏ những vấn vương

 

Thôi hãy nhìn nhau như những người qua đường

Đủng đỉnh đi qua bao buồn vui thường nhật

Lạnh lùng nhìn nhau mỗi khi bắt gặp

Có lẽ nhẹ nhàng và thanh thản với lòng hơn…”

(Trích “Người dưng”- Trần Huyền Nhung)

 

Liệu rằng có đúng với tâm trạng của chị Trương Nam Chi không? Xin đồng cảm với nỗi lòng của chị như thế.

 

“Nếu gặp xin đừng gọi tên

Đừng đem sợi nắng rải lên tình buồn”

 

Ai cũng có những khoảnh khắc gặp một hình ảnh bất chợt nào đó để rồi xúc động và nhớ “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” (Trịnh Công Sơn). Nhưng ở đây Trương Nam Chi đã cố gắng dặn lòng mình cho những cuộc gặp gỡ vô tình ấy. “Đừng gọi tên” nhau, coi như người xa lạ, không quen biết vậy. Thực ra ta hiểu nỗi lòng của chị, không ai lại dễ dàng mà điều khiển được trái tim mình cả. Câu thơ chị viết theo lý trí điều khiển cảm xúc. Nhưng làm sao bắt được trái tim nghe lời mình bây giờ? Nhưng đó cũng là giải pháp “nhẹ nhàng thanh thản” với lòng nhất khi trái tim đa cảm của chị bộn bề quá khứ hiện về. Câu thơ kết “đừng đem sợi nắng rải lên tình buồn”, ta càng hiểu tâm trạng của Trương Nam Chi. Ta lại nhớ đến câu thơ của Vũ Kim Ky: “Bao nhiêu sợi nắng bấy nhiêu tình buồn”. “Sợi nắng” ở đây chính là cuộc sống thuộc về hiện tại. Đừng để hiện tại xen vào quá khứ, để thấy mình được sống, được yêu hơn… Đó là những suy nghĩ mang tính nhân văn rất tích cực của nhà thơ Trương Nam Chi.

“Thì thôi ta hãy như người chưa quen”- Có lẽ Trương Nam Chi phải quay về cuộc sống thường nhật để tiếp tục hóa thân vào vai trò của một nhà thơ, để lần lượt xây dựng cho mình những tâm trạng mới , những con người có tính cách mới …để bao người đọc sẽ thấy được mình trong đó và thể hiện cái “tôi” của chính mình. Tôi chỉ hy vọng sẽ có cái gì đó khác ở Trương Nam Chi… Sau một con mưa, ngày mai trời lại sáng, để rồi: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ ta có thêm ngày mới để yêu thương”.

 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30/3/2011 

Trần Huyền Nhung

Điện thoại: 0938 377 199 


(Mời thưởng thức giọng ngâm của NSƯT Vương Hà)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn xuân Ngọc - NgocNx1939@gmail.com - 0377225720 - Hiệp sơn kinh Môn,Hải Dương  (Ngày 30/08/2020 17:44:10)

CÀ PHÊ…!
(Trương Nam Chi)

Cà phê ơi đắng làm chi!
Để người ta phải nhâm nhi giọt buồn

Xin đừng ứa lệ giọt tuôn
Quên đi vơi bớt nỗi buồn mai sau

Từ nay quên gọi tên nhau
Kẻo rồi vị đắng thấm sâu tình buồn

Xuân Ngọc

  Trần quốc Phong - tranquocphongst@gmail.com - 0903773580 - 1/7b Hoàng diệu, F 13 ,Q4 TP.HCM  (Ngày 28/03/2012 17:34:02)

Bài thơ Càphê buồn cuả Chị thực sự là buồn, nhưng nó lại quá hay. Tôi rất cảm động nên đọc xong liền có mấy câu tặng chị
Nỗi buồn ngấm lặng vào ly
Cà phê ơi ! đắng làm Chi phải buồn
Mong rằng thơ sẽ luôn luôn
Sánh đôi thiên sử ngọn nguồn bay cao..
Tạm biệt nhà thơ đáng yêu

Các bài khác: