Thứ sáu, 26/04/2024,


Bao giờ như thể ngày xưa? (27/03/2011) 

GIẾNG CHÙA

(Kính tặng 27 sư nữ, nguyên là tnxp và bộ đội)

 

Giếng chùa đem tắm vầng trăng

Đồi trinh nữ, giọt long lanh… cạn rồi

Xuân thì quá lứa hoa rơi

Nâu sồng run rẩy khép đời chân tu.

 

Mẹ ơi! Khuya khoắt lời ru

Già nua lồng ngực bỏ tù con tim

Thời gian rụng tóc đi tìm

Nắng qua đèo, nắng đã chìm vào trưa.

 

Đến kỳ lòng vẫn đổ mưa

Chợt nghe tiếng trẻ mà chua xót mình

Bao nhiêu sẹo ở đầu cành

Gió ơi còn hát biếc xanh làm gì.

 

Lòng con rêu phủ bước đi

Bồ đề rụng gió, xù xì tháng năm

Quờ tay chạm phải đồi trăng

Mười tư thì héo, mười rằm chớm khô.

 

Bao giờ như thể ngày xưa?

Ngây thơ con hát… mười tư trăng tròn.

 

Phạm Xuân Trường

 

 

Bài thơ “Giếng chùa” của Phạm Xuân Trường viết về những cô gái đã đem tuổi xuân của mình hiến dâng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi chiến tranh kết thúc, nước nhà thống nhất, họ đã quá lứa nhỡ thì, phải gửi phần đời còn lại nơi cửa phật.

Có thể nói khổ thơ đầu, tác giả đã khái quát được nội dung trên bằng những hình ảnh: “Giếng chùa đem tắm vầng trăng”, “đồi trinh nữ” quắt queo, không còn sự sống… Từ láy “run rẩy” trong câu thứ tư có thể coi như một dấu chấm than và cũng là dấu chấm hết, khép lại cuộc đời của những người phụ nữ ở chốn “nâu sồng”: “Nâu sồng run rẩy khép đời chân tu”. Cách sử dụng hình ảnh và từ ngữ ở những khổ thơ tiếp theo làm cho bạn đọc có thể cảm nhận được sự đan xen giữa hoàn cảnh thực tại và quá khứ của nhân vật trữ tình. Hiện tại là “xù xì”, “chua xót”, là “cạn” là “héo” là “khô”… là “già nua lồng ngực bỏ tù con tim”. Chưa hẳn là như thế, hiện tại còn là lúc lóe lên sự khát khao được làm chức năng của người mẹ, khao khát cuộc sống hạnh phúc gia đình, mỗi khi nghe thấy “lời ru” trong đêm “khuya khoắt” hay tiếng trẻ thơ theo làn gió vô tình lọt qua khe cửa. Điều ấy, dường như lại càng xoáy sâu vào nỗi đau của những nhà sư bất đắc dĩ: “Bao nhiêu sẹo ở đầu cành/ Gió ơi còn hát biếc xanh làm gì”.

Cứ mỗi lần trái tim “chua xót” kia bùng lên ngon lửa khát thèm là mỗi lần những chiếc “sẹo” cuộc đời của họ lại sưng tấy, nhức nhối. ý và lời của những câu thơ trên cứ gieo vào tâm can người đọc một sự đắng đót, không sao tả xiết. Phải chăng nhà thơ cũng là một cựu chiến binh nên mới có sự đồng cảm, xót thương đến thế? Dù cho tâm trạng bị giằng xé thì nhân vật trữ tình vẫn xác định được chỗ đứng của mình là nơi “bồ đề rụng  gió…” Cách sử dụng từ ngữ và hình ảnh đầy chất trữ tình, Phạm Xuân Trường như muốn đưa bạn đọc đến với đời sống tinh thần của nhân vật trong hoàn cảnh thực tại. Nhưng qua đó độc giả còn có thể liên tưởng đến một khoảng không gian của thời quá khứ không mấy thuận lợi của nhân vật trong bài thơ. Đó là những hình ảnh “đồi², “nắng qua đèo”, “sẹo trên cành”… (hiểu theo nghĩa đen). Những hình ảnh đó đã vẽ nên một bức tranh núi rừng, nơi đánh Mỹ năm xưa, nơi các chiến sĩ giải phóng hành quân, mắc võng, ngủ hầm, lập trạm, đóng chốt… tiêu diệt kẻ thù. Chỉ một cụm từ “rụng tóc” cũng đủ hiện lên bao nỗi vất vả, gian nan của đội quân tóc dài, không tiếc tuổi xuân, tình nguyện đi vào cuộc kháng chiến hào hùngcủa dân tộc. Lẽ đương nhiên họ phải hứng chịu mọi hiểm nguy, kể cả các bệnh do chất độc màu da cam gây nên . Họ mang bóng dáng của đoàn quân “không mọc tóc” như hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà nhà thơ Quang Dũng đã miêu tả:

“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

(Tây Tiến)

Quá khứ gian khổ, hào hùng, nhưng đôi khi quá khứ cũng là khát vọng của hiện tại. Nhân vật trữ tình đã có những giây phút sống lại với cái tuổi “trăng tròn” và như được tắm mình trong cái thuở “ngây thơ” tràn đầy hạnh phúc ấy:

“Bao giờ như thể ngày xưa?

Ngây thơ con hát…mười tư trăng tròn”.

Các cô gái đang ở độ tuổi “cập kê” tràn đầy mộng mơ, tràn đầy khát vọng về tình yêu đôi lứa. Ở đây ta thấy cụm từ phiếm chỉ mang ý nghĩa thời gian. “Ngày xưa” chỉ thời gian thuộc về quá khứ. Khát vọng được sống những ngày hạnh phúc của tuổi “ngây thơ” đã thuộc về quá khứ là một nghịch lý phũ phàng. Đến đây ta có thể nghĩ tới tâm trang của Thúy Kiều ở hoàn cảnh phải hy sinh tình yêu để cứu cha và em trai. Nàng đau đớn khi phải trao những kỷ vật cho Thúy Vân:

“Mất người còn chút của tin,

Phiếm đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phím này…”

(Truyện Kiều-Nguyễn Du)

Cái “ngày xưa” của Thúy Kiều là chẳng bao giờ có nữa. Cũng như cái “ngày xưa” của các cô gái trong “Giếng chùa” là không có ngày trở lại. Tuổi xuân của họ đã đi qua, đã hòa vào vận mệnh của dân tộc. Cụm từ “bao giờ” chỉ thời gian trong tương lai .Tương lai của nàng Kiều là “còn mang nặng lời thề”, là sự thủy chung, son sắt đối với chàng Kim. Còn tương lai cuộc đời các chiến sĩ gái đã được hòa tan trong khát vọng, được chuyển đổi thành tương lai của dan tộc.

 

 

Lê Lanh

Địa chỉ: 7/92, Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội

ĐT: 0948.161.101 - Email: letaclanh@yahoo.com.vn

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Huỳnh ngọc Tự - batupho@yahoo.com - 0907909580 - TP: Cần Thơ  (Ngày 15/04/2011 12:46:19 AM)

Thật là xúc động và rung cảm chân tình..

Trăng ơi! Ta hỏi câu này
Trăng bao nhiêu tuổi vẫn đầy mộng mơ
Đời trinh nử khép hồn thơ
Yêu quê hương..Khoát áo nâu đợi chờ

Ba mươi Thu trôi hững hờ
Trăng qua mười bốn lỗi lời hẹn xưa
Không vương một ý tình thừa
Cái duyên đầu ấy theo hồi chuông ngân.

Kính!
Huỳnh ngọc Tự.

Các bài khác: