Thứ sáu, 26/04/2024,


Thi sĩ ca dao... (24/03/2011) 

Nói về ca dao là nói về thơ lục bát. 95 phần trăm ca dao đều làm bằng thơ lục bát. Nếu ca dao là thân hình thì lục bát là đôi tay ôm chặt lấy. Gắn bó không rời. Thơ lục bát rất dễ và rất khó làm. Người làm thơ lục bát hay thì đó là thơ lục bát. Người làm thơ lục bát dở thì đó là vè. Lục bát dễ biến thành vè lắm. Ca dao khác hẳn, chỉ là lục bát, không bao giờ là vè cả. Vì ca dao ngắn, 2 câu đến 10 câu là dài.

Qua đình ngả nón trông đình
Ðình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.
(Hai câu)


Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Ðể anh trấn thủ nước non Cao Bằng
(Bốn câu)


Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Cô về, sư ốm tuơng tư
Ốm lăn ốm lóc để sư trọc đầu
Muốn ăn đậu phụ tương dầu
Mài dao đánh kéo gọt đầu đi tu
(Sáu câu)


Văn chương phú lục chẳng hay
Trrở về làng cũ học cầy cho xong
Sáng ngày vác cuốc chăm đồng
Hết nước thì lấy gầu sồng tát lên
Hết mạ ta lại quẩy thêm
Hết thóc ta lại mang tiền đi đong
Nữa mai luá tốt đầy đồng
Gặt về đập xẩy bõ công cấy cầy.
(Tám câu)


Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc tháng ba hôị hè
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Ðoan Ngọ trở về tháng năm
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng bẩy ngày rằm xá tội vong nhân
Tháng tám chơi đèn kéo quân
Bước sang tháng chín chung chân buôn hồng
Tháng mười buôn bấc bán bông
Tháng một tháng chạp nên công hoàn toàn
(Mười câu)

 


 

Ca dao nó trữ tình không thể tả nổi. Cái tình tự của nó ôm gọn dân tộc trong lòng. Từ tình yêu, nỗi khổ cực, niềm lo lắng đến giáo dục về sự thật thà, chế nhạo tật xấu, bài xích nhẹ nhàng kẻ ác, khôi hài thống trị..., đều có trong ca dao. Nó là hồn Việt Nam đôn hậu, chất phác.

 

Ngày xưa, chúng ta sinh ra và lớn lên bằng hơi thở của ca dao, chúng ta yêu nước chúng ta lắm. Ðiệu ru nào đã ru ta ngủ, vẫn không ngoài ca dao.


Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về

 

Ngày nay, chúng ta sinh ra và lớn lên bằng nhiều thứ khác. Không phải ca dao. Chúng ta bỏ quê hương - quê hương nông nghiệp - tìm chỗ thị thành mà ở, sống theo đuổi văn minh, vật chất tây phương. Chúng ta đang dần quên đi những câu ca dao. Thậm chí rất có thể một ngày nào đó, ca dao sẽ là cái gì kỳ cục mà chúng ta không thèm biết đến.

 

Tôi không dám nhập vào cái chúng-ta to lớn quá. Vậy xin nhận cái tôi nhỏ bé, lạc hậu. Cái tôi nhỏ bé thách cái chúng-ta to lớn biểu diễn sáu câu ca dao 'tán gái' sau đây:


Hôm qua tát nước dầu đình,
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được cho chúng anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh không có mẹ già chưa khâu.

và bốn câu ca dao lãng mạn:

Lạy trời mưa nắng phải thì
Nơi thì cày rộng nơi thì bừa sâu
Công lao chẳng quản lâu đâu
Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng

 

Người nông dân lạy trời nắng mưa hòa thuận để cầy bừa cho dễ dàng. Công lao không lâu đâu. Cứ hy vọng 'ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng'. Thi sĩ ca dao mới lãng mạn biết chừng nào: Nước bạc ngày nay, cơm vàng ngày sau. Tuyệt vời cách ví von như thế. Tôi nghĩ rằng thi sĩ bác học có nghĩ cả đời cũng không làm nổi câu thơ thứ tư của thi sĩ ca dao.


Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.

Nỗi đau khổ của nông dân kể lể đau lòng quá. Từ trong nỗi khổ vẫn bùng lên cơn mơ mộng 'Trông cho chân cứng đá mềm' tôi dám cam đoan rằng, trên thế giới, không có đại thi hào nào mơ mộng như người nông dân Việt Nam. 'Trông cho chân cứng đá mềm' là dòng suối mơ mộng của thi sĩ ca dao…

 

(Trích)

 

Nguồn: Việt Nam Thư Quán

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: