Thứ bảy, 20/04/2024,


Tiếng ca vân du (21/02/2011) 

Ca trù hoài cảm

 

Dòng buông nặng nghiệp ca trù

Trắng mây buồn nỗi sương mù chưa tan

Mấy trăng em trắng thời gian

Mấy trăng phách đổ siêu đàn đáy mê

Chờ em cung Bắc đi về

Thiên Thai đẹp thế mà nghe đọa đầy

Gửi thư xưa… gọi đêm nay

Như bâng khuâng ngẫm kiếp này xót thương

Đến đâu đàn dứt tơ vương

Ai đâu? – Em đấy!

đoạn trường tương tư

Tỳ bà động giấc xuân thu

Tiếng ca chừng muốn di cư bến sầu.

 

1996

 

Hoàng Cầm

(Trích trong Tuyển tập thơ Hoàng Cầm tác phẩm – NXB Hội nhà văn 2003)

 

 

Bắt đầu là đám mây trắng bay ngang. Đám mây trùng tên với ca nương Bạch Vân xuất hiện trong canh hát ca trù ở Bích Câu Đạo quán. Bài thơ được nhà thơ Hoàng Cầm viết một hơi, nhất khí, vừa se se lạnh vừa man mác buồn.

Thơ của ông bao giờ cũng vậy: con chữ vừa óng vừa lạ, lối chơi chữ dân gian độc đáo. Theo lối nói lái của đời thường, câu thơ ông viết giàu sức lay động. Câu sáu “mấy trăng em trắng thời gian” rồi đến câu tám “mấy trăng phách đổ siêu đàn đáy mê”, đọc lên đã thấy ngây say. Tinh ý người đọc còn hiểu thêm một nẻo khác: nẻo trắng mây, trắng thời gian và cả không gian nữa - trắng như không, nhẹ như không.

Tiếng hát ca trù vân du cùng mây trắng thanh cao. Lúc thì chở cùng tiếng đàn đáy trầm đục khoan nhặt nhàn nhã. Lúc lại nhẹ bẫng siêu siêu nhấn nhá. Những âm đục sa nửa vời đã buông nghiệp ca trù vào ca nương mây trắng, đủ vinh đủ sang cho lối hát quốc hồn quốc túy thuần Việt.

Nghe ca trù vào những đêm thanh vắng, gió cũng ngừng thở khi nghe tiếng vuốt nhẹ trên phím tơ nấc nghẹn, ngập ngừng. Một nốt nhấn, một khắc tơ chùng là nỗi buồn dâng lên vời vợi. Thỉnh thoảng tiếng trống chầu thảng thốt, hương trống oai oải mùi rơm một nắng. Khi câu hát mãn khai, người cầm chầu mắt sáng lên, tay vung roi chầu, tiếng chát tom lanh lảnh họa cùng tiếng hát đưa khúc vân du đi xa đi xa.

Đêm xuống muộn, khúc Tỳ bà hành cất lên làm nổi da gà người nghe, rờn rợn đê mê. Khoảnh khắc ấy siêu thoát vi diệu xiết bao. Tiếng hát ngự giữa đám mây hạ xuống mặt trống chầu, nảy lên bởi nhịp roi chầu tom chát. Câu hát nghỉ, vân du ắng lặng, hồn người nghe siêu thoát thanh sạch trong thổn thức đợi chờ. Rồi bất chợt òa ra thăng hoa giấc trắng khi câu hát động giấc xuân thu.

Hai câu cuối của bài thơ dẫn người nghe, người cầm chầu, ca nương, kép đàn và cả tiếng hát nữa cùng vân du mãi vào nơi xa lắm. Nhè nhẹ mây, thoáng như gió, tít tắp cao, tít tắp trắng tới bến sầu vạn thuở: Tỳ bà động giấc xuân thu/ Tiếng ca chừng muốn di cư bến sầu. Khắc khoải, dùng dằng, câu hát dừng rồi mà người nghe vẫn trong ảo giác trắng mộng mị. Chữ di cư thật đắt giá. Nó manh mối tìm nơi chốn cho tiếng hát nương thân.

Ca trù hoài cảm là cõi riêng bật mở của nhà thơ Kinh Bắc - Hoàng Cầm, khi nghe hát ca trù - người đã làm xốn xang nhiều trái tim hoài cổ của cả tam giới bằng những câu  thơ xa xăm, bằng một thứ thơ xa xăm. Có trái tim tử thương vẫn cất tiếng vân du cùng câu thơ mây trắng vụt bay.

 

10/7/2007

 

Vân Đình Hùng

Điện thoại: 0988000816

Email: vandinhhung@gmail.com

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: