Thứ sáu, 26/04/2024,


Ngân rung sau giai điệu “Tiếng Đờn Đêm” (27/11/2010) 

TIẾNG ĐỜN ĐÊM

(Gửi em gái mù đờn dạo)

 

Thì em cứ việc đờn ca

Thì tôi cứ uống như là không em

Thì đêm cứ mặc là đêm

Thì buồn dẫu chẳng rót thêm, đã buồn

 

(…) Em cô đơn, tôi cô đơn

Tựa hơi men, tựa tiếng đờn dìu nhau

Tiếng đờn em gửi về đâu ?

Hơi men tôi nhận đáy sâu tim mình!

 

Em vô tình, tôi vô tình

Hững hờ đôi bóng lặng thinh chốn này

Thôi đừng đắng nữa rượu cay

Đêm.

Buồn như tiếng đờn lay

Quán ngèo…

 

Hồ Phong Tư

 

 

Không được thưởng thức trực tiếp âm điệu tiếng đờn, song ta vẫn mơ hồ cảm thấy nó lay lắt, cảm động bởi những thân phận lẻ đơn hiện hữu tại nơi hẻo lánh, vắng khách, thưa người vào thời điểm khuya khoắt mông lung. Thương lắm khi đọc bài thơ “Tiếng đờn đêm’’ của Tác giả Hồ Phong Tư! Nội dung thi phẩm không khó hiểu. Vẻn vẹn hai nhân vật, một tửu khách và một em gái mù đờn dạo tại một túp quán trống chênh… Nhưng qua đó độc giả được tiếp cận với nội tâm sâu kín bộc lộ qua tâm trạng đầy cảm thông của tửu khách.

 

Ngoài thưởng thức nội dung, tin rằng người đọc sẽ dừng lại khá lâu để ngẫm ngợi, tâm đắc thủ pháp tu từ mà Hồ Phong Tư sử dụng trong cả 3 khổ lục bát.

 

Vào khổ thơ đầu, độc giả bắt gặp hình thức “Lặp đầu câu” với từ “thì”: 

 

“Thì em cứ việc đờn ca

Thì tôi cứ uống như là không em

Thì đêm cứ mặc là đêm

Thì buồn dẫu chẳng rót thêm, đã buồn’’

 

Ai cũng biết từ này đứng một mình ít ý nghĩa, đứng giữa câu sử dụng cũng không thường xuyên. Thế mà Tác giả bạo tay đặt “thì” làm trợ từ giữ chức năng khẩu ngữ đứng đầu cả 4 câu. Phải chăng nhằm nhấn mạnh sự việc diễn ra hiển nhiên, việc ai nấy làm, vẫn vậy,  không hề chủ ý, tại thời gian đêm vắng… Hình ảnh em đờn, tôi cạn rượu suông, tàn đêm… đủ cám cảnh “Thì buồn dẫu chẳng rót thêm, đã buồn”! Nhưng từng nỗi buồn riêng lẻ loi ấy người thơ gom lại thành chuỗi day dứt, thấm thía, giúp ta liên tưởng sự cô quạnh càng cô quạnh hơn. Buồn đến mức không thể buồn thêm được nữa. Chính nhờ biện pháp tu từ đó đã kích thích người đọc hướng tới đoạn thơ sau.

 

Tiếp theo, ta nhận thấy có sự song hành bút pháp tu từ. Đó là các “Điệp từ” liên tiếp được xuất hiện trong các câu thơ. Nếu như ở trên có tơi 4 lần lặp từ (Chưa kể sự ẩn ý độc đáo bằng dấu chấm lửng trong nháy kép “…”- biểu thị lặp từ phải chăng còn tiếp nữa?) thì trong bài còn gặp các điệp từ đơn “đếm”, “buồn”, “tựa” kết hợp điệp từ đôi như “cô đơn” và “vô tình” mang những ẩn khuất nỗi niềm.

 

Điệp từ “tựa” nhằm nhấn mạnh chốn nương dựa của từng người. Với người thơ, đó là chỗ dựa tinh thần để giải tỏa. Còn với cô gái mù là chỗ dựa áo cơm, kiếm sống mưu sinh. Nhưng chất men đâu phải liều thuốc để lánh đời. Người tửu khách tạm trú chốn vắng muốn mượn rượu giải sầu. Song, chưa kịp khuây khỏa nỗi riêng, thì đáy tim nhân ái đã bị lay thức và thấu hiểu niềm sâu lắng khơi dậy từ vang âm qua những ngón tay tinh tường chẳng hề  “khiếm thị”… của cô gái tật nguyền. Khúc nhạc không lời rung lên, nào phải nhạc vui, hẳn lắt lay run… sau khi tinh lọc qua một tâm hồn chịu thiệt thòi thân phận bị bóng đêm che phủ suốt đời! Phải chăng thanh điệu ấy đã hòa tan vào rượu theo huyết mạch thấm sâu vào lòng người thưởng thức và thực sự chinh phục trái tim? “Hơi men tôi nhận đáy sâu tim mình”… Như vậy, hai cá thể cô đơn thông qua tiếng đờn đã thụ động nương tựa vào nhau. Không những thế điệp từ đôi tác giả còn chọn đặt vào nhịp ngắt 3/3 rất đăng đối của hai câu lục xa nhau: (…) Em cô đơn, tôi cô đơn” và: “Em vô tình, tôi vô tình”

 

Hai câu thơ với những điệp từ không chỉ mô tả trạng thái, hoàn cảnh đơn chiếc của mỗi người còn cho thấy thái độ hững hờ ban đầu, không chủ động tìm kiếm của hai đối tượng lạ xa. Họ không hề tiệm cận xã giao “Hững hờ đôi bóng lặng thinh chốn này”. Hai con người, hai cái bóng lẳng lặng, nín thinh. Phải chăng, hai phận người cũng vật vờ như bóng? Tuy vậy, hãy tin tận chốn thẳm sâu tồn tại một miền giao cảm đang dấy lên sự xót thương nhân bản:

 

“Thôi đừng đắng nữa rượu cay”

 

Câu thơ trên như lời tự nhủ, như van nài, như thốt lên, khi người khách vẫn còn nhấp thêm rượu mà vẫn tỉnh táo. Đã quá đắng rồi - xin rượu cay đừng rót tràn thêm đắng nữa! Đáng lẽ qua chưng cất, ngưng tụ, hương rượu thơm tho vốn giàu năng lượng sẽ kích thích hưng cảm tinh thần. Ngược lại, ở đây lại hoá thành tửu buồn. Hai tính từ vị giác “đắng, cay” ở trên nói thay cảm thức của tác giả giữa khoảnh khắc này.

          

Tiếp theo: “Đêm”, chỉ một từ án ngữ hẳn một dòng, bứt hẳn khỏi câu tám để đứng độc thân. Đây là cách chơi chữ của tác giả, sao cho sẻn lời mà đa nghĩa? Thật vậy. Nó chẳng còn là không gian đêm đơn thuần nữa. Mà là cuộc đời phủ bởi màn đêm? Hay một đêm đặc quánh buồn? Hoặc là đêm của những trở trăn day dứt?... Và “Buồn như tiếng đàn lay”, chắc chắn sẽ lay động cõi lòng tác giả, lay động cả nhạc công, lan tỏa một vùng quạnh hiu và lay lắt cả cái “quán nghèo…” xơ xác nữa.

             

Đọc đến đây lòng ta trĩu xuống khi tiếng đờn tác động vào mảnh liếp, mái thưa trống trải bốn bề… Chắc chắn tiếng đờn ấy còn xáo động tình cảm, cõi trắc ẩn của bao độc giả có dịp chiêm ngưỡng bài thơ.

            

“Tiếng đờn đêm” là tiếng lòng, là tình cảm thực của người thơ trước nỗi người u uẩn, tại một miền xa khuất. Chủ động dùng điệp từ một cách điêu luyện, kỹ lưỡng, công phu của Hồ Phong Tư đã làm giai điệu bài thơ mãi ám ảnh, ngân rung…

 

                

Nguyễn Thanh Tuyên

(Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng)

ĐT: 0989094933 - Email :bsnguyenthanhtuyen@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: