Thứ bảy, 27/04/2024,


Lục bát và ca dao thấm đẫm trong tâm hồn (18/11/2010) 

Tôi nhớ vào năm 1963, lúc ấy tôi là cậu bé lên 7 tuổi và đang học lớp 2 trường làng. Một buổi trưa nắng như đổ lửa, mẹ tôi bế em gái mới sinh từ nhà thương về. Trước đấy một hôm, tôi theo các chị gái vào nhà thương thăm mẹ sinh em bé.

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh cái phòng hộ sinh lợp lá gồi mẹ tôi nằm cho em bú, ngửa mặt lên là một tổ ong vàng to như quả mít và hằng hà xa số các con ong bay đi bay về bình yên và hiền lành, chúng bâu quanh miệng tổ nhua nhủa và cánh vẫy phát ra một âm thanh âm âm, vi vi. Chỉ biết rằng đàn ong ấy không bao giờ đốt ai và không ai dám gây sự với chúng. Tại sao chúng lại định cư trong cái phòng hộ sinh lợp lá gồi, tường trát bằng vôi và rơm, nhất là nơi các em bé sơ sinh đỏ hỏn khóc oe oe. Tôi rất sợ ong và rắn nên ngồi then lét trên lòng chị cả không dám ngọ ngoạy. Trong tiếng ong bay nhấp nhóa trưa hè, mẹ tôi cất tiếng ru:


À ơi!

Cái cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về

Cò về thăm quán cùng quê

Thăm cha thăm mẹ cò về thăm em…

 

 

Lời ru ai oán và đầy sức biểu cảm ấy sau này tôi mới biết mẹ tôi hay gửi gắm vào lời ru để hờn trách bố tôi đang ở mãi đẩu mãi đâu trong cái đất nước nghèo khó mà ít về nhà. Mang tiếng là cán bộ nhà nước nhưng mỗi lần về phép chỉ cho mẹ tôi một cái bụng ne ne như con cóc kềnh rồi lại biệt tăm. Tám lần như thế, một kiếp đàn bà tám lần sinh con chỉ còn lại có bốn. Bốn đứa lớn khôn quen hơi bén tiếng mẹ trời cướp mất, cướp như đùa. Cũng tại trời sinh voi mà không sinh cỏ. Các anh chị tôi chết vì bệnh tật không thuốc men, chết vì đói rét. Sau này khi đã làm bố, tôi mới hiểu mẹ chịu đựng nỗi đau đớn kinh hoàng của bốn lần đi chôn con. Giá như tôi, tôi đã phát điên phát dại.

Từ nhà hộ sinh mẹ bế em tôi về, cùng ra đời với em bé là chiếc võng đay căng ngang nhà kẽo kẹt và lời ru của mẹ làm nồng ấm thêm căn nhà ba gian. Nếu mẹ không đẻ thêm em tôi, chắc tôi không có vốn ca dao lục bát như bây giờ. Không hiểu sao mẹ tôi vốn mới chỉ học qua lớp diệt dốt mà thuộc lắm ca dao thế, cả những tác phẩm dài bằng lục bát mẹ cũng thuộc, ngoài Truyện Kiều thuộc làu từng chữ kèm chú giải điển tích còn Trê Cóc, Hoàng Trừu, Nhị Độ Mai, Tống Trân Cúc Hoa… Nhiều lắm. Tôi đắm mình vào lục bát, vào ca dao tục ngữ từ vô thức thành ý thức, từ “thấy hay” đến “thấy cảm” cái thể thơ vừa dân gian, vừa bác học này.

Bên tai tôi còn văng vẳng lời ru của mẹ, có thể nói lời ru ấy là hành trang cho tôi vào đời, làm người. Biết chung thủy với bè bạn, biết coi thường cường quyền điạ vị, tiền bạc để giữ cho tâm hồn thanh thản và trong sạch.

 

Vâng! Chỉ có Lục bát mà tiêu biểu là lục bát trong ca dao tục ngữ là thỏi vàng mười rưng rức trong kho tàng Văn học Việt Nam với sự biểu cảm tinh tế cao cường, với tình trong, ý ngoài, ý ngoài tình trong. Với sức dẫn dụ mê hồn, với trừu tượng mà khái quát, với ngoa dụ, ẩn dụ khôn lường… Lục bát biến cái không thể thành có thể. Xin lấy một cảnh huống làm ví dụ: Trên một quãng vắng của làng quê Việt Nam. Có một cô gái đầu mang tang trắng ủ rũ bước đi, một anh nông dân đánh trâu ra đồng đem lời trêu ghẹo:


Cô kia khăn trắng tang ai
Chịu tang cha mẹ phải hay tang chồng?

Bất nhẫn quá chăng? Sàm sỡ, hàm hồ quá chăng khi đặt câu hỏi ấy? Ai mượn tọc mạch cơ chứ. Chủ thể và khách thể đều khó ăn nhập trong câu hỏi vô duyên. Cô gái nọ sắp nổi đóa thì anh chàng nọ lại ỏn thót, ngọt ngào hai câu lục bát tiếp theo như sợi tơ mỏng quàng vắt sang, anh ta hỏi và anh ta lại trả lời ngay cái câu hỏi của mình:

Tang chồng hãy tạm cất đi
Tang cha, tang mẹ ta thì tang chung…

Sự vơ vào tán tỉnh thật có duyên và cũng thật hợp lý bởi suy cho cùng khi chẳng may đôi lứa chia lìa đứt đoạn. Người chết đã đành phận, người ở lại mới khổ. Họ phải đối diện với đơn côi lẻ bóng, nhất là người ấy thân phận đàn bà. Trái tim yếu mền và thổn thức, họ phải tự kiềm chế vì lễ giáo nhưng tuổi xuân của họ cần được bù đắp, tiếp nối, cảm thông che chở. Họ vừa chống lại, vừa thỏa hiệp với phép tự nhiên… Không loại trừ giông tố của nhục dục thân xác rất bản năng như ngọn lửa của bếp than đang ủ, luôn khát khao bùng cháy. Vậy đấy! Dẫu có nghiêm nghị đoan chính tới đâu thì khi nghe hai câu lục bát nọ, cô đeo khăn trắng kia cũng sẽ đưa mắt liếc ngang người hỏi mình. Sau cái liếc ngang ấy, mọi hờn giận tan đi để nhận lấy tấm chân tình ý nhị.

Bạn có là người tri thức cao đạo nhưng đặt bạn vào cảnh huống này bạn có làm được cái điều có thể như chàng nông dân nọ chăng? Khó đấy! Chàng nông dân kia là ông bà, là cha mẹ chúng ta ngày xưa đấy. Họ đã lấy thơ lục bát mà kết lại thành ca dao tục ngữ , tinh lọc tâm hồn, ngôn ngữ, khẩu ngữ để tạo nên giá trị nghệ thuật từ dân dã mà thành bác học.

Qua khảo sát văn hóa vùng Đông Nam Á. Tôi thấy nhiều quốc gia quanh ta không hề có thể thơ này. Lục bát như cây đàn bầu một dây, chỉ Việt Nam mới có, không vay mượn, không nhái nền văn học của Tây, của Tàu. Không phải là thứ văn hóa bị cưỡng hiếp áp đặt. Hãy ví dụ với những câu ca dao rất tinh tế trong tình yêu sau đây:


Cổ tay vừa trắng vừa tròn
Để cho ai gối mà mòn một bên


Hay:

Đường về đằng ấy bao xa
Mượn mình làm mối cho ta một người
Một người mười tám đôi mươi
Một người vừa đẹp vừa tươi như mình

 

Rồi:

 

Tưởng rằng mình hãy còn son

Ta đi ngang cửa thấy con mình bò

Con mình những trấu cùng gio

Ta đi múc nước tắm cho con mình…

 

Và:

 

Xa xôi đâu nữa mà nhầm
Phải hương hương bén, phải trầm trầm thơm.

 

vv và vv…

 

 

Tôi nghĩ; Lục bát trong ca dao tục ngữ Việt Nam đã được sinh ra từ cái nôi của nền văn minh lúa nước, lục bát là cánh cò bay lả bay la trên đồng, là tà áo mớ ba mớ bảy hay là dải khăn hoa lý cô gái đồng chiêm, là hình tượng của người nhà nông quảy thóc trên đường… cũng có thể là nhịp hít vào thở ra theo nhịp 6/8… Tất cả chỉ là giả định chơi vơi khi tôi lỗ mỗ ví von chủ quan như vậy.

Một lần trong buổi hội thảo. Một học giả danh tiếng về văn hóa dân gian đã nói một câu làm tôi nhớ mãi: “Anh hay chị là Nhà thơ của Việt Nam ư? Tôi không biết anh chị ấy thành danh thế nào nhưng hãy chiềng ra mấy câu lục bát cho mọi người xem đã. Khi đó anh chị sẽ được đánh giá là Nhà thơ hạng mấy.” Lúc đó nhiều Nhà thơ nhăn mặt với cái tuyên bố cao ngạo của vị học giả kia. Và cũng không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, mấy thằng Văn xuôi chúng tôi hò nhau đứng dậy vỗ tay cuồng nhiệt.

Chả cứ gì làm thơ, Viết văn cũng vậy, nếu không có nền tảng của ca dao tục ngữ, của lục bát dân tộc khó mà nên tấm nên đẫn. Anh là người sáng tạo văn chương thi ca phục vụ công chúng Việt mà không mang trong mình hồn cốt của dân tộc thì sẽ chỉ là một thứ lai căng rỗng tuếch. Sống trong Tiếng Việt mà nghèo Tiếng Việt là một thiệt thòi lớn cho tâm hồn… Tôi luôn nghĩ như thế.

Và cũng dễ hiểu vì sao, khi đã là một tác giả Văn xuôi, tôi lại thường đưa vào trang viết, trong truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, thậm chí cả những bài báo khô cứng những câu ca dao tục ngữ hoặc là hình bóng của ca dao tục ngữ để thể hiện. Nó tràn vào trang viết như đàn ong vàng xôn xao trưa hè cách đây hơn 50 năm mà tôi đã nhìn thấy trong phòng hộ sinh. Tôi thấy nó hiền lành và vui mắt. Cũng nhờ vốn ấy trong tôi đã hình thành hai con người mâu thuẫn thống nhất: Chua ngoa đỏng đớt, dịu dàng đằm thắm đôi khi bi lụy… Chẳng biết đấy là mặt được hay chưa được, chỉ biết rằng thiếu tố chất ấy tôi không thể đặt bút. Tôi yêu ca dao tục ngữ như anh chàng si tình muốn chiếm hữu người mình yêu cả bằng bản năng, cả bằng lý trí, cũng như cô nàng đeo tang trắng mà vẫn muốn liếc mắt đưa tình với anh thợ cày nọ. Tôi là phiên bản của Mẹ. Một thi hào thợ cấy chỉ mới qua lớp diệt dốt.

Mẹ tôi giờ đã thành người thiên cổ, tôi và cô em gái bé bỏng năm xưa giờ cũng nên ông, nên bà nhưng trong hành trang của anh em tôi luôn có lời ru của mẹ bằng những câu lục bát ca dao. Đàn ong vàng năm xưa cũng vừa về làm tổ trên ngọn si già sau nhà tôi. Tôi cứ mong tổ nó mau lớn để mỗi sớm mỗi chiều thỏa thuê chiêm ngưỡng. Và tôi thầm mong ước: Cho dù qua bao biến thiên lịch sử thì dân ca, ca dao tục ngữ vẫn cứ mãi song hành cùng dân tộc, cùng với những tâm hồn thanh khiết của mỗi người Việt Nam.

TP Phủ Lý những ngày cuối tháng 10/2010

 

Lưu Quốc Hòa

(Hội VHNT Hà Nam)

ĐT: 01685083357

Email: luusong55@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: