Thứ sáu, 29/03/2024,


Ngóng xuân hay ngóng người (03/11/2010) 

Mới đây tôi được đọc bài Người đạt số phiếu tuyệt đối trên trang báo điện tử Hội Nhà văn Việt Nam của Trần Quốc Minh, nhà thơ khuyết tật Hải Phòng viết về Nguyễn Ngọc Hưng, nhà thơ khuyết tật Quảng Ngãi để chia vui anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam nhưng chưa được đọc thơ của anh bao giờ. Thì đây, trong số xuân Canh Dần tạp chí Người Kinh Bắc tôi đã được đọc thơ của Nguyễn Ngọc Hưng, bài “Ngóng xuân”:

 

Đâu đào

Đâu cúc

Đâu mai

Ngày xuân ngắn

Con mắt dài ngóng trông

 

Xa xa thấp thoáng bóng hồng

Tưởng người yếm đỏ

Hóa… bông dong riềng!

                              31.1.2009

 

 

Bài thơ ngắn, ít chữ, cấu trúc như thơ Haikư Nhật Bản, nhưng có thể nhận ra đây là bài thơ tứ tuyệt thể lục bát đã được tác giả bố trí lại cho phù hợp với nguồn cảm xúc cá nhân, vừa đạt tới sự sáng tạo về hình thức, vừa tạo ấn tượng mạnh về nội dung. Và đã sáng tạo thì hiệu quả nghệ thuật là khôn cùng, dù lời ít, chữ kiệm.

 

Đâu đào, đâu cúc, đâu mai là ba câu hỏi về ba loài hoa biểu tượng của hoa xuân, biểu tượng cho mùa xuân, đọc lên cảm ngay được mùa xuân chưa đến, tạo cảm giác ngóng trông, chờ đợi mùa xuân tươi đẹp sắp đến, đang đến. Nhưng cặp chữ đối nghĩa ngắn/dài trong hai câu tiếp theo Ngày xuân ngắn/Con mắt dài ngóng trông càng làm tăng trạng thái ngóng trông, chờ đợi gấp nhiều lần. Thời khắc tươi đẹp ngắn lắm, quý lắm, nếu không trân trọng ngay từ lúc nó xuất hiện thì phí hoài lắm, vậy mới phải ngóng trông, mà tâm trạng ngóng trông chờ đợi bao giờ cũng là cảm giác sốt ruột, một phút tưởng một giờ, một năm. Nhưng tâm thức chờ đợi lại được thể hiện bằng một hiện thực là con mắt để chờ sự đến vô ảnh vô hình là thời gian thì thật đắt, thật tài hoa.

 

Câu tiếp theo là một hiện thực: thấp thoáng bóng hồng. Nhưng hiện thực lại bị nhoè mờ ngay trong tâm thức, không rõ đây là hoa của mùa xuân hay là người con gái, hoa của mùa người. Trạng thái ngóng trông, chờ đợi càng bị đẩy lên cao hơn, và sự sốt ruột càng thể hiện rõ hơn. Tưởng người yếm thắm hoá bông dong riềng, đúng là hoa xuân rồi, mùa xuân gõ cửa rồi nhưng đọc lên sao cảm thấy hẫng hụt, cô đơn thế. Vậy người ta ngóng xuân hay ngóng người đây? Hoá ra người ta chỉ mượn cớ ngóng xuân để mà ngóng người đấy thôi. Sự tài hoa của Nguyễn Ngọc Hưng càng bật lên rõ ràng qua việc miêu tả tâm trạng con người qua một bài thơ ngắn. Cảnh, tình hoà quện, mượn cảnh để nói tình, dù tình không thổ lộ ra. Nếu biết Nguyễn Ngọc Hưng là người khuyết tật thì càng thông cảm với anh hơn. Đã có thơ Đỗ Trọng Khơi về đề tài này và nghe tin anh đã có một bóng hồng của riêng mình. Mong Nguyễn Ngọc Hưng rồi đây cũng có một bóng hồng của riêng mình chứ không phải nỗi thất vọng của một bông dong riềng ngoài ngõ. Hi vọng qua thi phẩm này sẽ có được tri âm tri kỉ cho tác giả của nó khi mùa xuân đến. Chẳng cần sắc của đào, của cúc, của mai đâu, chỉ cần một bông dong riềng khiêm nhường nhưng có vị ngọt bên trong thôi.

 

 

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ, An Bình, Thuận Thành

(Nguồn: Báo Bắc Ninh)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: