Thứ sáu, 19/04/2024,


Vài suy nghĩ về quá trình sinh thành của những tứ thơ (Lâm Thị Mỹ Dạ) (23/10/2010) 

 

 

'Có người bạn hỏi tôi: Bài hay nhất của chị là bài thơ nào? Tôi không thể trả lời được. Bởi vì thơ cũng như tình yêu, thật khó nói.

Và những tứ thơ bao giờ cũng đòi hỏi ta dâng cho nó mối tình đầu thiết tha, trong sáng, day dứt, xao xuyến, trăn trở, nồng cháy…'

(Lâm Thị Mỹ Dạ)

 

 

 

Quá trình cảm thụ thế giới:

 

Những tứ thơ tức là những yếu tố nội dung cấu trúc nên một tác phẩm thi ca. Nói rộng tức là những yếu tố làm nên thế giới thi ca của một nhà thơ.

Những yếu tố đó bao giờ cũng có nguồn gốc từ hiện thực khách quan bên ngoài, nó khởi đầu từ thế giới khách quan bên ngoài tức là cuộc sống bên ngoài của nhà thơ. Môi trường đó bao gồm cả thiên nhiên và xã hội: Ta thấy tất cả những yếu tố thơ ca thường là xuất hiện do cuộc sống bên ngoài chứ không phải do một yếu tố thần linh và nhà thơ như một con ong phải làm mật từ những bông hoa có thật mà nó đã hút nhụy. Nhà thơ đã nhặt nhạnh những yếu tố đó trước hết là bằng những giác quan tinh nhạy của mình đó là sự quan sát cuộc sống - Như vậy là những chất liệu của thế giới mà sự quan sát cung cấp cho nhà thơ thường hiện ra dưới dạng hình ảnh, màu sắc, hương vị, âm thanh và có thể có muôn cái không nhìn thấy được bằng mắt nhưng vẫn cảm thấy sự có mặt của nó. Ví dụ: Tiếng vang nào đó của một thế giới xa thẳm chợt hiện đến trong lúc nhà thơ nghe nhìn, do vậy nhà thơ chỉ có thể xây dựng lâu đài của mình bằng nguồn vật tư từ thế giới bên ngoài, không có một thần linh nào mang những thức ăn tinh thần làm quà tặng siêu trần gian cho nhà thơ.

 

Toàn bộ thế giới đã tiếp nhận bằng chính cửa ngõ của giác quan để đi vào tâm hồn nhà thơ (có thể có giác quan thứ 6 - sự linh cảm - nhưng cũng chỉ là giác quan thôi). Nhưng sự quan sát của nhà thơ khác với sự quan sát của một nhà khoa học, hoặc là một người thường. Bởi vì sự quan sát của nhà thơ lựa chọn và thanh lọc để ghi nhận những cái gì thực sự có ý nghĩa của thế giới xung quanh. Điều đó giống như một người quan sát một cái phòng với tất cả những đồ đạc bày biện ở quanh mình nhưng những đồ đạc có ý nghĩa thực dụng thì không thể có cái gì lạ đối với nhà thơ, mà có khi chỉ một bông hoa trên bàn có thể làm cho nhà thơ bắt gặp ở đó một cái gì có ý nghĩa, mang ý nghĩa cuộc đời, sau này sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn nhà thơ, cái nhìn của nhà thơ - Đó là cái nhìn của một họa sĩ vẽ tranh tĩnh vật, anh ta chỉ nhặt được trong căn phòng bề bộn của mình những trái cây và những cánh hoa yên lặng. Từ quan sát đến thu nhận, tư liệu của thế giới khách quan được chọn lựa hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của nhà thơ. Vì vậy, để là một nhà thơ trước hết phải là một người có khả năng nhìn và nắm bắt những hiện tượng, có ý nghĩa của môi trường sống (của thiên nhiên, xã hội, con người và nói rộng ra là toàn bộ thời đại của anh ta).

 

Ví dụ: Họa sĩ ấn tượng nổi tiếng Pháp là Mô-nê đã nhìn thấy sương mù Luân Đôn màu đỏ (trong bức tranh của ông ta), trong lúc đó thì tất cả những người dân Luân Đôn từ bao túi vẫn nhìn thấy sương mù của thành phố mình là màu xám. Nhưng sau bức tranh của Mô-nê, hầu hết những người dân Luân Đôn đều nhìn thấy có một màu đỏ bí ẩn trong đáy của sương mù thành phố xưa cũ đó.

Cũng vì vậy mà sự quan sát của nhà thơ đồng thời mang tính chất cảm thụ rất mạnh mẽ - Cảm thụ ở đây nghĩa là thu hoạch thế giới đang hiện ra dưới tầm nhìn của mình để chiếm lấy cho riêng mình những gì có sức vang động vào tâm hồi. Ví dụ: Một buổi sáng trên cánh đồng, thì Van Gốc vẽ một cánh đồng lúa chín và trên đó có những con quạ đang bay và đó chính là những bóng đen mãi mãi vẫn ám ảnh tâm hồn Van Gốc. Bản thân tôi, tôi cũng đã đứng trước một cánh đồng như vậy và khi tôi nghe những tiếng chim thì tiếng chim nó vang đến bên tai tôi như một dòng chữ viết trên nền trời và tôi nghĩ đến những dòng thư của một tình bạn thời thơ ấu: Ôi dòng chữ tiếng chi/ Hiện lên rồi lại xóa/ Như dòng thư vội vã/ Viết từ một chân trời.

 

Quá trình đưa thế giới vào bên trong:

 

Với những người thường thì những sự kiện và sự việc được ghi nhận hoặc dừng lại ở cửa ngõ các giác quan hoặc là đi vào trong tâm trí của mình, nhưng chỉ một thời gian sau, do sự hững hờ của cái nhìn, của tâm hồn họ, những sự kiện ghi nhận dần dần mất hết ý nghĩa hoặc là tự nó tan biến đi. Riêng với một nhà thơ thì có khả năng tồn giữ những mảnh đời sống, những hình ảnh của thế giới đó ở tận trong sâu thẳm của tâm hồn - và có thể có nhiều lúc người ta không hề nghĩ đến và tưởng như đã quên đi, nhưng mà những hình ảnh phía sau võng mô vẫn tồn tại ở đâu đó trong vô thức tối tăm của mình, giống như những vật quý của cuộc đời bỏ vào một tủ riêng và khóa lại - Đây bắt đầu quá trình nội tâm hóa thế giới khách quan ở tâm hồn một nhà thơ. Quá trình làm việc của vô thức là khó nắm bắt được, nhưng tôi nghĩ rằng quá trình ấy vẫn tiếp tục hoạt động mãnh liệt ngay cả khi người ta ngủ. Và những mẫu quặng của cuộc sống vẫn được nung nấu và tôi luyện không ngừng, và những tứ thơ bắt đầu hình thành giống như những mẫu kim loại lấp lánh. Như vậy qua quá trình nội tâm hóa những vật liệu thô của cuộc sống đã được nhào nặn, tinh lọc, kết hợp để trở thành tư liệu riêng của tâm hồn và đó chính là những dạng đầu tiên của tứ thơ. Như nụ hoa tầm xuân đã tàn theo mùa của nó, nhưng khi nó được nhìn vào và được hái bởi một thi sĩ đồng quê nào đó, bông hoa ấy vẫn còn mãi trong nội tâm của nhà thơ không bao giờ tàn héo, và sau một thời gian lắng sâu nào đó không ai biết thì bông hoa kia lại vụt hiện ra trong ánh sáng ý thức thành ra một bông hoa xanh biếc lạ lùng:

 

“Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay”

 

Quá trình sống lại của thế giới đã cảm thụ:

 

Đánh thức:  Tôi muốn trở lại với câu chuyện hoa tầm xuân. Nó nằm trong đáy sâu của tâm hồn nhà thơ, hầu như đã quên lãng trong cuộc sống hàng ngày của anh ta có khi đến vài chục năm, và đột nhiên nó lại hiện ra. Một biến cố nào đó ở thế giới bên ngoài xảy ra và gây cho tâm hồn nhà thơ một nỗi xúc động cao độ để làm sống lại cái hình tượng của bông hoa tầm xuân kia, và chắc chắn biến cố ấy là sự kiện người bạn gái yêu thương của anh ta đã đi lấy chồng. Như vậy rõ ràng là phải có một biến động, một yếu tố tác động nào đó của cuộc sống để đánh thức cả một tâm trạng đang lắng ngủ, giống như hòn sỏi ném vào mặt hồ đang yên tĩnh. Theo tôi nghĩ cái yếu tố tác động để đánh thức là hết sức quan trọng và cũng mang đầy tính chất ngẫu nhiên trong quá trình sáng tạo của nhà thơ. Có thể là một biến cố trong đời sống tình cảm của con người hoặc thường khi chỉ là một vật tình cờ, nhỏ bé, lẻ loi, rất có thể nhìn lướt qua rồi bỏ đi dưới con mắt người khác, ví dụ như một chiếc lá khô mùa thu rơi dưới bước chân. Nhưng đối với nhà thơ thì chiếc lá vàng rơi nhẹ ấy lại mang tất cả sức nặng của vũ trụ. Nó đến với nhà thơ như một âm thanh mang tất cả nỗi xao xuyến của tâm hồn, và một khi đã rơi vào lòng người thì nó trở thành ngón tay thần kỳ của một người nghệ sĩ nào không biết đang nhấn lên một phím ngà của chiếc dương cầm tâm hồn, và lập tức như một chủ âm, âm thanh ấy làm dấy lên giai điệu của một bản xô-nát: Sự ngân rung của nội tâm nhà thơ vào khoảnh khắc ấy mang đầy nhạc tính và ta có thể gọi đó là giai điệu của tâm trạng thi ca, từ đó sẽ xuất hiện mô-típ chính của bài thơ.

Xin dẫn chứng bằng một kinh nghiệm sáng tác của riêng tôi. Một buổi sáng, tôi nghe một người bạn đọc một bài thơ thiếu nhi có hai từ “màu ngà”, từ đó hai từ ấy cứ vướng vít trong tâm trí tôi, không lúc nào dứt. Âm thanh có tính chất nội dung của hai từ ấy gợi cho tôi nghĩ đến vẻ đẹp tuổi thơ - sự trong sáng của tâm hồn - cái nguyên vẹn, tinh khôi của trời đất thuở ban đầu và tự nhiên tôi nghĩ đến cái trứng chim và tôi không bao giờ rời khỏi hình ảnh quả trứng, quả trứng ấy luôn đè nặng lên tâm trí tôi cho đến lúc tôi làm xong bài “Cái tổ chim”. Bài thơ có đoạn: Một quả trứng màu ngà/ Như sự sống ngân nga/ Dâng lên trong chiếc tổ…

 

Thế giới hiện ra: Tâm trạng thi ca một khi đã dấy lên nó làm nặng trĩu tâm hồn như một tình yêu chưa đạt tới. Nó luôn luôn kêu gọi, thúc giục, quấn quít. Từ đó, nhà thơ cảm thấy cái nhu cầu cấp thiết phải giải phóng nội tâm của mình bằng cách thúc đẩy cho xuất hiện toàn bộ bản xô-nát đã dấy lên. Đây là quá trình hoạt động căng thẳng của “bộ máy bên trong”, trong đó, hình như ngoài ý muốn của nhà thơ nó tập trung tất cả năng lực của hồi ức, trí tưởng tượng và sức nhập thân vào đối tượng. Ở đây phải nói đến sức mạnh kỳ lạ của hồi ức: có thể từ một hình ảnh xa xôi và hầu như không đáng kể, và cứ thế nhiều nét khác được lôi cuốn xuất hiện, từng tí một cho đến lúc hồi ức dựng lên được cả một bức tranh toàn vẹn.

Tuy nhiên hồi ức không phải là sự đồ lại nguyên bản những ghi chép của trí nhớ; hoạt động của hồi ức mang đầy tính sáng tạo bằng cách cải biên, cách điệu hóa trí nhớ, bằng cách tổ hợp các yếu tố rời rạc của trí nhớ để thành ra một cấu trúc toàn vẹn mang một ý nghĩa mới. Và người ta hiểu rằng: Cùng với trí nhớ, đấy là công lao của trí tưởng tượng.

Như ta đã biết, từ một bông hoa dại, thoáng gặp ngoài đồng, hồi ức và trí tưởng tượng của nhà thơ đã xây dựng nên một bức tranh toàn vẹn của thế giới tình cảm mang tính nhân loại; bằng năng lực sáng tạo tổng hợp này, nhà thơ ca dao đã nối kết biết bao nhiêu kinh nghiệm sống riêng lẽ và hình như nằm rời rạc ở đâu đó trong những góc tối của tâm hồn, trong đó có mùi hương hoa bưởi của những đêm hẹn hò, luống cà đầy kỷ niệm, nỗi đau của tình yêu đã mất, và tất cả đó được cấu trúc chặt chẽ vây quanh màu xanh biếc đến quặn lòng của nụ hoa tầm xuân mới nở.

Không chỉ riêng một kỷ niệm đời người, mà nhiều khi còn là một bức tranh lớn lao của lịch sử, của những người cùng thời cũng có thể xuất hiện từ một đơn vị nhỏ của hồi ức như vậy. Tuổi nhỏ tôi thường hay gõ lên những mặt trống, bất kể là trống gì - ngày ấy tôi chỉ thấy rộn ràng trong lòng những tình cảm tươi vui. Sau này lớn lên, khi đến đền Hùng, tôi được vào trong bảo tàng - và gặp cái trống đồng - khi tay tôi chạm đến mặt trống, tiếng ngân của trống đồng làm tôi rung động, xao xuyến. Tôi có cảm giác như mình thành người của thời xa xưa đang đứng gõ trống đồng. Và lúc đó có một mô-típ chính của bài thơ đã đến:

 

“Khi tay chạm, trống đồng ngân

Sững sờ tôi ngỡ mình thành người xưa”

 

Và hai câu thơ ấy theo đuổi tôi suốt ba năm trời, cho đến lúc trái cây đã chín trong nội tâm, thì toàn bộ lịch sử của đất nước bốn nghìn năm vụt hiện ra trong tôi, bài thơ như một thực thể tự sinh dưới ngòi bút của tôi:

 

…“Từ đây đến đấy xa thay

Đầu kia ai đứng cuối này là tôi

Bao nhiêu thời đại qua rồi

Chỉ còn vọng giữa đất trời tiếng ngân” v.v…

 

Điều cần nhấn mạnh sau cùng là cả hồi ức và tưởng tượng, cả cảm tính và lý tính, cả âm điệu và ngôn từ v.v…, tất cả đó vẫn sẽ không bao giờ đưa người ta đến thi ca chân thực, nếu ở nhà thơ không có cái khả năng tổng hợp và linh mẫn nhất của tâm hồn, mà người ta vẫn thường gọi là “trái tim”. Một nhà thơ chân chính trước tiên và sau cùng, phải có một trái tim chân chính, trái tim nhạy cảm trước nỗi đau và hạnh phúc, trái tim biết căm ghét và khát vọng trong sáng, và luôn luôn mang trong nó nỗi yêu thương vô tận đối với con người và cuộc sống. Về cả đạo đức và thẩm mỹ học chúng ta gọi đấy chính nhân sinh quan mang tính chất nhân đạo chủ nghĩa của nhà thơ.

 

Có người bạn hỏi tôi: Bài hay nhất của chị là bài thơ nào? Tôi không thể trả lời được. Bởi vì thơ cũng như tình yêu, thật khó nói. Và những tứ thơ bao giờ cũng đòi hỏi ta dâng cho nó mối tình đầu thiết tha, trong sáng, day dứt, xao xuyến, trăn trở, nồng cháy…

 

Nhà thơ LÂM THỊ MỸ DẠ

(Huế)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: