Thứ hai, 29/04/2024,


QUÊ CŨ (18/09/2008) 

Đặng Vương Hưng

Dửng dưng cành phượng cuối hè

Tiếng ve sót lại bờ tre nắng vàng

 

Cùng hương quả chín lang thang

Tôi theo ngọn gió khắp làng dạo chơi

 

Tiếng chim gì hót xanh trời

Sắc hoa nào nở cho người bâng khuâng...

 

Nhớ ơi thảng thốt trong lòng

Người yêu năm ấy lấy chồng nơi nao?

                                            (1988)

 

     “Ra vẻ dửng dưng đấy, lang thang đấy nhưng nào cất được bâng khuâng. Kẻ đa tình trong vần Lục bát cứ lồ lộ ra cùng những hẫng hụt của tình cảm.

Lục bát của ĐVH thường hay thảng thốt để lẳng lơ kiểu dễ yêu như vậy.”

                                    (Phan Quế)

     “Từng cặp hai câu một êm đềm lượn trôi trong tâm trí người đọc, mang theo màu sắc, hương thơm, âm thanh của một thời đã qua, để rồi cuối cùng đọng lại trong lòng người một nét buồn sâu kín. Hình như ai cũng từng có phút xao lòng như thế?

Như một tia nắng buộc mặt trời vào trái đất, hình ảnh cô gái hiện lên ở cuối bài thơ như một sự ràng níu, khiến cho tình quê càng trở nên cụ thể vào sâu nặng.

Thật khó nghĩ bài thơ chỉ tám câu, vì nó gợi khá nhiều.”                                

                                               (Phạm Khải)

     “Quê cũ, cảnh cũ và người cũ... nhưng nỗi niềm thì không bao giờ cũ. Thơ ngỡ nói quê mà lòng gợi nhớ lòng da diết.”

                           (Nguyễn Trọng Hoàn)

     “Người xưa thường thấy trong cảnh cũ.

      Sự thiếu hụt bất ngờ đã làm nên nỗi nhớ thảng thốt đến nhói đau.”

                                   (Minh Hằng)

     “Bài thơ không có gì là cụ thể cả: Cũng chỉ một cành phượng cuối hè rất chung chung và một tiếng ve sót lại ở góc bờ tre nào đó... Mãi tới khi tác giả thốt kêu lên: “Nhớ ơi...” thì cành phượng kia với tiếng ve này mới hóa thành vật chứng cho một “đương sự” rất nỗi bâng khuâng.

Nhưng “vật chứng” chưa đủ, mà cần phải có thêm “nhân chứng”, thì tác giả lại hồn nhiên y như mình “vô can” hoàn toàn: “Người yêu năm ấy lấy chồng nơi nao?”. Viết như thế kể cũng hóm thật!

                            (Hoàng Nhuận Cầm)

     “Quê cũ và dường như cái gì cũng nhuốm buồn:  Cành hoa phượng cuối cùng, tiếng ve chỉ như những giọt âm thanh còn sót lại. Hoa thì cũng đã nở rồi. Một tiếng chim dẫu "hót xanh trời", cũng không đủ làm vơi đi nỗi niềm da diết...

Phải chăng cảnh thì đa sắc và người thì đa đoan?”.                   

                    (Nguyễn Thị Thanh Ngân)

     “Tôi thích hai câu thơ rất vu vơ “Tiếng chim gì hót xanh trời - Sắc hoa nào nở cho người bâng khuâng”. Nó hợp với tâm trạng của người đi xa, giờ trở lại một vùng quê đầy kỷ niệm.

     Dù trong bài thơ này, cả địa điểm, không gian và thời gian chỉ được xác định tương đối, nhưng vẫn cụ thể: Đã cuối hè, chớm thu tại một thôn quê với “bờ tre nắng vàng” và “hương quả chín lang thang”... có một người trở lại chốn xưa, đi tìm... Nhưng tất cả chỉ còn trong ký ức đã xa lắm rồi...”

                                 (Lê Đình Thắng)

----------------- 

Trích HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: