Thứ sáu, 19/04/2024,


Thể cách Lục bát tập trung và Thể cách Thơ đối thoại (08/08/2010) 

I/ LỤC BÁT TẬP TRUNG.

 

Trong tác phẩm lục bát trường thiên như Truyện Kiều, ta có thể tìm được rải rác khắp các trang những câu thơ lấp lánh, vì vậy ta không hề thấy lối cấu trúc tập trung xuống hai câu thơ cuối như ở những bài lục bát ngắn.  Hầu hết các thi sĩ làm thơ lục bát ngắn đều áp dụng diễn tiến của kết cấu này. Khi thì hai câu cuối là một hình thức nào đó của phép tu từ, khi thì hai câu cuối cho ta một ấn tượng bàng bạc xa xôi, hoặc một âm hưởng mịt mờ vang vọng. Ta lấy ví dụ trong thơ lục bát Nguyễn Đức Sơn:

 

Tôi về lắng cả buổi chiều

Nghe chim ăn trái rụng đều trong kinh

Còn một mình, hỏi một mình

Có chăng hồn với dáng hình là hai

Từng trưa nằm nghỉ đất dài

Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên

(Mang Mang)

 

Hai câu thơ cuối đạt chất thơ dù không nhờ phép tu từ nào. Nguyễn Đức Sơn giúp ta tìm lại giây phút kinh nghiệm khi nằm dài thanh thản trên mặt đất, lúc ấy ta như cảm thấy linh hồn nhẹ bay lên. Đề tài trong thơ Nguyễn Đức Sơn thường nghiêng về siêu hình, như dưới đây là một người đang ngồi khóc trên đồi. Đồi này là đồi hư không, đồi của một hành giả hiện sinh sau khi cảm nghiệm cái vô lý mình đang tồn tại ở đời: “Tôi hiện hữu do ngẫu nhiên vì sự gặp gỡ của cha mẹ, ngoài ý muốn của tôi” (Tư tưởng này có trong triết lý Hiện Sinh, phổ biến vào sách báo miền Nam Việt Nam vào những năm 1960 đến năm 1968 gì đó...). Đây là tiếng khóc muốn rời bỏ nhân thế, không muốn hệ lụy với đời, khác với đoạn trên là những liên hệ xã hội tính:

 

Nhiều khi đợi nắng chiều tan

Tôi mông lung nghĩ theo làn mây trôi

Ngày kia nếu ở trên đời

Cha tôi không cưới mẹ tôi bây giờ

Sinh ra tôi có làm thơ

Để điêu linh vẫn như chờ riêng thôi

Những đêm sao sáng đầy trời

Bỗng nhiên tôi khóc trên đồi hư không.

(Hồi Tưởng)

 

Trước khi tiếp nhận ảnh hưởng của triết lý Hiện Sinh, Nguyễn Đức Sơn tỏ ra rất thâm cảm thơ Thiền, Văn Học Thời Lý Thời Trần với các bài kệ ngắn của các Thiền Sư. Thơ Nguyễn Đức Sơn là những giao lưu giữa mỹ cảm và thiền cảm mà vùng biển Nha Trang thường là nguồn cảm hứng vãng lai. Ngoài thơ, các truyện ngắn của Nguyễn Đức Sơn cũng bàng bạc thiền vị, bàng bạc mỹ cảm, bàng bạc triết lý Hiện Sinh, như viết về cái chết rong rêu dưới đáy hồ im vắng; cái chết cho xong một đời mệt mỏi của những con vật trôi sông với xương bày trắng hếu tắp vào một cù lao xa khuất; nổi loạn chống lại đám người ồn ào dưới phố khi họ kéo nhau ra xem một cách bất nhân trước cảnh con chuột cống bị thanh sắt đâm qua thân, nó đi khệnh khạng ngang qua đường, sắp chết.  Thật ra đó là nổi loạn chống lại xã hội, không phải nổi loạn hư vô chủ nghĩa hay nổi loạn vô chính phủ. (Nguyễn Đức Sơn, trong sách “Cát Bụi Mệt Mỏi” “Cái Chuồng Khỉ”, “Bến Tắm Ngựa” do nhà xuất bản An Tiêm và Lá Bối).

Trở lại bàn về Thơ Lục Bát với cấu trúc tập trung xuống hai câu cuối. Bài thơ dưới đây, Nguyễn Đức Sơn tập trung bằng phép tu từ, thể cách so sánh. Thời thơ ấu của Nguyễn Đức Sơn, đời sống riêng trong gia đình, có dấu ấn đi vào thơ như một vết thương.  Nhờ trực cảm tiếp xúc với điệu buồn mưa cao nguyên, giọt đều mái lá, cây rừng chuyển động khi nhìn ra trước nhà, nên các câu ở đoạn giữa mới là những câu hay, vượt khỏi sự ưu ái dành cho cuối bài:

 

Êm êm chiều xuống ngập lòng

Gió lên lùa cả mùa đông vào hồn

Sương mù giăng kín bản thôn

Mái khoan thai đếm giọt buồn theo mưa

Cây rừng chuyển động sầu đưa

Nhịp vang theo nhịp như xưa lắm rồi

Suối khô đã tiếp lượng trời

Ngày thơ sao vẫn một đời tịch liêu.

(Buồn Xa Xưa)

 

Thơ cảm hứng thiên nhiên của Nguyễn Đức Sơn, thiền vị là một điều tất yếu. Nhưng nếu có dịp cảm hứng về cuộc sống thông tục, Nguyễn Đức Sơn cũng không để lỡ dịp hướng về ý tưởng siêu hình, và cũng không quên lối cấu trúc tập trung ấy:

 

- Buồn sao như dạ héo hon

Đời nghe ú ớ hãy còn sơ khai

Nghe đời đau quặn trong thai

Tiếng ru chan chứa đêm dài còn mang

(Tiếng Ru Em)

 

- Nắm tay lật úp đi con

Co thân tròn trịa như hòn đá lăn

Muốn cho đời sống không cằn

Tập cho quen mất thăng bằng từ đây

(Nhìn Con Tập Lật)

 

Bài thơ “Nhìn Con Tập Lật” thiên về ý tưởng trừu tượng, bài “Tiếng Ru Em” thiên về hình tượng cụ thể. Ta nghĩ thơ nên nghiêng về cụ thể, vì ý tưởng nếu đạt, ta chỉ có bài thơ lạ; còn hình tượng nếu diễn thật tới thì sẽ cho ta bài thơ mỹ cảm giao lưu với thiền cảm, hoặc mỹ cảm giao lưu với thần cảm. Nhà văn Võ Phiến thường chú trọng đến những bài thơ có một giọng điệu đặc biệt riêng, ví dụ bài “Tống Biệt” của Thâm Tâm với giọng điệu khinh bạc; bài “Một Ngày Nhàn Rỗi” của Nguyễn Bắc Sơn với giọng điệu nghênh ngang; bài “Bọt Nước” của Nguyễn Đức Sơn với giọng điệu của niềm đau dằng dặc. Ta có thể thêm, bài thơ “Bài Hành Phương Nam” của Nguyễn Bính với giọng điệu chua chát tình đời, bài “Anh Hùng Tận” của Tô Thùy Yên với giọng điệu khệnh khạng say rượu trước giờ lâm trận không biết sống chết sẽ ra sao; bài thơ “Gởi Quà” của Luân Hoán với giọng điệu chán ngán cuộc sống cơm áo và bất đắc chí ở xứ lưu vong... Giọng điệu thường đến với các nhà thơ mà không do một sắp xếp trước. Trong khi làm thơ, giọng điệu tự nhiên đến với thi sĩ, trào ra ngẫu nhĩ dưới ngòi bút. Cho nên những bài thơ có sắp đặt mang tính cấu trúc, như thơ lục bát với bố cục tập trung xuống hai câu thơ cuối cùng, thường không tạo ra được một giọng điệu, chỉ là những bài thơ nghiêng về mỹ cảm. Thơ lục bát nếu có một giọng điệu đặc biệt phải ở ngoài ý thức về cấu trúc, ví dụ rất hiếm hoi trong thơ Nguyễn Đức Sơn nhưng cũng đã có, đó là bài “Một Mình Nằm Thở Đủ Kiểu Trên Biển” mang giọng nghịch ngợm, tuy vậy vẫn có vẻ triết lý:

 

Đầu tiên tôi thở cái phào

Bao nhiêu phiền não như trào ra theo

Nín hơi tôi thở cái phèo

Bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không...

 

Mới đây, một số bài thơ lục bát của Nguyễn Đức Sơn từ trong nước gởi ra, đăng trong tạp chí “Thế Kỷ 21” (tháng 11-1993), với những ý tưởng rất đả phá chống đối chế độ; cùng những bài thơ về tư tưởng Phật Giáo đã làm trước đây (Hình như trong tập thơ “Đêm Nguyệt Động”) được tạp chí cho đăng lại, Nguyễn Đức Sơn không ngần ngại dùng những từ ngữ thông tục táo bạo, nói về cái màn trinh nữ như giảng đạo về sự đắm chìm vào vô minh. Tuy nhiên vẫn không phạm thượng tôn giáo, mà còn sáng tạo ra chất thơ mới, chưa ai so sánh được như vậy từ trước, bởi vì tác giả chỉ có ý muốn nói chính cái màn đó làm cho ta hệ lụy, say đắm quá sẽ làm tiêu luôn đường về Niết Bàn. Tác giả dùng thể thơ lục bát rất chặt chẽ về vần điệu, không cần dùng đến vần lệch để có thể phóng khoáng, và cấu trúc vẫn là diễn tiến tập trung quen thuộc.  Khuôn khổ, nhưng không phải là không sáng tạo được những điều mới:

 

Em đang thay áo trong phòng

Hương xuân bay tỏa sóng lòng tôi đau

Vú thon quá độ nhiệm mầu

Trộm nhìn quên hết ưu sầu thế gian

Tiêu luôn cái cõi Niết Bàn

Bắt tay chào nhé cái màn vô minh

(Trinh Nữ)

 

Nghịch ngợm, táo bạo, đả phá, nổi loạn, nhưng thực chất sâu thẳm của Nguyễn Đức Sơn là thơ hướng về nghệ thuật, nói rõ hơn là thơ thiên về mỹ cảm giao lưu với Thiền cảm. Trong chiều hướng đó, thơ Nguyễn Đức Sơn có nhiều bài đạt tới độ tuyệt diệu, như bài “Mai Kia” mà người viết bài này muốn giới thiệu ở đoạn kết thúc để thưởng thức. Bài thơ vừa có những lời giản dị, vừa có những từ ngữ lóng lánh. Tứ thơ thì thanh thản, một ngày nào kia con lớn lên, cha sẽ già, rồi tan biến vào hư không đời đời:

 

Mai kia tan biến hận thù

Giữa đêm sao chiếu mịt mù phương đông

Cha về ôm cả biển sông

Duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời

Cho con cha hứa một lời

Đuổi mây thiên cổ rong chơi tối ngày

Thu nào tóc bạc òa bay

Có con chỉ trỏ mới hay tuổi già

Cúi hôn trời đất đậm đà

Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên

 

Như trái cây chín thì có lúc mùi, phải rụng khi vô cùng mật ngọt.  Lục bát kiểu tập trung như vậy trở thành thông lệ, được nhiều thi sĩ nhắm tới vì có tác dụng gây dư vang ấn tượng vào tâm hồn độc giả. Nhiều nhà thơ cũng đã ý thức về thông lệ trên, nên những câu hay có vẻ tu từ pháp, hoặc xa xôi bàng bạc, hoặc mịt mờ âm hưởng, được đưa vào đoạn giữa. Cái gì quen thuộc cũng trở thành đường mòn, tuy không phải là đường mòn khuôn sáo vì có khi thi tứ rất sáng tạo, chẳng lặp lại của ai, nhưng cũng là “đường mòn của kỹ thuật” làm thơ lục bát.

 

II/ THỂ CÁCH THƠ ĐỐI THOẠI.

 

Làm sao tránh được sự sơ sài khi viết về một tác giả nổi tiếng mà bài viết chỉ giới hạn trong một hai trang báo. Ngoài cách kể vài kỷ niệm hay vài giai thoại quen biết với tác giả để đóng góp một chút tư liệu liên quan đến cuộc đời, qua đó soi rọi sự hiểu biết về văn thi nghiệp - muốn giúp gì thêm thì chỉ còn cách là từ một bài thơ hay một đoạn văn của tác giả, nhân đó bàn về vấn đề văn chương có tính cách tổng quát. Ví dụ viết về nhà thơ Thanh Tịnh thì không thể trong một bài báo quá ngắn nhìn được dù chỉ vài khía cạnh trong tổng thể thi nghiệp của Thanh Tịnh. Vì vậy nhân bài thơ “Mòn Mỏi” của ông, ta bàn về thể thơ đối thoại, một thể thơ tưởng đã lãng quên nhưng đôi khi còn thấy xuất hiện trong văn chương Việt Nam hải ngoại hiện nay. Thể thơ đối thoại thường được áp dụng ở những thi phẩm trường thiên như Truyện Kiều hay Lục Vân Tiên, trong đó gồm nhiều nhân vật với nhiều dịp đối thoại với nhau qua diễn tiến của một câu chuyện dài, lắm tình tiết, làm nên thứ tiểu thuyết văn vần. Thể đối thoại ít khi dùng trong bài thơ ngắn, vì nhà thơ thường độc thoại, có khi còn làm đại diện nói giùm cảm nghĩ của người khác:

 

Nếu anh còn trẻ như năm trước

Quyết đón em về sống với anh

Những khoảng chiều buồn phơ phất lại

Anh đàn em hát níu xuân xanh.

(Hoàng Cầm)

 

Khi làm thơ với cấu trúc gồm hai nhân vật thì có ba cách: Một là đặt câu nói nhân vật vào hai dấu ngoặc kép, như trong bài thơ “Đi Chùa Hương” với lời cô gái và lời của chàng trai thỉnh thoảng được ghi nguyên văn bằng thể thức trên, còn tất cả là lời tác giả như một kẻ thứ ba đứng ngoài cuộc. Hai là dùng một dấu gạch ngang ngắn, như trong bài “Tình Già” của Phan Khôi: lời của người tình già 25 năm gặp lại thỉnh thoảng được chen vào, ngoài ra là lời của Phan Khôi như một kẻ đang chứng kiến câu chuyện. Bài thơ “Tình Sầu” của Huyền Kiêu là điển hình của thể thơ đối thoại với cách áp dụng dấu gạch ngang ngắn dành cho lời của một người trong cuộc:

 

           Xuân hồng có chàng tới hỏi

           Em thơ, chị đẹp em đâu?

           - Chị tôi hoa thắm cài đầu

           Đi đuổi bướm vàng ngoài nội.

 

           Hạ đỏ có chàng tới hỏi

           Em thơ, chị đẹp em đâu?

           - Chị tôi tóc xõa ngang đầu

           Đi giặt tơ vàng bên suối.

 

           Thu biếc có chàng tới hỏi

           Em thơ chị đẹp em đâu?

           - Chị tôi hoa thắm quàng đầu

           Đi hát tình sầu trong núi.

 

           Đông xám có chàng tới hỏi

           Em thơ chị đẹp em đâu?

           - Chị tôi hoa phủ đầy đầu

           Đã ngủ trong lòng mộ tối.

                                                                                                                                        

Đoạn cuối bài thơ của Huyền Kiêu thật u buồn nhưng không đến nỗi bất ngờ, vì ta có thể đoán trước điều gì tác giả muốn nói qua diễn tiến của thời gian bốn mùa, nằm trong chủ đề có tính cách siêu hình - đôi khi ứng nghiệm nhưng không phải thường hằng - nhưng thi nhân thường làm nguồn cảm hứng: chủ đề hồng nhan bạc. Ta chợt nhớ đến một cuốn phim Thụy Điển, chiếu ở Việt Nam vào thập niên 1960: “Nàng Chỉ Ca Múa Trong Một Mùa Hè” (Nhan đề tiếng Việt của cuốn phim là “Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè” dịch từ Pháp ngữ “Elle n'a dansé qu'un seul été”, và từ tiếng Thụy Điển “Hon dansade en sommar”). Không đến nỗi bất ngờ nên bài thơ của Huyền Kiêu chưa mang vẻ kịch tính của thể đối thoại. Bài thơ “Mòn Mỏi” của Thanh Tịnh có được điều này. Và đến đây ta nói cách thức thứ ba trong thể đối thoại: mỗi đoạn thơ dành cho lời nói của từng nhân vật, đối đáp nhau một cách thứ tự. Ngôn ngữ thơ của Thanh Tịnh trong bài này như thuộc về thời “Chinh Phụ Ngâm”, lùi xa hơn giai đoạn thơ mới tiền chiến mà ông đang ở trong dòng, có lẽ vì ông muốn trở về ngôn ngữ xưa cho thích hợp những hình ảnh cổ thời: ngựa hí sa trường, chinh phụ thềm rêu ngóng chồng, xưa nay chinh chiến mấy ai về:

 

Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ

Tìm thử chân mây khói tỏa mờ

Có bóng tình quân muôn dặm ruổi

Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ
.

Bên rừng ngọn gió rung cây

Chị ơi con nhạn lạc bầy kêu sương

Sóng chiều đưa chiếc thuyền lan

Chị ơi con sáo gọi ngàn bên sông.

Ô kìa! Bên cõi trời đông

Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa…

 

Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn

Phải chăng mình ngưạ sắc hồng in

Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống

Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm.

 

Ngựa hồng đã đến bên hiên

Chị ơi trên ngựa chiếc yên… vắng người!

 

Thể thơ đối thoại tưởng chừng đã lãng quên vì ít ai dùng, bẵng đi một thời gian dài, nay gặp lại, ta có cảm nghĩ như tìm được một cuốn sách cũ trong nhà kho không người lai vãng. Với thể cách đối thoại bằng từng đoạn như bài thơ trên, ta lại thấy trong bài thơ “Tại Sao”: Những đối thoại giữa cô gái bán bar Việt Nam và anh lính Mỹ trước giờ lên đường về nước. (Xin xem tạp chí Khởi Hành số 12, bài thơ do Susan Wallace sưu tầm trong “250 Years Of Wartime Love Letters”, không thấy ghi tên tác giả bài thơ).

Khởi điểm là bài thơ “Mòn Mỏi”, nhân đó lại bàn về một vấn đề văn chương: Thể thơ đối thoại. Như vậy muốn viết về Thanh Tịnh mà thật ít lời. (*) Không còn cách nào khác hơn khi người viết không có ý định viết thành bài nghiên cứu hay nhận định tác giả, chỉ nương nhờ một khía cạnh trong thơ để cảm nghĩ về văn chương.

 

TRẦN VĂN NAM

Walnut, California

 

(*) Xin trích lại vài ý tưởng về đoạn văn mùa tựu trường của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường...”

Bản văn trên có một ma lực gì mà mỗi khi nhắc đến buổi tựu trường, chúng ta đều nhớ lại? Không phải vì bài văn có những ý tứ hay như con đường đã quen đi lại nhiều lần bỗng trở nên lạ đối với cậu học sinh mới cắp sách đến trường, cũng không phải vì bài văn nói quá đúng một kỷ niệm ai ai cũng có như cảm tưởng sợ sệt lạc lõng của một người học trò được mẹ đưa đi học lần đầu tiên. Những ý tứ ấy thì nhiều người đã nói rồi, có gì là mới lạ vang vọng mãi trong lòng ta... Vang vọng không phải do cái mới lạ, mà do cái man mác, xa xôi, vất vưởng... Chính là các từ ngữ “trên không có những đám mây bàng bạc” tạo ra một ma lực làm ta nhớ mãi bản văn này. Tại sao những từ ngữ đó và không là những từ ngữ khác?...

Mỗi bài văn hình như có những từ ngữ quyết định, chính chúng làm nên giá trị cho một bản văn. Đó là những giá trị không lộ liễu vì bao giờ cũng là cái mơ hồ, không phải là những tình ý rõ ràng nhưng là cái gì thấp thoáng... Một nội dung hồi tưởng thì từ ngữ xa xôi là một giao hưởng mật thiết làm ta nhớ mãi. Thanh Tịnh với đám mây bàng bạc trôi trên nền trời của kỷ niệm ngày tựu trường, Mai Thảo với hồi còi man mác vọng vào những mái bếp tro than nguội lạnh lúc năm giờ sáng của kỷ niệm một “Chuyến Tàu Trên Sông Hồng”, Võ Phiến với đám khói vất vưởng bay lên cao mãi trong ký ức của kỷ niệm một chuyến đi qua đồng ruộng mênh mông của miền Tây trong mùa đốt cỏ. Toàn là những dư ảnh xa xôi, lãng đãng, hoặc dư âm trầm mà lại khó phai... (Trích từ bài “Những Từ Ngữ Quyết Định Trong Một Bản Văn” đăng trong Tạp chí Thời Tập ấn hành tại Sài Gòn, số 12, tháng 10 năm 1974 - T.V.N)

nguồn saigonocean

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: