Thứ bảy, 27/04/2024,


Thướt tha mái tóc thay lời con tim (22/07/2010) 

THƯƠNG LẮM, TÓC DÀI ƠI!

 

Nhớ thời mười chín, đôi mươi

Gặp em, tôi bỗng sững người nhìn em!

Tóc dài đen mượt đến duyên

Xòa buông tha thướt, dịu hiền làm sao.

Mới đôi câu hỏi câu chào
Mà thân thiết tự khi nào chẳng hay
Nắng chiều tóc gió bay bay

Đã mê ánh mắt, lại say tâm hồn.


Thế rồi, mỗi đứa một phương
Tôi mang suối tóc dài tuôn trong đời.

Tóc dài ơi, tóc dài ơi!
Thướt tha mái tóc thay lời con tim.

Bây giờ tôi gặp lại em

Ngập ngừng muốn gọi, sao nhìn chẳng ra

Vẫn là ánh mắt thẳm xa

Em tôi, tóc ngắn rối xoà chấm vai...

 

Tìm đâu mái tóc suôn dài
Bao nhiêu xuân sắc của thời mộng mơ?

Đâu rồi em của ngày xưa
Cái ngày tiếng sét sững sờ tình tôi?

 

Hỏi ra, tôi mới lặng ngưòi

Tóc em cắt bán mất rồi... còn đâu!
Bỗng nhiên em khẽ ngoái đầu

Nhìn con, hai đứa dắt nhau tới trường.

Vẳng xa ở cuối con đường
Tiếng rao bán tóc, buồn thương não nề...

 

Phạm Thanh Cải

 

  

         Mái tóc dài hay ngắn đều được coi là đẹp nếu như nó phù hợp với khuôn mặt, vóc dáng, môi trường, tính chất công việc và sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, mái tóc dài luôn là biểu tượng của vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, thướt tha, duyên dáng và là niềm kiêu hãnh của người phụ nữ Việt Nam ở mọi thời đại, và nó đã nghiễm nhiên trở thành một đặc trưng cho phái đẹp. Chả thế mà trong các mẩu chuyện vui, các câu chuyện đặc biệt là những câu chuyện dành cho lứa tuổi học đường người ta thay vì dùng một tên gọi cụ thể của người con gái hay một danh từ chung chỉ giới nữ người ta đã sử dụng từ "Tóc dài"- một cách gọi rất nữ tính và cũng thật chuẩn chỉ.

          Với cách nhập đề rất tự nhiên, không hề gượng gạo hay khuôn sáo, tác giả đã khéo léo đưa người đọc trở về miền ký ức xa xôi nào đó, nơi mà lần đầu người trai ấy gặp tiếng sét ái tình một cách bất ngờ không dự báo: “Gặp em, tôi bỗng sững người nhìn em!". Chàng trai trong thi phẩm "sững người" trước vẻ đẹp mê hồn của người con gái, trước những trang phục lỗng lẫy hay những phụ kiện đi kèm như trang sức quý giá... của cô gái? Người đọc thoát khỏi những dự đoán đa chiều ngay khi gặp những câu thơ tiếp theo:

 

Tóc dài đen mượt đến duyên
Xòa buông tha thướt dịu hiền làm sao!

 

Và rồi:

 

Nắng chiều tóc gió bay bay
Đã say ánh mắt lại say tâm hồn.

 

          Thật là thỏa đáng trước lời giải thích nhẹ nhàng mà đầy thuyết phục của chàng trai cho sự "bó giáo quy hàng" của mình trước vẻ đẹp thướt tha, duyên dáng, kiều diễm nhưng lại rất nền nã, thánh thiện của mái tóc dài người con gái mà lần đầu anh gặp. Vâng! Có lẽ chính cái vẻ đẹp kiêu sa mà gần gũi, tuôn chảy nhưng lại rất êm đềm của mái tóc kia đã như níu giữ trái tim của chàng trai. Và sự níu kéo ấy không chỉ dừng lại ở sự mê đắm, ngưỡng mộ cái vẻ đẹp bên ngoài mang tính cảm tính nữa mà lúc này tình cảm ấy được đặc tả bằng điệp từ "say" một cách rất đắc địa. Điều đặc biệt hơn nữa là cái "say" ấy tồn tại trong sự chuyển đổi cảm giác từ "ánh mắt" - cái ta có thể cảm nhận cụ thể qua trực đến "tâm hồn" - một thế giới nội tâm trừu tượng mà ta không thể cảm nhận bằng các giác quan thông thường. Cái niềm say mê ấy hẳn ghê gớm lắm, âm ỉ lắm và có thể nói nó đạt tới cái ngưỡng cao nhất đó là: Vẻ đẹp của người phụ nữ ấy không chỉ dừng lại ở mái tóc dài đâu, mà chính từ mái tóc ấy, suối tóc ấy đã toát lên vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong, đó là vẻ đẹp của tâm hồn.

           Câu thơ như mềm mại, duyên dáng, nuột nà khi đặc tả về mái tóc nhung huyền ấy như dòng suối tình tuôn phủ tâm hồn chàng trai khi cuộc đời xô đẩy để hai người chia hai ngả, mỗi người một phương. Song, trong thẳm sâu tiềm thức, chàng trai luôn ôm ấp, nâng niu vẻ đẹp của mái tóc dài ngày xưa ấy với tất cả niềm luyến lưu, ngưỡng vọng:

 

Tóc dài ơi! Tóc dài ơi!
Thướt tha mái tóc thay lời con tim

 

           Men theo từng câu chữ, ta bắt gặp hết sự bất ngờ này đến sự bất ngờ khác. Sự thay đổi đột ngột dường như đã gây sốc trong tình cảm của chàng trai sau bao năm xa gặp lại:

 

Bây giờ tôi gặp lại em
Ngập ngừng muốn gọi, sao nhìn chẳng ra
Vẫn là ánh mắt thẳm xa
Em tôi, tóc chấm rối xòa chấm vai...

 

            Ánh mắt ấy, con người ấy vẫn là đây mà sao chàng trai vẫn phải ngỡ ngàng đến thế! Sự ngỡ ngàng có gì như nuối tiếc, hụt hẫng khi hình ảnh xưa, cái hình ảnh mà ta hằng ấp iu, gìn giữ đâu còn nữa. Trong khoảnh khắc hụt hẫng ấy người con trai chợt thốt lên lời xót xa, ai oán có gì như trách cứ vậy:

 

Tìm đâu mái tóc suôn dài
Bao nhiêu xuân sắc của thời mộng mơ?
Đâu rồi em của ngày xưa
Cái ngày tiếng sét sững sờ tình tôi?

 

              Tôi (mà chắc không chỉ mình tôi đâu) đã có những phán đoán trước sự thay đổi của mái tóc nơi người con gái ấy. Có lẽ mái tóc dài óng ả thuở xưa từng làm điêu đứng trái tim của bao người khác phái, giờ đây đã bị coi là lỗi mốt nên đã được người phụ nữ ấy cắt đi cho hợp thời trang? Có thể lắm chứ (!)

        Không để người đọc bị vây bủa lâu trong những tiên đoán đa chiều ấy, tác giả dẫn dắt người đọc đến một sự thật có thể nói là một sự thật xót xa nhưng đáng trân trọng:

 

Hỏi ra tôi mới lặng người
Tóc em cắt bán mất rồi... còn đâu!
Bỗng nhiên em khẽ ngoái đầu
Nhìn con, hai đứa dắt nhau tới trường.

 

            Lúc này niềm trách giận, hiểu lầm trước kia dường như tan biến hết, chỉ còn lại trong ta niềm cảm thương, day dứt và niềm trân trọng trước sự tận tụy, hy sinh tất cả vì cuộc sống của các con, vì tương lai tươi sáng của các con. Để các con được theo đòi cùng chúng bạn, được cắp sách tới trường, người mẹ kia đã đánh đổi bao niềm vui, thời xuân sắc, kể cả niềm kiêu hãnh của mình mà không hề xót xa, ân hận. Có chăng chỉ là sự tiếc nuối (thầm thôi) trong sâu thẳm đáy lòng (tôi tin như thế). Sự hy sinh thầm lặng ấy chính là nét đẹp truyền thống trong nhân cách của người phụ nữ Việt Nam, một vẻ đẹp lung linh hơn bất cứ ánh hào quang nào. Ánh hào quang kia cho dù rực rỡ đến mấy cũng không thể sánh nổi vẻ đẹp trong trong sáng nơi tâm hồn người phụ nữ với đức hy sinh cao cả. Họ chính là những kiệt tác mà tạo hóa ban tặng cho cuộc đời này - những kiệt tác xứng đáng được tôn thờ về đức hạnh.
              Bài thơ khép lại trong niềm xúc động nghẹn ngào. Hai câu thơ cuối như một dư âm sâu lắng mà xót xa, day dứt trước cuộc đời, khi mà đó đây còn nhiều lắm những mảnh đời còn vất vả, gian truân... Tiếng rao mua tóc như một chuỗi âm thanh xoáy vào lòng người đọc, một thứ âm thanh buồn thương, nhức nhối trước cuộc đời, một thứ âm thanh chẳng bao giờ mong muốn mà sao vẫn vô tình điểm tô vào muôn vàn âm thanh trong cuộc sống?
               Cảm ơn tác giả Phạm Thanh Cải đã mang đến cho chúng ta một thi phẩm hay và những ấn tượng thật ám ảnh về tính nhân văn cao cả. Niềm xúc động lớn lao bỗng vụt sáng khi ta bắt gặp một trái tim đồng cảm, một trái tim hòa nhịp cùng những buồn vui trần thế lành mạnh và cao thượng. Cảm ơn anh đã đánh thức tình yêu thương đồng loại, niềm cảm thông, chia sẻ trong trái tim mỗi con người. Riêng tôi còn cảm ơn anh vì anh đã yêu thương mái tóc dài đến thế!

 

Đặng Diệu Thoa

Điện thoại: 0942987979

Email: dangdieuthoa@yahoo.com.vn

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Lê Danh Tuệ - tueledanh@yahoo.com.vn - 0975108467 - Ngô quyền- Hà đông- Hà Nội  (Ngày 6/08/2010 05:08:01 PM)


Mỗi người một nỗi đam mê
Người mê thơ phú, người mê cuộc cờ
Còn tôi mê đến thẫn thờ
Suối tóc xanh mượt chảy bờ vai ai

  Phạm Thanh Cải - phamthanhcai@gmail.com - 01696306682 - Chợ Mơ - Hai Bà Trưng - Hà Nội  (Ngày 24/07/2010 11:15:28 AM)
                        Chân thành cảm ơn bạn Đặng Diệu Thoa cùng thi hữu lucbat.com

          Các cụ nói, "cái răng, cái tóc là góc con người". Mái tóc góp phần tôn lên vẻ đẹp của người con gái. Mỗi người con gái phù hợp với một mái tóc nhất định. mái tóc đã làm mê mẩn bao nhiêu chàng trai đang yêu và đã yêu.
         Vẻ đẹp truyền thống của người con gái Việt Nam là da trắng, tóc dài. Trong bài ca dao Mười thương, mái tóc được kể lên hàng số một: "Một thương tóc bỏ đuôi gà, hai thương ăn nói mặn mà dễ yêu".
          Cắt đi mái tóc dài óng ả của mình là sự nuối tiếc, hy sinh lớn lao của người con gái.
         Thế mà có những người mẹ, vì thương con đã sẵn sàng bán đi mái tóc của mình đóng tiền học cho con. Nghe chuyện mà tôi thương quá. ngày hôm nay trên mạng lại viừa có tin một nữ sinh đi bắt ốc bán lấy tiền đóng học phí, không may bị chết đuối. Tôi không thể nào cầm được nước mắt.
         Bác kính yêu của chúng ta đã dạy: "Non sông của chúng ta có trở nên tươi đẹp hay không, nước ta có sánh vai với các cường quốc năm châu hay không,đó là nhờ công học tập của các cháu."
và các cháu học sinh đã nhịn ăn nhịn mặc đi học, mẹ các cháu tần tảo làm lụng một nắng hai sương, tiết kiệm từng đồng nuôi con ăn học, khi cần thiết họ còn dám cắt đi một phần thân thể đó là mái tóc của mình để lấy tiền đóng học cho con.
           Hình ảnh gười mẹ trong bài thơ tuy đang buồn vì mái tóc không còn nhưng ngoái đầu nhìn lại hai đứa con mình rủ nhau cắp sách tới trường là người mẹ lại ánh lên niềm sung sướng, hạnh phúc.
       Cảm ơn bạn Đặng Diệu Thoa đã đồng cảm với tôi khi bắt gặp câu chuyện này trong cuộc sống.
          Xin cảm ơn thi hữu gần xa đã đồng cảm với người viết và người bình bài thơ Thương lắm tóc dài ơi này..

                                         Phạm Thanh Cải
Các bài khác: