Thứ năm, 25/04/2024,


Thương lắm mẹ ơi! (15/07/2010) 

NGỌN NẾN

 

Xót lòng con lắm mẹ ơi

Vào đêm mẹ bỗng trút hơi thở tàn

Hồn đi chẳng nuối trần gian

Nhẹ chân theo ngọn gió ngàn thu sau

Con xin gội chải lại đầu

Con xin thay gối tắm lau lệ thường

Con xin đắp mặt, thắp hương

Để người yên giấc trên giường nghỉ ngơi.

 

Xót lòng con lắm mẹ ơi

Miên man khóc với khúc nôi đoạn trường:

Những đêm tiếng vạc kêu sương

Những ngày chạy chợ mòn đường đôi vai

Những chiều cháo tấm, rau khoai

Một mình mẹ với giêng hai tảo tần

Bây giờ có được miếng ăn

Mẹ nằm vô cảm bao năm nay rồi.

 

Xót lòng con lắm mẹ ơi

Còn đêm nay nữa xin ngồi thâu canh

Mong trời đừng vội sáng nhanh

Cho con bên mẹ ngắm hình dáng thương

Chiều mai cách trở âm dương

Con về thơ thẩn căn buồng lạnh gian

Gió lay bóng nến qua màn

Tưởng là mẹ thở nhẹ nhàng trong chăn.

 

Đêm 23 tháng 9 năm Ất Dậu (2005)

 

Duy Thảo

 

 

Có tình cảm nào sâu đậm hơn tình mẫu tử và có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người con khi phải vĩnh biệt mẹ. Lịch sử thơ ca dân tộc có rất nhiều bài thơ khóc mẹ để lại những nỗi xúc động sâu sắc trong lòng chúng ta. Đọc bài thơ “Ngọn nến” của Duy Thảo, tôi không cầm được nước mắt. Nỗi đau xót đã thốt lên thành một câu thơ nhói lòng: “Xót lòng con lắm mẹ ơi!” như tiếng gọi, tiếng kêu thương, tiếng nức nở nghẹn ngào trở đi trở lại nhiều lần trong tâm tưởng nhà thơ. Xưa nay, người chết đều yên phận, chỉ để lại nỗi đau cho người sống. Linh hồn người mẹ đã đi rồi, đã hòa với “ngọn gió ngàn thu sau” để vào cõi hư vô, chỉ còn lại mình con trên cõi thế với niềm thương, nỗi nhớ. Con còn biết làm gì hơn ngoài các hành vi chăm sóc cuối cùng dành cho mẹ: “gội chải lại đầu”, ''thay gối”, “tắm lau”, “đắp mặt”, “thắp hương”… Đó là phong tục, truyền thống và cũng là tình cảm đối với người đã khuất. Có biết bao đau thương, kính cẩn trong những hành vi ấy.

 

Mẹ mất rồi, người con lại càng thương mẹ hơn khi hồi tưởng lại những ngày mẹ đang còn tại thế với những đau thương vất vả tần tảo của cả một đời người. 'Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa…', nhà thơ xót xa biết bao bởi đời mẹ thật cay đắng trăm chiều, chắt chiu khốn khó: đời mẹ như cánh vạc dầm sương, phải long đong chạy vạy tất tả 'cháo tấm rau khoai' tảo tần chống chọi với giêng hai dằng dặc, với cái đói giáp hạt ghê người để nuôi con, nuôi gia đình. Đó là nỗi cơ cực của đời mẹ hòa trong nỗi cơ cực chung của nhân dân ngày trước. Đáng thương hơn là khi các con đã phương trưởng, có điều kiện để chăm sóc, phụng dưỡng mẹ thì mẹ đã 'nằm vô cảm bao năm nay rồi'. Nỗi xót thương ấy thật sâu sắc, không gì an ủi được.

 

Mẹ mất, lòng con cô đơn lạnh giá biết bao, chỉ còn biết gượng gắng với thời gian bên mẹ thêm một chút để rồi chia xa vĩnh viễn. Dường như nhà thơ đã chuẩn bị tâm thế từ trước song vẫn không sao quen được với cảm giác thiếu vắng hình bóng mẹ trong đời. Bài thơ là những dòng nước mắt thành kính dâng lên vong linh mẹ, đã nói hộ nỗi lòng của bao người con khác trong cuộc đời này.

 

 

Trần Quang Đại

Giáo viên Trường THPT Trần Phú - Đức Thọ - Hà Tĩnh

ĐT: 0982 236 201 - Email: quangdaiht@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: