Thứ bảy, 09/11/2024,


Dòng sông không thể chỉ có một bờ (06/07/2010) 

NHÀ KHÔNG CÓ BỐ

 

Nhà không có bố buồn sao

Cái đinh cũng thiếu con dao thì cùn

Bơm xe chẳng hiểu cái jun

Rát tay bật lửa, đá cùn xăng khô…

 

Không có bố, không thì giờ

Bữa ăn sớm muộn, chẳng chờ chẳng mâm

Ngày đông gió bấc mưa dầm

Đậy che mái dột âm thầm mẹ con.

 

Chẳng vui tiếng điếu rít giòn

Bia không mua uống em còn bán chai

Nước đun sôi để nguội hoài

Nhà không có bố biết ai pha trà?

 

Cho dù bãi mật phù sa

Mà không bên lở, chẳng là dòng sông….

 

Nguyễn Thị Mai

 

  

Có một câu danh ngôn rằng: “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự an bình trong gia đình là sung sướng nhất”. Gia đình luôn là một điểm tựa vững trãi cho mỗi người trước những vấp váp, khó khăn của cuộc đời. Gia đình, nơi đó có Mẹ, có Cha và có những đứa con, dù thiếu hụt một nhân tố nào cũng đem đến sự bất ổn, thiếu cân bằng. Đã có rất nhiều bài thơ, bài hát nói lên những nhọc nhằn của những đứa con khi mất mẹ, song chưa có nhiều tác phẩm nghệ thuật diễn tả vị trí “trụ cột” của người Cha trong gia đình. Bài thơ “Không có bố” của Nguyễn Thị Mai là một trong số ít những tác phẩm ấy. Chỉ qua những hoạt cảnh đơn lẻ trong cuộc sống của một gia đình thiếu vắng hình bóng người bố, tác giả đã khắc vào lòng mỗi chúng ta vai trò cực kỳ quan trọng, không thể bù lấp được của người đàn ông trong gia đình mà không cần đến một lời ca ngợi nào.

 

Nhà không có bố buồn sao

Cái đinh cũng thiếu con dao thì cùn

Bơm xe chẳng hiểu cái jun

Rát tay bật lửa, đá cùn xăng khô…

 

Nhà không có bố thì buồn, nhưng nỗi buồn ở đây không phải chỉ vì thiếu vắng “tiếng cười” của người đàn ông trong gia đình, mà toát lên là sự “cám cảnh” trước sự thiếu thốn, không trọn vẹn của những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt và đơn giản trong cuộc sống thường ngày. Cái đinh không phải không thể mua, con dao không phải không thể mài, bơm xe cũng không phải không thể và cả cái bật lửa hết ga cũng vậy. Nhưng những công việc đó là Mẹ hay con làm đều chống chếnh và khó khăn biết bao. Sự chênh vênh ấy không tồn tại trong thực thể mà hiện hữu trong tinh thần. Nhưng chưa hết:

 

Không có bố, không thì giờ

Bữa ăn sớm muộn, chẳng chờ chẳng mâm

Ngày đông gió bấc mưa dầm

Đậy che mái dột âm thầm mẹ con.

 

Thiếu bố, thiếu cả một nề nếp, một trật tự gia đình. Những công việc thường nhật với sự giúp đỡ của mọi người có thể sẽ hoàn thành, nhưng có một cái không ai ngoài người cha có thể bù đắp được đó là “giá trị tinh thần”. Thiếu vắng bố, mọi sinh hoạt trong gia đình cũng bị xáo trộn: Bữa ăn sớm muộn tùy nghi thậm chí cũng tùy tiện cả về nghi thức, chẳng mâm cũng không bàn. Đặc biệt những khi trời “gió bấc mưa dầm”, khi “mái dột” những lúc đó ao ước biết bao vòng tay ấm áp chở che của một người cha, của một người đàn ông trong gia đình, dường như khi ấy nếu có Cha ở đó, trời sẽ bớt lạnh hơn và chỗ dột cũng sẽ như được thu nhỏ lại. Hình ảnh “mái dột” làm cho độc giả thấy nao nao, găm vào trái tim mỗi người đọc… Nhà thơ đã nhấn mạnh vai trò của người bố khi ông mang đến cho gia đình niềm vui, sự bình yên và cao hơn là hạnh phúc:

 

Chẳng vui tiếng điếu rít giòn

Bia không mua uống em còn bán chai

Nước đun sôi để nguội hoài

Nhà không có bố biết ai pha trà?

 

Trong khổ thơ này, vai trò của người bố không dừng lại ở việc là người giúp đỡ, chở che mà nâng lên thành cả một niềm vui, một chốn tin cậy, một nhân cách, một tâm hồn… Bởi Mẹ và con luôn luôn mong có sự hiện diện của Bố không phải chỉ để nhờ cậy mà còn để phục vụ. Hạnh phúc có đôi khi chỉ giản đơn là vậy… Có những lúc ai đó từng “khó chịu” với việc bố hút thuốc lào, bố nghiện bia hoặc thích uống trà, nhưng có lẽ nếu ta thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh này, sẽ thấy những giây phút thấy bố cùng với những việc làm ấy đáng quý biết bao. Những điều mong muốn tưởng chừng như nhỏ nhoi, giản đơn là mua bia, pha trà sao cũng trở nên khó khăn và xa vời là vậy?

 

Có một điều là nhà thơ không lý giải tại sao “nhà không có bố”, nhưng có lẽ cũng chẳng cần phải tìm hiểu điều đó vì có thể có muôn ngàn lý do. Điều mà tác giả quan tâm chính là sự “buồn sao” của nhà thiếu bố, sự đáng thương của những đứa con không có bố. Dù người mẹ có thương con đến bao nhiêu, dù gia đình sung túc đến bao nhiêu cũng không thể khỏa lấp được sự thiệt thòi của những đứa con, bởi không có tình bạn, tình yêu nào giống như tình cha mẹ thương con. Gia đình cũng giống như một dòng sông, phải có đôi bờ. Thiếu đi một vế dù bất cứ lý do nào cũng đều khiến cho gia đình trở nên khập khiễng, chênh vênh:

 

Cho dù bãi mật phù sa

Mà không bên lở chẳng là dòng sông…

 

Hai câu cuối của bài thơ mang nặng tính triết lý, nó khép lại bài thơ nhưng lại mở ra trong lòng độc giả biết bao cảm xúc.

 

Trong nhịp độ phát triển nhanh chóng của cuộc sống hiện tại, những giá trị của gia đình dường như đang ngày càng bị coi nhẹ, có những người nghĩ rằng chỉ cần cho con một cuộc sống đầy đủ về vật chất là có thể thay thế tất cả, nhưng chắc hẳn với một đứa trẻ không có gì vui sướng và hạnh phúc hơn là lớn lên trong vòng tay yêu thương bao bọc của cả cha và mẹ. Xin được gửi một lời chia sẻ từ đáy lòng tới những người có thể nói rằng “bất hạnh” khi đã không còn được sống bên cạnh cha mẹ. Và những người vẫn đang có trong tay hạnh phúc ấy, xin hãy trân trọng và giữ gìn nó, đừng để khi mọi thứ vụt qua tầm tay mới thấy tiếc nuối thì đã quá muộn màng. Hãy một lần tự hỏi những vết nhăn trên má mẹ, những sợi tóc bạc trên mái đầu cha có bao nhiêu phần vì lo lắng cho những đứa con để ta sống tốt hơn và nâng niu những phút giây được bên cạnh Đấng sinh thành./.

 

 

Nhất Nữ Hạ Miên

Email: nhatnuhamien@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thị Mai - maihoiphunu@yahoo.com - 0982055620 - Trừng cán bộ PN trung ương  (Ngày 13/07/2010 11:00:46 AM)
         Tôi là tác giả của bài thơ Nhà không có bố vừa được bạn Nhất Nữ Hạ Miên bình ở trên. Xin cảm ơn bạn Hạ Miên và tôi rất tâm đắc với các ý trong bài bình của bạn. Bài bình biết chọn ra ý khái quát bao trùm, văn bình sáng sủa có hình ảnh. Thông điệp quan trọng nhất của bài thơ bạn đã khai thác được qua cảm nhận của mình: đó là dù sống trong thời đại nào, dù là ai cũng mong có một gia đình trọn vẹn hanh phúc. Và trong gia đình, người cha là vô cùng quan trọng đối với vợ và các con. Hãy yêu thương, giữ gìn lấy người cha cho dù hoàn cảnh nào...
         Phải là người có cảm nhận tinh tế mới bình được hay như thế. Một lần nữa xin cảm ơn Hạ Miên
Các bài khác: