Thứ hai, 29/04/2024,


Vài ý nghĩ về Lục bát (10/09/2008) 

 

Ba sinh hương lửa có gần
Gửi em đầy đủ
Thân
Tâm
Ý
Lời.

(Ẩn Mật — Viên Linh)

 

     Có lần tôi đã nghĩ: lục bát được mở bằng Nguyễn Du, và khép lại bởi Bùi Giáng. Lục bát vốn là một con đường dài trong cõi Thơ của chúng ta. Một con đường rất đông người đi qua, nhưng cũng rất ít ai muốn đi hết con đường đó.

     Từ Nguyễn Du của 'Ðoạn Trường Tân Thanh' cho đến nay, hầu hết các thi sĩ Việt Nam đều đã một lần ghé ngang con đường Lục Bát.

     Vì chưng, lục bát được coi là một phương tiện sáng tác trong thơ gần gũi nhất, sáng sủa nhất.

     Các thi sĩ Việt Nam đã ghé ngang với lục bát. Ðã dừng lại với lục bát. Nhưng cũng đã bỏ đi rất nhiều. Bỏ đi, cũng không có nghĩa là họ ngưng hẳn với lục bát.

Mà chỉ là lục bát trong cõi thơ của họ đã mất đi cái lấp lánh, muôn màu. Nguyễn Du đã khơi mở cho lục bát tự buổi đầu: buổi đầu của Thi Ca Việt Nam. Cũng chẳng cần trích ra một vài câu Kiều, vì mỗi chữ trong Kiều đều là một ý tưởng tuyệt đẹp, mỗi câu trong Kiều đều là một tín hiệu cao siêu trong điệp trùng chữ nghĩa.

Bẵng đi. Qua nhiều thế kỷ. Lục bát lại trở về trong nguyên vẹn vẻ đẹp của nó. Với Bùi Giáng. Người thi sĩ điên thơ. Hãy khoan nói về Bùi Giáng. Nói về Bùi Giáng, cũng như phải nói về Nguyễn Du. Một đề tài tát không cạn. Nguyễn Du là mở. Bùi Giáng là khép. Giữa hai giòng thơ khép, mở đó, trong cõi thi ca của chúng ta đã có ai dám sống với lục bát, dám chết với sáu-tám hiu hắt mù sương? Từ Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ. Ðến Tản Ðà. Lục bát của họ khuất chìm. Nỗ lực của họ với lục bát quả không đáng kể. Bẵng đi. Lại sau 'một trăm năm cô đơn', thi ca của chúng ta mới thấy xuất hiện một 'con voi thơ' (chữ của Mai Thảo) về thể lục bát. Ðó là Huy Cận. Huy Cận những năm 'lãng mạn Hà Nội'. Huy Cận một thời náo động 'tiền chiến'. Tại sao lục bát phải chờ đến Huy Cận? Vì chăng...

 

Ðêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
                   (Buồn Ðêm Mưa)

 

Vì chăng...

 

Ngủ đi em, mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...
                       (Ngậm Ngùi)
 

    

Giữa hai ngọn núi cao Nguyễn Du và Bùi Giáng, Huy Cận cũng là một ngọn núi sừng sửng ở giữa. Cùng với Huy Cận, thấp thoáng chúng ta cũng thấy những ngọn núi khác trên con đường lục bát. Trong những thấp thoáng đó, ta sẽ không chừng bắt gặp những bài thơ lục bát thật đẹp, những câu thơ sáu tám cao vút. Lục bát, theo thời gian, cố nhiên cũng được biến hóa rất nhiều. Lục bát không còn là một thể thơ 'hiền lành' nữa. Lục bát không chỉ để tả tình, tả cảnh. Lục bát đôi khi cũng là một dạng của thơ tự do, thơ mới. Một vài ví dụ:

 

Tôi về trong lúc tàu đi
Rớt nhanh một nét tường vi hoang đường
                          (Cung Trầm Tưởng)

 

Trót nghe nửa tiếng cười đùa
Xóm hoa mưa đổ hương xưa nghẹn ngào
Thuở buồn ai đẹp phương nao
Cuối đầu trinh khóc xôn xao trêu người
                        (Xuân Ca, Thanh Tâm Tuyền)

    

    Hay, những câu thơ rất tài tình và đầy cảm xúc của Viên Linh:

 

Ở đây sầu đã tan tành
Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi'...
Chiều nay mưa dưới Âm Ty
Ta nghe kiếp trước thầm thì hỏi han

 

     Ðó là những câu thơ đẹp. Tuyệt đẹp. Tuy nhiên, Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh, và ngay cả Cung Trầm Tưởng đều không nhất quyết ở lại với lục bát. Thanh Tâm Tuyền sáng chói hơn với cõi thơ tự do huyền diệu của ông. Viên Linh ra đi rồi trở về. Cung Trầm Tưởng được mến mộ hơn với bốn chữ 'Mùa Thu Paris' hay năm chữ 'Chưa Bao Giờ Buồn Thế '. Lục bát, sau rốt, vẫn là một loại thơ rất khó thành công. Ðiều này có thể làm ngại ngùng các nhà thơ. Họ có thể sợ sẽ chán với vần điệu lục bát. Hay, có thể chán với chính thơ của họ trong những câu sáu, tám lập đi lập lại. Tôi đồng ý hoàn toàn với ý của nhà thơ Du Tử Lê, về lục bát : 'Không phải những tác giả mới, không ném mình vào lục bát. Trái lại. Rất nhiều. Nhưng những tác giả này, không thấy đó làm một thách đố tử, sinh. Ða phần, họ chỉ thấy lục bát như một dòng sông tĩnh tự êm ả, một dãi lụa ẩn dụ mềm mại chuỗi hư tự, hư ảnh... rất hư không...mà thôi. Rất ít tác giả, thấy lục bát là ngọn núi sừng sững chẻ đôi trời đất, chẻ đôi nhật, nguyệt. Chẻ đôi sáng tối.'  May mắn thay, sau Nguyễn Du, Bùi Giáng là người cố tâm ở lại với lục bát. Là người rất rõ ràng nhất: lục bát có thể chẻ đôi trời đất, chẻ đôi sáng tối, chẻ đôi nhật nguyệt. Bùi Giáng điên vì cõi thơ của ông . Trùng trùng lục bát. Vỡ bờ lục bát. Lục bát của ông làm ra đến triệu bài. Và, hàng triệu câu thơ đó, kết thành một 'đoạn trường' thi ca, có thể xem như là tác phẩm đáng được lưu truyền thứ hai, sau 'Ðoạn Trường Tân Thanh'. Ðọc thơ Bùi Giáng như thấy được một cuộc lưu vong đang rầm rộ trở về trong tiết tấu sa mù đầy ngẫu hứng. Những câu thơ linh hoạt dị thường. Liều lĩnh. Vượt xa trong thời gian vô tận.

 

Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
Ta về ngóng lại mưa sa
Giọt dài ly biệt nghe ra giọng chào
Chiên đàn đốt tạng chiêm bao
Diệu hoa lầu các đêm nào hóa sinh
Ðài xiêu nhụy rớt bên mình
Sầu thoan nghê dậy bên mành đăm chiêu
Tỉnh oan khúc sĩ xế chiều
Bình minh phát tiết sương kiều lệ pha...

 

     Có lần tôi đã nghĩ: lục bát mở bằng Nguyễn Du, và khép lại bởi Bùi Giáng. Trong hai mươi năm lưu vong, tôi bỗng dưng thấy lục bát cũng hình như đang trởi lại lấp lánh của một thời vàng son. Lục bát lưu vong. Một trận lưu vong của cõi thơ với bao nhiêu thăng trầm trong cung bậc thời đại. Và, trong trận lưu vong đó, tôi lại nhận ra hai ngọn núi thơ mãnh liệt khác: Nguyên Sa và Du Tử Lê. Thơ lục bát của Nguyên Sa và Du Tử Lê tuy không bát ngát, không đảo điên, không liều lĩnh như thơ của họ Bùi. Nhưng sự làm mới lục bát của họ phải đáng được chú ý. Lục bát Nguyên Sa, lục bát Du Tử Lê ngày nay rất nhiều 'tượng hình', rất nhiều 'trắc ẩn'. Rất tài hoa. Hãy đọc thử một vài đoạn:

 

Ở trong âm bản em buồn
Thì ra dương thế vẫn còn cõi âm
Tấm hình chụp lúc đầu xuân
Chỗ đen là trắng, chỗ gần có em...
                        (Nguyên Sa)

 

Khi em cởi áo nhọc nhằn
Cất son phấn chỗ rất gần xót xa
Anh xin ân huệ kiếp xưa
Xếp phong sương cũ với ngờ vực quen
                               (Nguyên Sa)

 

     Và Du Tử Lê:

 

Tìm người: chim không bay ngang
Máu đông kỷ niệm, xương than, củi, chờ
Tìm người: đèn nhang hư vô
Sáng xin gia hộ, chiều cầu siêu, sinh
                               (Du Tử Lê)

 

Phòng tôi trần thiết gương người
Tường sơn kỷ niệm vách bồi dáng xưa
Tóc người chảy suốt cơn mưa
Ngực thơm hoa bưởi môi đưa bão về
                                (Du Tử Lê)

 

     Ngày xưa, khi nghĩ về những câu thơ lục bát, tôi vẫn thường liên tưởng đến các bức tranh của Monet: vài đóa hoa nhỏ màu trắng hồng chen lẫn giữa lá xanh, trôi nổi trên mặt hồ, rất thơ mộng. Nhưng càng thấm thía lục bát Nguyễn Du, lục bát Bùi Giáng, tôi mới biết rằng lục bát cũng có thể là những bức tranh mãnh liệt. Nó có thể là cái quánh đặc của màu đỏ bầm trong tranh Soutine, có thể là những nét màu mạnh, sắc, phá phách trong tranh Picasso, hay cũng có khi nó lại làm ta tưởng đến một bức trừu tượng đầy lửa của Pollock.

Theo tác giả Chinh

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: