Thứ hai, 29/04/2024,


Tính cách người Nam Bộ qua ca dao (26/05/2010) 

Trần Phỏng Diều
Văn hiến Việt Nam

      Nói đến tính cách của người Nam bộ, chúng tôi muốn đi vào tìm hiểu những nét riêng trong cử chỉ, tính tình của người Nam bộ được thể hiện qua các mối quan hệ trong xã hội. Thực ra, người Nam bộ là một trong những bộ phận cấu thành của dân tộc Việt nam cho nên dù người Nam bộ hay Bắc bộ cũng đều có những đặc tính chung nhất định của người Việt Nam. Nhưng do điều kiện địa lý, nét văn hóa khác nhau của từng vùng, miền mà tính cách của con người cũng có khác nhau...

      Vùng đất Nam bộ trước khi có sự khai phá của những lưu dân đến từ miền Trung và một ít cư dân người Bắc thì vùng đất này chỉ là một vùng rừng rậm hoang vu thú dữ tràn đầy, tứ bề hiu quạnh. Cảnh tượng ban đầu quá xa lạ với những gì họ biết, họ nghĩ khi còn ở quê nhà, đã làm cho họ lo sợ:

Tới đây xứ sở lạ lùng
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.

     Họ lo sợ trước cảnh tượng lạ lùng chẳng bao lâu, họ lại lo sợ đến thú rừng, nào là cọp um, sấu lội, đỉa đeo:

Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.

     Rồi họ bắt đầu lo sợ đến thiên nhiên vô cùng bi ẩn của những buổi đầu khai phá:

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn
Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma.

     Chính cái bí ẩn của thiên nhiên còn hoang sơ với đầy rẫy những hiểm nguy, bất trắc là sợi dây liên kết những con người xa lạ với nhau. Trước cảnh tượng rừng hoang cỏ rậm, đồng ruộng hoang vu nên họ cần phải sống nương tựa vào nhau, tất cả hết lòng vì việc nghĩa. Điều này đã hình thành nên tính cách trọng nghĩa khinh tài ở trong họ. Bởi họ ý thức được rằng: trước điều kiện thiên nhiên như vậy, họ chia rẽ là chết. Tinh thần đoàn kết, sống với nhau vì nghĩa không chỉ giúp cho họ sẻ chia công việc với nhau, hợp sức đánh đuổi các loài ác thú mà còn là để cho có bạn, để giúp đỡ nhau trong những lúc hoạn nạn, ốm đau:

Ví dầu cá bóng xích đu
Tôm càng hát bội, cá thu cầm chầu.

     Câu ca dao tuy nói về động vật, nhưng nó phản ánh một tập thể có tổ chức. Tất cả cùng làm, cùng vui đùa bên nhau. Làm thì làm hết mình, chơi thì cũng chơi “tới bến'. Đó là những lúc cùng làm, cùng chơi. Còn khi hữu sự, họ chẳng màng đến gian khổ, hiểm nguy để hành hiệp trượng nghĩa, thậm chí sẵn sàng chấp nhận hy sinh tính mạng của mình để làm tròn đạo nghĩa:

Dấn mình vô chốn chông gai
Kề lưng cõng bạn ra ngoài thoát thân
Lao xao sóng bủa dưới lùm
Thò tay vớt bạn chết chìm cũng ưng.

     Bởi, nếu thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người anh hùng:

Có câu: kiến nghĩa bất vi
Làm người như thế cũng phi anh hùng.

     Đó là trong lúc hữu sự, còn trong lúc bình thường họ cũng qúy mến bạn bè. Bởi phần lớn, họ đều là những người xa gốc gác, cội nguồn, họ phải sống nương nhờ bè bạn, tất cả cùng hoạn nạn có nhau - 'Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Với tâm lý của cư dân Bắc bộ 'Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nên khi có bạn bè đến chơi, khách đến nhà, dù gia cảnh có bần hàn đến đâu, họ cũng cố gắng đãi đằng bạn một cách cho tươm tất:

Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa.

     Cũng chính tâm lý này mà người Nam bộ thường được mọi người cho rằng: Họ có tính hào sảng, hiếu khách, trọng tình nghĩa. Nghèo thì nghèo, lo cho bạn chu đáo cái đã, tiền bạc có xá gì, nhân nghĩa mới là điều trọng. Vì vậy, những ai không có nhân nghĩa thì cũng đừng hòng họ đáp lại bằng nhân nghĩa:

Tiền tài như phấn thổ
Nhân nghĩa tựa thiên kim.
Bởi đứt dây nên gỗ mới chìm
Tại ai ở bạc nên mới tìm nơi xa.

     Còn nếu sống có tình, có nghĩa thì khó khăn nào họ cũng chịu, gian khổ mấy họ cũng sẵn sàng chấp nhận:

Theo nhau cho trọn đạo trời
Dẫu mà không chiếu trải tơi mà nằm.

     Ngoài tính cách trọng nghĩa khinh tài, nghĩa khí hào hiệp, người Nam bộ còn thể hiện một khí phách hiên ngang, tình cảm rõ ràng, dứt khoát. Họ đã hứa thì phải làm. Nói một là một, hai là hai, không thay đổi, cho dù sự thay đổi có khi đem lại điều lợi cho họ:

Thuyền dời mà bến chẳng dời
Khăng khăng một lời quân tử nhất ngôn.

     Lợi lộc thì họ ham, nhưng họ không vì danh lợi mà phải làm những công việc không tương xứng với công sức mình bỏ ra, và nhất là trong quyền lợi đó ẩn chứa bao điều phi nghĩa, trái với tinh thần nghĩa khí hào hiệp của họ:

Đừng ham hốt bạc ghe chài
Cột buồm cao bao lúa nặng, tấm đòn dài khó đi

     Và ta hãy xem đây, một lời đề nghị của cô gái có phần dí dỏm, mỉa mai, chứa đựng một sự phản đối đối với một người đàn ông đang chọc ghẹo mình:

Anh có thương em thì cho em một đồng
Để em mua gan công, mật cóc thuốc chồng em theo anh.

      Trước lời đề nghị độc ác, trái với luân thường đạo lý như thế, anh con trai hết sức nổi giận một sự nổi giận rất cương trực.

Nghe hò tao bắt nổi xung
Tao cho một phảng chết chung cho rồi.

     Nổi bật trong tính cách của người Nam bộ mà người ta thường nhắc đến là tính hiên ngang, dân gian quen gọi là tính 'ngang tàng'. 'Ngang tàng' ở đây không phải là ngang ngược, lỗ mãng, mà 'ngang tàng' ở đây chính là tính nghĩa khí, chí khí hiên ngang. Họ đối đãi với nhau rất là điệu nghệ, sẵn sàng vi nghĩa khinh sinh. Bằng ngược lại, trái với đạo nghĩa, họ nhất định không làm, dù phải trả giá bằng sinh mạng, họ vẫn một lòng phản đối:

Trời sinh cây cứng lá dai
Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều.

     Chính tính cách này giúp họ sống hòa thuận với nhau, liên kết cộng đồng, cùng chung sức khẩn hoang lập ấp. Và với sự nỗ lực không ngừng, mảnh đất hoang vu thuở nào nay đã trù phú, rừng hoang đã rẫy, cánh đồng bát ngát xanh tươi. Thiên nhiên ngày càng đem đến cho con người nhiều nguồn lợi hơn. Từ đó họ thêm tự hào và yêu qúy mảnh đất này hơn. Vì vậy, cảm nghĩ về quê hương đất nước cũng là một trong những tính cách của con người Nam bộ. Đây thật sự là tính cách bao trùm. Nó vừa mang nét chung về lòng yêu quê hương đất nước của tất cả con người Việt Nam, nhưng lại vừa thể hiện nét riêng của con người Nam bộ. Nét riêng ở đây là cách thể hiện, cách biểu hiện tấm lòng của mình đối với quê hương đất nước. Thật ra, lòng yêu nước của mỗi con người đều như nhau, nhưng cách thể hiện của mỗi con người không phải lúc nào cũng giống nhau. Điều này, ngoài tính cách của từng người, nó còn do đặc điểm văn hóa, địa lý của một vùng đất quy định nên.

      Sau những vất vả, gian lao của buổi đầu khai phá, vùng đất Nam bộ càng ngày càng đem đến cho con người nhiều nguồn lợi về tự nhiên. Điều này càng làm cho người Nam bộ thêm yêu qúy mảnh đất mình hơn. Đó là lý do giải thích tại sao các câu ca dao ở Nam bộ có nội dung về quê hương đất nước thường đề cập đến một vùng đất trù phú, một địa bàn khá rộng và nổi tiếng giàu có về những thứ sản vật nào đó:

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm.

Hoặc:

Bến Tre giàu mía Mỏ Cày
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.
Bình Đại biển lúa sông tôm
Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng.

Hay

Ba phen quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Nhưng cuộc sống sung túc, thanh bình của người dân nơi đây bỗng dưng bị đảo lớn khi thực dân Pháp đến xâm lược. Được hun đúc bởi tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng của người dân Nam bộ được phát huy một cách mãnh liệt. Ca dao Nam bộ đã kịp thời phản ánh thực tế đau xót đó:

Đắng khổ qua, chua là chanh giấy
Dầu ngọt thế mấy cũng tiếng cam sành
Giặc Lang Sa đánh tới châu thành
Dù ai ngăn qua đón lại, dạ cũng không đành bỏ em.

     Trước thực tế đau xót đó, họ kêu gọi mọi người đứng lên làm cuộc khởi nghĩa, đánh giặc cứu nước:

Làm trai đứng ở trên đời
Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta
Ghé vai gánh đỡ sơn hà
Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu.

     Và người phụ nữ Nam bộ ở nhà chăm lo sản xuất để chồng yên tâm đi chiến đấu:

Anh đi đánh giặc Lang Sa
Để thiếp ở nhà, lo tần lo tảo
Chén cơm manh áo, nhà cửa ruộng vườn
Để anh lên ngựa đề thương
Thiếp về mặc thiếp liệu lường nuôi con.

      Ca dao Nam bộ còn góp phần phân tích cho mọi người rõ đâu là chính nghĩa, đâu là gian tà:

Có chồng đi lính nghĩa binh
Dầu nghèo dầu cực vẫn thương mình ai ơi.
Lấy chi cái lũ báo đời
Chuyên nghề bán nước phá đời hại dân.

     Nhắc nhở moi người không nên vì tham danh lợi mà đi làm tôi tớ cho Pháp:

Đừng tham đồng bạc con cò
Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa…

     Trở lên là tính cách của con người Nam bộ được thể hiện qua ca dao. Nói đến tính cách con người của một vùng, miền, một quốc gia dân tộc là điêu tế nhi. Hơn nữa tính cách con người lại rất phong phú và đa dạng, có thể sẽ thay đổi qua thời gian. Vì vậy, ở bài viết này, chúng tôi không có tham vọng chỉ ra tất cả những tính cách của con người Nam bộ. Bởi đó là điều không thể, mà chúng tôi chỉ chọn khảo sát một số tính cách của con người ở đây được phản ánh qua ca dao cũng của xứ này, để xem những người Nam bô nói về tính cách của con người Nam bô ra sao. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn đặc tính của vùng đất và con người Nam bộ, và cũng là để thêm yêu mảnh đất này hơn.

                                                Nguồn:  Văn hiến Việt Nam

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: