Thứ hai, 29/04/2024,


Nghiên cứu thơ Thiền ở Việt Nam - Đôi điều suy ngẫm (PGS-TS. Trần Ngọc Vương) (19/05/2010) 

Nghiên cứu so sánh thơ Thiền Việt Nam với thơ Thiền của Trung Hoa, của Nhật Bản… chắc hẳn nằm trong số những đề tài khó bậc nhất đối với các chuyên ngành lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng, lịch sử triết học phương Đông. Trước nay, cả những người nghiên cứu đã thành danh, đã được xếp vào hàng “đấng bậc”, không phải có nhiều người đủ can đảm thử sức mình trên tuyến vấn đề này. Trong nghiên cứu khoa học, vấn đề khó lại cũng là vấn đề hay, hấp dẫn, đầy tính thách thức.

 

 

 

1. Trong khoảng một vài thập niên gần đây, những thế kỷ đầu tiên của lịch sử văn học viết Việt Nam đã được giới nghiên cứu quan tâm nhiều hơn trước, đánh dấu bằng những công trình mang tính chuyên khảo, hoặc bằng những nghiên cứu chuyên đề thông qua việc triển khai những luận văn, luận án văn học. Nghiên cứu văn học gắn với các học thuyết ý thức hệ hay các triết thuyết, các tôn giáo như Nho, Phật, Lão – Trang và Đạo giáo... đang dần dần trở nên là hiện tượng bình thường. Văn học viết Việt Nam trong những thế kỷ đầu tiên có mối quan hệ chặt chẽ với đội ngũ trí thức là tín đồ của Phật giáo, có nội dung gắn bó sâu sắc với những nội dung của học thuyết – tôn giáo này, nhưng tính độc lập của bộ phận văn học này trong lịch sử văn học viết dân tộc đủ mạch lạc để trở thành “nền văn học Phật giáo ở Việt Nam” hay chưa thì cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ.

Xét theo góc nhìn cục bộ, bộ phận văn chương chịu ảnh hưởng Phật giáo ở Việt Nam còn bảo lưu lại được tới nay chủ yếu là văn học Phật giáo Thiền tông, trong đó thơ Thiền cũng là mảng thơ gây ấn tượng rõ nét trong cảm thức của người nghiên cứu văn học sử, vậy nên trong số những công trình về văn học Phật giáo Việt Nam  thì các công trình chuyên sâu về thơ Thiền cũng đã kịp gây ấn tượng nổi bật (ít nhất là về số lượng).

 

Nhưng nhìn rộng ra, so sánh với những thành tựu mà giới nghiên cứu đã đạt tới trong việc nghiên cứu các nền văn học Phật giáo khác trên thế giới thì những công trình này của các tác giả Việt Nam còn xa mới được coi là đã hoàn thành nhiệm vụ, bởi Thiền Việt Nam nói chung, văn chương Thiền Việt Nam nói riêng, so về hiện trạng phổ biến, còn ít được thức giả bên ngoài biết tới. Có tình trạng đó, một phần do từ trước tới nay giới nghiên cứu của ta chưa quan tâm đúng mức đến việc sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu và quảng bá những thành tựu cụ thể về văn hóa truyền thống, trong đó có Phật giáo, mà vẫn chỉ nặng về việc nêu nguyên lý, nguyên tắc, khẩu hiệu... mặt khác, cung cách nghiên cứu các vấn đề của khoa học xã hội ở ta trong một thời kỳ dài “chẳng giống ai”, không nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung, bàn luận những vấn đề chung với giới học thuật quốc tế.

 

Trong số công trình nghiên cứu hiếm hoi về các học thuyết và hệ tư tưởng từng tồn tại và tác động đến lịch sử quốc gia – dân tộc, mãi tới nay vẫn còn chưa gột được những định kiến, thành kiến hay mặc cảm, chưa thoát ra khỏi tình trạng sơ khai, ấp úng ban đầu. Triển khai đúng hướng, và cần coi là bước tiên khởi, nếu muốn so sánh thơ Thiền Việt Nam với thơ Thiền thế giới, trước hết phải so sánh với thơ Thiền Trung Quốc. Một số công trình của giới nghiên cứu văn học sử đã đề cập ở trên về văn học Phật giáo, về văn học Thiền Việt Nam thực ra chỉ mới nghĩ tới, cùng lắm là dẫn xuất một vài trường hợp và trạng huống ngẫu nhiên, theo lối liên hệ, mà chưa tiến hành thao tác so sánh một cách nghiêm túc. 

Nếu lại tính tới thực tế rằng những công trình nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền Việt Nam nói riêng có chất lượng thực thụ phần lớn là sản phẩm của các nhà tu hành ở các cấp độ khác nhau, mà còn rất hiếm các công trình của các nhà khoa học thế tục, thì thêm một lần nữa phải khẳng định rằng những công trình nghiên cứu bộ phận văn học Phật giáo Việt Nam nói chung, thơ Thiền nói riêng của các nhà khoa học thế tục (tôi nhấn mạnh) quả chỉ mới đạt được những thành tựu khiêm tốn, và từ một góc độ quan sát khác, bị “ám” bởi các ý tưởng và sự kiến giải của các học giả - Phật tử khá đậm.

 

2. Sách vở, thư tịch thế giới về Phật giáo nói chung, về Thiền nói riêng, đã nhiều như rừng, nhưng điều lạ lùng nhất là cho đến nay, chưa có nhiều những bộ sách về lịch sử Phật giáo có uy tín và được phổ biến một cách rộng rãi cả trong giới Phật gia lẫn giới Phật học. Từng quốc gia, từng nền văn hóa chịu ảnh hưởng Phật giáo thì đã có những cố gắng riêng rẽ để viết nên những bộ Phật giáo sử mang tính khu vực và địa phương, nhưng từ thực tế là vào thuở Phật giáo được hình thành như một triết thuyết và như một tôn giáo, rồi được truyền bá theo các hướng, hình thành nên các tông phái khác nhau, thì đường biên giới giữa các cộng đồng hoàn toàn khác xa những đường biên giới phân biệt và cũng là phân cách nhau giữa các cộng đồng mang tính quốc gia - dân tộc như sau này, như hiện nay, nên phép cộng của những pho lịch sử Phật giáo ở mỗi quốc gia - dân tộc  không thay chỗ được cho pho lịch sử của Phật giáo nói chung, lịch sử của các và từng tông phái Phật giáo nói riêng.

 

Thiền là tông phái Phật giáo hình thành ở tiểu lục địa Ấn Độ về cơ bản rồi mới vượt núi băng rừng, được truyền vào đất Đông thổ, hay thoạt đầu khi Bồ Đề Đạt Ma tới Trung Quốc, cái mà vị đệ nhất tổ này mang theo chỉ mới là hạt nhân ban đầu? Chưa có những công trình nghiên cứu đủ sâu sắc công phu, đủ thẩm quyền khẳng định dứt khoát câu trả lời cho cả những câu hỏi mang tính nhập môn kiểu đó. Từ trạng thái “hoảng hốt” như thế, nên ngay cả ở Trung Quốc, xứ sở mà ý thức lịch sử hóa được đánh giá là đậm đặc bậc nhất trên thế giới, tính chất Phật giáo nói chung bộc lộ trong những sáng tạo phẩm tinh thần vẫn có thể được nhìn nhận và hoàn nguyên cho một trong nhiều tông phái khác nhau, hoặc cùng được nhiều đại diện cho nhiều tông phái khác nhau nhận là sản phẩm của tông phái mà mình lên tiếng bảo vệ.

Chưa đủ mạch lạc về mặt những tiêu chí nhận dạng để tách bạch Thiền ra khỏi các tông phái Phật giáo khác, dù trực cảm trong tuyệt đại đa số trường hợp có thể không nhầm lẫn, thì phần đóng góp của những truyền thống tinh thần bản địa Trung Hoa vào quá trình thành tạo nên Thiền cũng chưa được minh định.

 

3. Nghiên cứu so sánh thơ Thiền Việt Nam với thơ Thiền của Trung Hoa, của Nhật Bản… chắc hẳn nằm trong số những đề tài khó bậc nhất đối với các chuyên ngành lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng, lịch sử triết học phương Đông. Trước nay, cả những người nghiên cứu đã thành danh, đã được xếp vào hàng “đấng bậc”, không phải có nhiều người đủ can đảm thử sức mình trên tuyến vấn đề này. Trong nghiên cứu khoa học, vấn đề khó lại cũng là vấn đề hay, hấp dẫn, đầy tính thách thức.

Nếu không thật chuyên nghiệp, thì không thể nhúng sâu tâm hồn và  cảm thức cá nhân vào trường (champ) văn hoá tâm linh Phật giáo, nhưng một khi đã làm thế, mà thiếu bản lĩnh và lý trí tỉnh táo để thoát ra ngoài, để khách quan hoá mọi thức nhận và cảm xúc, thì người nghiên cứu cũng dễ trở thành tù binh của chính những tìm kiếm của mình, không khó khăn gì mà không lạc sâu vào cái mê trận của những vấn đề quá tế toái của tôn giáo, của triết học tâm linh, những thứ thường là xa lạ đối với sự chuẩn bị hành trang cho mình ở các nhà khoa học được định hướng và tự định hướng đào tạo mình thành chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học cụ thể. Nếu lại thiếu triệt để và sòng phẳng khi bàn đến các sản phẩm nghiên cứu của người đi trước, một sự thiếu triệt để và sòng phẳng khiến cho những gì chính mình làm ra lại trở nên không được hiển thị đầy đủ, thì người nghiên cứu trở nên lúng túng, thiếu tự tin.

 

Để nghiên cứu văn học Thiền, trước hết lại phải am tường triết học Thiền, cần có những giới thuyết chung rõ ràng về Thiền nói chung và Thiền ở Trung Quốc, ở Việt Nam như là những bộ phận hợp thành, nhưng lại phải tách bạch khỏi những tông phái Phật giáo khác, bởi nếu không như thế, không dựa được vào đâu để phân biệt thư tịch mang nội dung Thiền học với thư tịch mang nội dung Phật giáo nói chung. Xét riêng, thư tịch Phật giáo và Phật học ở Việt Nam chắc chắn bao gồm cả tài liệu về Phật giáo Tiểu thừa, về Mật tông, về Tịnh độ tông, chứ không chỉ có tài liệu về Thiền tông. Bộ phận văn chương chịu ảnh hưởng Phật giáo bao gồm cả những tác phẩm của những tác giả chịu ảnh hưởng của các tông phái đó.

 

Theo đúng lôgich và nội hàm của công việc tiên định, cần tách thơ Thiền thành bộ phận đặt trong cấu trúc tổng thể của thơ Trung Quốc, thơ Việt Nam, so sánh tổng thể bộ phận thơ Thiền đó với các bộ phận còn lại trong cùng nền văn học, so sánh hai bộ phận thơ Thiền trong hai nền văn học với nhau,... mà để làm điều đó, chí ít ra là phải mô tả cho được ngoại diên của mỗi bộ phận. Vấn đề tính dân tộc hay khả tính dân tộc hóa của Phật giáo nói chung là một vấn đề tế nhị, phức tạp, hoàn toàn không dễ bàn theo lối hớt ngọn hay khẳng định theo lối tiên quyết, quả đoán. Bàn riêng một góc vấn đề: hẳn có thể đội ngũ tăng già trên đất Giao Chỉ xưa từng nghĩ tới khả năng tạo dựng nên một “nước Phật”, kiểu như đồng đạo của họ đã làm được ở Xri – Lanka, Nêpal, Butal, Tây Tạng hay phần nào như Noanma... nhưng lại không làm thế được ở chính Ấn Độ, cũng không làm được thế ở Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á khác. Và cho tới cùng, Giao Chỉ đã không thành một “nước Phật”, dù đã tạo ra và lưu dưỡng được một lớp văn hóa Phật giáo đủ sâu đậm, trở nên một bộ phận hữu cơ của cái mà ngày nay gọi là “căn cước” hay “bản sắc” dân tộc.

 

Nhiều quốc gia khác, kể cả ở Đông Á và Đông Nam Á đều đạt tới trạng thái ngưng kết chung như thế. Từ một giác độ khác, dễ có ngộ nhận khẳng định rằng tinh thần Phật giáo ở Việt Nam đơn giản chỉ “chủ yếu là tinh thần Thiền Tông”. Ở một vài công trình nghiên cứu cụ thể , nhất là khi đó là những công trình “tổng quát hoá”, thường xuất hiện lối viết (lối hiểu) ấy. Vậy nhưng điều đó liệu có đủ sức nặng để trở thành xác tín? Ấn tượng từ những thư tịch thời Lý -Trần còn lại đến nay có thể cho phép nghĩ thế, nhưng nếu ngẫm nghĩ sâu hơn về những thông tin mà các bộ sử đương thời xác quyết, dù thường là vắn tắt nhưng “nghiêm cách”, thì lại có thể hình dung về lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhất là từ sau khi giành được chủ quyền dân tộc, theo một khả năng khác nữa.

Nền tảng của Phật giáo dân gian hóa thuở ban đầu và còn kéo dài mãi về sau chắc chắn là Tiểu thừa, mà quy mô của nó theo sử bút của nhà Nho có lúc cơ hồ đã đạt tới trạng thái của một “nước Phật” thực thụ; nhiều vị danh tăng ở các thế kỷ đó có hành trạng khác xa với hành trạng của các vị tôn giả được chép trong Tam tổ thực lục: cả chính sử lẫn dã sử đều thông tin rằng họ ưa chuộng pháp thuật, thực hành nhiều “sự lạ”, gần với hành vi saman, lại cũng mang cả những nét đặc trưng  của loại hình nhà tiên tri, mẫu sứ đồ của các tôn giáo có nguồn gốc Trung Á và Trung Cận Đông... Những bậc danh tăng như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Đại Điên, Không Lộ, Minh Không... đều gần nhau ở những sắc thái này mà không gần gũi với lối ứng xử điển hình của các thiền sư.

 

Sự khác biệt giữa tiệm ngộ và đốn ngộ, cũng là sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa, giữa tính “siêu việt, trí huệ” bạo liệt ở các bậc đại sư với cơ hội và thói quen tôn giáo tích thiện, hành thiện cầu siêu thoát dần dà trong tâm thức tôn giáo đại chúng. Chắc chắn rằng Thiền không phải là tông phái tu hành của đa số, của số đông, của dân gian. Cũng chắc chắn rằng sự siêu việt ngôn ngữ với tư cách là một tôn chỉ hàng đầu của Thiền không phải là cái vừa tầm với những người có đằng sau mái tóc mình những bộ não thiếu nếp nhăn, vốn chỉ kham được và thích ứng với những đoán định và nhận xét phác thực, cần sự bảo lãnh của kinh nghiệm, thậm chí rất nhiều kinh nghiệm.

 

4. Theo sở tri của bản thân, tôi cho rằng Thiền chỉ thực là Thiền khi có sự kết hợp và chuyển hóa, rồi được sinh ra từ hai truyền thống tri thức minh triết - tâm linh và sự tu tập của cả Ấn Độ và Trung Hoa. Mọi bậc danh tăng gốc Trung Hoa hoặc ngoại nhập nhưng đã an trú trên địa vực này đủ lâu để chủ thể hóa những truyền thống minh triết và tâm linh của nền văn hóa đó nếu hành Thiền đều đáng được coi là những chủ thể Thiền bản địa. Các Thiền sư ở Giao Chỉ thời Bắc thuộc hay ở Đại Việt thời độc lập về cơ bản khác thế, hoặc đều là những “du giả”, hoặc nữa là những “cây trái bứng trồng”.

 

Như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định khá thống nhất, tư tưởng Lão Trang và những truyền thống tu tập Đạo gia là “yếu tố Trung Quốc” quan trọng nhất góp phần thành tạo nên Thiền. Tư tưởng Lão Trang, tự nó, đã là một trong những hệ thống triết học siêu việt bậc nhất của nhân loại thời cổ đại. Chính vì vậy, việc “dĩ Lão nhập Thích”, cũng như việc “dĩ Nho nhập Thích” trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc vốn là điều thường xảy ra qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Với riêng Thiền, thì tư tưởng Lão  Trang có nhiều mặt gần gũi hơn là hệ tư tưởng Nho giáo. Bàn đến những biểu hiện của một khuynh hướng tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”, trước hết phải thấy đó là sản phẩm của tư tưởng, tư duy Trung Hoa. Cũng có lẽ có sự “phân vùng gây ảnh hưởng”: Đạo giáo Trung Quốc có một lịch sử “dịch chuyển về phương Nam” tiến gần tới (hay đã thực sự “nhập nội” vào?) lãnh thổ Việt Nam, và có lẽ với tư cách ấy, nó ảnh hưởng và để lại dấu vết lên Mật tông, còn tư tưởng Lão Trang thì ảnh hưởng, đúng hơn, chuyển hóa vào Thiền. Càng xa cách thời nội thuộc Trung Quốc, “đặc trưng” Thiền Việt Nam càng mới tỏ ra đậm nét.

 

Theo lôgich đó, thì Thiền đời Trần nói chung, thơ Thiền đời Trần nói riêng mang lại những “đặc sắc dân tộc” đậm nét hơn Thiền và thơ Thiền đời Lý. Tùy theo việc xác định đặc trưng Thiền Việt Nam mạch lạc được đến đâu mà việc so sánh các bộ phận thơ Thiền trong lịch sử văn học của các quốc gia có sự hiện hữu của văn học Thiền tông với nhau mới khả tín đến đó! Dĩ nhiên cấp độ so sánh tôn giáo – triết học không thay thế hoàn toàn được cho sự so sánh ở cấp độ sáng tạo văn học, sáng tạo thơ ca. Bởi lý do này, mà ngoài yêu cầu so sánh những nội dung triết lý, tư tưởng, văn hóa, chính trị - xã hội... được phản ánh qua tác phẩm văn chương, còn phải đưa ra và tuân thủ những tiêu chí sử dụng riêng đối với việc so sánh văn học. Tôi nghĩ rằng đó là những đòi hỏi khách quan, tuy vẫn ý thức rằng đó là những đòi hỏi rất cao, vì thế, cũng rất khó.

 

Cũng nên lưu ý đến những vùng giao thoa và những dữ kiện nằm ở vùng giao thoa giữa các tông phái trong nội bộ Phật giáo và cả những điểm, những vùng, những biểu tượng giao thoa của cả Nho - Phật - Lão (trên đường hướng tạo nên miền “đồng nguyên”).

Phật giáo là một tôn giáo lớn của thế giới. Đó cũng là tôn giáo thực thụ đầu tiên được truyền bá từ rất sớm vào Việt Nam. Ngoài những yếu tố mà một số nhà nghiên cứu thường diễn đạt bằng cụm từ “cơ tầng văn hoá bản địa”, thì Phật giáo là học thuyết ngoại nhập được bản địa hoá sớm nhất, góp phần rất quan trọng làm nên bản sắc của nền văn hoá Việt Nam trong trường kỳ lịch sử.

Việc nghiên cứu toàn diện đối với Phật giáo và Phật giáo Việt Nam từ trước tới nay vốn là một công việc “bị gác lại” trong hệ thống đề tài khoa học của Nhà nước, hy vọng từ nay trở đi tình hình sẽ có những thay đổi, chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

 

Mùa lễ Vesak

PGS-TS. Trần Ngọc Vương

(Đại học QGHN) 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: