Thứ hai, 29/04/2024,


Hình ảnh hoa sen trong ca dao Việt Nam (16/05/2010) 

Hoa sen là một loại hoa quen thuộc của vùng nhiệt đới được nhiều quốc gia nhắc đến với “tư cách” là một biểu tượng của văn hoá: Ở Ấn Độ, hoa sen gắn liền với ý nghĩa tôn giáo; tại Nhật Bản, hoa sen là hiện thân của đức hạnh thuần khiết. Nhưng có lẽ, không có một quốc gia nào mà hình tượng bông hoa sen lại gần gũi và phù hợp với tính cách dân tộc như ở Việt Nam.

 

Hoa sen gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam cũng tương tự như sự gắn bó của cây đa, bến nước, mái đình. Có lẽ cũng vì thế mà hoa sen bước vào kho tàng ca dao Việt Nam rất đỗi tự nhiên. Trong mỗi chúng ta chắc hẳn không ai là không biết, không thuộc lòng câu ca:

 

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhuỵ vàng

Nhuỵ vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

 

 

Chao ôi! Sự diệu kỳ của thiên nhiên: Màu xanh của lá, màu trắng của bông để ấp ủ, chở che và thai nghén cho nhuỵ vàng bên trong. Ba màu sắc hoàn toàn khác biệt nhưng không đối nghịch, gần gũi nhưng không tan vào nhau tạo nên một bức tranh tràn đầy màu sắc. Sắc màu ấy rất kín đáo, đằm thắm, có phải chăng vì thế mà từ lúc nở cho đến khi tàn, hoa sen hầu như không bị sự quấy nhiễu của ong bướm. Nhưng điều lý thú, cốt lõi hơn là “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoa sen mọc lên từ trong bùn lầy nhưng dường như những yếu tố môi trường sống đó trở nên vô nghĩa với loài hoa này, thậm chí hoa sen còn có khả năng thay đổi hoàn cảnh ấy. Người ta vẫn thường nói nơi nào có hoa sen mọc thì dòng nước nơi ấy sẽ lắng trong hơn. Sen có sắc và cũng có cả hương, một mùi hương đủ nồng nàn để đánh tan mùi bùn “hôi tanh” nhưng lại vô cùng dịu dàng và thanh khiết đến trắng trong. Hình ảnh hoa sen có sự tương đồng lớn với phẩm cách của người dân đất Việt. Điều này được thể hiện rất rõ trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trải qua bao cuộc giao lưu văn hóa cả tự nguyện và cưỡng bức nhưng dân tộc ta vẫn bảo lưu được đầy đủ những giá trị văn hóa truyền thống của mình.

 

Vì thế, sen dù mọc nơi đâu: Trong hồ nước hay bãi bùn lầy thì sen vẫn là sen, vẫn luôn giữ được “Mầm” bản chất cao quý bên trong:

 

“Hoa sen mọc bãi cát lầy

Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen

Thài lài mọc ở ven sông

Tuy rằng xanh tốt vẫn tông thài lài”

 

Chính sự song hành của sắc và hương ấy trong hoa sen mà hoa được đem ra để ví với những bậc nhân tài xuất chúng, đủ tài vẹn đức:

 

“Nhân tài như thể bách hoa

Hoa sen thơm ngát, hoa trà đẹp tươi”

 

 

Có lẽ, chưa và sẽ không có loài hoa nào được dùng để diễn tả vẻ đẹp của cả những bậc chính nhân quân tử và cả vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ chốn thôn quê giống như hoa sen. Người Việt ta vẫn thường sử dụng các loài hoa để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ, song hiếm có câu ca nào có vẻ đẹp và sức gợi như câu ca:

 

“Cổ tay em trắng như ngà

Đôi mắt em liếc như là dao cau

Miệng cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”

 

Vẻ đẹp hương sắc của hoa sen dường như đã trở thành chân lý, nhưng vẻ đẹp ấy lại không hề xa cách mà ngược lại, còn vô cùng gần gũi với đời sống của người dân. Vì thế, những đôi trai gái muốn dò hỏi ý tứ nhau cũng lấy hình ảnh hoa sen để trao lời:

 

“Bấy lâu còn lạ chưa quen

Hỏi hồ đã có hoa sen chưa hồ?

 

Hồ còn leo lẻo nước trong

Bấy lâu chỉ dốc một lòng đợi sen”

 

Hay cũng có khi hoa sen lại được lấy làm cái cớ cùng với chiếc “áo sứt chỉ đường tà” của một chàng trai đã “cố tình đãng trí bỏ quên” để nhân tiện thổ lộ tình cảm, gia cảnh và trao lời hứa hẹn sẽ trả công “hậu hĩnh” cho người giúp tìm lại cái áo:

 

“Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà…”

 

 

Điệu bộ lúng túng của chàng trai cùng với câu chuyện dẫu biết là bịa đặt vô lý nhưng lại thấy vô cùng dễ thương làm cho bài ca dao thêm phần đậm tính thôn quê và tình tứ. Bởi lẽ có ai lại treo áo trên cành hoa sen bao giờ để mà quên? Cây sen làm gì có cành, chỉ có duy nhất cọng mềm thì lại nằm dưới mặt nước mất rồi thì lấy gì mà vắt áo? Có người đã tưng đưa ra giả thuyết để cố “hiện thực hóa” câu chuyện bằng cách cho rằng có thể sen trong bài ca dao là sen cạn. Nhưng thiết nghĩ, hãy cứ để “cành hoa sen” này mọc dưới nước sẽ thi vị và ngộ nghĩnh hơn biết mấy. Sự vô lý đặt trong cái có lý của tình yêu bao giờ cũng sẽ được chấp nhận dễ dàng.

 

Và rồi, đến khi vì một lý do nào đó khiến cho tình duyên trắc trở, đôi ngả chia lìa, nhưng dễ gì có thể quên được những kỷ niệm khi còn bên nhau, sự luyến tiếc, day dứt ấy giống như sự vương vấn của ngó sen: “Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”.

 

Từ xưa đến nay, hoa sen đã trở thành một đề tài không bao giờ cạn cho nhiều loại hình nghệ thuật từ ca dao, thơ, tiểu thuyết, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội hoạ,v.v…. Nhưng bao trùm lên tất cả, hoa sen luôn hiện lên là một loài hoa vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng; vừa duyên dáng, mềm mại nhưng cũng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc. Trong cái niềm trân trọng ấy, ta lần giở lại một vài bài ca dao về loài hoa sen để càng thêm yêu một vẻ đẹp thuần khiết Việt Nam.

 

 

NHẤT NỮ HẠ MIÊN

Email: nhatnuhamien@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: