Thứ ba, 30/04/2024,


Bài thơ vui... nghiêm túc (05/05/2010) 

Những người thường xuyên gặp may mắn trong cuộc đời, đặc biệt là trong tình duyên, thường được khen là “có số đào hoa”. Đàn ông có số đào hoa thì đúng là hoa thơm bướm lượn, sớm mận tối đào, bồng bềnh trong cõi tiên, lạc thú. Quan niệm đó hoá ra không phải hoàn toàn như vậy.

 

Trong chyến về Tiên Du mới đây, tôi tình cờ được hầu chuyện một người có số đào hoa, tự nhận trải qua hàng trăm cuộc tình, người đã bỏ lại sau mình gần 80 chiếc lá vàng rơi với rất nhiều con ngoài giá thú. Kể chuyện về mình, ông già 78 tuổi này đọc cho tôi nghe một bài thơ của bạn ông tặng, coi như là tổng kết cái số đào hoa của mình. Bài thơ như sau:

 

SỐ ĐÀO HOA

 

Giời đầy… cái số đào hoa

Trẻ hoang toàng lắm nên già chi ly

Muốn đi… giời chẳng cho đi

Như cây gỗ mục nằm ì thế gian!

 

Tác giả thơ là ông Nguyễn Đức San, một hội viên Câu lạc bộ thơ huyện Tiên Du. Có lẽ Nguyễn Đức San phải hiểu rất rõ thân phận của “nguyên mẫu đào hoa” kia mới có được bản tổng kết chí tình như vậy. Và chắc chắn “nguyên mẫu” phải khoái bài thơ này lắm thì mới ngâm nga khoe với tôi nhiều lần như vậy. Cái được của “số đào hoa” thì ai cũng biết. Thế còn cái “không được” thì sao?

 

“Giời đầy… cái số đào hoa” Mở đầu bài thơ đã là hai chữ “Giời đầy”, rõ ràng với Nguyễn Đức San, có được sự đào hoa cũng chẳng sung sướng gì. Nó báo hiệu bao nhiêu là nỗi lo. Phải chăng tác giả bị ám ảnh bởi thuyết “tài mệnh tương đố”? Nguyễn Du đã từng kêu lên thắt ruột trong truyện Kiều: “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau!” đó sao?... Trong một phạm vi hạn hẹp hơn, tác giả muốn minh chứng cho hai chữ “giời đầy”:

 

Trẻ hoang toàng lắm nên già chi ly!

 

Thôi đúng rồi! Anh cậy anh tài giỏi, anh cậy anh “đào hoa cư mệnh” thả sức rong chơi, bướm ong vô độ… Cái sự quá ngưỡng dù trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải trả giá. Ở đây là sự trả giá muộn mằn, trả giá khi về già. Tuy không quá khắc nghiệt nhưng lại âm ỉ và dai dẳng. Từ sự hoang toàng, bừa bãi khi còn trẻ dẫn đến sự chi ly khi về già (hai chữ “chi ly” thật hay, hiểu theo nghĩa rộng). Nguy hại đến mức người này không còn muốn sống nữa:

 

Muốn đi… giời chẳng cho đi!

 

Muốn chết mà không chết được thì đúng là bi kịch! Nhưng còn bi kịch hơn là phải tự mình gặm nhấm sự mục ruỗng của mình, từ tâm hồn đến thể xác:

 

Như cây gỗ mục nằm ì thế gian!

 

Đến đây thì thông điệp của bài thơ đã rõ: nếu sống buông thả, bừa bãi, hoang toàng vô độ khi còn trẻ thì lúc già chắc chắn sẽ phải trả giá. Tác giả mượn chuyện đào hoa trai gái để gợi mở sang những phạm trù rộng lớn hơn. Mọi chuyện lớn nhỏ đều có giới hạn của nó. Ngay trong cái bể tình ái tưởng như vô cùng vô tận kia. Vượt ngưỡng là điều hết sức tránh.

 

Một bài thơ nhỏ, viết như đùa để tặng bạn mình, đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm của lớp người cao tuổi. Bài thơ ngắn mà thông điệp lại dài. Đùa vui đấy mà nghiêm túc đấy. Hóm hỉnh và đầy sức gợi mở xa xăm…

 

 

Nguyễn Anh Thuấn

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: