Thứ hai, 29/04/2024,


Tiễn em, phận mỏng duyên gầy ngẩn ngơ (06/04/2010) 

TIỄN NGƯỜI ĐI LẤY CHỒNG XA

 

Sợi buồn chen với sợi vui

Dệt thành tấm thiếp em tôi lấy chồng

Nhà lầu đệm mút chăn lông

Nhà tranh vách đất phải lòng chõng tre

 

Gió rung cau rụng đầu hè

Lại đem sương muối về che giàn trầu

Mịt mờ trời thẳm biển sâu

Đưa chân nhắm mắt làm dâu xứ người

 

Những mong cha mẹ đổi đời

No cơm ấm áo cho nguôi phận hèn

Cái ngày xe đến rước em

Không hoa pháo, chỉ xấp tiền trao tay

 

Có người đứng khuất hàng cây

Tiễn em, phận mỏng duyên gầy ngẩn ngơ.

 

Vũ Đình Mai

 

 

          Bài thơ “Tiễn người đi lấy chồng xa” của tác giả Vũ Đình Mai là một bài thơ thật giàu hình ảnh, giàu tình cảm, chan chứa mối cảm thông của tác giả với những người con gái đi lấy chồng xa xứ. Chắc ở đây, trong bài thơ này, tác giả đang nhắc tới xứ Đài, xứ Hàn... Người con gái ấy đã mong một có một cuộc hôn nhân xa bố mẹ, xa gia đình để có cuộc đổi đời cho bản thân và cho cả gia đình:

 

Sợi buồn chen với sợi vui
Dệt thành tấm thiếp em tôi lấy chồng
Nhà lầu đệm mút chăn lông
Nhà tranh vách đất phải lòng chõng tre.

 

Ta đã nghe “sợi nhớ, sợi thương” của nữ thi sĩ Thúy Bắc, nay lại nghe sợi buồn sợi vui của Vũ Đình Mai. Hình tượng hóa cung bậc của tình cảm thành sợi thì hai thi sĩ này quả là giàu tình cảm và thật lãng mạn. Tình cảm là sợi dây vô hình kết nối con người với nhau lại. Chính hình ảnh này là theo một điển tích xưa, một vị quan tên là Vi Cố đã được ông tơ xe duyên với con gái của người ăn mày. Dù ông ta đã rút kiếm chém cô bé rách rưới nọ, dù ông ta đã ra chiến trận để rồi được thăng chức quan cao, dù ông ta đã chọn cho mình một vị hôn thê là con của một quan đại thần, nhưng duyên của ông ta với cô bé ăn mày nọ vẫn thành hiện thực. Vì cô bé ăn mày đói khổ năm nao đã trở thành cô con gái nuôi của vị đại thần nọ. Có những hình ảnh thơ trừu tượng hóa khiến người đọc rất khó hiểu nhưng hình tượng hóa ở đây lại rất dễ hiểu và hay. Sợi tơ tình cảm này làm cho người đọc nhớ tới câu thơ trong Truyện Kiều:

 

Bên cầu nước chảy trong veo
Dưới cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

 

Ở đây, bóng chiều như có sợi, nó không phải là vô hình mà như tơ liễu thướt tha, mềm mại, lả lướt. Hình ảnh thật là đẹp.

 

Hình ảnh “đệm mút, chăn lông” là điều mà người con gái hằng mơ tưởng tới một cuộc sống giàu sang, đủ đầy khi nhận thấy cái cảnh: “nhà tranh vách đất” và cái “chõng tre” mà mình đang có. Hình ảnh vật dụng cụ thể để gián tiếp nói lên cuộc sống thực tại của người con gái hiện nay và giấc mơ đổi đời của cô dâu mới.

Rồi 'gió rung cau rụng', 'đưa sương muối để che giàn trầu' thật oái oăm, éo le, cho ta thấy những cuộc hôn nhân này chẳng sung sướng, tốt lành gì đâu, chỉ là một cuộc đánh đổi cả đời con gái lấy một xấp tiền mà thôi:

 

Những mong cha mẹ đổi đời
No cơm ấm áo cho nguôi phận hèn
Cái ngày xe đến rước em
Không hoa pháo, chỉ xấp tiền trao tay

 

Câu cuối khổ thơ này mới xót xa làm sao, nó nói lên thân phận của những người trong cuộc tình trắc ẩn. Nó đã nói thẳng ra bản chất của cuộc hôn nhân này là như thế nào rồi.

 

Người lên xe hoa về nơi xứ lạ, phía trước tương lai cũng mờ mịt chẳng biết rồi sẽ ra sao, vì phận gái như giọt mưa sa:

 

Thân em như giọt mưa sa
Hạt rơi xuống giếng, hạt ra cánh đồng.

 (Ca dao)

 

Bài thơ như hiện trước mắt người đọc một nét mặt hoan hỉ của chàng rể từ phương trời xa lạ. Nét mặt đượm buồn nhưng cũng pha một chút háo hức trước duyên mới và nỗi lo lắng khi phải xa gia đình bố mẹ theo chồng về nơi đất lạ của cô dâu Việt. Và có cả nét mặt của một người con trai đã từng là người yêu của cô dâu, không lộ mặt hẳn nhưng lấp ló ở đâu đó trong chỗ khuất để trông theo người mình yêu dấu đang tuột khỏi vòng tay ân ái của mình để thả cuộc đời trong những bước chân vô định:

 

Có người đứng khuất hàng cây

Tiễn em, phận mỏng duyên gầy ngẩn ngơ.

 

Người ấy thật là buồn bã, nhưng cuộc đời có đâu chiều theo ý muốn. Người con trai ấy chỉ là một chàng trai nghèo nơi thôn quê, không có gì bảo đảm để đổi đời cho cô gái và gia đình cô như những người đàn ông ngoại quốc. Chàng chỉ đứng lặng nhìn cô gái lên xe hoa mà tủi phận than thân. Tâm sự của chàng chỉ “một mình mình biết, một mình mình hay” mà thôi.

 

Tác giả Vũ Đình Mai là một người say mê triết học, nên sức khái quát của thơ, tính triết lý của thơ đã làm cho người đọc thơ không phải chỉ đọc không thôi, mà còn phải suy nghĩ, vương vấn cái điều mà cô gái trong câu chuyện đi lấy chồng xa xứ đã gói gọn vào trong câu:

 

Mịt mờ trời thẳm biển sâu
Đưa chân nhắm mắt làm dâu xứ người.

 

Đúng là 'mịt mờ trời thẳm biển sâu', 'tương lai phía trước biết đâu thế nào', số phận của người con gái 'nhắm mắt đưa chân' làm dâu xứ người ấy thật là mờ mịt. Bỗng dưng tôi lại nhớ đến hình ảnh Thúy Kiều theo chàng 'rể hờ' Mã Giám Sinh là tay buôn người có hạng, khi nàng lên 'kiệu hoa một bước, lệ hoa mấy hàng' thì cũng tặc lưỡi, mặc cho số mệnh với câu:

 

'Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Mặc cho con Tạo xoay vần đến đâu'

 

Chính cái nhắm mắt đưa chân ấy đã đưa Thúy Kiều vào chặng đường mười lăm năm lưu lạc,'thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần', và:

 

'Mười lăm năm, bấy nhiêu lần
Làm gương cho khách hồng trần thử soi'

 

Còn tương lai cô dâu Việt của Vũ Đình Mai cũng không có gì gọi là sáng sủa. Đọc câu thơ: “Gió rung cau rụng đầu hè/ Lại đem sương muối về che giàn trầu'  ta có thể thấy ngay cuộc hôn nhân này là cuộc hôn nhân vì tiền mà không có gì là tương lai hạnh phúc cả. Ngay cả quả cau trên buồng thật là khó rụng, ấy thế mà gió cũng còn rung cau rụng được, để rồi gió cũng 'đưa sương mối về che giàn trầu'. Hình ảnh thật oái oăm, người ta thì che giàn trầu cho khỏi bị sương muối, đằng này lại mang chính 'sương muối che cho giàn trầu', thì chẳng hoá ra: 'thương nhau như vậy hóa là hại nhau ' sao!

Bài thơ của tác giả Vũ Đình Mai tuy chỉ có ba khổ rưỡi, với bảy câu lục bát, rất ngắn gọn, không nói cụ thể nơi xa xôi mà người con gái sẽ đến là ở đâu, nhưng cũng vẽ lên cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về tình trạng các cô gái Việt Nam đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc hiện nay, một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.

 

Cảm ơn tác giả đã có bài thơ hay, mang đậm tính chất nhân văn, sự nóng hổi của tình hình thời sự, một bức tranh có gam màu buồn và một lời cảm thông sâu sắc với những người không may chịu số phận hẩm hiu khi nhắm mắt đưa chân, hy vọng đến một bến bờ hạnh phúc, nhưng trước mặt họ chỉ là một hình ảnh mông lung, mờ mịt.

 

Phạm Thanh Cải

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Danh Quành Tha - thaitutrangtay@ymail.com - 0917787991 - Âp an phú xã vĩnh Phước B, huyện Gò quao, tỉnh Kiên Giang  (Ngày 22/07/2010 11:42:32 AM)

"Cái ngày xe đến rước em

Không hoa pháo, chỉ xấp tiền trao tay"
Bài thơ thật giàu hơi thở của hiện đại, có biết bao cô thiếu nữ muốn đổi đời, và
"Mịt mờ trời thẳm biển sâu

Đưa chân nhắm mắt làm dâu xứ người"
Vì cơm áo gạo tiền, cho nên Cô ấy đành bỏ lại biết bao những kỹ niệm, và trong cái ngày người ra đi đó
"Có người đứng khuất hàng cây

Tiễn em, phận mỏng duyên gầy ngẩn ngơ"
và anh ta chắc cũng hiểu cho hoàn cảnh của người Ấy và rồi tầm chúc
"Chúc em vui trọn cuộc tình
Đừng như anh chỉ một mình lẻ loi!"

Các bài khác: