Thứ hai, 29/04/2024,


Thúy Kiều sở trường về cây đàn nào? (Đàm Quang Thiện) (04/04/2010) 

Nguyễn Du đã cụ thể hóa cái tài của Thúy Kiều bằng tài đàn: Cung, thương, làu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương,/ Khúc nhà tay lựa nên xoang/ Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân! Như thế là Thúy Kiều rất sành âm luật, “làu bậc ngũ âm”; và sở trường của nàng là “một trương Hồ cầm”; gảy cây Hồ cầm mà dạo khúc bạc mệnh của chính nàng tạo ra, thì ai nghe cũng phải não lòng, bằng chứng là: “mặt sắt” như Hồ Tôn Hiến cũng “nhăn mày rơi châu”!

Chúng ta thử xem Hồ cầm là cây đàn gì?

 

 

  

Để chứng minh triết thuyết: Chữ “Tài” chữ “Mệnh” khéo là ghét nhau, Nguyễn Du cho vai chủ động của Đoạn trường tân thanh là Vương Thúy Kiều, đủ mọi tài:

 

Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

 

Nhưng, Nguyễn Du đã cụ thể hóa cái tài của Thúy Kiều bằng tài đàn:

 

Cung, thương, làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương,(1)
Khúc nhà tay lựa nên xoang, (2)
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân!

 

Như thế là Thúy Kiều rất sành âm luật, “làu bậc ngũ âm”; và sở trường của nàng là “một trương Hồ cầm”; gảy cây Hồ cầm mà dạo khúc bạc mệnh của chính nàng tạo ra, thì ai nghe cũng phải não lòng, bằng chứng là: “mặt sắt” như Hồ Tôn Hiến cũng “nhăn mày rơi châu”!

Chúng ta thử xem Hồ cầm là cây đàn gì? Hai cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (3), cụ Nguyễn Văn Vĩnh (4), ông Nguyễn Văn Anh (5)… đều giảng: “Hồ cầm là cây đàn Tỳ Bà, vì đời xưa, vua Hán Nguyên Đế có bà Chiêu Quân phải đi cống rợ Hồ, thường hay đánh cây đàn ấy, nên mới gọi là Hồ cầm”.

Huyền Mặc Đạo Nhân (6) dẫn giải: “Hồ cầm tức là đàn Tỳ Bà, vì của nàng Chiêu Quân khi đi cống Hồ chế ra, nên kêu tên như vậy”.

Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (7) chú giải: “Hồ cầm là cây đàn của rợ Hồ, nguyên chính là cái nhị; vì có kiểu nhị làm giống như cây Tỳ Bà, cho nên Tỳ Bà người ta cũng gọi là Hồ cầm”.

Văn Hòe (8) chú giải và bình luận: “Hồ cầm chính là cái nhị hay cái hồ; đây tác giả dùng lầm để chỉ đàn Tỳ Bà là thứ đàn xuất xứ từ rợ Hồ”.

Nói tóm lại, tất cả các học giả đã chú giải Truyện Kiều đều cho Hồ cầm là đàn Tỳ Bà; đa số thâm Nho nhắc đến tích Chiêu Quân cống Hồ; hầu hết giảng: vì Chiêu Quân khi đi cống Hồ, hay đánh đàn Tỳ Bà, nên đàn Tỳ Bà có tên là Hồ cầm; riêng Huyền Mặc Đạo Nhân giảng là: Chiêu Quân, khi đi cống Hồ, đã chế ra đàn Tỳ Bà; thi bá Tản Đà thì cho rằng: vì có kiểu nhị làm giống đàn Tỳ Bà, nên Tỳ Bà cũng được gọi là Hồ cầm, vốn là cái nhị; chỉ có học giả Văn Hòe là cho rằng: Hồ cầm là cái nhị hay cái hồ, không thể có nghĩa là Tỳ Bà được, Nguyễn Du đã dùng lầm danh từ ấy để chỉ đàn Tỳ Bà.

Để vấn đề được rõ ràng, chúng ta hãy lần lượt xét lại các cách chú giải ở trên, mà chúng tôi chỉ coi là những giả thuyết của các học giả đã chú giải Truyện Kiều mà thôi, vì chúng tôi không tìm thấy các cách chú giải ấy trong sách nào cả.

Giả thuyết cho rằng, vì nàng Chiêu Quân khi đi cống Hồ, hay đánh đàn Tỳ Bà, nên đàn Tỳ Bà còn được gọi là Hồ cầm, có vẻ gò ép quá. Muốn thấy rõ tính cách gò ép ấy, ta lấy một ví dụ.

Giả sử: công chúa Huyền Trân, khi sang làm hoàng hậu Chiêm Thành, hay gảy một thứ đàn nào đó, và vì thế thứ đàn ấy thành ra có tên là Chiêm cầm thì vô lý biết mấy! Nếu trong điển tích Chiêu Quân cống Hồ mà đàn Tỳ Bà còn được gọi là Chiêu Quân cầm, hay trong ví dụ công chúa Huyền Trân, mà đàn công chúa ưa gảy còn được gọi là Huyền Trân cầm, thì còn có lý do đôi chút; chứ Hồ cầm và Chiêm cầm thì vô lý hết chỗ nói!

Giả thuyết cho rằng, chính nàng Chiêu Quân đã chế ra đàn Tỳ Bà thì hoàn toàn sai, vì trong Từ Nguyên có ghi “bản xuất ư Hồ trung”. Trong bài Lịch trình ca nhạc Việt Nam qua các thời đại của ông Thái Văn Kiểm, đăng trong Văn hóa nguyệt san, (tập XII, quyển 3, tháng 3 năm 1963) chúng ta đọc thấy ở trang 397: “Đàn Tỳ, tức là đàn Tỳ Bà… là một cây đàn có 4 dây, hình trái lê… Cây đàn này do người Mông Cổ sáng tạo, hình thể của đàn ứng dụng cho những chàng kỵ mã Mông Cổ, vừa ôm đàn trong lòng vừa phi ngựa trên những quãng đường xa, vừa đàn ca cho bớt mệt mỏi”.

Giả sử như Chiêu Quân đã sáng chế ra đàn Tỳ Bà thật, thì đàn này càng phải được gọi là Chiêu Quân cầm – cũng như thời cổ người ta đã gọi Nguyệt cầm là Nguyễn Hàm cầm. Nguyễn Hàm là người đời Tấn, tự là Trọng Dung, còn nhỏ đã giỏi âm luật, là một trong Trúc lâm Thất hiền đã sáng tạo ra Nguyệt cầm – chứ không thể được gọi là Hồ cầm.

Thuyết của thi bá Tản Đà cho rằng, Hồ cầm “nguyên chính là cái nhị” thì không đúng lắm, vì cái hồ và cái nhị, tuy đồng loại, nhưng khác nhau. Quả như thi bá đã nói, Từ Nguyên cũng ghi có Hồ cầm giống Tỳ Bà; nhưng vì sự giống nhau ấy mà kết luận “cho nên Tỳ Bà người ta cũng gọi là Hồ cầm”, thì hoàn toàn là tưởng tượng quá phong phú của thi bá!

Sau cùng đến thuyết của ông Văn Hòe - học giả sáng lập ra Quốc Học tùng thư đã viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều của ông như sau: “Tác giả hình như muốn mượn Truyện Kiều để chứng minh và truyền bá một tư tưởng triết học tôn giáo. Tư tưởng ấy giá trị cũng tầm thường và chứng minh cũng chưa chính xác”; đã viết về việc chú giải Truyện Kiều của ông như sau: “Chúng tôi tin rằng có chú giải như thế thì mới mong giúp được mọi người hiểu thấu Truyện Kiều, thưởng thức hết cái hay của Truyện Kiều, phân biệt cái dở của Truyện Kiều…”; đã chú giải câu Kiều: Một trời thu để riêng ai một người như sau: Ai, là bi ai, đau buồn (9).

Ông Văn Hòe cũng chú giải: Hồ cầm chính là cái nhị hay cái hồ, cho nhị với hồ là một, như thi bá Tản Đà. Rồi, không hiểu ông căn cứ vào cái gì, mà cho rằng Nguyễn Du đã dùng làm danh từ Hồ cầm để chỉ đàn Tỳ Bà! Làm sao biết chắc được là Nguyễn Du đã dùng danh từ “Hồ cầm”? Lỡ tác giả đã dùng danh từ khác mà bây giờ “tam sao thất bản” thành “Hồ cầm” thì sao? Làm sao biết chắc được là Thúy Kiều sở trường về cây đàn Tỳ Bà? Lỡ nàng sở trường về Nguyệt cầm thì sao?

Nói tóm lại, tất cả các học giả, đã chú giải Truyện Kiều, đều không giảng được cho chúng ta hiểu rõ ràng câu:

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

 

Chúng ta có một phương pháp khác để tự tìm xem Thúy Kiều sở trường về cây đàn nào, sau khi trông cậy vào các học giả đã chú giải Truyện Kiều mà không được thỏa mãn.

Trước hết, chúng ta tìm định nghĩa của danh từ Hồ cầm trong từ điển.

Từ điển Từ Hải cho chúng ta hiểu rằng: Hồ cầm là tên một nhạc khí; xuất xứ tại Bắc Phiên, nên gọi là Hồ cầm; ống làm bằng trúc, mặt căng da trăn; trên có cán nhỏ, dài chừng một thước; đầu cán có lỗ xuyên ngang, và 2 trục, quấn 2 dây, căng thẳng trên mặt ống; dùng cung trúc căng mã vĩ mà cọ xát thành thanh âm.

Chính là nhạc khí mà ta gọi là Cây hồ hay Đàn gáo; cùng loại với Cây nhị hay Đàn cò.

Rồi chúng ta kiểm tra lại xem khi gảy đàn, Thúy Kiều dùng nhạc khí nào.

Lần đầu tiên, gảy cho Kim Trọng nghe, là đàn Nguyệt:

 

Hiên sau treo sẵn Cầm trăng.

 

Chúng ta có thể cho rằng: nhà Kim Trọng sẵn có đàn gì thì Kiều gảy đàn ấy. Nhưng, chúng ta cũng có thể tự hỏi: hai nhà sát rào; Kiều có cả một đêm trường để tự tình với người yêu; người yêu lại tỏ lòng khát khao được thưởng thức tài “nổi tiếng Cầm Đài” của Kiều; lại cho Kiều biết chàng có tài thẩm âm của Chung Tử Kỳ.

 

Rằng: Nghe nói tiếng Cầm Đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.

 

thì không vì lý do nào mà Kiều lại không sử dụng cây đàn sở trường của nàng; nếu Kim Trọng không có cây đàn ấy, thì chạy về nhà lấy, mang sang, có khó và lâu gì?

Lần thứ hai, gảy cho Mã Giám Sinh nghe, cũng là đàn Nguyệt:

 

Ép cung cầm Nguyệt, thử bài quạt hoa.

 

Lần này, chính tại nhà Kiều, Kiều bán mình để lấy tiền chuộc tội cho cha, gặp phải con buôn “cò kè bớt một thêm hai”, lẽ dĩ nhiên Kiều có sở trường gì phải phô ra hết, để bán mình được cao giá, có lẽ nào Kiều sở trường về Hồ cầm mà lại gảy Nguyệt cầm?

Lần thứ ba, gảy cho Hoạn Thư nghe, không nói rõ tên đàn, nhưng là đàn nàng hằng chơi mọi ngày:

Trúc tơ, hỏi đến nghề chơi mọi ngày.

 

Lần thứ tư, gảy cho Thúc Sinh và Hoạn Thư nghe, cũng không nói rõ tên đàn, nhưng mà là đàn có 4 dây:

Bốn dây như khóc như than.

và làm bằng gỗ ngô đồng:

Cùng trong một tiếng tơ đồng.

Lần thứ năm, gảy cho Hồ Tôn Hiến nghe, cũng không nói rõ tên đàn, nhưng là đàn 4 dây:

Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay.

Gảy thẳng bằng năm đầu ngón tay, chứ không phải bằng cung mã vĩ như Hồ cầm. Chính Kiều cũng nói là đàn sở trường của nàng từ ngày còn thơ:

 

Thưa rằng: Bạc mệnh khúc này,
Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ.

 

Đến đây, ta có bằng chứng rõ ràng là cây đàn sở trường của Thúy Kiều không phải là Hồ cầm.

Lần thứ sáu, và là lần cuối cùng, lại gảy cho Kim Trọng nghe, tuy không nói rõ tên đàn, nhưng vẫn là đàn Nguyệt, vì:

Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa.

Nếu ta tìm danh từ Nguyệt cầm trong Từ Hải và Từ Nguyên, thì ta thấy: đàn do ông Nguyễn Hàm, tự Trọng Dung, đời nhà Tấn, chế tạo ra; bản hình tròn tựa mặt trăng, nên gọi là Nguyệt cầm; mặt làm bằng gỗ ngô đồng, có bốn dây, loại Tỳ Bà; cán dài không đến một thước, có 17 phím bằng ngà.

Vậy ta có thể kết luận: cây đàn sở trường của Thúy Kiều là cây Nguyệt cầm, hay đàn Nguyệt. Trong câu:

Cung, thương, làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt Nguyệt cầm một trương.

 

Không biết ai đã căn cứ vào Thanh Tâm Tài Nhân mà thêm chữ cổ 古 bên chữ nguyệt 月 để “tam sao thất bản” thành chữ hồ 胡? Có lý nào: Trương Phi, sở trường cây thương, mà đánh trận nào cũng sử dụng cây bát-xà-mâu? Vậy thương là sai, nên sửa lại là bát-xà-mâu cho hợp lý. Hồ cầm và Nguyệt cầm cũng thế.

 

ĐÀM QUANG THIỆN

 

 

(*)

Bài đã đăng trên nội san Trường Bưởi (1965)

 (1)

Tất cả các bản Truyện Kiều Quốc ngữ đều viết câu này giống nhau. Tuy nhiên, có bản viết trương, và giảng là tấm (Ng.V. Anh) hoặc cây (Tản Đà); có bản viết chương và giảng là phần: chapitre (Ng.V. Vĩnh). Có người cho rằng, câu này bị “tam sao thất bản”, nên không lọn nghĩa: “ăn đứt”, thì phải ăn đứt cái gì mới đủ nghĩa; và đã tìm thấy, trong cuốn sách Nhạc Phủ tập, điển: Ngải Trương nãi thiên hạ Hồ cầm đệ nhất, nên nghĩ rằng nguyên văn vốn: “Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm Ngải Trương”, vì Ngải và một chữ Nôm viết hơi giống nhau, nên đã “tam sao thất bản”.

Ngụ ý cũng cho rằng câu này bị “tam sao thất bản” nhưng nguyên văn vốn: “Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương”, vì Vương Thúy Kiều thiện nghệ Nguyệt cầm chứ không phải Hồ cầm; những người tưởng lầm là Nguyễn Du đã dịch Thanh Tâm Tài Nhân, đã căn cứ vào Thanh Tâm Tài Nhân mà chữa Nguyệt 月 ra Hồ 胡, gây mâu thuẫn trong tác phẩm của Nguyễn Du: Thúy Kiều thiện nghệ Hồ cầm, mà trong tất cả các trường hợp, đều gảy Nguyệt cầm!

Sau nghiên cứu của chúng tôi về “Ý niệm bạc mệnh trong đời Kiều”, đã xuất bản trong Nam chi tùng thư, chúng tôi còn cho xuất bản một nghiên cứu khác về Nguồn gốc Đoạn trường tân thanh, trong ấy chúng tôi sẽ cố chứng minh rằng: Thanh Tâm Tài Nhân và Kim, Vân, Kiều truyện và cuộc bịp bợm lớn nhất trong văn học sử Việt Nam: Thanh Tâm Tài Nhân, người Minh Hương đồng thời với Nguyễn Du và Phạm Quý Thích, đã dịch Đoạn trường tân thanh ra Hán văn, dựng đứng chuyện dịch bản của y là cổ thư đã được Thánh Thán phê bình, xui Phạm Quý Thích đổi nhan đề Đoạn trường tân thanh của tác giả thành Kim, Vân, Kiều tân truyện để đánh lừa hậu thế! Cả một thế hệ Cựu học cũng như Tân học đã vô tình mắc lừa y, tuy vậy văn phẩm của y cũng không vì thế mà thu được lợi điểm nào; trái lại, càng làm nổi bật cái dở của y bên cạnh cái hay của nguyên tác!

Thưa các bạn, vẫn theo ngu ý, nếu câu thơ trên không bị “tam sao thất bản” thì ta phải viết “nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một chương” và hiểu: Thúy Kiều đủ mọi nghề: Thi, Họa , Ca, Ngâm, nhưng riêng về mục (chương) hồ (chỉ các cây đàn gảy bằng cung mã vĩ) và cầm (chỉ các cây đàn gảy thẳng bằng ngón tay), nghĩa là địa hạt sử dụng mọi nhạc cụ, thì nàng rất thiện nghệ, nên nghề này, mục này, ăn đứt các nghề hay mục khác.

(2)

Tản Đà chú giải: Xoang là điệu hát. Có bản đề là chương (lời và nghĩa cùng kém).

(3)

Truyện Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh); Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo; in lần thứ 6; Tân Việt xuất bản, trang 57, giải thích số (4).

(4)

Nguyễn Văn Vĩnh, Traduction en français avec notes et commentaires du Kiều de Nguyễn Du. Les Editions Vĩnh Bảo, Hoành Sơn, 1951. Tome 1 page, 14, traduction, note et commentaire (2).

(5)

Đoạn trường tân thanh (Truyện Thúy Kiều). Hiệu chú: Nguyễn Văn Anh, tú tài Hán học, Giáo sư trường Trung học Nguyễn Trãi. In lần thứ nhất, 1958. Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản; trang 34 và 35, chú giải 24 và 25.

(6)

Dẫn giải Truyện Kim, Vân, Kiều, Huyền Mặc Đạo Nhân soạn; Tín Đức Thư Xã xuất bản, trang 32.

(7)

Vương Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh), Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chú giải; Tủ sách Hương Sơn, trang 18, chú giải (4).

(8)

Truyện Kiều chú giải; Văn Hòe chú giải, Ziên Hồng xuất bản, trang 21.

(9)

Truyện Kiều chú giải; trang 223, chú giải (803).

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: