Thứ sáu, 03/05/2024,


Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng (01/09/2008) 

 

Biết

 

Biết là em yêu chồng tôi
Trầu cay, cau chát và vôi thì nồng


Biết là em cũng có chồng
Cơm canh không ngọt nên lòng vẩn vơ

 

Biết là tôi vốn dại khờ
Nhìn đời như thể bài thơ không vần


Tôi không yêu được hai lần
Nên thương em lỡ bước chân khó về

 

Biết là sau phút đam mê
Mộng mơ tan để não nề xót xa!


Em thất vọng với người ta
Tôi thất vọng với cỏ hoa… một thời

 

Biết chồng vẫn chồng của tôi
Chiều ngâu nhặt lá trầu rơi se lòng

Võ Thị Kim Liên

(Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội

- Số tháng 11-2003)

     Ghen chứ sao không ghen! Ớt nào mà ớt chẳng cay - Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng, không ghen sao mà chua chát thế: Trầu cay, cau chát và vôi thì nồng. Ba tính từ cay, chát, nồng đều là những tính từ nóng đi liền nhau hỗ trợ nhau nhằm đối phó với ngữ động từ em yêu chồng tôi như bất cứ người vợ nào trên đời cũng lồng lên khi biết là… có người phụ nữ khác yêu chồng mình, muốn chiếm hữu cục cưng của mình.

Tuy nhiên người đàn bà này có cái khác đời khi chị biết em cũng có chồng chỉ vì một lý do nào đó cơm không lành canh không ngọt nên mới sinh lòng vẩn vơ. Có thể chị cũng đã từng trải cảnh ngộ của người phụ nữ ấy nên mới thấu hiểu, độ lượng và bao dung, mới thương em lỡ bước chân khó về đến như vậy. Thương thật đấy chứ không phải làm bộ, làm tịch kiểu mèo vờn chuột đâu.

    

     Hơn ai hết chị hiểu rất sâu, rất rõ chồng mình mới dám cam đoan rằng em mà tằng tịu với chồng chị, sau phút đam mê tất yếu sẽ xảy ra cảnh mộng mơ tan để não nề xót xa. Và như thế cả hai ta cùng khổ: Em thất vọng với người ta còn chị cũng chẳng hơn gì tôi thất vọng với cỏ hoa… một thời, tuy nhiên em khổ hơn chị nhiều bởi em lỡ bước chân khó về.

    

     Kiếp hồng nhan với nhau, chị hiểu đàn ông ít khi chịu tha thứ cho người phụ nữ lỡ bước trong khi họ thì huênh hoang khoe thành tích chim chuột vợ là vợ của người ta - anh ôm anh ấp như là vợ anh. Chồng em cũng chỉ thế thôi, còn chồng chị vẫn là chồng của chị, em không thể nào chiếm hữu được, có điều niềm yêu trong lòng chị ít nhiều cũng bị thương tổn Chiều Ngâu nhặt lá trầu rơi se lòng chứ chẳng phải chị sợ sệt gì.

Người phụ nữ trong bài thơ Biết cho rằng tôi vốn dại khờ nhưng thật ra chị không khờ dại một tí nào mà còn khôn lanh ra phết. Bài thơ không vần không phải là căn cứ quy định chất lượng. Không vần thì còn có ý, có tứ, có nhịp, giọng, điệu, thanh, âm, từ ngữ… nghĩa là còn trăm thứ tạo nên chất cho bài thơ ấy.

 

     Chị rất cao tay vừa phối hợp cứng, mềm lấy tình thương đánh động vào chút phận đàn bà để cảm hóa, dạy dỗ rồi lại đe nẹt đối phương một cách rất đàn chị: vừa nói xa vừa nói gần: tôi không yêu được hai lần đến mộng mơ tan để não nề xót xa, dọn đường cho người những mong chiếm đoạt chồng mình biết nẻo hợp, tan mà quay về với chồng con, tránh được bước chân lầm lỡ, để cỏ hoa ngày đôi lứa yêu nhau vẫn ngát hương trong hồn cả chúng chị, chúng em. Như thế chẳng là hạnh phúc cả đôi đường hay sao?

 

     Rằng ghen tuông cũng chuyện người ta thường tình nhưng đây là một kiểu ghen đẹp, ghen tài hoa và nhân hậu, làm nguội cái máu cả ghen làm toáng lên của quý bà, quý cô, lại giữ được cơ đồ sắp xẻ đàn tan nghé. Không phải người phụ nữ nào trên đời cũng đủ bình tĩnh và bản lĩnh làm được như người phụ nữ trong bài thơ Biết của Võ Thị Kim Liên. Cái kiểu ghen điệu nghệ này các vị tiểu thư họ Hoạn hiện đại cần học tập và vận dụng, có phải tốt hơn không?

Nguyễn Hàn Chung

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: