Thứ sáu, 03/05/2024,


Tìm hiểu thơ Lục bát - thể thơ đặc thù dân tộc (Phần cuối) (01/09/2008) 

III. Một vài đề nghị đối với việc sáng tác thơ lục bát


    Thơ lục bát đi vào hồn dân tộc đến nỗi có thể nói tất cả những người làm thơ, dù sở trường về lối thơ nào, cũng đã ít ra là một vài lần làm thơ lục bát. Chẳng những thế, nhiều nhà thơ khi làm thơ theo thể khác, đặc biệt là thơ tự do, cũng cố gắng cài đôi ba câu lục bát vào bài thơ. Thí dụ như trong các bài Cảm Thu Tiễn Thu của Tản Đà, Nhà Tôi của Yên Thao, Bên Kia Sông Đuống của Hoàng Cầm, và Mầu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, bên cạnh những đoạn thơ theo thể khác, có những đoạn lục bát rất đặc sắc. Ba bài thơ sau được sáng tác trong thời kháng chiến chống Pháp.

     Sau đây, người viết xin ghi lại bài Nhà tôi để các bạn thấy chính âm điệu của những câu lục bát làm bài thơ đặc sắc hơn rất nhiều. Nhà Tôi diễn tả tâm trạng của người chiến binh kháng chiến đang đứng bên dòng sông, nhìn sang ngôi làng mình ở phía bên kia bờ. Ở bên đấy có những người thân yêu của anh, nhưng ở bên đấy, cũng có sự hiện diện của một đồn giặc Pháp mà mình và đồng đội sắp phải nổ súng để tấn công. Bài thơ được viết lại theo trí nhớ, nếu có chỗ nào không đúng nguyên văn, xin các bậc cao nhân chữa lại cho.

 

Nhà tôi

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen mầu tiết đọng
Tre cau gầy, tóc rủ ướt mưa sương
Mầu trắng vôi lồm lộp mấy khung tường
Nếp đình xưa, người hỡi, đau gì không?

Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
Buông tay gầu vui lại thuở bình Mông
Ghi nấc súng nhớ ai ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dặm
Áo nào phai không sót chút mầu xưa?

Đêm nay tôi trở về lành lặn
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi đấy, bên trại thù quạnh quẽ
Trông im lìm như một nấm mồ ma

Tôi còn người mẹ
Tóc ngả mầu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
Ôi xa rồi
Mẹ tôi lệ nhòa mí mắt
Mong con phương trời
Có từng chợt tỉnh đêm vơi
Nghe dồn tiếng súng nhớ lời chia ly
Mẹ ơi con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc con về mẹ vui
Đêm nay tôi trở về lành lặn
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa

Tôi có người vợ
Trẻ đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín
Ai bước đi mà không lòng bịn rịn
Rời yêu thương nào có mấy ai vui
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.

Đêm nay tôi trở về lành lặn
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
Có còn không em hỡi, mẹ tôi già
Những người thân khóc buổi tôi xa?

Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu xanh đầy bụi viễn phương
Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch

Này anh đồng đội
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc nổ tan tành?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo lạc nhầm nhà tôi
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn thiên lý, có người tôi thương

 

     Như đã trình bầy ở trên, chúng ta có thể đoan quyết là tất cả các nhà thơ đều đã từng làm thơ lục bát trong cuộc đời sáng tác của mình. Một sự kiện quan trọng mà có lẽ nhiều người đã giác ngộ là làm một bài thơ lục bát thì dễ, nhưng làm một bài thơ lục bát hay, nhất là thơ tình, thì khó vô cùng. Chẳng thế mà tuy nhiều về lượng nhưng những bài thơ lục bát gọi là đặc sắc thì khá ít ỏi. Có thể nói sau Nguyễn Du, Tản Đà, và Huy Cận, dân tộc ta không còn nhà thơ nào sở trường đặc biệt về lục bát. Thật vậy, từ thời tiền chiến đến nay, tuy có sự xuất hiện của vài bài lục bát giá trị được sáng tác bởi một số nhà thơ thành danh, nhưng những bài này rất hiếm hoi so với số lượng thơ hay của họ ở các thể khác.

      Tại sao thơ lục bát khó trở thành một bài thơ thật hay? Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân.


1. Những khuyết điểm thường gặp ở một bài lục bát


     Trong tác phẩm Nghĩ Về Thơ, ông Nguyễn Hưng Quốc đưa ra hai nguyên nhân khiến thơ lục bát tuy dễ làm nhưng rất khó làm hay, đại khái như sau:

- Thứ nhất, thơ lục bát là thể thơ có nhiều tiếng bằng. Theo quy luật nêu trên, trong mười bốn chữ của một cặp thơ thì chỉ có 5 chữ là tiếng trắc. Vì vậy, nếu không khéo, bài thơ trở nên nghèo nàn về giai điệu và mang vẻ ê a của những bài vè.

- Thứ hai, diện tích của một cặp thơ quá rộng, đến những 14 chữ, do đó nhà thơ dễ có khuynh hướng kể lể dài dòng. Nguyên nhân này đưa đến hai sự kiện: 1) lạm dụng vai trò đẩy đưa của câu lục khiến câu thơ trở thành thừa thái và bài thơ bị loãng, và 2) sử dụng một cách vá víu bốn chữ cuối của câu bát, chẳng hạn như những câu sau đây của một nhà thơ đang ở hải ngoại:

Chân đi đất lạ ơ hờ
Nước xưa một dữ đau chờ với đêm
Còn đây mặt dấu gông cùm
Bơ vơ gió buốt nghe mềm tử sinh

 

     Nhứng nhóm chữ 'đau chờ với đêm' và 'nghe mềm tử sinh' là sự vá víu cốt để lấp đầy câu thơ.

     Ngoài hai nguyên nhân trên, người viết cũng tin rằng sự đòi hỏi phải gieo cùng vần ở chữ cuối câu bát, chữ cuối câu lục kế tiếp, rồi chữ thứ sáu của câu bát tiếp theo khiến nhiều lúc nhà thơ bị lúng túng trong lúc chọn chữ. Điều này có thể đưa đến tình trạng nhà thơ phải chọn những câu thơ một cách gượng gạo để đáp ứng quy luật. Chỉ cần đôi ba câu gượng gạo như vậy là đủ làm hỏng cả một bài thơ.


2. Làm thế nào để có thể tránh những khuyết điểm thường gặp


     Như vậy, để có một bài lục bát gọi là đặc sắc, người làm thơ phải cố tránh những khuyết điểm vừa kể. Làm thế nào để tránh? Ông Nguyễn Hưng Quốc đề nghị ba cách thức sau:

- Cố gắng biến câu lục thành một câu độc lập, để tránh nguy cơ câu thơ bị thừa thãi.

- Thỉnh thoảng, nên dùng tiểu đối trong cả hai câu, đặc biệt là câu bát. Tiểu đối là hình thức đối xứng trong cùng câu thơ. Theo hình thức này, câu thơ được chia thành hai vế bằng nhau, 3/3 cho câu lục và 4/4 cho câu bát. Thí dụ như những câu sau trong truyện Kiều:

Mai cốt cánh / tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ / mười phân vẹn mười

 

     Tiểu đối có tác dụng làm cho câu thơ trở nên mạnh, đi thẳng vào tâm hồn người đọc:

 

Người lên ngựa / kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuộm mầu quan san

 

     hoặc

 

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc / nửa soi dặm trường

 

     Tiểu đối còn làm cho mỗi vế của câu thơ mang một nội dung riêng biệt, làm giầu thêm cho bài thơ:

 

Làn thu thủy / nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm / liễu hờn kém xanh

- Cố gắng cô đọng bài thơ, đừng để bị lâm vào khuynh hướng kéo dài lê thê. Đây là một đề nghị quan trọng mà các người làm thơ cần ghi nhớ. Trên nguyên tắc, ngoại trừ những bài mang mục đích kể truyện, các bài lục bát tả tình tả cảnh chỉ có thể hàm xúc khi được cô đọng trong khuôn khổ giới hạn, thông thường không quá 16 câu. Nhiều trường hợp, chỉ bốn câu cũng đủ trở thành một tuyệt tác phẩm như bài sau đây của Tú Xương:

Sông xưa rầy đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

 

     Ngoài những đề nghị nêu trên của ông Nguyễn Hưng Quốc, một điều quan trọng người viết muốn khuyên các bạn trẻ là khi làm thơ, chúng ta không nên câu nệ quá đáng về vần. Vần chính cũng hay mà vần thông cũng tốt, miễn là câu thơ trôi chẩy một cách tự nhiên chứ không bị gò bó. Cố gắng mầy mò tìm 'vần chính' khiến câu thơ trở thành gượng ép là khuyết điểm chung của nhiều người làm thơ.
     Hãy thử phân tích hai câu thơ của cụ Nguyễn Du diễn tả tâm trạng Thúy Kiều khi nhớ về người tình cũ Kim Trọng:

 

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng

 

     'Ngó ý' tượn trưng cho ngó sen. Muốn thấm thía tận cùng cái hay của câu thơ, bạn thử bẻ gẫy một ngó sen mà xem. Tuy lớp vỏ bên ngoài bị gẫy, nhưng những sợi tơ bên trong vẫn còn nguyên. Đúng là tuyệt cú. Đọc Kiều đến đây, người đọc vỗ đùi đánh đét một cái rồi kêu to 'Hay! hay' chứ chẳng ai nghĩ đến chuyện 'càng' và 'vương' không được vần với nhau cho lắm.

     Giả thử cụ Nguyễn Du là nhà thơ câu nệ quá đáng về vần, có lẽ cụ đã viết hai câu thơ trên thành:

 

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý, còn mang tơ lòng

 

     Đổi thành như thế, câu thơ chỉnh về vần hơn nhưng kém hay đi rất nhiều. Thứ nhất là âm hưởng của chữ 'vương' nghe u uẩn hơn chữ 'mang' rất nhiều. Thứ hai là chữ 'vương' khiến người ta liên tưởng đến sự vương vấn, vướng víu, quyến luyến, tiếc nuối, và níu kéo. Người tình cũ đã xa xăm nhưng lòng mình cứ mãi khôn nguôi thương nhớ. Chữ 'mang' làm sao mà bì được!

     Ngoài ra, xin các bạn ghi nhớ thêm một điều nữa là những bài thơ hay phải là những bài thơ gây được cảm xúc nơi người đọc. Điều kiện để gây cảm xúc nơi người đọc là những chữ, những dòng của bài thơ phải trôi chẩy một cách tự nhiên. Một bài thơ mà được tác giả trau chuốt, tỉa gọt một cách khéo léo chắc chắc sẽ mất đi ít nhiều đặc tính tự nhiên này. Một bài thơ 'khéo' khó trở thành một bài thơ 'hay'. Mặt khác, hầu hết những bài thơ hay không phải là những bài thơ khéo.


3. Đọc thơ để làm thơ


      Bên cạnh những nguyên tắc mang tích cách kỹ thuật, thiết nghĩ, muốn làm thơ lục bát hay, các bạn cần phải đọc thật nhiều bài thơ thuộc thể loại này. Người viết tin rằng các bạn sẽ khó nhận xét chính xác giá trị của một bài thơ nếu các bạn chưa từng đọc nhiều thơ. Sự lượng giá một bài thơ có thể so sánh với sự phân biệt độ ngon của rượu vang. Không ai có thể nếm một chút rượu vang mà biết ngon đến mức nào hoặc dở đến chừng nào, khi chưa từng uống nhiều thứ rượu khác nhau. Thoạt đầu, nếu chưa biết những bài lục bát hay, các bạn cần nhờ những người có kiến thức về thi ca giới thiệu cho. Đại khái, các bạn nên đọc các bài ca dao tuyệt tác, nên đọc truyện Kiều của Nguyễn Du, các bài thơ của Tản Đà và Huy Cận, một số bài của Bùi Giáng, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Sơn, v.v..

     Điều quan trọng là đọc thơ hay của người khác để bồi bổ kiến thức chứ không phải để bị ảnh hưởng bởi phong cách làm thơ của họ. Thuở trước, những tông sư võ thuật thường phải học hỏi nhiều thế võ thuộc các môn phái khác nhau rồi mới có thể tự sáng chế những tuyệt chiêu cho môn phái mình. Điều này cũng không sai đối với chuyện thi ca.

     Trong tác phẩm Tim Thơ Trong Tiếng Nói, nhà thơ Đỗ Quý Toàn đã thuật một câu chuyện thú vị:

     'Có lần Tào Tuyết Cần, tác giả truyện Hồng Lâu Mộng, mượn lời nhân vật Lâm Đại Ngọc trong truyện để đưa ra cả một thực đơn đầy đủ cho người muốn tập làm thơ, từ món lót dạ đến bữa chính.

     Trong Hồng Lâu Mộng, khi nhân vật Hương Lãng muốn học làm thơ, Đại Ngọc khuyên: 'vì chị chưa quen làm thơ nên thấy những câu nông cạn đã thích ngay... Chị hãy nghe tôi... hãy nghiền ngẫm cho kỹ một trăm bài thơ ngũ ngôn của Vương Ma Cật, rồi đọc một trăm hai mươi bài thất ngôn của Đỗ Phủ, sau đó lại đọc một, hai trăm bài thất ngôn tuyệt cú của Lý Bạch. Phải lót dạ bằng thơ của ba thi hào ấy đã, sau mới xem đến thơ của Đào Uyên Minh, ứng Dịch, Lưu Vũ Tích v.v..'. Nhân vật Đại Ngọc khuyên nên để một năm đọc thơ rồi hãy làm thơ! Một năm sau đó, cô nhận xét: 'Chị đọc thơ còn ít nên bị gò bó.' Tác giả Tào Tuyết Cần quả là tay sành điệu. Đọc càng ít thì càng bị gò bó, mới đọc mấy câu nông cạn quê mùa, đã thích thì dễ sinh bắt chước. Đọc càng nhiều lại càng dễ thoát ra khỏi ảnh hưởng của các thi sĩ đời trước! 'Bất học khả' là đừng học riêng một ai hết. Hãy quên thơ của tiền nhân sau khi đọc thì mới học được chất Thơ nằm ở trong tất cả các thi sĩ. Bất học khả!'

     Lời khuyên kể trên khiến chúng ta nhớ lại chuyện Trương Vô Kỵ học Thái Cực Kiếm của sư tổ Trương Tam Phong. Vưa học xong, chàng đã dụng tâm quên tất cả các chiêu thức để có thể tùy cơ mà ứng biến. Càng quên bao nhiêu thì càng nhập tâm được cái hồn của kiếm pháp bấy nhiêu.

 

***


      Khi bắt đầu viết bài này, người viết chỉ dự định trình bầy những quy luật về thơ lục bát và trình bầy một cách cô đọng. Ấy thế mà khi ngồi gõ máy thì lại sinh ra dài dòng văn tự. Thôi thì cứ coi như bàn về 'thơ thẩn' thì mình có lẩn thẩn một chút cũng chẳng sao, thể nào các bạn cũng cảm thông cho. Hy vọng rằng qua bài viết, các bạn đã thấu đáo một số nguyên tắc của thơ lục bát. Dù đa số các bạn là những người trưởng thành trên xứ người và có một số vốn hạn chế về ngôn ngữ Việt nhưng đừng ngại ngần, hãy cố gắng dành chút thời giờ để đọc thơ và làm thơ. Nếu không trở thành một nhà thơ tài danh, ít ra đọc thơ và làm thơ sẽ giúp các bạn lãnh hội thêm rất nhiều sự phong phú của tiếng Việt.

     Một nhà thơ đã phát biểu đại khái rằng đối với chúng ta, điều quan trọng không phải là làm thơ hay, mà là ý muốn làm thơ hay. Lý do đơn giản là mấy ai trong chúng ta có thể làm thơ hay như Nguyễn Du, như Tản Đà, như Huy Cận. Chỉ cần ý muốn làm thơ hay là lòng mình cũng đã đẹp hơn, đã thơm tho hơn rất nhiều. Người viết hoàn toàn đồng ý với nhà thơ. ý muốn làm thơ hay có thể so sánh với ý muốn hướng thiện trong con người chúng ta. Sống trên đời, mấy ai có thể tự hào mình có đủ đức tính để trở thành một vị Phật sống hoặc Thánh sống. Tuy nhiên, có lẽ tất cả đều có ý muốn được trở nên giống Phật và Thánh. ý muốn này làm tâm hồn chúng ta thánh thiện hơn và thế giới được tốt đẹp hơn.

     Nhà Phật đã dậy: 'Đạo như chiếc bè đưa người đến bến bờ giác ngộ'. Mượn ý nghĩa câu kinh này, người viết xin đề nghị cùng các bạn là hãy xem thơ lục bát như chiếc thuyền đưa chúng ta đến cội nguồn dân tộc. Mong rằng chúng ta sẽ có một cuộc hành trình thú vị đầy hương sắc. Cũng mong rằng, một ngày nào đó, chúng ta sẽ có cơ hội ngồi đọc tặng nhau những bài thơ lục bát chúng ta đã đọc, đã làm. Và có lẽ, chúng ta sẽ không quên đọc cho nhau nghe những áng thơ Kiều bất hủ.Tôi tin chắc rằng khi đọc đến câu:

 

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ tài

 

     Lúc bấy giờ, dù có đến bến hay chưa, chắc chắn chúng ta sẽ bàng hoàng nhận thức được cái TÂM của dân tộc ta nó trong sáng, nó bát ngát đến chừng nào. Từ nhận thức này, chúng ta sẽ cảm thấy như lòng mình đang tỏa ra một thứ hương thơm của tình người, rất dịu dàng và thanh khiết. Rồi chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời quả là đầy ý nghĩa, nhất là cuộc đời của một người Việt Nam, cuộc đời của một người yêu thơ lục bát.

Nguyễn Ngọc Bảo
(Trích tập san Trại Hè Lên Đường 2000)

 

Tài Liệu Tham Khảo

1) Dương Quảng Hàm, 'Việt Nam Văn Học Sử Yếu', Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa xuất bản, Sài Gòn, Việt Nam, 1968.
2) Nguyễn Hưng Quốc, 'Nghĩ Về Thơ', Văn Nghệ xuất bản, California, USA, 1989.
3) Đỗ Quý Toàn, 'Tìm Thơ Trong Tiếng Nói', Thanh Văn xuất bản, California, USA, 1992.
4) Lai Nguyên Ân, 'Từ Điển Văn Học Việt Nam – Từ Nguồn Gốc Đến Hết XIX', Nhà Xuất Bản Giáo Dục xuất bản, Hà Nội, Việt Nam, 1999.

 

 

***

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ BÀI LỤC BÁT ĐẶC SẮC

 

Đêm Buồn
(Ca Dao)

Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng giải ngân hà
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê nước chẩy hãy còn trơ trơ


Thúc Sinh Chia Tay Thúy Kiều
(Trích Truyện Kiều)

Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuộm mầu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường


Tương Tư
(Nguyễn Bính)

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua, ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Bảo rằng cách trở đà giang
Không sang vì chẳng thuyền sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai biết, ai người biết cho?
Bao giờ cho bến gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một buồng cau liên phòng
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?


Buồn Đêm Mưa
(Huy Cận)

Đêm mưa làm nhớ không gian...
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
Rơi rơi... dìu dịu... rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...
Tương tư hướng lạc phương mờ
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe
Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư


Nụ Hôn Đầu
(Trần Dạ Từ)

Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời môi anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa?


Khi Trông Thư Thụy Châu
(Du Tử Lê)

Cũng đành người đã quên tôi
Con chim nào cũng một lời kêu than
Cây phong đã đỏ lá vàng
Quán sâu tôi quấn khăn quàng đợi đêm
Phải người quá nhẹ chân êm?
Tôi nghe như thể gió vin cửa ngoài
Cũng đành người đã ham vui
Núi non nào cũng một đời cô đơn
Tuyết trên mái cổ nghiêng hồn
Dưới chân cổ tượng cũng bồn chồn theo
Xe không nào sẽ qua đèo?
Đêm nay chắc lá lại nhiều chiếc rơi
Cũng may tôi có một đời
Để yêu, để khổ, để ngồi trông thư





 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  ly thao linh - mybook_myfriends@yahoo.com - 0633870793 - lam dong  (Ngày 29/01/2010 05:49:23 PM)
     Mình thấy nội dung tương đôí hay nhưng sao dài dòng quá.
     Mình nghĩ nên tóm tắt lại thì hay hơn nhiều
Các bài khác: