Chủ nhật, 28/04/2024,


Tìm hiểu thơ Lục bát - thể thơ đặc thù dân tộc (Phần I) (31/08/2008) 

     Theo cách thức phân biệt từ xưa, các thể thơ luật tại Việt Nam có thể chia thành hai loại: một loại vay mượn từ Trung Hoa và một loại thuần tuý Việt Nam. Các thể thơ vay mượn thông dụng nhất gồm cổ phong và Đường luật. Các thể thơ đặc thù của Việt Nam gồm lục bát và song thất lục bát. 

 

    Cổ phong là tên gọi chung các loại thơ xuất hiện trước thời đại nhà Đường bên Trung Hoa (818-907 sau Tây lịch) và không có luật lệ nhất định. Ngược lại, thơ Đường, thể thơ đặt ra từ thời nhà Đường, phải tuân theo các quy luật chặt chẽ như số câu trong bài, số chữ trong câu, âm bằng trắc của từng chữ, cách gieo vần, luật về đối, và luật về niêm.

     Không giống thơ Đường, chỉ thông dụng trong giới trí thức tức là các nhà Nho thuở trước, hai thể thơ của Việt Nam, đặc biệt là thơ lục bát, được phổ cập trong mọi giai tầng xã hội. Lý do là thơ lục bát không bị bó buộc bởi các luật lệ chặt chẽ về niêm và đối như thơ Đường. Thêm nữa, vì không bị giới hạn về khuôn khổ số câu nên thể lục bát thường được sử dụng để thuật chuyện, một trong những thứ giải trí không thể thiếu của người xưa. Trong tác phẩm Quốc Âm Từ Điện (1886), tác giả Phạm Đình Toái nhận định rằng thể lục bát đã trở nên khá thông dụng đối với việc sáng tác thi ca chữ Nôm từ các đời Trần Lê, thế kỷ XIII đến XVI. Bài thơ lục bát sớm nhất còn được lưu trữ trong thư tịch là một bài hát Cửa Đình của Lê Đức Mao (1462-1529). Trong tác phẩm Nam Phong Giải Trào, ông Trần Danh án cũng ghi được một số bài hát Cửa Đình theo thể lục bát từ thời Lê.

     Trong dòng văn chương bác học, đến cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, địa vị thơ lục bát đã trở nên vững vàng với sự xuất hiện của khá nhiều tác phẩm giá trị như Lâm Tuyền Văn với gần 200 câu của Phùng Khắc Khoan (1528-1613), và Ngọa Long Cương Văn với 136 câu cùng Tư Dung Văn với 236 câu của Đào Duy Từ (1572-1634). Sang thế kỷ thứ XVIII và XIX, lục bát đã trải qua thời kỳ cực thịnh với những tác phẩm danh tiếng như Nhị Độ Mai (không rõ tác giả), Bích Câu Kỳ Ngộ (không rõ tác giả), Hoa Tiên Truyện của Nguyễn Huy Tự (1745-1790), Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du (1765-1820), Lục Vân Tiên của Nguyễn Định Chiểu (1822-1888). Điều đáng lưu ý là thể lục bát cũng đã được sử dụng trong một số tác phẩm bằng Hán văn như Phụng Sứ Yên Đài Tổng Ca (472 câu) của Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), thân phụ của Nguyễn Huy Tự.

     Trong dòng văn chương bình dân, lục bát hầu như là thể thơ độc nhất độc nhất được sử dụng trong kho tàng ca dao đồ sộ của dân tộc. Đối với người xưa, ngoài tính cách giải trí, ca dao còn được mang mục đích giáo huấn con em. Thật vậy, thời trước, rất ít người được cắp sách đến trường, nên phương tiện để dậy dỗ các em về luân lý và các kinh nghiệm sống được gói ghém trong văn chương truyền khẩu gồm ca dao, tục ngữ, và truyện cổ. Thêm nữa, lục bát là thể thơ thường được dùng trong các lối hát dân gian như quan họ, trống quân, hát chèo, hát đúm, hát xẩm, hát ru em, hát gặt lúa, hát giã gạo, hát đưa đò, hát phường vải, hát chầu văn, và hò v.v.. Ngày trước, ông Ngô Thời Nhiệm đã từng hãnh diện tuyên bố 'nước ta xứng đáng gọi là một nước thơ'. Chắc chắn rằng nước thơ này sẽ không hiện diện nếu không có sự hiện diện của thơ lục bát trong dòng văn học của dân tộc ta.

     Khi còn ở trong nước, chúng ta khó thễ tưởng tượng được một người Viêt Nam không biết đến thơ lục bát, không thuộc nằm lòng vài bài thơ lục bát (nhà thơ Nguyễn Duy đã từng đặt bút viết lên câu: 'ta đi trọn kiếp con người, cũng không đi hết mấy lời mẹ ru'). Tuy nhiên, tại hải ngoại hiện nay, điều này đã xẩy ra đối với nhiều bạn trẻ trưởng thành trên đất khách và không có cơ hội học hỏi về văn chương Việt Nam. Hy vọng rằng bài viết sẽ cung cấp cho các bạn một số kiến thức bổ ích về thể thơ độc đáo này.

     Để giúp các bạn có thể dễ dàng nắm vững các mấu chốt của lục bát, trước khi bàn về quy luật, người viết xin nhắc đến một số đặc điểm của 'thanh', 'âm', và 'vần' trong tiếng Việt.

I. Đặc Điểm của Thanh, Âm, và Vần trong Tiếng Việt

1. Các loại 'thanh' trong tiếng Việt

     Tiếng Việt là một thứ tiếng đơn âm, tức là mỗi tiếng chỉ có một âm. Tuy nhiên, mỗi âm mang nhiều 'thanh' khác nhau. Thanh là cách phát âm cao hay thấp, bổng hay trầm của mỗi âm.

     Chữ quốc ngữ dùng để viết tiếng Việt chỉ có năm dấu 'sắc', 'huyền', 'hỏi', 'ngã', 'nặng', và chữ 'không đánh dấu'; vì vậy, nhiều người lầm tưởng là tiếng Việt chỉ có sáu thanh. Thật ra, tiếng nước ta có tiếng có 6 thanh nhưng cũng có tiếng có đến 8 thanh. Những tiếng có 8 thanh là những tiếng khi viết có một hoặc hai phụ âm ở phía sau. Những tiếng có 6 thanh là những tiếng khi viết có một hoặc nhiều nguyên âm ở sau. Thí dụ:

- Tiếng 'ba' có 6 thanh: ba, bà, bã, bả, bá, bạ.
- Tiếng 'miên' có 8 thanh: miên, miền, miễn, miển, miến, miện, miết, miệt.
- Tiếng 'linh' có 8 thanh: linh, lình, lĩnh, lỉnh, lính, lịnh, lích, lịch.

     Cổ nhân ta đã mượn chữ Nho để đặt tên cho các thanh trong tiếng Việt. Vì tiếng Tầu chỉ có 4 thanh là bình (bằng phẳng), thượng (lên), khứ (đi), và nhập (vào), nên cổ nhân đã thêm vào hai chữ 'phù' (bổng) và 'trầm' (chìm) để phân biệt các thanh trong tiếng Việt:

- Phù bình thanh gồm những tiếng không có dấu.
- Trầm bình thanh gồm những tiếng mang dấu huyền.
- Phù thượng thanh gồm những tiếng mang dấu ngã.
- Trầm thượng thanh gồm những tiếng mang dấu hỏi.
- Phù khứ thanh gồm những tiếng mang dấu sắc.
- Trầm khứ thanh gồm những tiếng mang dấu nặng.
- Phù nhập thanh gồm những tiếng mang dấu sắc và chấm dứt bằng các mẫu tự c, ch, p, t.
- Trầm nhập thanh gồm những tiếng mang dấu sắc và chấm dứt bằng các mẫu tự c, ch, p, t.

2. Âm Bằng và âm Trắc trong tiếng Việt

     Tám thanh nêu trên có thể cô đọng thành 2 loại âm 'bằng' và 'trắc'. Bằng (nghĩa đen là bằng phẳng) gồm những tiếng lúc phát ra nghe đều đều. Trắc (nghĩa đen là nghiêng, lệch) gồm những tiếng phát ra mang âm hởng hoặc tự thấp lên cao, hoặc từ cao xuống thấp.

     Bằng gồm hai thanh: 'phù bình' và 'trầm bình'. Trắc gồm sáu thanh còn lại. Trong tác phẩm Văn Học Sử Yếu Việt Nam, ông Dương Quảng Hàm đã liệt kê các thanh này trong bảng tóm tắt sau:

 

Âm

Tên của Thanh

Dấu của Thanh

Ghi chú

Bằng

Phù bình

Trầm bình

Không có dấu Huyền ( ` )

 

 

 

Trắc

Phù thượng

Trầm thượng

Phù khứ

Trầm khứ

Phù nhập

Trầm nhập

Ngã ( ~ )

Hỏi ( ? )

Sắc ( ’ )

Nặng ( . )

 

 

Riêng cho các tiếng đằng sau có phụ ân c, ch, p, t

 

     Để đơn giản hóa cách phân biệt bằng và trắc, theo lối viết chữ quốc ngữ, những chữ nào không mang dấu hoặc mang dấu huyền là tiếng 'bằng', còn những chữ mang dấu sắc, hỏi, ngã, nặng là 'trắc'.


3. Vần trong tiếng Việt

     Trong tiếng Việt, những tiếng có vần với nhau là những tiếng không những cùng một thanh (bằng hoặc trắc) mà còn phải có âm hoặc hoàn toàn hợp nhau, hoặc tương tự nhau. Có hai loại vần là 'vần chính' (còn gọi là vần giầu hoặc vần sát) và 'vần thông' (còn gọi là vần nghèo hoặc vần gượng). 

     Vần chính: Những tiếng cùng một khuôn âm như 'ba' với 'bà', 'thương' với 'trường', 'đời' với 'trời' (các âm bằng); hoặc 'chính' với 'tĩnh', 'sợ', và 'vợ' (các âm trắc), v.v..

     Thí dụ như những câu thơ sau của Nguyễn Bính:

 

Láng giềng đã đỏ đèn dầu
Đợi em ăn dập miếng trầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh...

 

     Hai chữ 'dầu' và 'trầu' cùng vần chính. Ba chữ 'sang', 'làng', và 'vàng' cũng cùng vần
chính. 

     Vần thông: Những tiếng hợp nhau về thanh nhưng chỉ tương tự với nhau về âm như 'inh' với 'anh', 'ang' với 'ương', 'nâng' với trăng'(các âm bằng); hoặc'lụt'với'mục' (âm trắc), v.v..

     Thí dụ như hai câu ca dao sau:

 

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà...

 

     Hai chữ 'đình' và 'cành' hợp vần thông với nhau. Hai chữ 'sen' và 'xin' cũng hợp vần thông.

II. Quy Luật Thơ Lục Bát 


     'Lục bát' là 'sáu tám' vì theo thể thức, lối thơ này bao gồm cứ một câu sáu chữ rồi đến một câu tám chữ. Thông thường, bài thơ mở đầu bằng câu sáu chữ và kết thúc bằng câu tám chữ.

1. Khuôn khổ của thơ lục bát.

     Một bài thơ lục bát không bị giới hạn bởi số câu trong bài. Bài thơ có thể chỉ bao gồm hai câu nhưng cũng có thể kéo dài hàng ngàn câu như Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du với 3254 câu, tức 1627 câu lục và 1627 câu bát.


2. Luật bằng trắc trong thể lục bát

     Một bài thơ lục bát bao gồm một hoặc nhiều cặp các câu thơ lục bát mà trong đó, mỗi cặp thơ tuân theo quy luật sau đây (b = bằng; t = trắc)

- Câu lục: b B t T b B
- Câu bát: b B t T b B t B

     Những chữ viết hoa bắt buộc phải theo đúng quy luật bằng trắc. Ngược lại, những chữ còn lại không bắt buộc phải đúng luật. Vì vậy, thời trước, các cụ thường dùng quy luật thơ Đường 'nhất, tam, ngũ bất luận; nhị tứ lục phân minh' để ám chỉ luật thơ lục bát (câu này không nhắc đến chữ thứ bẩy, tức chữ cuối trong mỗi câu vì theo luật thơ Đường, các chữ thứ bẩy bắt buộc phải 'phân minh'. Đối với thơ lục bát, chúng ta chỉ cần nhớ 'chẫn bó buộc, lẻ tự do' là đủ.

     Hai câu sau đây trong truyện Kiều theo đúng hoàn toàn các âm bằng trắc nêu trên:

 

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng

 

     Ngược lại, trong hai câu sau, cũng trong truyện Kiều, tất cả các chữ lẻ của cả câu lục lẫn câu bát đều ngược lại với âm bằng trắc liệt kê ở trên. Sự kiện này không làm câu thơ bị sai luật vì như đã đề cập ở trên, âm bằng trắc của các chữ lẻ được tùy tiện:

 

Được lời như cởi tấc son
câu rong ruổi nước non quê người

 

3. Cách gieo vần

     Cánh gieo vần trong thể lục bát như sau:

- Chữ cuối của câu 'lục' phải cùng vần với chữ thứ sáu của câu 'bát' tiếp theo.
- Chữ cuối của câu 'bát' phải cùng vần với chữ cuối của câu 'lục' kế tiếp.

     Thí dụ như trong bốn câu thơ sau của Bùi Giáng:

 

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không?
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?

 

     Chữ 'sau' của câu lục thứ nhất vần với chữ 'mầu' của câu bát thứ nhất. Chữ 'không' của câu bát này lại vần với chữ 'dòng' của câu lục thứ hai, và chữ 'trong' của câu bát thứ hai.

4. Luật về thanh

     Trong câu 'bát', tuy hai chữ thứ sáu và thứ tám đều là tiếng 'bằng', nhưng không được cùng một 'thanh'. Nếu chữ thứ sáu thuộc thanh 'phù bình' (chữ không có dấu) thì chữ thứ tám phải thuộc thanh 'trầm bình' (chữ với dấu huyền), hoặc ngược lại.

     Thí dụ: Bốn câu đầu trong bài 'Ngậm ngùi' của Huy Cận:

 

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây...

 

     Trong câu thứ hai, 'đôi' là thanh phù bình (tiếng không dấu) và 'rầu' là thanh trầm bình (tiếng có dấu huyền). Trong câu thứ tư, 'hầu' là thanh trầm bình và 'đây' là thanh phù bình.

5. Trường hợp đặc biệt: Ngoại lệ về âm bằng trắc của tiếng thứ hai và thứ tư trong câu 'lục'.

     Như đã nêu trên, trong câu 'lục', tiếng thứ hai phải là tiếng 'bằng' và tiếng thứ tư phải là tiếng 'trắc'. Tuy nhiên, khi nào câu 'lục' chia làm hai đoạn đều nhau (3/3), thì tiếng thứ hai có thể đổi thành 'trắc' và tiếng thứ tư thành 'bằng'. Chẳng hạn như những câu sau đây trong truyện Kiều:

     - Tiếng thứ hai là tiếng trắc thay vì tiếng bằng:

 

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Đau đớn thay / phận đàn bà
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

 

     - Tiếng thứ tư đổi thành tiếng bằng:

 

Tưởng bây giờ / là bao giờ

 

     - Tiếng thứ hai đổi thành trắc và tiếng thứ tư đổi thành bằng:

 

Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi khóe hạnh, khi nét ngài

 

6. Lục Bát biến thể:

     'Biến thể' có nghĩa là thể thức được thay đổi. Có nhiều cách biến thể trong thơ lục bát:

a. Biến thể vần bằng: thay đổi cách gieo vần ở câu Bát: Chữ cuối của câu lục cùng vần với chữ thứ thứ 'tư' của câu bát chứ không phải với chữ thứ 'sáu' như luật thông thường. Theo lối biến thể này, luật bằng trắc ở các chữ thứ hai và thứ sáu trong câu bát cũng phải thay đổi, tức là hai chữ này phải thuộc vần 'trắc' chứ không phải vần 'bằng' như trong luật gieo vần.

Thí dụ như câu sau đây trong bài ca dao 'Tát nước':

 

... Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
It nữa lấy chồng anh lại giúp cho...

 

     Chữ thứ tư trong câu 'bát' cuối cùng là chữ 'chồng' vần với chữ 'công' của câu 'lục' phía trên. Thêm nữa, chữ thứ hai, tức chữ 'nữa' và chữ thứ sáu, tức chữ 'lại', là các tiếng trắc thay vì tiếng bằng.

b. Biến thể vần trắc: Chữ cuối của câu lục và chữ thứ sáu của câu bát cùng là âm trắc và hiệp vần với nhau. Thông thường, cách biến thể này chỉ được sử dụng trong hai câu dẫn nhập của bài. Những câu kế tiếp sẽ theo đúng luật thơ. Chẳng hạn như bài ca dao sau:

 

Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhện hỡi, mày đi đằng nào?

 

     Trong kho tàng ca dao, chúng ta cũng bắt gặp một số câu biến thể vần trắc gieo vần ở chữ thứ tư thay vì chữ thứ sáu trong câu bát:

 

Nước ngược, anh bỏ sào ngược
Anh chống chẳng được, anh bỏ sào xuôi

 

c. Thay đổi số chữ trong các câu: Lối thay đổi này thường thấy trong các bài ca dao. Tuy số chữ trong mỗi câu ít hơn hoặc vượt khỏi số quy định, nhưng những câu thơ vẫn gói gém tinh thần của luật âm vận trong thơ lục bát:

 

Em thuơng nhớ ai ngơ ngẩn bên đầu cầu
Lược thưa em biếng chải, gương tầu em biếng soi
Cái sập đá hoa em bỏ vắng không ngồi
Vườn hoa em bỏ vắng để mặc người quay tơ...

 

     hoặc

 

Em có yêu anh, tam tứ núi anh cũng trèo
Ngũ lục sông anh cũng lội, thất bát cửu thập đèo anh cũng qua
Chén son em ơi, nguyện với ông trăng già
Càn khôn đưa lại để một nhà vui chung...

 

     Tuy số chữ trong các câu thay đổi, nhưng các chữ in đậm trong hai đoạn ca dao nêu trên vẫn theo đúng tinh thần vần và luật của thơ lục bát. Nếu bó buộc phải theo đúng quy luật, các đoạn này có thể được viết lại như sau:

 

Thương ai ngơ ngẩn bên cầu
Lược thưa biếng chải, gương tầu biếng soi
Sập hoa bỏ vắng không ngồi
Vườn hoa bỏ vắng mặc người quay to

 

     và

 

Yêu em, mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Chén son nguyện với trăng già
Càn khôn đưa lại một nhà vui chung

 

      Trong hai trường hợp nêu trên, bài thơ viết lại cho đúng quy luật nghe không hay bằng bài biến thể.(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Bảo

(Trích tập san Trại Hè Lên Đường 2000)



Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Minh Chủ Tình Yêu - minhchutinhyeu@gmail.com - 01242373420 - Đuờng Âm - Bắc Mê - Hà Giang  (Ngày 25/08/2012 18:58:49)

Bài này quả thật là hay
Tâm tình thật sự làm say cõi người

  Lam Huong Duong - huongduong8389@yahoo.com -  - Bien Hoa  (Ngày 22/03/2012 15:51:21)

Bài viết hay tuy nhiên bạn có thể đưa thêm ví dụ không? Nhất là trong trưyện Kiều sẽ rất tuyệt:)

  trần ngọc hải - haipr09x@yahoo.com -  -   (Ngày 13/03/2011 02:23:45 PM)
các bạn đã cứu tôi 1 bàn thua trông thấy rồi. cảm ơn nha :D
bài 1 tiết văn được cứu rồi=))
  tho trang - girl96_kieu_timchangyeu - 617056 - dn  (Ngày 28/02/2011 10:36:16 PM)
bai rat hay
  gau bong - co_be_muadong_97 - 02413617299 - bn  (Ngày 28/02/2011 10:36:42 PM)
uk bai viet tren rat hay em dang la 1 hoc sinh trong truong rat muon lam 1 viec j do de co the tim hieu dc nhung dieu hay trong tho van
  Võ Thị Kiều Diễm - Không  - 0533501772 - HẢI TRƯỜNG-HẢI LĂNG-QUẢNG TRỊ  (Ngày 5/10/2009 08:26:48 PM)
Em cũng là một người yêu văv thơ của đất nước mình.Sau khi đọc được thông tin trên thì theo cảm nhận của em người viết cần phải nói cụ thể và có những ngôn từ hay hơn nhưng thật ngắn gọn và dễ hiểu.
Các bài khác: