Thứ năm, 09/05/2024,


Biến thể vần bằng, trắc trong thơ Lục Bát? (Nguyễn Đình Trọng) (10/03/2010) 

Mấy hôm nay trên mục Bạn đọc có đăng tải một số bài viết của Bạn đọc viết về một số câu Lục Bát của các tác giả nổi tiếng có phạm luật hay không? Nhân đọc được một số bài viết trên mục Lục Bát xưa nay… của lucbat.com tôi xin mạn phép ghi lại để bạn đọc tham khảo, cùng trao đổi học tập:

 

 

 

I. BIẾN THỂ LỤC BÁT     

 

- Biến thể nghĩa là thể văn có biến đổi đi. Thể này tức cũng là thể lục bát, nhưng thỉnh thoảng có xen vào một ít câu mà cách hiệp vần và luật bằng trắc khác thể lục bát thông thường. Thể này thường dùng để viết các truyện có tính cách bình dân như Quan thế âm, Phạm Công Cúc Hoa, Lý Công, v.v. ..    

Sự biến đổi trong cách hiệp vần và luật bằng trắc của lối biến thể lục bát. Nay lấy mấy câu trong truyện Lý Công làm mẫu:

Câu sáu: Khoan khoan chân bước lên đường.  

Câu tám: Thấy chàng họ Lý ngồi đương ăn mày.  

Câu sáu: Đầu thời đội nón cỏ may.  

Câu tám: Mặt võ mình gầy, cầm sách giờ lâu.  

Câu sáu: Dưới đất có bốn rồng chầu, 

Câu tám: Kiệu vàng, tàn tía trên đầu hào quang.  

Câu sáu: Thị Hương xem thấy rõ ràng,  

Câu tám: Bước tới vội vàng, chào Lý thánh Quan.

Xét tám câu ấy, ta nhận thấy các câu in chữ nghiêng thường theo đúng phép tắc thể lục bát, còn các câu in chữ nghiêng đậm là thuộc về biến thể lục bát.

Trường hợp đặc biệt: Ngoại lệ về âm bằng trắc của tiếng thứ hai và thứ tư trong câu 'lục'.  

Như đã nêu trên, trong câu 'lục', tiếng thứ hai phải là tiếng 'bằng' và tiếng thứ tư phải là tiếng 'trắc'. Tuy nhiên, khi nào câu 'lục' chia làm hai đoạn đều nhau (3/3), thì tiếng thứ hai có thể đổi thành 'trắc' và tiếng thứ tư thành 'bằng'. Chẳng hạn như những câu sau đây trong truyện Kiều:  

- Tiếng thứ hai là tiếng trắc thay vì tiếng bằng: 

 

Mai cốt cách, tuyết tinh thần  
Đau đớn thay, phận đàn bà  
Người quốc sắc, kẻ thiên tài  
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh     
 

 

- Tiếng thứ tư đổi thành tiếng bằng:

  

Tưởng bây giờ/ là bao giờ

      

- Tiếng thứ hai đổi thành trắc và tiếng thứ tư đổi thành bằng:

  

Khi tựa gối, khi cúi đầu  
Khi khóe hạnh, khi nét ngài 
 

 

II. LỤC BÁT BIẾN THỂ  

 

'Biến thể' có nghĩa là thể thức được thay đổi. Có nhiều cách biến thể trong thơ lục bát:

 

1. Biến thể vần bằng:

Thay đổi cách gieo vần ở câu Bát: Chữ cuối của câu lục cùng vần với chữ thứ thứ 'tư' của câu bát chứ không phải với chữ thứ 'sáu' như luật thông thường. Theo lối biến thể này, luật bằng trắc ở các chữ thứ hai và thứ sáu trong câu bát cũng phải thay đổi, tức là hai chữ này phải thuộc vần 'trắc' chứ không phải vần 'bằng' như trong luật gieo vần.  

Thí dụ như câu sau đây trong bài ca dao 'Tát nước':

   

... Áo anh sứt chỉ đã lâu   
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng  
Khâu rồi anh sẽ trả công  
Ít nữa lấy chồng anh lại giúp cho...

      

Chữ thứ tư trong câu 'bát' cuối cùng là chữ 'chồng' vần với chữ 'công' của câu 'lục' phía trên. Thêm nữa, chữ thứ hai, tức chữ 'nữa' và chữ thứ sáu, tức chữ 'lại', là các tiếng trắc thay vì tiếng bằng.

  

2. Biến thể vần trắc:

Chữ cuối của câu lục và chữ thứ sáu của câu bát cùng là âm trắc và hiệp vần với nhau. Thông thường, cách biến thể này chỉ được sử dụng trong hai câu dẫn nhập của bài. Những câu kế tiếp sẽ theo đúng luật thơ.

Chẳng hạn như bài ca dao sau:

   

Tò vò mà nuôi con nhện   
Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi  
Tò vò ngồi khóc tỉ ti  
Nhện ơi nhện hỡi, mày đi đằng nào?

      

Trong kho tàng ca dao, chúng ta cũng bắt gặp một số câu biến thể vần trắc gieo vần  ở chữ thứ tư  thay vì chữ thứ sáu trong câu bát:

   

Nước ngược, anh bỏ sào ngược  
Anh chống chẳng được, anh bỏ sào xuôi

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi 
Như đứng đống lửa như ngồi đống than

(Ca dao)

 

Áo nâu phơi vẹo bờ rào

Cái phận đã bạc còn cào phải gai

Quả cà cõng mấy củ khoai

Con thút thít mẹ nghẹn hai ba lần

(Mẹ  - Nguyễn Ngọc Oánh)

(Theo Nguyễn Ngọc Bảo – Tìm hiểu Thơ Lục Bát…)

 

Dưới đây xin chép lại nhiều câu lục bát biến thể trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du và một số bài thơ Lục Bát của nhà thơ Nguyễn Bính:

  

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

 

Câu 17 Mai cốt cách, tuyết tinh thần

          Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Câu 83  Đau đớn thay, phận đàn bà!

            Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Câu 149 Nền phú hậu, bậc tài danh,

            Văn chương nết  đất, thông minh tính trời.

Câu 163 Người quốc sắc, kẻ thiên tài

            Tình trong như  đã mặt ngoài còn e.

Câu 487 Khi tựa gối, khi cúi đầu,

            Khi vò  chín khúc, khi chau đôi mày.

Câu 577 Người nách thước, kẻ tay dao

            Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.

Câu 583 Đồ tế nhuyễn, của riêng tây

            Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.

Câu 837 Nước vỏ lựu, máu mào gà

            Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.

Câu 1915 Có cổ thụ, có sơn hồ

            Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh.

Câu 2305 Mụ quản gia, vãi Giác Duyên,

            Cũng sai lệnh tiễn  đem tin rước mời.

Câu 2665 Ma dẫn lối, quỷ đưa đường

      Lại tìm những chốn đoạn trường mà  đi.

Câu 2667 Hết nạn nọ đến nạn kia,

            Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.

Câu 2685 Hại một người, cứu một người,

            Biết  đường khinh trọng, biết lời phải chăng.

Câu 2841 Người yểu điệu, kẻ văn chương

            Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì.

Câu 3189 Thêm nến giá, nối hương bình,

            Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.

Câu 3223 Khi chén rượu, khi cuộc cờ

            Khi xem hoa nở, khi chờ  trăng lên.

  

Trong Nguyễn Bính Thơ và đời

 

            

 

Cách mấy mươi con sông sâu            

Và trăm ngàn vạn những cầu chênh vênh. (Lỡ bước sang ngang)              

 

Mẹ trông theo mẹ thở dài            

Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran. (Lỡ bước sang ngang)              

 

Úp mặt vào hai bàn tay            

Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm. (Lỡ bước sang ngang)              

 

Tưng bừng vua mở khoa thi            

Tôi đỗ quan Trạng vinh quy về làng. (Giấc mơ anh lái đò)              

 

Nhà gái ăn chín nghìn cau            

Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn… (Giấc mơ anh lái đò)              

 

Ăn gỏi cá, đánh cờ người            

Thần tiên riêng một góc trời thôn Vân. (Anh về quê cũ)              

 

Hoa đỗ ván nở mùa xuân            

Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm. (Nhà tôi) 

 

Trong “Học quên để nhớ” của nhà thơ Đặng Vương Hưng: 

 

Đây là một tập thơ Lục Bát và lời bình được nhiều đôc giả yêu mến, ra đời gần 10 năm nay, tái bản đến lần thứ… 6, với nhiều vạn bản mà nay những người yêu thơ còn tìm đọc. Những câu thơ như những lời tâm tình, rất đời thường nhưng cũng lại rất… Lục Bát!  

      

      Người hắn yêu đã lấy chồng

      Còn người yêu hắn sống cùng có con. (Tự hoạ) 

      Dạ, khôn, hay, dở… Thôi thì

      Hắn vẫn là… hắn – Có gì khác đâu! (Tự hoạ) 

      Dẫu chưa bạc tóc, dài râu

      Hắn đã tưởng tượng … kiếp sau đời mình. (Tự hoạ) 

      

      Điếu thuốc chia đều từng hơi

      Bàn tay ấm chẳng muốn rời nhau đâu. (Viết cho em ở biên giới) 

      Phiên gác thức với đêm dài

      Thời gian trôi chậm gấp hai ở  nhà. (Viết cho em ở biên giới) 

      Dáng núi hiền như mùa thu

      Lắng nghe thấy được tâm tư lòng người. (Viết cho em ở biên giới) 

      

      Ngày chúng mình chia tay nhau

      Anh mang nỗi nhớ lên tàu đi xa… (Nỗi nhớ) 

      Dẫu cho anh đến trăm miền

      Thì nỗi nhớ vẫn theo liền bên anh. (Nỗi nhớ) 

      Đặt tay lên ngực mà xem

      Nỗi nhớ theo nhịp quả tim lại về. (Nỗi nhớ) 

      Áo lính xanh màu lá cây

      Hình như nỗi nhớ ngấm đầy bên trong. (Nỗi nhớ) 

      Có tuần vằng vặc trăng soi

      Anh vẫn ngỡ được đứng ngồi bên em.

      Những ngôi sao sáng nhất đêm

      Anh bảo đấy là mắt em đang nhìn

      Anh và đồng đội đều tin

      Rằng nỗi nhớ chẳng lặng im bao giờ. (Nỗi nhớ) 

      Nỗi nhớ không có tuổi già

      Và em thì mãi vẫn là của anh! (Nỗi nhớ) 

      

      Lạ lùng chưa những đường rừng

      Đi một bước cũng chập trùng núi cao. (Đường rừng) 

      

      Ngày bố mẹ mới yêu nhau

      Bao mơ ước cũng bắt đầ từ con (Nói với con khi chưa ra đời) 

      

      Người lắng nghe,

      Súng lắng nghe

      Tiếng gù nhuôm nắng

      Vàng hoe núi đồi… (Nghe chi gáy trên trận địa pháo cao xạ) 

      

      Ngỡ ngàng kìa mấy cánh chim

      Đang ríu rít chợt lặng im ngang trời. (Mùa xuân ở lại) 

      

      Một  nửa tỉnh, một nửa quê

      Không xinh đẹp cũng chẳng hề cao sang. (Vợ tôi) 

 

 

      Dẫu đã buôn bán xa gần

      Vẫn là mưa nắng tảo tần đấy thôi. (Vợ tôi) 

      

      Gió thổi cho cánh hoa gày

      Chẳng tặng ai

      Héo trên tay mình cầm. (Một mình) 

      

      Giữa ban ngày thăp đèn lên

      Ngọ lửa cháy suốt đêm đen chợt về (Thắp đèn) 

      

      Trẻ con ở xóm Bụi Đời

      Như cỏ dại dưới nắng trời hoang vu… (Trẻ con ở xóm Bụi Đời) 

      

      Bồ Tát – Người ở  nơi nao

      Cứu khổ, cứu nạn đã bao kiếp người (Tặng một Sư nữ) 

      

      Nếu thương, xin hãy làm ngơ

      Đừng hỏi địa chỉ bây giờ… nhà tôi

      Sợ thơ buồn chẳng dám mời

      Lo mấy ngủ cuốn trôi cầu Kiều.

      Nhà tôi ở cạnh xóm Liều…  (Nhà tôi…) 

      

      Tôi thì lấy dại làm khôn

      Lấy đắng làm ngọt, lấy buồn làm vui (Chiêm bao) 

      Em thì lấy lạ làm quen

      Lấy xấu làm đẹp, láy hèn làm sang (Chiêm bao) 

      

      Học lẻ loi để… có đôi

      Học ghen là để… cho người thêm yêu. (Học quên để nhớ) 

      Học sắc sảo để… dại khờ

      Học già dặn để…  ngây thơ thuở nào…   (Học quên để nhớ) 
 

      Xin trích dẫn một số câu thơ Lục Bát biến thể của các nhà thơ nổi tiếng trong các tác phẩm được nhiều người yêu thích để Bạn đọc cùng nhau tham khảo, trao đổi và học tập. 

   

NGUYỄN ĐÌNH TRỌNG

Email: tucchip@vnn.vn

ĐT: 01233 123 789 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  trần đạo - trandaovnt@gmail.com - 0917290352 - 6c-q15 ngõ 126 nguyễn an ninh  (Ngày 13/03/2010 04:46:29 PM)
           Cảm ơn các sự chỉ bảo sâu về luật của thơ lục bát . Theo tôi thì biến thể hay phá cách cũng chỉ nhằm cho bài hay hơn , nó như nhạc của thơ . Nếu cứ mãi một điệu chắc cũng buồn tẻ .
  Đặng Kim Hùng - kimhunggv@yahoo.com - 03203541271 - Sao Đỏ, Hải Dương  (Ngày 13/03/2010 12:54:45 PM)

          Vừa qua , nhiều bạn đọc tranh luận về biến thể của luật bằng trắc trong câu thơ lục bát. 
         Đọc bài Biến thể vần bằng trắc trong thơ lục bát của tác giả Nguyễn Đình Trọng, tôi xin có vài ý kiến nhỏ như sau:
          Người Việt Nam rất sính thơ. Có người còn mạnh dạn cho rằng mỗi người Việt Nam là một thi sĩ. Ðiều nầy không hẳn là đúng, nhưng câu ví đó rất hợp tình hợp lý vì ai ai cũng có thể "nói thơ" được, bất luận người ấy có trình độ học vấn cao thấp như thế nào. Còn muốn trở thành "thi sĩ" thì người ấy phải có một trình độ học vấn tối thiểu, kèm theo sự hiểu biết về cấu trúc kỹ thuật của mỗi thể thơ. Nếu người làm thơ mà không nắm vững cấu trúc kỹ thuật của luật thơ thì bài thơ đó bị hỏng. Có nhiều người làm thơ mà không nắm vững luật thơ cho nên không thể được gọi là "thi sĩ" được, mặc dù người ấy đã từng làm khá nhiều thơ, hoặc in khá nhiều thi tập.
          - Phá luật câu thơ lục bát :  người làm thơ thích phá luật ở chữ thứ hai câu 6, thay vì vần bằng thì lại đổi ra vần trắc; còn chữ thứ tư thì có khi đổi thành vần bằng thay vì vần trắc như thường lệ. Câu 6 cũng được ngắt ra làm hai vế. Ví dụ như câu mà tác giả đã dẫn:

  Mai cốt cách | tuyết tinh thần (B T T T B)
             Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười (T B T T B B T) (Kiều) 

         - Biến thể câu thơ lục bát :   Biến Thể Lục Bát là thể văn biến đổi ở cách gieo vần.

  Nguyên nàng số lý nghề nòi
Dưới đất trên trời, thuộc hết mọi phương (T T B B T T B B) (Truyện Lý Công )

      Trong câu này, chữ thứ sáu câu lục bát vần  với chữ thứ tư câu bát. Chữ thứ sáu câu bát đổi thanh bằng thành thanh trắc.
        - Vừa phá luật, vừa biến thể:

Đầu thời đội nón cỏ may
Mặt võ mình gầy, cầm sách giờ lâu ( Truyện Lý Công)

     Câu trên, chữ "võ "là phá luật, hai chữ "gầy - sách" là biến thể lục bát.
        - Như vậy, các câu lục bát mà tác giả Nguyễn Đình Trọng nêu ra chỉ có thể gọi là phá luật, chứ không thể gọi là là biến thể bằng trắc của câu thơ lục bát được, do đó tiêu đề bài "Biến thể vần bằng trắc trong thơ lục bát" của tác giả N.Đ.T có lẽ nên thay đổi một chút chăng?.         
         - Tác giả Nguyễn Đình Trọng , ông là người trong Ban đại diện của lucbat.com tại Tp HCM, muốn dẫn chứng cho lý luận của mình, nếu  lấy ví dụ các câu Kiều của Nguyễn Du , thơ Nguyễn Bính thì không ai chối cãi được, nhưng lấy ví dụ thơ của Đặng Vương Hưng thì không thuyết phục lắm. Vì  ai chả biết Nhà thơ Đặng Vương Hưng là Chủ nhiệm lucbat.com. Lấy ví dụ như vậy là lấy thơ của mình, của người nhà mình ra để chứng minh, không được khách quan mà mang tính chất chủ quan, nên không có tính thuyết phục lắm. Nếu bạn đọc bảo rằng những câu thơ của Đặng Vương Hưng chưa hay hoặc còn sai luật , mà lucbat.com đứng ra bảo vệ thì hoá ra lucbat.com áp đặt chủ quan hay sao? Lúc đó,  thì trích dẫn của N.Đ.T không làm cho người đọc tâm phục, khẩu phục.
       Dẫn chứng nên lấy của các tác giả nổi danh, ngoài Ban Quản trị hoặc các thành viên lucbat.com thì khách quan hơn, có sức thuyết phục hơn.
      Xin mạnh dạn góp ý với tác giả như vậy. Nếu có gì không phải xin tác giả và bạn đọc thứ lỗi.

  Nguyễn Thanh Như - thanhnhu1039@yahoo.com.vn - 01293494845 - Cà Mau  (Ngày 11/03/2010 05:47:38 PM)

      Tôi có sưu tầm dược một bài về Thơ Lục bát dưới đây, xin chia sẽ cùng các bạn tham khảo:
    Thơ lục bát Vần bằng được ký hiệu bằng B, vần trắc được ký hiệu bằng T, vần không theo luật để trống. 
      Câu số Vần 1

B B T T B B 
B B T T B B T B

Chữ thứ 1 2 3 4 5 6 7 8

Ông trời nổi lửa đằng đông
Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay

     Biệt lệ Tuy luật bằng trắc đã qui định như ở trên, nhưng những chữ thứ 1, thứ 3 và thứ 5 nếu không theo đúng luật thì cũng không sao. Cái biệt lệ ấy được gọi là "nhất, tam, ngũ bất luận", có nghĩa là chữ thứ 1, chữ thứ 3 và chữ thứ 5 không kể (bất luận), tức không nhất thiết phải theo đúng luật.
     Còn các chữ thứ 2, chữ thứ 4, và chữ thứ 6 bắt buộc phải theo đúng luật (phân minh), do câu "nhì, tứ, lục phân minh". Những ô để trống là những ô không theo luật.
    Câu số Vần 1 B T B 2 B T B B Chữ thứ 1 2 3 4 5 6 7 8

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

     Phá Luật Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp người làm thơ thích phá luật ở chữ thứ hai câu 6, thay vì vần bằng thì lại đổi ra vần trắc; còn chữ thứ tư thì có khi đổi thành vần bằng thay vì vần trắc như thường lệ. Câu 6 cũng được ngắt ra làm hai vế. Chẳng hạn hai câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chữ "cốt" là một chữ thuộc vần trắc, song lại nằm ở vị trí của vần bằng:
    
Câu số Vần

 Mai cốt cách, tuyết tinh thần
 Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười

Chữ thứ 1 2 3 4 5 6 7 8

  Thái Văn Độ - thaivdolien@yahoo.com - 0986760288 - 62, Đốc Phủ Thu, TX Châu Đốc, An Giang .  (Ngày 11/03/2010 07:42:36 AM)
Chân thành cảm ơn Tác giả Nguyễn Đình Trọng, sau khi tham khảo Tôi đã hiểu thêm về thơ Lục bát, rất có ích cho dân chơi thơ nghiệp dư như Tôi học hỏi .
  Trần Mạnh Tuân - tuan_hwru@fulbrightmail.org - 091 353 0266 - Hà Nội  (Ngày 11/03/2010 01:01:40 AM)

       Cảm ơn tác giả Nguyễn Đình Trọng đã cất công sưu tầm trích dẫn nhiều câu thơ để minh hoạ cho những biến thể lục bát. Không phải ai cũng nắm vững "công nghệ" thơ lục bát! Và nhiều tác giả có danh rồi và cứ nghĩ mình muốn viết gì thì cũng thành thơ! Bắt độc giả phải xơi món cơm sống...

       Tác giả nên tập hợp các bài thành chuyên đề để mọi người tham khảo. Bản thân tôi thấy đây là Giáo trình Thơ lục bát mà những ai muốn bổ túc kiến thức cơ bản của mình, ngõ hầu sẽ có thơ chuẩn mực hơn, hay hơn, đúng vần điệu hơn. Năm vững các qui tắc biến thể rồi sẽ làm thơ đa dạng hơn, mềm dẻo trong gieo vần và làm cho nhịp thơ uyển chuyển, nhuần nhuyễn hơn.

       Mặc dù khuya rồi, đọc mờ cả mắt nhưng vẫn thấy rất hay, hữu ích. Một lần nữa cảm ơn Nhà lý luận của Lục bát.com Chúc tác giả vui khoẻ, cống hiến nhiều hơn cho trang thơ...Mong nhanh đến ngày được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Các bài khác: