Thứ năm, 09/05/2024,


Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi! (06/03/2010) 

CẢM ƠN NGƯỜI VỢ HIỀN

 

Mình vừa là chị là em

Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời

 

Mai ngày đến phút lìa đôi

Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau

 

Xót mình đã lắm thương đau

Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình

 

Cuộc đời đâu phải phù sinh

Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!

 

Hồ Dzếnh

(Tuyển tập Hồ Dzếnh- NXB Văn học- 1988)

 

 

Trong sự tồn tại thiêng liêng của mái ấm- lâu đài hạnh phúc gia đình, không thể thiếu vắng vai trò của người vợ hiền.

 

Có người chồng nào mà nỡ vô cảm, vô ơn không biết đến công ơn to lớn của vợ mình? Nhưng nói ra điều đó quả là không dễ. Nếu cứ nói thẳng, nói thật theo ngôn ngữ giao tiếp thường nhật thì tránh sao khỏi vụng về, khách sáo, vô duyên. Chỉ có thơ, một hình thức nghệ thuật ngôn từ tinh tế, nhuần nhị bậc nhất mới có thể hóa giải… 'Cám ơn người vợ hiền' của nhà thơ Hồ Dzếnh (1916- 1991), một trong những bài thơ tình tặng vợ đã nói hộ chúng ta điều đó.

 

Bài thơ gồm bốn cặp câu lục bát, có cấu trúc giống như một bài thất ngôn bát cú Đường luật: hai câu đầu nói về công ơn vợ, bốn câu giữa nói về sự trả ơn, hai câu cuối mở rộng, cảm nghĩ về đạo nghĩa vợ chồng.

 

I- Bê-cơn đã từng nói: 'Vợ là chị khi chồng còn trẻ, là bạn khi luống tuổi và là bác sĩ khi về già'. Cách chia theo dòng thời gian để so sánh như vậy cũng thật là chí lý. Với Hồ Dzếnh, công ơn của vợ quá lớn, biết nói sao cho vừa, cho xứng? Ông nói trực tiếp bằng giọng thơ tâm tình mà thấm thía:

 

Mình vừa là chị là em

Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời.

 

Chị và em gái bao giờ cũng hiền hòa, dễ thương; bao giờ cũng quan tâm săn sóc và luôn quý trọng, tự hào về em trai, anh trai của mình. Mẹ thì tấm lòng chỉ có thể ví như lời ca bất hủ: 'Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào!'. Còn trái tim bạn đời? Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã bộc bạch: đó là trái tim biết chung hưởng hạnh phúc 'Biết yêu anh và biết được anh yêu' và suốt đời một lòng một dạ, thủy chung gắn bó với chồng; cho mãi đến kiếp sau vẫn còn 'biết yêu anh cả khi chết đi rồi' . 'Mình' là một mà làm bổn phận của bốn người và bốn người kết tinh lại trong 'Mình' để dành tất cả cho'Tôi'.

 

Nói tới chuyện đáp ơn, trả nghĩa đối với vợ lại càng là khó. Nhà thơ đã có một giải pháp thật là thông minh và độc đáo. Ông đặt một giả thiết để hình dung ra tình huống vợ chồng sẽ có ngày phải chia biệt nhau, kẻ còn người mất: Mai ngày đến phút lìa đôi/ Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau. Qua cách xưng hô Mình- Tôi, Tôi- Mình chứng tỏ cặp 'hai ta' này đã vào độ lão niên. Nhưng đang cùng thượng tại, đang cùng chung sống mà nói ra điều này có sợ là 'gở miệng'? Không! Sinh- Lão- Bệnh- Tử là quy luật hiển nhiên, dù Trời có ban cho bách niên giai lão. Cho nên, vì lòng chân thành, vì tình thương yêu mà không cần... 'kiêng kị'.

 

Từ đó, người chồng có một ước mong báo ơn vợ: Xót mình đã lắm thương đau/ Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình. Nghe qua có vẻ... trái tình nhưng ngẫm ra lại thấy rất có tình. Bao nỗi cảm thông về những nhọc nhằn, vất vả; chịu thương chịu khó qua mấy chuc năm đối với người vợ chất chứa vào đây. Thực tâm và bản lĩnh nên đâu có sợ hiểu nhầm! Từ 'đỡ' trong câu thật là sáng giá. 'Tôi... đi sau đỡ mình' gợi ra bao nhiêu trách nhiệm  còn phải lo toan, gánh vác của người chồng sau ngày góa vợ.

 

       Hai câu kết giàu nhạc tính cứ ngân lên âm hưởng của một lời hát ru chan chứa niềm lạc quan: Cuộc đời đâu phải phù sinh/ Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi! Bác bỏ cái quan niệm bi quan, yếm thế  cho kiếp người là bồng bềnh, nổi trôi, vô định, chẳng có ý nghĩa gì, để khẳng định: cuộc đời mà 'Tôi' và 'Mình' đang sống đây thật là đẹp, thật là nên thơ; nghĩa tình đôi ta hòa chung, chan chứa trong nghĩa tình nước non muôn thuở vững bền!

 

       Thơ viết cho vợ quả là rất khó so với thơ viết cho người yêu. Các nhà thơ đã có nhiều cách để 'định nghĩa', để 'mệnh danh' nhằm ngợi ca, tôn vinh người vợ yêu quý của mình của mình. Nào là 'nhất vợ, nhì trời', nào 'đẹp như tiên là vợ ta', nào 'vợ là công trình thẩm mĩ biết nói', nào 'vợ là một đóa hoa hồng', nào 'vợ là một chất men say', nào 'vợ là hoa hậu của tôi'... Không thể nào kể ra hết, chỉ có cách nói: vân vân và vân vân mới thỏa đáng. Không cần tới những lời đại ngôn, hoa mỹ, Hồ Dzếnh đã tìm được cách nói mới mẻ mà độc đáo bằng giọng thơ nhẹ nhàng, 'phảng phất hương vị thơ cổ Trung Hoa' như nhiều bài khác của ông để cho  bài thơ neo đậu vào lòng bạn đọc.

 

      Bài thơ sẽ được nhắc tới nhiều vì nó sâu đậm ân tình, ân nghĩa thủy chung, thắm thiết của đạo  vợ chồng mà thế gian này ai cũng cần phải có.

 

 

Phạm Văn Chữ

Email: phamvanchu@gmai.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - NgocNX1939 @gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 22/07/2015 8:38:22)

NGHĨA VỢ TÌNH CHỒNG
Chúng mình nghĩa nặng tình sâu
Trời se duyên phải thương nhau nhịn nhường
Bạc đầu càng nặng lòng thương
Như đôi chim phượng uyên ương chẳng già

Chẳng nề gió táp mưa sa
Nổi lênh ngày tháng Vượt qua thác ghềnh
Sống sao trọn nghĩa vẹn tình
Cuộc đời hạnh phúc gia đình yên vui

Vẫn là mình vẫn là tôi
Tuy hai là một một rồi một mai
Như hình với bong mình ơi
Cùng đi cùng đứng không rời xa nhau

Khi già xa cách bể dâu
Ai người đi trước đi sau một lần
Tôi trước thì mình khổ thân
Tôi sau mình chẳng tiễn chân được nào

Cuộc đời bể khổ ba đào
Chết cười sống khóc ai nào thoát đâu
Bây giờ sống quý thương nhau
Nồng nàn đằm thắm như trầu với vôi
Xuân Ngọc
 

Các bài khác: