Thứ sáu, 03/05/2024,


Thương hoài câu hát ru... (03/03/2010) 

Ước mơ trong vô số chiếc cầu đang hiện hữu, người đời thưởng tặng dẫu một lời ca… Bởi nơi ấy bắc qua sông suối, thác ghềnh người ta trải lòng yêu thương nơi ấy, yên lòng cho khách sang ngang… Ở Thừa Thiên - Huế, Cầu Ngói Thanh Toàn tồn tại như chứng minh cho hai tiếng "Tình người": Nhân ái là đức hào phóng khi con người hội đủ lòng nhân.

Từ khi chiếc cầu nhỏ nhắn có hình dáng một mái đình mảnh mai, cong vút bắc qua con sông đào Thanh Thủy, Thủy Thanh, Hương Thủy... cái tên ngồ ngộ "Cầu Ngói Thanh Toàn" ra đời cũng là lúc câu ca, khúc ca trong dân gian xướng lên tỏ lòng ngưỡng mộ người đã xây nên chiếc cầu có một không hai ở đất thần kinh. Chiếc cầu trở thành đề tài khơi nguồn cho bao nỗi lòng, cảm xúc: "Ai về Cầu Ngói Dạ Lê/ Cho em về với thăm quê bên chồng". Hẳn những ai là người dân Huế, khi xa xứ mà không mang theo câu ca... câu ca ấy luôn chập chờn cùng tiếng à ơ... làm man mác buồn, chạnh lòng người ru:

 

"Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn

Cho em về với một đoàn cho vui"

 

 

Có thể bên trong còn chất chứa nỗi lòng mênh mang khôn xiết mà câu ca vượt ngưỡng thời gian, hiện hữu như nỗi buồn, niềm vui của bao người con xứ Huế trên chặng đường phiêu bồng hầu mưu sinh, câu ca ấy hiện thân của sức mạnh tinh thần, phép màu nghị lực giúp từng số phận con người vượt qua sóng gió, dập vùi... Câu ca không chỉ theo họ đến các vùng miền cao nguyên, trung du, vào Nam, ra Bắc... mà còn vượt muôn trùng đại dương tạo nên thanh âm đồng vọng tình hoài hương trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Điều vô cùng thú vị là câu ca luôn gợi niềm thân thương, gần gũi gắn bó hình ảnh chiếc cầu có mái ngói đình làng rêu phong rợp che. Nhiều người cho rằng đến Huế mà có dịp thưởng ngoạn công trình kiến trúc nghệ thuật dân gian, ngất ngây với hương trầm, hương mộc, thả hồn theo "Lối xưa xe ngựa..." tìm thăm Cầu Ngói Thanh Toàn, đi chợ quê, trò chuyện với dân làng... thì mãn nguyện thay một chuyến đi!

Câu chuyện xưa hiện vẫn lưu truyền trong dân gian rằng ở làng Thanh Thủy, Thủy Thanh... thế kỷ XVIII, có người đàn bà nhũ danh Trần Thị Đạo tự bỏ tiền của xây dựng chiếc cầu có cấu trúc ngôi đình duyên dáng, lạ mắt. Từ ấy chiếc cầu hữu tình, thơ mộng này đã thu hút nhiều lớp người già, trẻ, trai, gái hằng ngày thường nghỉ chân, tụ tập, hẹn hò... Những ai đến đây lòng cứ lẫn lộn giữa mơ hồ và khâm phục: "Đường vô xứ Huế quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ". Thương những người vỡ nhát đất đầu tiên làm nên vùng đất cố đô cho người sau thừa hưởng! Bởi đâu mà câu ca "Cầu Ngói Thanh Toàn" luôn roi rói tinh khôi nỗi niềm da diết quặn lòng bao người, bao thế hệ? Đường về Cầu Ngói cứ bồn chồn chạy giữa cánh đồng bao la, núi tiếp núi xa xa ra tới biển. Con đường này xưa kia chắc hẹp lắm, chỉ đủ để một người đi. Người nối người, bước nối bước giữa đồng không mông quạnh, côn trùng nỉ non: "Đến đây sông nước lạ lùng/ Tiếng con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh...".

Nghe rằng ở Quảng Tây, Trung Quốc có những chiếc cầu được xây dựng na ná như Cầu Ngói Thanh Toàn, cũng cái kiểu "thượng gia hạ trì", "thượng gia hạ kiều", "khai phong kiều"... Chiếc cầu vừa giúp cho người đi đường sang sông an toàn, chở che họ những khi mưa gió thất thường. Xưa kia ở Trung Quốc, vào đời Đường, nhà thơ Đỗ Phủ đã từng day dứt: "Ước được nhà rộng muôn ngàn gian/ Che khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo hân hoan...". Nguyễn Du cũng từng sùi sụt, xót thương: "Có những kẻ nằm cầu gối đất/ Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi...".

Giờ đây chiếc cầu đã thành báu vật thiêng liêng được đời sau nâng niu, gìn giữ. Chiếc cầu là hình ảnh gợi cảm, gợi tình chiếc cầu của "sầu thương": "Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói, dạ em thương mình bấy nhiêu", "Qua cầu ngả nón trông cầu/ Cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu". Chiếc cầu còn vun đắp thêm tình yêu cho đời sau như lời nhắn nhủ rằng dẫu mai đây có nên nỗi gì thì hãy đừng quên thuở hàn vi mà chối bỏ cội nguồn. Bởi thế trên đất nước mình cũng đã có người tự ý xây nên chiếc cầu cho người nghèo, cho trẻ nhỏ an toàn qua sông học chữ. Công đức thật đáng ca ngợi biết bao.

Chiếc cầu cùng với câu ca đã làm rạng danh một vùng quê hiền hoà Thanh Thủy, Thủy Thanh. Người xây nên chiếc cầu... lãng mạn, thương người, thương đời lắm. Chiếc cầu thành nơi minh chứng cho lòng tri ân, nơi kỳ ngộ cho bao mối lương duyên, thành lời hò hẹn về với phiên chợ quê, lễ hội, lễ tết... Câu ca không chỉ là lời ướm tình, ghẹo trêu... mà còn ấp ủ nỗi nhớ niềm thương khiến đường đi, tình quê, tình người tha thiết, gần gũi hơn khiến lòng người sôi nổi rộn ràng làm hiện thực hơn ước mong trên chặng đời lỡ bước được về tới Cầu Ngói Thanh Toàn, khao khát "trú chân" cái lẻ loi, đơn côi của mình trong biển tình mênh mông của làng xóm. Xin được kết thúc bài viết bằng những dòng tâm tình dài thêm câu ca, nhủ lòng thương hoài câu hát ru tình tứ:

 

"Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn

Cho em về với một đoàn cho vui

Dù mai quảy gánh ly bôi

Mặc lòng ai đó bạc vôi với tình

Ra đi mới thấy thương mình

Đắng cay càng tỏ lòng trinh vàng mười

Ai đi mô rứa đông người

Bởi em lỡ chuyến đò thôi... phải chờ

Cũng đành lỗi với người xưa

Nhờ câu hát cũ tạ từ ân sâu..."

 

 

Theo tác giả VÕ PHƯỚC

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Tôn Nữ Ngọc Quỳnh - ngocquynh2000@gmail.com -  - Paris, CH Pháp  (Ngày 4/03/2010 06:35:51 AM)
Gửi tác giả Nguyễn Khánh Thuận. Tôi là người gốc Huế và tôi còn nhớ ngày nhỏ vẫn thường nghe ba tôi đọc câu ca dao này, vậy nên tôi nghĩ chắc tác giả Võ Phước (mà tôi biết cũng là một người con xứ Huế) không nhầm lẫn trong câu này. Nhân đây tôi xin gửi một bài viết của GS Trần Quốc Vượng để mọi người cùng tham khảo: http://www.hue.vnn.vn/vedephue/lichsu/2009/07/335659/
  Nguyễn Khánh Thuận - nguyen.khanhthuan@yahoo.com.vn -  - Nam định  (Ngày 4/03/2010 06:36:21 AM)
Bài viết về chiếc cầu của một vùng nơi xứ Huế, nghe rất thân thương. Nhưng có câu ca :"Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ", thì tôi đã nghe và có lẽ ai cũng biết khi còn tuổi học trò, chứ câu:"Đường vô xứ Huế quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ" thì đây là lần đầu tiên tôi được nghe. Không biết tác giả có bị nhầm lẫn hay không?
Các bài khác: