Thứ sáu, 03/05/2024,


NGƯỜI KHÔNG CÓ THẬT, ĐỂ RỒI... CHIÊM BAO! (01/03/2010) 

CHIÊM BAO

 

Tôi thì lấy dại làm khôn

Lấy đắng làm ngọt, lấy buồn làm vui

Và bao nhiêu thứ ngậm ngùi

Chỉ mong đổi được nụ cười của em...

 

Em thì lấy lạ làm quen

Lấy xấu làm đẹp, lấy hèn làm sang

Và bao nhiêu cái ngỡ ngàng

Chỉ mong có được anh chàng... khác tôi

 

Đơn phương yêu một mình thôi

Người không có thật, để rồi... Chiêm bao!

 

Tháng 3 năm 2002

Đặng Vương Hưng

 

 

'Bài thơ có 10 câu, tôi thích hơn cả là ba câu đầu. Khi người đàn ông tự nói về tâm tình của mình mà không cần quan tâm đến thái độ của người đàn bà. Có thể là do tạng của tôi, tôi không thích trách hờn phụ nữ. Với tôi, mọi việc mà người đàn bà tôi yêu đã làm, nói cho cùng, đều có một lý do nào đó, ngay cả khi tôi không hiểu lý do cụ thể ấy là gì.

Tất cả chúng ta đều biết rằng, rốt cuộc rồi thì cái vô chiêu sẽ thắng được cái hữu chiêu. Đặng Vương Hưng hơn ai hết bằng những gì đã trải, tới thiên niên kỷ thứ ba này, thấm thía điều đó hơn ai hết. Vậy nên anh mới có 'Chiêm bao', bài thơ tuyền những câu nói ngược, tưởng tủi thân phận lắm, nhưng thực ra lại bộc lộ bản lĩnh của một người nhân hậu và lịch lãm... Và nếu câu thứ tư của bài thơ không có chữ 'đổi' thì theo tôi, cái tình sẽ khiển ta xót xa hơn '.

(Hồng Thanh Quang)

 

Đặt chữ trong 'Chiêm bao' rất chênh vênh, so le. Nhân vật Tôi nhẫn chịu (lấy khôn dại làm, đắng làm ngọt)... Nhân vật Em thì có vẻ nhẫn tình (lấy xấu làm đẹp, lấy hẹn làm sang).

          Lẽ đời, sự nhẫn chịu thuộc về cái tâm sâu, còn nhẫn tình thuộc về cái tâm nông cạn. Nhưng quả thực, tôi rất nghi ngờ lẽ tình này ở nhân vật Em: Vì đâu mà cái người nông cạn toàn làm điều trợ trêu kia lại vẫn được người trải nghiệm Tôi yêu tha thiết thuỷ chung đến vậy?

        Chợt thèm được bước vào cõi Chiêm bao mà chiêm ngưỡng dung nhan, cốt cách thật của nhân vật Em này quá!

Giá có thể được, Dẫu chỉ một lần ... '

(Đỗ Trọng Khôi)

 

'Những cuộc tình chấp vá, những cuộc tình khấp khểnh... đó là những 'Đũa mốc chòi mâm son' và 'giày vàng đặt lên chiếu rách'... Có gì khác nàng Thị Đông (vốn xấu như ma) có thể lấy lại được Bạch Cư Dị (!) Như Trương Như mà không gặp được Trác Văn Quân? Nên cả cuộc đời chỉ muốn có Chiêm bao.

Thôi, đành như Từ An Trinh (nhà thơ Đường) bảo: Ngủ đi trong mộng để tìm nhau '.

(Trịnh Anh Đạt)

 

'Người ơi biển rộng trời cao

Mà đêm tình tự vẫn vào đó thôi

Hợp tan cũng bởi lẽ đời

Buồn chi một bóng trăng trôi giữa dòng '

(Nguyễn Thủy Tâm)

 

'Thôi đành thấp xuống vài phân / Nén buồn đau để lại ngân câu Kiều...

Với thủ pháp so sánh tài tình, nhà thơ đã khái quát được bao chuyện đời thường khi người ta yêu 'đơn phương': vừa riêng tư, dung dị dễ hiểu, vừa trừu tượng, xa vời...

Trên đời, thường những điều gì người ta không thể có được trong đời thực thì hay mơ ước. Và có những điều mơ ước chỉ có thể thỏa mãn trong... Chiêm bao!

(Trần Huy Tản)

 

--------------

Rút từ tập thơ ' Học quên để nhớ'

của Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

 

 

 

Lời BT trực chuyên mục: Ngay sau khi bài thơ 'Chiêm bao'' của Nhà thơ Đặng Vương Hưng cùng những lời bình được rút từ tập Học quên để nhớ' được đưa lên trang', chúng tôi đã nhận được bài viết của các tác giả Vũ Thiên Kiều và Lương Bá Hòa. Nhận thấy đây là những bài viết khá công phu và trách nhiệm, chúng tôi xin được đưa nối tiếp vào bài viết chính.

 

'Đơn phương yêu một mình thôi'

 

Tôi thì lấy dại làm khôn

Lấy đắng làm ngọt, lấy làm buồn vui

 

Trong cuộc sống, một người  như chàng trai 'lấy dại làm khôn - đắng làm ngọt, buồn làm vui' và bao nhiêu thứ ngậm ngùi khác nữa liệu có là mẫu người mơ tưởng của các cô gái không? Khi khôn, khi vui, khi ngọt ngào của chàng trai lại là những trạng thái ngược lại, vậy thì khi dại thật, cay đắng thật, buồn thật thì như thế nào nhỉ? Chắc là bi đát hơn nhiều rồi. Tác giả không chỉ  dừng lại ở sự liệt kê: dại, đắng, buồn... mà hành trang trên con đường chinh phục để đổi nụ cười của cô gái lại còn thêm bao nhiêu thứ ngậm ngùi nữa chưa thể nói ra hết được, có thể ở đây là nghèo, là khổ, là vất vả, là khó khăn... Ôi! Nếu với một chàng trai khi ngỏ lời yêu, đặt vấn đề với cô gái mà thật thà như đếm, không hề giấu thân phận khuyết điểm, tính khí của mình, mà thận phận tính khí ấy thì lấy gì đảm bảo sự chắc chắn để làm chỗ dựa cho cô gái khi trao nụ cười.

Nhưng 4 câu thơ đầu của bài thơ lại có thêm một ẩn ý khác, mà khi ta khám phá ra mới chợt thấy cái nghĩa rất quân tử hào hiệp của chàng trai và cũng là cái tài của thi sĩ. Chỉ vì để cho em được hạnh phúc, hạnh phúc ở đây được tác giả ví như nụ cười luôn nở trên môi của người phụ nữ, cũng chưa hẳn sự tươi tắn của nụ cười ấy đã dành cho chàng. Nhưng chàng trai sẵn sàng chịu đựng mọi thứ, chấp nhận là một kẻ dại khờ, chịu đắng cay, nhận nhiều nỗi buồn và bao nhiêu sự ngậm ngùi khác. Sẵn sàng làm tất cả vì em, dẫu có bị thiệt thòi, phải hy sinh nhiều thứ. Cao cả quá! Có ai tôn thờ và yêu em đến vậy không? Nhưng trong thời buổi hiện nay những chàng 'Đông ki sốt' như vậy thì hiếm lắm. Chắc em sẽ rất vui và sẵn lòng trao nụ cười cho anh chứ?

Nhưng không! Bởi thật trớ trêu:

Em thì lấy lạ làm quen

Lấy xấu làm đẹp, lấy hèn làm sang

Và bao nhiêu cái ngỡ ngàng

Chỉ mong có được anh chàng... khác tôi

 

Với cô gái, 'lấy lạ làm quen, lấy xấu làm đẹp, lấy hèn làm sang, bao nhiêu ngỡ ngàng',  thoạt nghe thế cho thấy cô gái rất hợp với chàng trai đấy nhỉ. Dù anh có lạ, có xấu xí,  có nghèo hèn, có bao nhiêu thói hư tật xấu mà em ngỡ ngàng... thì em vẫn... lấy chứ? Vì hình mẫu của chàng trai được xây dựng trong 4 câu đầu hoàn toàn logic với hình mẫu của em.

Những tưởng chắc mẩm sẽ có được nụ cười của em rồi, nhưng thật bất ngờ: 'Chỉ mong có được anh chàng... khác tôi'. Buồn quá, chơi vơi quá. Tưởng là duyên số hợp nhau, thì bây giờ lại vàng - thau rõ ràng. Chính vì câu thơ này ta mới hiểu, mới thấm, mới rõ cái người mà cô gái mơ mộng là người khác với chàng trai. Lần giở lại sở  thích của cô gái ban đầu, có lẽ vì mục đích nào đấy trong bài toán yêu đương mà cô gái sẵn sàng lấy lạ làm quen, chắc là của lạ bao giờ cũng... thích. Rồi xấu ở  đây là hình thức, tính tình... nhưng có cái gì đó phản xạ vào mắt nên em đã vo tròn cái méo mó đó cho em nhìn thấy xấu là đẹp. Còn hèn thì chắc không phải là nghèo hèn rồi mà là sự hèn nhát sống sượng quá, hoặc hơn nữa là hèn hạ nữa đấy, thế nhưng em vẫn coi là sang trọng. Em ơi! Sao em nông cạn quá vậy. Phải biết gạn đục khơi trong chứ.

Cách chọn lựa của cô gái càng làm cho hình ảnh của chàng trai (nhân vật chính) trong bài thơ trở lên lung linh rực rỡ hơn. Chàng trai thì cao thượng, sẵn sàng chịu dại khờ, đắng cay, buồn khổ để cho em nụ cười tươi, chứ quyết không hèn lại càng không xấu trong mắt em. Chàng lại còn bao dung hơn, biết em nông cạn, đam mê phù phiếm như thế mà lại vẫn mong có được em mới lạ chứ. Đó chính là sự yêu tha thiết như ông bà ta thường nói: 'Yêu nhau củ ấu cũng tròn...'. Thế mới hiểu xưa kia Từ Hải tài ba đến thế, oai phong lẫm liệt giữa chốn ba quân nhưng vẫn sẵn sàng chết đứng vì nàng Kiều vậy.

Tình yêu kỳ diệu lắm. Đã yêu thì không thể lựa chọn, mà tim đã đập rộn là chân cứ bước, lòng cứ hướng đến vậy. Không ai có thể khuyên đựợc là hãy dừng lại đi, hãy yêu người này đừng yêu người kia ... Thế nên nói như nhà thơ Mai Hường 'từ khi tim lạc lối yêu',  biết là đi lạc vậy mà vẫn tiếp đấy thôi. Chàng trai thì mơ tưởng tới cô gái, còn cô gái thì mơ tới chàng trai khác. Rốt cuộc đó là những cuộc  tình yêu đơn phương- yêu một mình và cứ ám ảnh mãi để phải chiêm bao gặp người ấy trong mơ vậy.

Hai từ 'Chiêm bao' rất đỗi bình thường mà nhà thơ đã cho chúng ta chiêm ngưỡng một bài thơ hay, ý tứ câu vần chặt chẽ, logic, có những cặp từ tiểu đối rất hấp dẫn. 'Chiêm bao' đã nói được nỗi niềm đơn phương của những người yêu một mình trong vô vọng, mãi chờ đợi chờ... đợi những điều không có thực để rồi chỉ biết tạm gởi ước mong có được hình bóng ấy trong chiêm bao vậy.

Tác giả, với sự chiêm nghiệm, trải đời, làm thơ có nghề như thế chắc còn ẩn giấu nhiều nỗi niềm, đa nghĩa trong từng câu chữ mà ta chưa khám phá hết. Bài thơ sẽ còn hấp dẫn và tranh cãi trong bạn đọc nhiều nữa, bởi trong cuộc sống vẫn còn ai đó:

Đơn phương yêu một mình thôi

Người không có thật, để rồi... Chiêm bao!

 

Vũ Thiên Kiều

(Điện thoại: 0986585388

Email: vuthienkieu@gmail.com)

 

 

 

KHÔN - DẠI MỘT CHỮ TÌNH

 

     Nhà thơ Đăng Vương Hưng có rất nhiều bài thơ hay, ẩn ý sâu sắc. Để cảm nhận được thơ của anh không phải dễ. Bài thơ “Chiêm bao” của anh là một nỗi ngậm ngùi cho một tình yêu không được bù đắp. Tâm hồn thơ của “Chiêm bao” không còn là của riêng anh nữa mà đó chính là nỗi lòng của biết bao người (dù nam hay nữ) trong thế giới “tình yêu”.

 

     Bài thơ ngắn gọn, thể hiện đầy đủ tâm trạng của người con trai khi yêu một cô gái mà chẳng hề được đáp lại. Hai người có thể là bạn của nhau, họ quen nhau, thậm chí có thể là đang chơi thân với nhau nữa ấy chứ, nhưng giữa họ rõ ràng không đồng thuận. Người con trai thì đã nảy sinh tình cảm yêu thương người con gái:

 

Tôi thì lấy dại làm khôn

Lấy đắng làm ngọt, lấy buồn làm vui

Và bao nhiêu thứ ngậm ngùi

Chỉ mong đổi được nụ cười của em...

 

     Câu thơ nghe như là tiếng thở than, buồn tủi của người con trai khi không thể nào chinh phục được người con gái mà anh ta đã đem lòng thương nhớ, yêu và yêu… Với em, anh đã thể hiện hết mình với biết bao điều hay, điều tốt. Có thể, với tất cả những gì (hành động, cử chỉ, lời nói, thái độ…) được gọi là khôn khéo nhất mà anh có anh đã sử dụng để hòng lấy được lòng em, những mong em sẽ dành tình cảm yêu thương nhất cho mình. Nhưng thật trớ trêu thay, người con gái vẫn không hề mảy may để ý đến, thậm chí những sự nhiệt tình thể hiện của anh đối với cô ta còn bị cô ta chê bai cho là ngớ ngẩn, ngờ nghệch, lố bịch, thế cho nên, anh cứ tưởng là mình khôn, mình giỏi, hóa ra lại là dại, như người ta thường nói: “dại…” ấy mà.

 

     “Dại khôn”, “khôn dại”. Thật không biết đâu cho được, có những điều ta tưởng là ta khôn thì người khác lại cho là dại, thế mới nên chuyện. Trong câu chuyện tình này, chàng trai tưởng mình đã làm thỏa lòng cô gái, tưởng đã có thể làm cho cô vui, tưởng đã có thể chia sẻ được với cô, tưởng đã có thể cùng cô tạo thành một tổ ấm ngọt ngào, nhưng nào có được đâu, thậm chí anh chỉ cần có được một nụ cười thân thiện của em thôi, nghe ra cũng có phần không được. Thật chua chát quá! Anh đã làm biết bao điều vì em, mong muốn nhỏ nhoi nhất là chỉ cần được em để ý đến thôi cũng khó. Kết quả chỉ là ngậm ngùi và cay đắng và anh nhận ra rằng trong tình yêu mình đã khôn nhưng vẫn là dại, ngược đời là thế đấy, có ai hiểu được không.

 

      Anh càng tha thiết, nồng cháy với em bao nhiêu thì em lại càng tỏ ra hờ hững bấy nhiêu. Bởi vì điều cốt yếu nhất là em có tình cảm với anh đâu cơ chứ, em đâu có yêu anh, đâu có thể trở thành chồng vợ với anh được mà anh săn đón em làm chi thế:

 

Em thì lấy lạ làm quen

Lấy xấu làm đẹp, lấy hèn làm sang

Và bao nhiêu cái ngỡ ngàng

Chỉ mong có được anh chàng... khác tôi

 

     Em không yêu anh. Em có hình bóng của em rồi. Hình bóng ấy của em có thể còn thua kém anh về mọi mặt. Hình bóng ấy của em là người hoàn toàn xa lạ, không quen trước, không thân với nhau trước như em với anh. So với anh, người ấy có thể xấu lắm, không đẹp trai, không hào hoa phong nhã, không sang giàu bằng anh, không có những cử chỉ đẹp như anh, nhưng điều cơ bản là em lại yêu người ấy, lại có tình cảm với người ấy có khi chỉ vì một điều gì đó rất nhỏ nhoi chứ không to tát như anh. Thế cho nên anh mới ngỡ ngàng. Tưởng em được người hơn tôi, nào ngờ?

 

     Tình yêu là thế! Tình yêu có cái chân lý riêng của nó và không ai giống ai. Có khi ta yêu người mà người chẳng yêu ta và ngược lại. Khi người ta đã không yêu mình thì dù có cố bằng mọi cách cũng chẳng thể giành được và nếu anh càng cố thì càng trở nên “khôn - dại” mà thôi.

 

     Nhà thơ Đặng Vương Hưng thật thâm sâu trong cách sử dụng ngôn ngữ. Bài thơ ngoài việc thể hiện tâm trạng, nỗi lòng của một người “yêu” mà không được yêu, còn là một triết lý sâu sắc về tình yêu. Nhà thơ đã dùng cái cách viết ngược “lấy dại làm khôn”, “lấy xấu làm đẹp”, “lấy hèn làm sang”… để nói lên cái sự ngược đời trong tình yêu rằng: Mọi sự, nhất là trong tình yêu thì chẳng có gì là logic cả. Người mà ta mong muốn có được chưa chắc đã thuộc về ta dù ta có khôn khéo, lắm bạc nhiều tiền hay là gì gì đi nữa và ta hãy nên trở về với thực tại với những gì mà ta có, đừng viển vông mơ mộng, kẻo rồi:

 

Đơn phương yêu một mình thôi

Người không có thật, để rồi... Chiêm bao!

 

Nha Trang 03.03.2010

Lương Bá Hòa

(Điện thoại: 0168.255.3228

Email: luongbahoa@gmail.com)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - NgocNX.1939@ Gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 30/07/2015 17:05:51)

NỖI NHỚ CHIA LI

“Em thì lấy dại làm khôn”
Để anh lấy đắng lấy buồn làm vui”
Bây giờ lấy những ngậm ngùi
Vì không có được nụ cười của em

Em thì lấy lạ làm quen
Để anh ngày nhớ mong đêm bồi hồi
Bây giờ lòng dạ chơi vơi
Em người xa lạ để tôi lỡ làng

Lại còn lấy hèn làm sang”
Để tôi lấy những ngỡ ngàng nữa sao ?
Đắng cay chua chát nhường nào
Sao em chút lại? Ngọt ngào đem đi

Bây giờ thôi chẳng còn gì
Chỉ còn nỗi nhớ chia li bồn chồn !

Xuân Ngọc

  Đức Năm - ducnam@gmail.com -  - Sài Gòn  (Ngày 9/03/2010 05:20:30 PM)

Đọc một số bài thơ lục bát của ĐVH, tôi vẫn thấy bóng của Đồng Đức Bốn tỏa xuống xanh rợp thi tứ. Đọc bài thơ này của ĐVH, sao tôi thấy nhớ bài Chợ Buồn của Đồng Đức Bốn da diết

"Chợ Buồn đem bán những vui
Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em?
Chợ buồn bán nhớ cho quên
Bán mưa cho nắng, bán đêm cho ngày

Chợ buồn bán tỉnh cho say
Bán thương suốt một đời này cho yêu
Tôi giờ xa cách bao nhiêu
Đem thơ đổi lấy những chiều tương tư ".

  Nguyễn Đình Trọng - tucchip@vnn.vn - 01233 123 789 - 14/11 Nhất Chi Mai, Q.Tân Bình  (Ngày 4/03/2010 06:06:38 PM)

    ... Một điều hết sức quan trọng là thơ Đặng Vương Hưng có một sức hút lớn với độc giả, nhất là những người đã từng trải, những người đã từng đi qua cuộc chiến tranh. Họ đón nhận thơ anh để mà thưởng thức, chiêm nghiệm. Thơ Đặng Vương Hưng, đơn giản, ngắn mà hay và dễ nhớ. Đơn giản như một triết lý và ngắn, dễ nhớ như ca dao!

 Giận hờn một chút thế thôi,
Nào ai dám trách em tôi "Ngỡ ngàng"
Bỡi chưng mơ mộng đồng sàng
Suốt đời cả thiếp lẫn chàng..."chiêm bao"!

       Nguyễn Đình Trọng

Các bài khác: