Thứ sáu, 03/05/2024,


Nửa đời chợt tỉnh giấc thơ (25/02/2010) 

NỬA ĐỜI

 

Nửa đời
Nhỏ lệ làm sông
Thuyền yêu chèo mãi
Vẫn không thấy bờ.

Nửa đời
Xếp chữ làm thơ
Chữ “tình” đi mất
Bỏ “khờ” chèo queo.

Nửa đời
Bán mảnh trăng treo
Tháng năm rơi trắng
Cái nghèo còn mang.

Nửa đời
Nhặt giấc mơ hoang
Một đêm vấp nhớ
Bàng hoàng tìm em.

Thanh Trắc Nguyễn Văn

 

                         

 

“Nửa đời” là bài thơ viết cho mình, khi Thanh Trắc Nguyễn Văn mang tâm trạng như nhiều thi sĩ khác, viết để giãi bày tâm trạng của người làm thơ. Bài thơ viết khi nhà thơ ngoài bốn mươi tuổi- cái tuổi đến độ chín của người thơ, đủ để trải nghiệm, đủ để biểu đạt triết lý ẩn chứa trong ngôn ngữ thi ca... Bằng thể lục bát vắt dòng nhấn ý thể hiện rõ nét tứ- ý, nhấn mạnh nội dung biểu đạt cô đọng và sâu sắc với cách lựa chọn ngôn từ cẩn trọng của một người cầm bút có nghề:

 

Nửa đời

Nhỏ lệ làm sông

Thuyền yêu chèo mãi

Vẫn không thấy bờ.

 

Khổ thơ thứ nhất mở đầu bằng cách giới thiệu “Nửa đời nhỏ lệ làm sông/ Thuyền yêu chèo mãi vẫn không thấy bờ…”. Tôi cứ nghĩ mãi hình ảnh “nhỏ lệ làm sông”?! Thi sĩ trời phú cho trái tim đa sầu đa cảm, buồn vui chợt đến, chợt đi để rồi từ trái tim ấy những câu thơ cất lên như xé ruột gan. Biện pháp tu từ nói quá của anh “nhỏ lệ làm sông” chấp nhận, nhưng xét trong mạch cảm, mạch nghĩ với câu thơ sau thì đó chính là gom góp yêu thương của con thuyền tình yêu hành trình trên con đường kiếp người. Viết được câu thơ này chắc hẳn người thơ có sự trải nghiệm trong tình yêu, đổ vỡ trong hôn nhân, xót xa cay đắng trước con đường đi tìm bến hạnh phúc cho tâm hồn mình! Tôi cảm như thế bởi câu thơ thứ hai trong khổ thứ nhất “vẫn không thấy bờ” của anh ngầm truyền vào tôi nỗi xa xót khi kết hợp với “nhỏ lệ làm sông”…

 

Khổ thứ hai cũng chỉ hai câu lục tách thành 4 dòng:

 

Nửa đời

Xếp chữ làm thơ

Chữ “tình” đi mất

Bỏ “khờ” chèo queo…

 

Kéo tôi về với thực tại đắng đót của những người làm thơ. Thật ra có người làm thơ may mắn bởi tri âm tri kỷ, người bạn đời của mình cũng có trái tim đồng cảm sẻ chia thông cảm với họ; nhưng có người khó có sự đồng thuận khi làm thơ với gia đình. Có phải chăng đó là luật bù trừ mà “giời đày” cho các thi sĩ? Hay do sự “tỉnh táo” khác người của người làm thơ mà người thân yêu xa cách? Có phải trong thời buổi mà “cơm áo gạo tiền” đầy vất vả lo toan, khiến cho người vợ khó chấp nhận khi thấy chồng suốt ngày đam mê với văn chương? “Cơm áo không đùa với khách thơ”? Tôi đã nghe, thấy và chứng kiến nhiều thi sĩ mải đeo đuổi đam mê và cuối cùng phải chia tay với “người bạn trăm năm” trong nỗi niềm đau đớn khắc khoải đến cô độc cháy lòng! Chữ “tình” ở đây, trong khổ thơ này phải chăng là điều ấy? Người đi rồi để lại nỗi cô đơn! Cô đơn ngập tràn đến “khờ” để rồi “chèo queo “với đời, “chèo queo” với thơ, “chèo queo” khắc khoải giữa đời…

 

Đến khổ thứ ba, chất thi sĩ tài hoa thoắt hiện trong cái “chiêm nghiệm” thực tế phũ phàng:

 

Nửa đời

Bán mảnh trăng treo

Tháng năm rơi trắng

Cái nghèo còn mang…

 

Hàn Mặc Tử đã từng rao “Ai mua trăng tôi bán trăng cho…” Trăng là hình ảnh thiên nhiên vĩnh hằng! Không riêng ai, không sở hữu của ai phải mua bán! Có “bán” chăng là cách nói của thi sĩ, khát vọng và tình yêu; xót xa và hạnh phúc… Tháng năm thi sĩ miệt mài lao động nghệ thuật chưng cất nên những câu thơ góp cho đời những “bông hoa” ngát hương trong “vườn văn học”. Người làm nghệ thuật chân chính, thường họ không nghĩ đến làm kinh tế, có khi cả đời chỉ viết được một tác phẩm hay. Nhưng không đam mê, không lao vào, tận tâm tận lực với văn chương liệu có thành công, có tác phẩm hay không? Trải qua nửa đời rồi ngẫm lại, người thơ thấy “cái nghèo còn mang”. Không phải đó là sự hối tiếc, ân hận; không phải là xót xa cái nghèo bám víu - còn có sự liên tưởng thú vị hơn nhiều với hình ảnh tưởng tượng khá độc đáo “tháng năm rơi trắng...” Tính từ “trắng” (theo cách ngắt nhịp của câu thơ) gợi lên ý thức sống - ý thức thời gian, khát khao dâng hiến nhưng chưa có được cái mà mình khao khát ước mơ rất chân thành không cao xa diệu vợi. Và chiêm nghiệm hành trình trên con đường thi ca đến đích trải qua bao thăng trầm gian khó, có khi trắng cả thời gian tâm huyết hoài bão của mình mà kết quả không thành!

 

Khổ cuối của bài thơ cũng lặp lại điệp khúc “nửa đời” khởi đầu câu lục, nhưng ý thơ làm tôi “ngộ” ra một điều mới phát hiện từ chiêm nghiệm của “anh” của “mình”!

 

Nửa đời

Nhặt giấc mơ hoang

Một đêm vấp nhớ

Bàng hoàng tìm em.

 

“Sống trên đời cần có một tấm lòng” (Trịnh Công Sơn). Tấm lòng với tình yêu, với cuộc sống, với đam mê, với gia đình… Nhưng để làm được mơ ước hoài bão mình khao khát chỉ có một con đường “đi tới” trên con đường đầy chông gai trắc trở khó khăn, với quyết tâm và nghị lực phi thường! Trên con đường “nhặt giấc mơ hoang” đến “nửa đời” bỗng “một đêm” nhận ra tình yêu anh dành cho em, dành cho cái nửa của mình thật lớn lao ắp đầy nỗi nhớ, để rồi “bàng hoàng” đi tim “cái nửa” mình đã đánh mất lâu nay!

 

“Em”- chủ thể thứ hai- hiện lên cuối bài thơ đi kèm với một tính từ “bàng hoàng” và một động từ “tìm” cho thấy một tâm trạng vừa bàng hoàng vừa khắc khoải xa xót của một tâm hồn thi sĩ sau những “giấc mơ hoang”…

 

“Nửa đời” của Thanh Trắc Nguyễn Văn là một bài thơ hay! Thật khó có thể cảm nhận hết bằng ngôn ngữ. Những cảm nhận của tôi theo cách cảm của người làm thơ, yêu thơ, say thơ và có sự đồng cảm sẻ chia với người thơ! Hy vọng “nửa đời” còn lại của tác giả bài thơ này sẽ gặt hái hạnh phúc trên con đường “tìm em”- Em trong tình yêu và em tác phẩm nghệ thuật mà mọi người yêu thích!

 

 

Bình Định, 20.01.2010

 

Lê Bá Duy

ĐT: 01696506939

Email: lebaduyph@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  hanhtrantuyet75 - hanhtrantuyet75@yahoo.com  -  - TP.Hồ Chí Minh  (Ngày 7/03/2010 01:53:28 AM)
Bài thơ này nhìn cách trình bày tưởng thơ tự do.Hóa ra thơ lục bát. Mà lại là lục bát tôi yêu. Lục bát có hình cây trụ. Thấy cũng hay hay. Xin tác giả bày cho mọi người xếp câu thơ lục bát thế này. Xin được học hỏi.
  Tú Cười  - butkim@gmail.com -  - Hà Nam   (Ngày 27/02/2010 08:18:11 PM)

NHỦ LÒNG....

"Nửa đời chợt tỉnh giấc thơ''
Cuối đời vương vấn ngẩn ngơ chữ Tình
Em nào nhìn cũng thấy xinh
Nhủ lòng cố gắng giữ mình...đừng tham...

Tú Cười

  Nguyễn Khánh Thuận - nguyen.khanhthuan@yahoo.com.vn -  - Nam định  (Ngày 26/02/2010 04:50:29 AM)

       Bài thơ, theo tôi cũng rất tâm trạng, đầy ẩn ức cuộc đời của người làm thơ. Người viết bài bình còn nặng về phân tích kỹ thuật thơ mà nhẹ về sự cảm nhận tâm hồn thơ. Các ý phân tích nhiều nên còn rời rạc nhau, thiếu sự gắn kết tổng thể để làm nổi bật chủ đề của bài thơ, nên người đọc cảm thấy chưa được gọn gàng, mạch lạc. 
       Không biết tôi cảm nhận như thế có đúng không. 
       Xin góp đôi lời cùng tác giả.

Các bài khác: