Thứ hai, 06/05/2024,


UỐNG RƯỢU Ở QUÊ NGÀY BA MƯƠI TẾT (13/02/2010) 

Thắp nén nhang trước tổ tiên

Con xin nâng chén giữa miền quê xa...

 

Trước xin chúc thọ ông, bà

Sau xin kính mẹ, ơn cha đời đời

 

Bão dông lũ lụt qua rồi

Đồng quê mình có bời bời lúa, khoai?

 

Buồn vui từ những ban mai

Biết ai chia sẻ cùng ai tháng ngày?

 

Dâng Xuân một chén rượu đầy

Tạ ơn trời rộng, đất dày cho yêu...

 

(Tết Tân Tỵ - 2001)

Đặng Vương Hưng

 

 

“Chỉn chu, mức độ, có trước có sau: Thắp nhang rồi mới nâng chén. Chúc ông bà rồi mới chúc mẹ cha. Hỏi thăm mùa màng nhưng không quên bão lụt... Đang tuần tự nhịp nhàng, buồn vui chia sẻ như thế, bỗng hai câu kết được đảo phách khéo léo, bằng một phong độ rượu hào sảng: 'Dâng xuân một chén rượu đầy'. Do được đặt đúng chỗ, nên dường như chữ 'Xuân' quen thuộc đã sáng hẳn lên, mang lại cho bài thơ một thời gian và không gian mới. Thiên nhiên như đã hòa đồng cùng tâm hồn người để cùng chào đón khoảng thời khắc giao thừa và năm mới!”

(Anh Vũ)

 

“Nếu không nghiện thì cũng phải là người sành rượu mới thấu được phép tắc tiên tửu, có trên có dưới như Đặng Vương Hưng. Ngày tất niên dù xa quê, bao nhiêu buồn nhớ được nghiêm lặng bái vọng trước bàn thờ tổ tiên. Khi rót rượu (rất nhẹ) nâng chén (cũng rất nhẹ) và mời (lại càng nhẹ nhàng hơn): 'Trước xin chúc thọ ông bà / Sau xin kính mẹ, ơn cha đời đời'.

 Rượu quê cứ ngấm dần, ngấm dần... Tôi có cảm giác nhà thơ đã ngà ngà, song lại tỉnh táo đến say sưa, nhớ thương da diết với bao nhọc nhằn sương gió của ai ai, nơi những thôn quê xa tắp...

Và dường như men rượu đã thơm hòa vào xuân mới, sau lời thơ ăm ắp ân tình ấy.”

(Nguyễn Xuân Hồng).

 

“Một đứa con đi xa. Tết về thăm quê. Uống rượu chỉ là cái cớ để bày tỏ nỗi lòng mình trước quê hương, với người thân là ông, bà, cha, mẹ... Cái hiếu của đứa con đi xa trở về bộc lộ rõ nét: Với ông bà thì chúc thọ; với mẹ thì bày tỏ lòng thành kính; với cha thì  biết ơn. Hai chữ 'đời đời' đã làm cho câu thơ như khắc ghi trong lòng mãi mãi.

 Chén rượu quê ngày Tết không chỉ thành kính biết ơn, mà còn ghi nhận trách nhiệm, bổn phận của người con hiếu thảo.”

(Trần Quang Đạo)

 

“Ngày Ba mươi Tết với mỗi người dân quê Việt Nam đều thiêng liêng lắm. Dù có đi đâu, làm ăn xa đến mấy cũng cố gắng trở về sum họp gia đình. Đó là dịp để người ta tỏ lòng biết ơn tiên tổ, ông bà, cha mẹ; để nhìn lại một năm xem mùa màng làm ăn rao sao, người già ai còn ai mất, con trẻ lớn khôn thế nào...

Không hiểu sao, tôi cứ tin rằng chén rượu quê đầy ắp mà Đặng Vương Hưng 'Dâng Xuân' là thứ rượu trắng thơm nồng, được nấu từ gạo nếp cái và chai rượu phải được nút bằng... lá chuối khô hái ngay vườn nhà. Thứ rượu được chưng cất từ mồ hôi mưa nắng ruộng đồng, từ sự tinh tuý của ngàn đời làng quê truyền lại...

Và nếu đúng như thế, một lần nữa xin được cùng nhà thơ nâng chén để  'Tạ ơn trời rộng đất dày cho yêu'.

            (Lê Đình Thắng)

 

 

________________

 

Rút từ tập thơ 'Học quên để nhớ'

của Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thanh Tuyên - bsnguyenthanhtuyen@gmail.com - 0989094933 - Hải Phòng  (Ngày 22/02/2010 07:17:33 PM)
Bữa tất niên đoàn tụ đủ cả ông bà-cha mẹ- tác giả và tất nhiên có cả các cháu cùng họp mặt vui vẻ đầm ấm, quí giá biết nhường nào. "Tứ đại đồng đường" và "Hậu sinh khả uý " thật là đại phúc. Nhưng nâng chén ruợu ngày 30 Tết thơm hương ấy người viết chẳng khỏi bận tâm sau kỳ bão giông, lũ lụt thì :" Đồng quê mình có bời bời lúa khoai ". Hiển hiện trước ta thêm một dấu " ? " nữa. Nên ta càng thấu tỏ từ " YÊU"... ở câu cuối khá đa nghĩa. Bài thơ giầu chất nhân văn. Xin cám ơn tác giả.
Các bài khác: