Thứ bảy, 27/04/2024,


Biển đêm ngẫu khúc và lục bát (17/08/2008) 

            Người ta nói lục bát là thể thơ ít biến đổi. Nhưng ít không có nghĩa là không biến đổi. Lâu nay, những nhà thơ hiện đại làm thơ lục bát cũng đã vầy vò thể thơ truyền thống này khá nhiều, cho nó đổi mà không biến, vẫn là sáu tám mà vẫn tang tình những nỗi niềm hiện đại, thi pháp hiện đại, hơi thở hiện đại đầy những hổn hển, những quãng ngắt, những chỗ hụt hơi, cứ như là bị cholesterol trong máu, huyết áp cao, khó thở.

Tôi đọc bài lục bát Biển đêm ngẫu khúc của Mai Bá Ấn, thấy cái nhịp lục bát này đã đổi nhiều, nhưng hơi thơ lục bát thì vẫn đầy, vẫn mềm, nghĩa là vẫn còn cái hồn riêng của lục bát. Xin quý vị thưởng thức:

 

 

“Ngu ngơ ngồi hát dưới trăng

ngàn sao trốn vội mây nghèn nghẹn bay

Chưa cạn chén đã ngà say

dưới chân con sóng đặt bày phồn hoa

Bọt tung trắng sóng khơi xa

tràn bờ

vỡ hết

lại là bọt thôi

Chỉ nghe lòng cát bồi hồi

cát là cũng cát ta rồi lại ta

 

Trời thì ở muôn trùng xa

chỉ ta trước biển

Cô Đơn”

 

             Bốn câu đầu là khúc dạo truyền thống, nhưng đã thấp thoáng dấu hiệu đổi ở “mây nghèn nghẹn bay”, chữ nghèn nghẹn dùng quá đắt, mây ấy đã bay trong lòng mình rồi, đã muốn khóc thành nước lắm rồi.

            Đoạn thứ hai nghe như âm ba của sóng dội vào vách đá, như cuộc chiến giữa bọt và sóng, mà thực ra, trong sóng đã có bọt, cũng như trong cái vô cùng của thiên thu đã có cái hữu hạn, cái không đáng kể của đời mình. Nhưng vẫn nương nhau mà sống, và vẫn chiến đấu với nhau mà sống, dù cuối cùng bọt “lại là bọt thôi”, chứ là cái gì nữa bây giờ?

“cát là cũng cát ta rồi lại ta” câu tám đăng đối như sự chấp nhận cái trật tự vĩnh hằng giữa trời, biển, cát và thân phận con người:

 

“Trời thì ở muôn trùng xa

chỉ ta trước biển

Cô Đơn”

 

Cú ngắt nhịp và/và là cú ngắt nhịp thành công nhất của bài lục bát này, nó nghe ầm ầm ào ào như âm thanh của sóng vỗ bờ, từng đợt từng đợt, và cuối cùng, còn lại nỗi Cô Đơn, nghĩa là còn lại Con Người.

            Những cú ngắt nhịp, làm nhịp (rhythmic) như thế là một đặc điểm của thơ hiện đại, nó có thể làm biến đổi cả một thể thơ có tiếng là bảo thủ như thể thơ lục bát.

                  Thanh Thảo

(Tạp chí Kiến thức gia đình số 82/1998)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: