Chủ nhật, 19/05/2024,


Giai nhân kỳ ngộ diễn ca – Một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh về truyện thơ Lục bát (P2) (23/09/2009) 

     Đứng về kết cấu, Giai nhân kỳ ngộ diễn ca cũng không theo kết cấu của thể loại truyện Nôm cổ truyền. Truyện Nôm cố truyền - không tính đến một vài truyện Nôm bình dân - cho đến tận cuối thế kỷ XIX, vẫn tuân thủ một trình tự chặt chẽ bao gồm bốn chặng: hội ngộ -  tai biến - lưu lạc - đoàn viên. Ngay như Sơ kính tân trang rất phóng khoáng trong cá tính sáng tạo vẫn không thoát khỏi sức chi phối của cái bố cục 'bốn hồi' đã được ấn định, phải có một màn 'giả tái hợp' để cho Quỳnh Thư mượn thân xác cô em gái Thụy Châu 'sống lại' mà kết duyên với Phạm Kim với một bằng chứng 'thuyết phục' là hai chữ 'Quỳnh nương' nơi bàn tay rành rành. Giai nhân kỳ ngộ diễn ca chỉ mới dừng lại ở ba chặng đầu là hội ngộ, tai biến và lưu lạc của hai nhân vật đóng vai trò chính trong câu chuyện tình. Nhưng chỉ tách riêng sơ đồ hành trình của hai nhân vật sẽ không thể bao quát nổi đường dây diễn tiến phức hợp của cả một cuốn truyện trường thiên. Nói cho đúng, kiểu cấu trúc của loại hình Giai nhân kỳ ngộ nguyên tác chịu ảnh hưởng pha trộn thể loại monogatari Nhật Bản với tiểu thuyết phương Tây không tài nào áp dụng công thức cổ điển của truyện Nôm Việt Nam để lý giải ổn thỏa. Nó thuộc về một dạng cấu trúc khác, ở đó lưu lạc đóng vai trò xuyên suốt số phận mọi nhân vật. Mỗi nhân vật có nhiều cuộc phiêu lưu, và gặp gỡ là điểm dừng chân tạm thời của chúng, trước khi bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới, cũng là điểm giao thoa của nhiều chuyến hành trình theo nhiều hướng. Trước khi có cuộc hội ngộ giữa U Lan, Hồng Liên và Tán Sĩ đã xẩy ra ba cuộc phiêu lưu của ba người trên quê hương của họ - ba xứ sở cách biệt trong bản đồ thế giới, được tái hiện bằng thời gian hồi cố. Sau chặng hội ngộ thúc đẩy tình yêu giữa cặp U Lan - Tán Sĩ sẽ là chặng phiêu lưu thứ hai của U Lan, Hồng Liên và Phạm Khanh (có thêm Đốn Gia La) mà với U Lan, chính là sự nối tiếp cuộc phiêu lưu trong quá khứ của nàng. Trong tám hồi được Phan Châu Trinh chuyển thể, Tán Sĩ chưa có tiếp một cuộc phiêu lưu nào, nên tạm thời chàng đảm nhiệm vai trò người nhận thông tin tại nơi xuất phát và cũng là nơi trở về của các nhân vật. Cuộc phiêu lưu thứ hai chấm dứt bằng sự trở về của Hồng Liên - người đưa tin - bên Tán Sĩ. Riêng U Lan lại tiếp tục thực hiện một cuộc phiêu lưu thứ ba và chỉ ngừng lại với sự xuất hiện của Mân Lê - người đưa tin thứ hai. Như vậy, ở Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, diễn biến đơn tuyến của truyện nôm cổ truyền theo một lộ trình duy nhất, lấy nhân vật chính làm tâm điểm, đã bị thay thế bằng diễn biến đa tuyến của nhiều nhân vật khác nhau, theo nhiều lộ trình không đồng nhất, và nhân vật chính, ngoài hành trình riêng của mình, chỉ giữ thêm vai trò kết nối các lộ trình ấy lại.

 

     Dầu sao, nhìn về hình thức, vẫn không thể phủ nhận trong Giai nhân kỳ ngộ diễn ca có tồn tại một tuyến cốt truyện giai nhân tài tử, thậm chí là tuyến cốt truyện xuyên suốt nếu ta mô hình hóa nó qua các khâu sau: Hội ngộ (U Lan và Tán Sĩ, có Hồng Liên làm trung gian) - Tai biến (tin tức cha U Lan ở Tây Ban Nha dẫn đến những quyết định của U Lan và các bạn nàng) - Lưu lạc giai đoạn 1 (U Lan trở về Tây Ban Nha cứu cha) - Gián tiếp đoàn viên lần 1 (qua người đưa tin 1: Hồng Liên) - Lưu lạc giai đoạn 2 (U Lan sang Ai Cập) - Gián tiếp đoàn viên lần 2 (qua người đưa tin 2: Mân Lê). Nhưng đan dệt vào tuyến cốt truyện giai nhân tài tử còn có một chuỗi cốt truyện phiêu lưu không liên quan gì đến chủ đề 'giai nhân tài tử'. Vai chính trong những câu chuyện phiêu lưu sẽ lần lượt thay đổi:

 

     - Phiêu lưu của U Lan giai đoạn 1 ở Tây Ban Nha, giai đoạn 2 trở lại Tây Ban Nha rồi sang Ý, giai đoạn 3 ở Ai Cập.

     - Phiêu lưu của Hồng Liên giai đoạn 1 ở Ireland, giai đoạn 2 cùng U Lan và Phạm Khanh ở Tây Ban Nha, Ý và kế tiếp ở Pháp.

     - Phiêu lưu của Tán Sĩ ở Nhật Bản.

     - Phiêu lưu của Mân Lê giai đoạn 1 ở Hongry cùng cha mình là Tô Cát Sĩ, giai đoạn 2 ở Ai Cập cùng cha con U Lan.

 

     Cốt truyện cứ thế nở ra cốt truyện, cuộc phiêu lưu nọ kế tiếp cuộc phiêu lưu kia... là loại hình tiểu thuyết phiêu lưu (roman d’aventures) quen thuộc của phương Tây; trước thế kỷ XX Việt Nam chưa thấy có và Trung Hoa cũng hiếm. Rồi nữa, xoắn bện với chuỗi cốt truyện phiêu lưu còn có chuỗi tự sự lịch sử, kể chuyện về lịch sử cận đại các nước: Mỹ, Tây Ban Nha, Ireland, Nhật Bản, Pháp, Ai Cập, Áo-Hung, Ba Lan... ở đó lịch sử được trình bày theo lối biên niên - 'Thiệt năm bảy bốn một ngàn bảy trăm' (câu 22); 'Năm tám sáu tám một nghìn' (câu 339); 'Kể năm đặng năm mươi ba' (câu 495); 'Kể năm tính đã độ chừng hai mươi' (câu 528); 'Cộng hòa chưa đặng một năm' (câu 553); 'Trải đà mấy trăm năm tràng' (câu 683); 'Năm bảy trăm sáu một ngàn' (câu 1902); 'Năm bảy chín hai một nghìn' (câu 1994): 'Bảy trăm bốn chục một ngàn' (câu 5824); 'Tám trăm bốn chín một ngàn' (câu 6566)... - và tuy có liên quan đến hành trạng của nhiều nhân vật trong tác phẩm nhưng đều mờ nhạt, thực tế ở những đoạn này 'tính tiểu thuyết' của câu chuyện không còn nữa, nhân vật tiểu thuyết đã bị đẩy lùi ra sau hậu trường. Dùng truyện thơ lục bát cho Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, bao trùm lấy cả tuyến cốt truyện giai nhân tài tử lẫn chuỗi cốt truyện phiêu lưu, cộng thêm các chuỗi tự sự lịch sử, Phan Châu Trinh thực đã làm một cuộc thử nghiệm vượt bực, tạo một kết cấu mở cho truyện thơ giai đoạn mới. Sự phân nhánh đã làm cho cuốn truyện mang nhiều lớp nghĩa. Khuynh hướng bó gọn cảm hứng vào một chủ đề đã mất đi. Kết cấu Giai nhân kỳ ngộ diễn ca nhìn chung có lỏng lẻo hơn truyện nôm 'chuẩn mực' song cũng đa diện hơn.

 

     Là người suốt đời dấn thân cho hoạt động cứu nước, Phan Châu Trinh chắc không dồn tâm huyết trong rất nhiều năm vào việc diễn ca một chuyện tình. Sức thu hút của Giai nhân kỳ ngộ nguyên tác đối với ông không nằm ở tuyến cốt truyện tình yêu giữa U Lan và Tán Sĩ mà nằm ở chuỗi cốt truyện phiêu lưu và chuỗi tự sự lịch sử với chủ điểm là những câu chuyện đấu tranh gian nan không ngừng nghỉ chống đế quốc giành độc lập, hoặc những phong trào vận động bền bỉ đánh đổ các thế lực quân chủ thối nát xây dựng chế độ dân chủ hoặc quân chủ lập hiến... diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Diễn ca Giai nhân kỳ ngộ, Phan Châu Trinh muốn chuyển tải bức tranh toàn cảnh sôi động của nhiều nước Á - Âu những năm sát cuối thế kỷ XIX do cách mạng tư sản và chủ nghĩa tư bản mang lại, để người trong nước biết mình đang sống giữa một thời buổi như thế nào, chung quanh ta đang có ai đồng cảnh ngộ, ai tốt ai xấu, ai hay ai hèn. Những nỗi đau nỗi nhục của nhân dân Ireland dưới ách phong kiến chuyên chế bù nhìn của đế quốc Anh được phơi bày nhức nhối trong truyện cũng là âm vọng lời tố cáo thống thiết, bi phẫn về tình cảnh người dân thuộc địa Việt Nam vào hậu kỳ phong trào Duy tân và phong trào Chống thuế mà Phan chính là một nhân chứng, một nạn nhân trong cuộc:

 

'Công thương ngày một phá dần

Cấm bề nhóm họp cướp phần tự do

Nghề buôn nghiệp thợ héo xo

Làm cho dân sự nhỏ to buồn rầu

Phần thì cướp ruộng cướp trâu

Phần thì nặng thuế nặng xâu lạ lùng

Đẩu thăng thuế chửa kịp đong

Đòn đau phạt nặng hãi hùng xiết đâu

Rán cho hết mỡ hết dầu

Rắn còn kém độc hùm hầu thua gan'

(câu 673-682)

 

'Phía Nam trăm kiếp nổi chìm

Nhà tơi vách tả khôn tìm đụt mưa

Phất phơ áo mỏng giày sưa

Xông pha gió bụi dày bừa tuyết sương

Trẻ trong đói phải bỏ trường

Gái tơ đói phải ngơ đường chồng con

Lúa khoai cắt sống gặt non

Đi khuya về tối bụng còn đói xo

Đêm đông lạnh lẽo lo co

Tay khâu tay dệt mân mo không rời

Chủ vườn chủ ruộng lắm người

Ăn hà ăn hiếp thuê mười bắt trăm

Xúm nhau kẻ xắt người bằm

Anh, Tô hai nước quyết chăm đè đầu'

(câu 2614-2627).

 

     Bên cạnh đấy, tác phẩm còn cung cấp những kiến thức bổ ích về văn hóa, xã hội, địa lý... thuộc nhiều khu vực trên bản đồ năm châu góp phần giúp dân Nam mở rộng tầm mắt. Và nhất là - cũng như Tỉnh quốc hồn ca I - cuốn truyện thỏa mãn nguyện vọng canh cánh của nhà chí sĩ muốn mượn tấm gương những con người hào kiệt tứ xứ, những kẻ có kiến thức và tầm nhìn rộng rãi, mê say hành động 'Muốn qua thì phải lội sông/ Muốn cho thỏa chí phải xông vào đời' (câu 887 - 888), dám xông pha mạo hiểm, dấn thân vào những nơi nước sôi lửa bỏng đấu tranh vì sự sống còn của dân tộc mình và cả những dân tộc cũng đang hoạn nạn như mình, mong dắt nhau theo con đường cường thịnh của văn minh Âu Mỹ ('Học đòi Âu Mỹ dần dần/ Bẻ hoa hái trái cân phân rạch ròi/ Văn minh ngày một sáng soi/ Nước nhà ngày một tót nơi phú cường' - câu 879-882), sẵn sàng cứu vớt những ai trong vòng nô lệ, trăm nguy ngàn khốn không chút sờn lòng... để giáo dục quốc dân. Mục tiêu nhắm tới của Giai nhân kỳ ngộ diễn ca vẫn là thức tỉnh dân tình. Lợi khí nghệ thuật là ở chỗ, nó góp phần đắc lực giúp nhà chí sĩ họ Phan thực hành chính trị.

 

     Chịu ảnh hưởng của Lương Khải Siêu về quan niệm xem tiểu thuyết như một công cụ quan trọng trong công cuộc cải tạo xã hội, 'muốn làm mới dân trong một nước không thể không trước tiên làm mới tiểu thuyết nước ấy (10), giờ đây là lúc Phan Châu Trinh mang ra áp dụng. Vô tình hay hữu ý, trong khi diễn ca, ông đã mở rộng sức chứa của truyện Nôm, xoay chuyển vận động của thời gian và không gian, đưa chúng từ những biểu trưng nghệ thuật muôn thuở về với thực trạng cuộc sống trước mắt. Những phạm trù thời gian và không gian vốn rất mơ hồ, 'mờ mờ nhân ảnh', hàm chứa một 'cõi người ta' trong khoảng 'trăm năm' với vô số biến thiên khó hiểu, 'muôn sự tại trời', không ai có thể thấu thị hết mọi lẽ huyền vi trong đấy, cũng không khu biệt được vạch mốc đặc thù cho nó - đặt vào nước Ngô hay nước mình đều thích hợp, vào thời Gia Tĩnh triều Minh bên Trung Quốc hay triều Nguyễn ở Việt Nam đều có lý - mất lý do tồn tại trong tác phẩm. Thời gian giờ đây chỉ còn có ý nghĩa là hiện tại, là đơn vị đo lường giá trị sống đích thực của con người trong hiện tại. Ông lấy hiện tại làm điểm quy chiếu để nhìn ngược lại quá khứ nhân vật, làm cho trục diễn tiến sự việc mất xuôi chiều bằng phẳng. Tuy chưa bỏ hẳn ý nghĩ vô định về đời người như một vần xoay đắp đổi ('Ngày trời thấm thoát như tên / Xuân vừa đi khỏi hạ liền tới nơi' - câu 1858 - 1859), ông cũng đã biết hiện thực hóa cái thời điểm chưa kịp trôi đi bằng những con số giờ khắc cụ thể ('Tình cờ ngó lại án đầu/ Đồng hồ đếm khắc đã hầu sang tư' - câu 2756-2757; 'Nói rồi còn nghĩ vẩn vơ/ Đồng hồ đã gõ sáu giờ coong coong' - câu 5544 -5545), từ đó ràng buộc nhân vật vào một bối cảnh chung nóng bỏng là cuộc đấu tranh chính trị đang tiếp diễn trên thế giới, chỉ rõ nhân vật là người của hôm nay, chỉ sống với thời cuộc hôm nay. Ông cấp cho không gian truyện thơ những địa danh xác định như Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Ai Cập... thậm chí thu hẹp hơn như Phủ Bí (Philadelphia), sông Đề (sông Delaware), gác Vãn Hà (State-House), đầm Táo Khê (hồ Erie?)... để nhân vật được trình diện như những con người có địa chỉ rõ ràng, đồng thời liên kết các địa điểm khác nhau ấy lại, tạo nên một chiều kích 'liên quốc gia' chưa từng có, đẩy nhân vật ra giữa môi trường hoạt động quốc tế dọc ngang đến chóng mặt: nay Mỹ mai Âu kia Á - cái môi trường không đánh dấu khoảng cách lênh đênh trắc trở, 'tử biệt sinh ly' mà 'đồng chất' xét ở mặt bằng 'chính sự' nói như Trần Hải Yến (11). Ông nhận diện con người không chỉ trong lẽ sống vì yêu mà trước hết là lẽ sống hiến dâng cho Tổ quốc, lấy độc lập dân tộc làm nghĩa vụ canh cánh hàng đầu ('Tự do độc lập rắp ranh/ Ai ai cũng quyết liều mình non sông' - câu 685 - 686; 'Trống độc lập, cờ tự do/ Giàu, nghèo, mạnh, yếu, nhỏ to quản gì' - câu 5274 - 5275); mặt khác không đặt mình trong những mối quan hệ tình duyên, bằng hữu, thân tộc chật hẹp cũ mà tìm đến một chân trời rộng lớn hơn, là tình yêu, tình bạn bè, đồng chí trên cơ sở lý tưởng tự do dân chủ giữa những cá nhân không cùng màu da, sắc tộc từ bốn phương họp lại ('Trăm năm biển khổ chìm thuyền/ Tự do là thuốc chữa chuyên cõi đời / Muốn cho tự chủ thảnh thơi / Dân quyền là phép đổi dời non sông' - câu 5908-5911). Trên nhiều phương diện khác, ông còn soi chiếu nhân vật trong vô số quan niệm mới mẻ: về người đẹp - gồm thâu trong đó cả trình độ văn hóa, tri thức và sự quan tâm đến nhân tình thế thái ('Chàng rằng nếu gọi là người mỹ nhân / Phải đâu tốt áo tốt quần / Má hồng mặt đẹp, trăm phần dễ coi / Sao cho thông thạo việc đời / Tình người thế tục đủ mười trải qua / Văn chương cũng bực tài ba / Nghề hay cũng sẵn hai ba trong mình / Gặp chầu gái lịch trai thanh / Gìn lòng sắt đá, nguội tình trăng hoa / Lại thêm đàn, kịch, thi ca / Trăm điều thông thuộc mới là gái xinh' - câu 5631-5641), về hạnh phúc - lớn lao hơn việc hưởng thụ vinh hoa phú quý của một cá nhân ('Những điều ích nước lợi đời / Một người sướng trước muôn người vui theo' - câu 6200-6201), về ý nghĩa sự sống - không phải là 'bể khổ' hay định mệnh nghiệt ngã buộc người ta buông xuôi, mà chính là nguồn vui, là sự tranh đua tài trí ('Cứ theo vui vẻ mà suy / Cõi đời là động dị kỳ thần tiên' - câu 5480-5481; 'Đời nầy là cuộc so đo / Đua tài sánh trí, nhỏ to với người' - câu 2400-2401), về sức mạnh của con người - luôn làm chủ muôn vật ('Loài người là giống linh thiêng / Nhỏ to muôn vật, chủ chuyên một mình' - câu 5482-5483; 'Nào là vật nọ loài này / Tai nghe mắt thấy thảy đày tớ ta' - câu 5490-5491), về tương quan giữa con người và vũ trụ, giữa vô cùng và hữu hạn - con người là hết sức nhỏ bé, nhưng con người có trí khôn lại có ý chí và khả năng chiếm lĩnh vũ trụ ('Cầm trong mạng số thế gian / Đem so vũ trụ giọt tràn thấm bao / Thân người sánh với dày cao / Số chi mà tính đặng nào nữa đây / Biết cho cặn kẽ cao dày / Con người luống những như say như cuồng' - câu 1439-1444; 'Núi sông ngàn dặm mênh mông /Ngồi cao trông thể trong lòng bàn tay' - câu 2572-2573). Vân vân... Thời gian nghệ thuật hướng tới cái đang xảy ra; không gian nghệ thuật rộng mở ra ngoài biên giới tĩnh tại của một nước, và biến đổi từng ngày từng lúc theo cục diện chính trị-thời sự của công cuộc 'toàn cầu hóa' tư bản chủ nghĩa; cái nhìn nhân sinh và vũ trụ của con người chuyển dần từ kiểu người trung cổ sang kiểu người hiện đại... có nghĩa là Phan Châu Trinh đã đặt truyện thơ lục bát trước một thử thách vượt khỏi các chế định của thời đại sinh ra nó....(Còn tiếp)

Tác giả Nguyễn Huệ Chi

---------------------

Chú thích:

(10) Lương Khải Siêu. Luận tiểu thuyết dữ quần trị chi quan hệ. Tân dân tùng báo, in tại Nhật Bản, 1902. Nguyên Văn: Dục tân nhất quốc chi dân bất khả bất tiên tân nhất quốc chi tiểu thuyết'.

(11) Xem Trần Hải Yến. Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong dòng văn học duy tân yêu nước đầu thế kỷ XX, Luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 2002 tại Hội đồng thi Viện Văn học.

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: