Thứ sáu, 26/04/2024,


Mai Bá Ân "liều" (10/08/2008) 

Trước hết, Mai Bá Ấn “liều” với lục bát, thể thơ truyền thống dễ làm nhưng khó hay, và đã có bao nhiêu cây cổ thụ lục bát trước đó rồi. Sau nữa, Mai Bá Ấn “liều” với... em. Và chính vì sự “liều với em” mà Mai Bá Ấn cứu được lục bát của... mình.

 

 

LIỀU

 

Hôn liều em dưới hàng hiên

đôi chim se sẻ tập chuyền qua vai

Vuốt liều em mái tóc dài

nghe sợi tóc chẽ làm hai

nỗi buồn

Cầm tay liều dưới mưa tuôn

bỗng dưng sóng biển lên nguồn tìm chim

Dìu em qua mé đồi sim

xác hoa khô bỗng rụng chìm vực sâu

Cầu tre lắt lẻo đưa nhau

bước liều

nối cả hai đầu Sâm Thương

 

Tình yêu rạch một vết thương

câu thơ lục bát đoạn trường

Liều chơi

Mai Bá Ân 

... Từ chỗ “liều chơi” thơ lục bát tới chỗ “hôn liều em” rồi tới “bước liều nối cả hai đầu Sâm Thương”, cái “đoạn trường... liều” của nhà thơ này đã có khúc nhôi vân vi cả, chứ không tự dưng... liều. Em đây là người yêu cũng là thơ lục bát, lâu lâu “liều” vuốt tóc em, hay mạnh dạn hơn, liều hôn em thì được, chứ gắn trọn đời với em thì đoạn trường là cái chắc. Nhưng đoạn trường trường đoạn thì một thi sĩ đã... liều, chớ nói gì với anh ta cả. Cứ mặc anh ta “bước liều” cùng em, cùng lục bát, và chính trong cái khoảnh khắc không thể nói trước ấy, cái khoảnh khắc liều ấy, người làm thơ đã có được những bài lục bát không giống ai, của riêng mình, và cùng lục bát, anh còn được cả... em nữa.

 

“Vuốt liều em mái tóc dài/ nghe sợi tóc chẽ làm hai nỗi buồn” là câu lục bát vừa quen quen vừa thật mới lạ, và là câu lục bát hay.

 

Mai Bá Ấn đã có hẳn một tập thơ lục bát với nhan đề cũng rất... liều: LỤC BÁT LÀM LIỀU.

 

Thơ nói chung chứ không riêng gì thơ lục bát, bao giờ cũng chấp nhận một khoảng... liều nhất định của người làm thơ. Không liều làm thơ thì cũng không phải là thi sĩ. Có điều, sau cú liều ban đầu để vào bài thơ, phần còn lại là một tập hợp tất cả những gì mà người làm thơ tích chứa được cho mình. Dù nhiều khi đó là một tập hợp rỗng, một khoảng trống, một khoảng trắng...

                      Thanh Thảo

(Tạp chí Kiến thức gia đình, số 193/2001)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: