Thứ bảy, 18/05/2024,


LỤC NGÔN THỂ - Bài toán kết hợp thơ Lục bát & Thất ngôn bát cú Đường luật (14/08/2009) 

I. BÀI TOÁN KẾT HỢP THƠ LỤC BÁT & THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT:

 

     Thơ Lục Bát (LB) là một đỉnh cao trong thi ca Việt Nam, còn Thất ngôn Bát cú Đường luật (TNBCĐL) cũng là một đỉnh cao trong thi ca Trung Quốc. Hai thể loại thơ này có nhiều điểm đặc sắc, hoàn toàn khác biệt với nhau Nếu TNBCDL với những quy luật chặt chẽ nghiêm minh về “Vần - Luật – Niêm  - Đối” gói gọn trong 8 câu, mỗi câu 7 chữ, nổi tiếng như một cái bình gốm sứ thượng hảo hạng, thì Lục Bát với khả năng vận dụng “Mỹ từ pháp” vô hạn lại độc đáo như một giải lụa đào êm mướt, thướt tha.

 

     Không thể và cũng không nên so sánh thể loại này với thể loại khác, nhưng có một vấn đề bức thiết được đặt ra, làm đau đầu người viết hơn 15 năm , đó là vấn đề: Có thể nào KẾT HỢP hai thể loại hoàn toàn khác biệt nhau ấy vào trong một hình thức diễn đạt duy nhất hay không? Cụ thể là làm sao đưa được những thủ pháp “quái chiêu” của Lục Bát như “Đồng dạng, Tiểu đối, Đoạn cú, Song điệp các loại” vào trong thơ TNBCĐL? ... Nói cách khác, làm thế nào để một thể loại thơ Trung Quốc lại có thể chuyên chở được cái hồn thơ Việt Nam?

 

     Sau 15 năm nghiên cứu những độc đáo của hai thể loại thơ Lục Bát và TNBCĐL, với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc tìm cách dung hòa hai đỉnh cao ấy, cuối cùng người viết đã tìm được lời đáp khá là bất ngờ: LỤC NGÔN THỂ hoàn toàn có đủ khả năng ấy!

 

     Vậy thì LỤC NGÔN THỂ là gì?

 

II. LỤC NGÔN THỂ CỔ ĐIỂN:

 

     Lục ngôn thể (cổ điển) là một BIẾN CÁCH, xuất xứ từ Thất ngôn Bát cú Đường Luật, có thể xem như một thể loại thơ hoàn toàn Việt Nam, đã xuất hiện trong Thi ca VN từ thế kỷ thứ 15, qua các bài thơ của Nguyễn Trãi và sau đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều thi nhân khác nữa

Thí dụ :

 

THỦ VỸ NGÂM

 

Góc thành Nam, lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn
Con đòi trốn dễ ai quyến
Bầy ngựa gầy thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi, khôn thả cá
Nhà quen xuế xóa, ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
Góc thành Nam, lều một gian

(Nguyễn Trãi)

 

     1. Các đặc điểm, ghi nhận được từ bài thơ này như sau:

 

     - Về BỐ CỤC: Bài thơ gồm 8 câu giống như TNBCĐL, nhưng số chữ trong câu được phép linh động: Khi thì 7 chữ, khi thì 6 chữ. Trong bài này có 3 câu 7 chữ và 5 câu 6 chữ.

     - Về ĐỐI: các câu 3 - 4 và 5 - 6 vẫn tuân thủ nghiêm ngặt luật ĐỐI NGẪU của TNBCĐL.

     - Về VẦN: Vần gieo độc vận ở cuối câu 1, 2, 4, 6, 8 giống hệt như TNBCĐL.

     - Về NIÊM: Không nhất thiết phải bị gò bó, trói chặt về NIÊM. Nghĩa là Niêm được càng tốt, không Niêm cũng... không sao cả. Càng phóng khoáng tự do càng hay.

     - Về LUẬT: Luật Nhị Tứ Lục đảo thanh trong TNBCĐL cũng được tôn trọng một cách... tương đối. Nghĩa là không nhất thiết phải theo đúng trật tự BẰNG - TRẮC - BẰNG hoặc TRẮC - BẰNG - TRẮC ở các chữ thứ 2, 4, 6 như trong TNBCĐL.

 

     Tóm lại:

 

     Lục ngôn thể là một thể thơ Việt Nam, thoát thai từ Thất ngôn Bát cú Đường Luật, nhưng có nhiều biến thái mang tính tự do, phóng khoáng hơn, thích hợp với tâm hồn bay bổng của người Việt Nam chúng ta hơn.

 

     2. Những nhược điểm lớn lao của Lục ngôn thể (cổ điển) là ở chỗ:

 

     + Vì xuất hiện từ thế kỷ thứ 15, lúc ấy các phương tiện thông tin còn rất hạn chế, nên tầm phổ biến của thể thơ này không rộng : trong cộng đồng rất ít người biết đến thể loại thơ này.

     + Ngôn từ thời ấy đến nay đã trở thành... quá cổ xưa, thậm chí đã mất hẳn trong tiếng Việt hiện đại. Thí dụ:


     - Con đòi: con ở, tớ gái
     - Vằn: chó (vằn)
     - Quyến: dụ dỗ, rủ rê
     - Khôn: không thể

 

     Vì vậy, đối với người đương thời, Lục ngôn thể (cổ điển) trở nên khá xa lạ, quá... bí hiểm, khó gây được sự cuốn hút, hấp dẫn.

 

     + Không có sự xuất hiện nhiều của các thủ thuật Mỹ từ pháp, hậu quả là bài thơ thiếu hẳn đi những nét đan thanh.

 

III. LỤC NGÔN THỂ HIỆN ĐẠI:

 

     Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Lục ngôn thể hiện đại đã ra đời với những đặc điểm như sau :

 

     1. Kế thừa những đặc sắc của Lục ngôn thể cổ điển về tinh thần tự do, phóng khoáng: Chỉ tuân thủ chặt chẽ VẦN và ĐỐI của TNBCDL mà thôi, còn Bố cục, Niêm và Luật được hoàn toàn linh động trong phạm vi TÁM câu.

 

     2. Không dùng những hình thức ngôn từ quá cổ xưa nữa.

 

     3. Sử dụng nhiều thủ thuật Mỹ từ pháp 'quái chiêu' đặc trưng của thơ Lục Bát như: Ngắt mạch 2/2/2 (Đoạn cú), Tiểu đối 3/3, Tiểu đối mini 2/2, Tiểu đồng dạng, Điệp ngữ Điên đảo càn khôn, Điệp ngữ Tiền hậu song trùng, Điệp ngữ Lưỡng đầu xà, v.v...

 

     Đây cũng chính là đặc điểm phân biệt Lục ngôn thể hiện đại và Lục ngôn thể cổ điển vậy

Trong tinh thần gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam, tác giả xin trân trọng giới thiệu thể loại thơ “CỔ mà KHÔNG CỔ” này với các bạn đọc, với ước vọng là một gia sản lớn lao, khởi đầu từ NGUYỄN TRÃI, sẽ không bị mai một cùng thời gian.

Theo tác giả Hàn Sĩ Nguyên

 

***************

 

PHỤ LỤC

(Một số bài thơ Lục ngôn thể hiện đại của tác giả Hàn Sĩ Nguyên)

 

1 - MẮT ĐỎ


Trời trong xanh, nước trong xanh

Một mái chèo khua, sóng bập bềnh

Khách đã sang đò, người rời bến

Sương pha ánh mắt, khói xây thành

Tiếng hò man mác, triều man mác

Ông lái rưng rưng, thuyền nhẹ tênh ...

Ráng đỏ, chiều rơi, mắt đỏ

Tròng trành quãng vắng nhớ mông mênh ...

 

2 - NGƠ NGẨN ...


Trời mênh mông, nước mênh mông

Một chiếc thuyền con cố ngược dòng

Gió thoảng dư âm não ruột

Đò đưa khúc hát se lòng

Nước đi đi mãi về đâu nhỉ ?

Thuyền nổi nhẹ tênh thuyền buồn không ?

Một tiếng thở than triều dậy sóng

Con đò ngơ ngẩn giữa dòng trong !

 

3 - NGƯỜI XƯA


Tìm đâu cho thấy bóng người xưa

Mộ khúc ru hồn thoảng bến mơ

Trăng úa chơi vơi quãng vắng

Liễu buồn ủ rũ song thưa

Con đò thuở ấy đà vô chủ

Ông lão ngày xưa hóa nấm mồ

Sóng biếc lung linh hình bóng cũ

Trường giang man mác khúc đò đưa


4 - DÕI BÓNG TRĂNG TREO


Đàn dăm khúc, hát đôi câu

Trăm năm vời vợi gió mưa sầu

Thuyền tình hờ hững xa bến đợi

Trăng nhỏ lửng lơ ngọn trúc đào

Lãng đãng mây bay đầu núi

Vẩn vơ khách dạo hang sâu

Có nhớ có thương đành mộng mị

Nghìn xưa duyên nợ hẹn nghìn sau

 

 

 

5 - QUÃNG VẮNG CHỜ AI?


Một bầu rượu, một túi thơ

Ảo hư hư ảo mối duyên hờ

Miên man lá rụng bên thềm cũ

Lững thững thuyền trôi cặp bến mơ

Cần trúc xoay ngang con nước đục

Hồ trường dốc ngược bóng trăng mờ

Đời trôi, mặc kệ đời trôi dạt

Quãng vắng chờ ai, mãi đợi chờ ???

 

6 - TRÁI SẦU ...


Này quãng vắng, nọ dòng trong

Ru giấc Nam Kha dựa gốc tòng

Cánh võng gió đưa kẽo kẹt

Mạn thuyền nước chảy long bong

Thuyền câu giỡn sóng ông câu vắng

Tiếng nhạn đùa mây cánh nhạn xông

Gửi chút thương mong về viễn xứ

Sầu riêng chín háp, lệ đoanh tròng !

 

7 - DỐC ĐỜI 1


Tiếng đàn lơi, bóng chiều rơi

Đường về xa quá cố nhân ơi

Cuối xuân bẽ bàng hoa nở

Đầu hè lất phất mưa rơi

Cô nhạn bâng khuâng sà mặt nước

Lão mai ngơ ngác ngóng chân trời

Gửi nhớ gửi thương về viễn xứ

Nắng chiều phai sắc dốc chơi vơi

 

8 - DỐC ĐỜI 2


Mây về đâu, nước về đâu ?

Nhịp cầu chưa nối bến sông Ngâu

Chớm Thu nhọc nhằn giăng lưới

Tàn Đông mòn mỏi buông câu

Trăng lặn ươm mơ lầu vọng nguyệt

Tuyết rơi ru giấc bến giang đầu

Muốn nhắp men cay đành rủ bóng

Mộng đời chìm đắm đáy sông sâu


Hàn Sĩ Nguyên

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Quang Sơn - nguyenquangson_2004@yahoo.com - 0293 871 941 DĐ 0 - 833 tổ 28 phường Tân An thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái  (Ngày 29/11/2009 08:08:45 AM)
        "Hậu sinh khả uý" yêu thơ còn biết gìn giữ thơ của cha ông và đáng quí hơn nữa là đang kế thừa và phát huy.

Rất giống thơ đường nhưng lại mượt mà của thơ lục bát, mới đọc tôi đã thích và yêu mến rồi. Hãy khoan khai thác về thơ mà có đôi lời và lòng cảm mến với các tác giả của những bài thơ trên cùng với sự giới thiệu về thể loại Lục ngôn thể.

Tôi mong tác giả Trần Quang Quí sẽ phổ biến rộng rãi về vần luật cũng như thành lập một trang về thể thơ Lục ngôn thể để mọi người giao lưu và gửi gắm sự say mê với nhau.

  Diệu Thoa - dangdieuthoa@yahoo.com.vn - 0942987979 - Thành phố Ninh Bình  (Ngày 18/11/2009 07:33:21 PM)

Thật thú vị khi ta lật giở kho tàng văn chương của các bậc Tiền nhân bắt gặp những thể thơ tương đối lạ và độc đáo, đó là thể thơ Lục ngôn thể mà ta thật hạnh phúc được thưởng thức qua một số bài kể cả Lục ngôn thể cổ điển và Lục ngôn thể hiện đai.

Và càng bất ngờ hơn khi sau qua tất cả những gì giống như sự chìm đắm và lãng quên của thể thơ độc đáo này ta bỗng bắt gặp một cây bút mới đã bắt đầu thể hiện sự tôn vinh, kế thừa và phát huy những tinh hoa đáng được nâng niu và gìn giữ của các bậc tiền bối.

Đọc bài thơ của bạn Nguyễn Khánh Toàn tôi rất thích thú bởi lẽ Bài thơ đã thể hiện sự kế thừa, phát huy của thể thơ cổ điển mà tới nay tưởng đã thất truyền.

Đặc biệt bài thơ đã mang đến cho người đọc luồng sinh khí mới. Các thi liệu mang tính chọn lọc, mới mẻ, cập nhật trong bài thơ đã khiến cho bài thơ dù làm theo thể thơ cũ vẫn mang phong vị mới. Bài thơ không gây cảm giác buồn , u uất, ảm đạm mà hoàn toàn ngược lại.

Tác giả đã biết kết hợp các yếu tố cũ và mới, xưa và nay một cách khéo léo gây những cảm xúc mới lạ, phấn khích cho người đọc.

Hy vọng bạn sẽ lưu tâm nhiều hơn nữa đến thể thơ này để thể thơ truyền thống cửa cha ông ta mãi mãi được lưu truyền! Chúc bạn thành công hơn nữa!

  Nguyễn Khánh Toàn - trungthu@vnn.vn - 0983208964 - Hoàng Mai Hà Nội  (Ngày 17/11/2009 06:12:12 PM)

Quả thật đây là một thể thơ ít người biết đến. Xin mạo muội viết một bài nhờ các bác xem hộ. Xin cám ơn

Thu Đỏng đảnh

Bằng lăng tím ngắt trái mùa,

Thu đỏng đảnh, chợt đông, chợt hạ.

Em phong thanh trang phục mùa thu,

Rét đầu đông thấm vào da thịt.

Trời chẳng xanh thắm sắc thu,

Heo may nhường nắng hè gay gắt.

Cây hoa sữa ngẩn ngơ nuối tiếc,

Thiếu heo may hương chẳng dâng đời.

Các bài khác: