Thứ bảy, 18/05/2024,


LỤC BÁT TÌNH (06/08/2009) 

Lục Bát Tình là một bài thơ được kết nối bỡi những câu thơ của 20 tác giả trong 124 tác giả đã góp mặt trong Tuyển tập thơ Lục Bát mỗi ngày 2008 – 2009 đầu tiên của lucbat.com sắp ra mắt bạn đọc trong nay mai... Mới hay, các tác giả cũng có thể liên kết lại để thành những bài thơ “ít có trên đời”, cũng đậm đà, tha thiết bởi những câu thơ Lục Bát là kết quả lao động miệt mài của các tác giả trong Lục bát mỗi ngày… Mới chỉ có 20 tác giả, mỗi người góp một câu Lục Bát dã thành một bài thơ dài, nếu cả 124 tác giả góp lại chắc sẽ thành trường ca… Lục Bát Tình! Số thứ tự bên cạnh chính là số thứ tự của bài thơ trong Bản thảo Tuyển Tập Lục Bát mỗi ngày….

 

 

LỤC BÁT TÌNH

 

* Lục Bát là Lục Bát tình

Thơ ai mà ngỡ có hình bóng ta (21)

* Cái thời như hạt mưa sa

Cứ đau đáu đợi mưa qua vườn hồng (30)

 

* Ngày mai người ấy lấy chồng

Gói đem gửi lại chuỗi vòng chi chi (75)

* Vườn anh còn đó gốc si

Ngẩn ngơ cây đổ bóng quỳ vườn em (72)

 

* Trời cao lẻ một cánh chim

Đất dày lẻ một vòm đêm lạnh lùng (70)

* Ngực em như búp sen hồng

Ta đem lông ngỗng… để không lạc đường (42)

 

* Mối tình cách một làn hương

Lời yêu vời vợi mười phương đất trời (48)

* Trăm năm trong một nẻo đời

Ai không có lúc lệ rơi lặng thầm (52)

 

* Lời thề hẹn ước trăm năm

Bay theo phố thị lặng câm sụt sùi (09)

* Bao nhiêu cay đắng ngậm ngùi

Hãy trao em giữ đầy vơi một mình (102)

 

* Người vui cảnh cũng đa tình

Tay trong tay, mắt chúng mình in nhau (120)

* Trăm năm dù bạc mái đầu

Lửa anh vẫn cháy cạn dầu bếp em (63)

 

* Vầng thơ đã ngủ im lìm

Bỗng đâu cựa quậy đi tìm giấc mơ (43)

* Tưởng rằng tình đợi tình chờ

Nhịp tim dồn sóng vỗ bờ bến yêu (73)

 

* Thơ tình tôi viết bao nhiêu

(Viết xong lại nén cô liêu vào lòng) (124)

* Gần nhau một phút phiêu bồng

Để rồi mãi mãi chất chồng nhớ nhau (123)

 

* Giùng giằng mây cũng biết đau

Nỗi buồn trĩu nặng nửa bầu trời nghiêng (71)

* Biết rằng phận chẳng nên duyên

Trần – tu em xé lời nguyền xưa xa (46)

 

* Ước gì năm tháng phôi pha

Bóng hình em đã nhạt nhoà trong tôi (17)

* Người ơi, Lục Bát có đôi

Để thương để nhớ cho nhau … suốt đời! (*)

 

Nhiều tác giả

 

Nguyễn Đình Trọng (Kết nối)

 

(21) – Nguyệt Phượng – Lục Bát tình tôi

(30) – Lê Tín - Khoảng trời xuân

(75) – Nguyễn Đăng Sâm - Hạt chi chi

(72) – Nguyễn Bá Hoà - Vườn

(70) – Trần Đại Bổng - Tình khúc phù vân

(42) – Dương Phượng Toại - Đừng khuyết tháng Giêng ơi

(48) – Phan Thành Minh – Khoảng cách

(52) – Sông Trà – Suối mơ

(09) – Mai Thanh Tịnh - Em gái vùng chiêm trũng

(102) – Trần Nguyễn Dạ Lan - Ru anh

(120) – Bành Thông – Chuông vọng chùa Thông

(63) – Bùi Hữu Thiềm – Chùm tứ tuyệt

(43) – Thuỷ Hướng Dương – Chạm mắt người dưng

(73) – Phạm Khắc Hỵ - lời vu vơ

(124) – Nguyễn Đức Huy – Đâu rồi bông cải ngày xưa

(123) – Lương Thế Hùng – Nhớ biển Tư Hiền

(71) – Hồ Đắc Thiếu Anh – Mùa lá chín

(46) – Hoàng Anh Tuấn – Nỗi niềm Thị Mầu

(17) – Trần Văn Loan – Bến đợi

(*)  -  Nguyễn Đình Trọng – Người ơi Lục Bát có đôi!

 

 

 

 

Thơ Lục Bát đã chiếm một vị trí khá quan trọng trong lòng độc giả yêu thơ, từ trẻ đến già, từ nam đến nữ, từ Bắc vô Nam. Thơ Lục Bát là một thể thơ  chân phương, là một trong những thể thơ xuất hiện lâu đời nhất và chắc chắn mãi lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đó là thể thơ truyền thống gần gũi với ca dao, tục ngữ, dễ đọc, dễ nhớ, vần điệu uyển chuyển, du dương hợp với tầng lớp bình dân. Các loại hình nghệ thuật dân gian từ Nam ra Bắc đều sử dụng vần điệu của thơ Lục Bát. Từ hát chèo, hát chầu văn, hát quan họ đến hò miền Trung, hát bội, hô bài chòi… đều sử dung thể thơ Lục Bát.

 

Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du còn được lưu giữ mãi cho đến ngày nay và được mọi người đón nhận một cách trang trọng có nhiều lí do. Một trong những lí do đó là Cụ Nguyễn Du đã sử dụng thể thơ Lục Bát để dẫn dắt người đọc, người nghe theo một mạch thơ truyền cảm, vần điệu du dương! Điều trùng hợp khá lí thú là các nhà thơ từ Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đến các cụ Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu… đã để lại trong lòng người đọc những câu Lục Bát, những bài thơ Lục Bát đến những truyện thơ Lục Bát bất hủ! Không khó khăn gì mà không nhận ra rằng: Từ Cụ Nguyễn Du đến ông Nguyễn Bính, từ Bà Huyện Thanh quan đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương, từ Cụ Nguyễn Khuyến đến bác Tố Hữu, rồi Xuân Diệu, Tế Hanh, Hàn Mạc Tử, Giang Nam, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Đồng Đức Bốn, đến Anh Ngọc, Trương Nam Hương, Nguyễn Duy, Đặng Vương Hưng… tất thảy họ và nhũng nhà thơ khác đều thành công và nổi tiếng bằng thể thơ Lục Bát!

 

Trang Website Lucbat.com trình làng chưa được một năm mà số lượng người truy cập vào Website đã lên con số trên một triệu lượt người! Điều đó nói lên một điều là tuy Website tuy mới trình làng, còn rất non trẻ nhưng độc giả của nó vô cùng rộng lớn, đủ mọi tầng lớp, có lẽ đây là một Website sống động, nhộn nhịp, nên thơ và… đông khách hàng nhất hiện nay ở Việt Nam! Lựơng người truy cập hàng ngày rất “dữ dội”, có lúc làm nghẽn mạch dẫn đếm “sập tiệm”, phải chuyển “nhà” đến một nơi tương đối rộng rãi, an toàn hơn vào cuối tháng 4.2009 vừa qua.

 

Tôi rất vinh dự được Ban Biên tập lucbat.com giao cho nhiệm vụ trong nhóm thường trực biên tập Tuyển tập thơ Lục Bát mỗi ngày 2008 – 2009 (tên tạm đặt) để ra mắt bạn đọc và chào mừng Lễ hội Lục Bát được khai mạc vào ngày 6 tháng 8 năm Kỷ Sửu. Tôi rất lo lắng không biết mình có làm tròn được trách nhiệm nặng nề đó không. Cũng may, được BBT lucbat.com và các tác giả động viên giúp đỡ nên công việc biên tập của Nhóm do tác giả Nguyễn bá Phiếu - Một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy ở An Giang và tôi đảm trách cũng đã đi vào những công đoạn cuối cùng để chuyển giao Bản thảo cho Nhà Xuất bản. Thật không có gì thích thú bằng được làm quen, khám phá tất cả 950 bài thơ trong Lục Bát mỗi ngày (LBMN), để chọn ra những bông hoa đẹp, ngạt ngào hương sắc trong rừng hoa Lục Bát ấy và cũng để học hỏi làm quen với nhiều tác giả có thơ đã đăng trên LBMN. Trong hàng trăm tác giả đăng thơ trên LBMN, đến nay đã có 124 tác giả chính thức tham gia đăng ký xuất bản sách gây quỹ cho lucbat.com.

 

Trong số 124 tác giả tham gia Tuyển tập LBMN… gồm đủ mọi lứa tuổi, thành phần, trong đó có một số nhà thơ chuyên nghiệp, còn lại phần đông là các tác giả nghiệp dư, đại diện cho người yêu thơ Lục Bát khắp mọi miền. Tác giả lớn tuổi nhất là 75 tuổi ở thành phố Hải Dương, còn tác giả nhỏ tuổi nhất là 14 tuổi ở thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Còn một độc giả nhỏ tuổi hơn – mới có 9 tuổi ở thành phố Thanh Hoá đã viết thư góp ý cho Lễ hội Lục Bát và còn “Trồng mỗi người một cây gây vườn Lục Bát”  nữa. Trong tuyển tập này có hơn 20 tác giả là nữ; 04 tác giả là Việt Kiều sinh sống tại Hoa Kỳ và tại CHLB Đức.

 

Đây là một trong những tập thơ Lục Bát đầu tiên của lucbat.com ra mắt bạn đọc nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi nhiều nhược điểm và khiếm khuyết trong biên tập, chọn bài, vậy nên cũng rất mong bạn đọc sẽ rộng lòng tha thứ...

 

Nhớ lại cách nay vài năm, khi thơ lục bát còn rất thưa thớt trên thi đàn, nhớ thơ lục bát đến quay quắt trong lòng, tôi bèn lấy một bài thơ theo thể tự do có 2 câu cuối là lục bát trên trang Văn nghệ của một tờ báo nổi tiếng tại Hà nội đem “chuyển thể”  thành thơ lục bát mà cũng chỉ với những từ ngữ sẵn có của bài thơ, rồi gửi cho bạn bè yêu thơ lục bát coi chơi cho đỡ nhớ! Cũng chính vì vậy, mới thấy hết những cố gắng tuyệt vời và kỷ lục đáng nể của lucbat.com!

 

Lucbat.com ra đời đã đáp ứng nỗi chờ mong của hàng triệu con tim yêu thơ Lục Bát -  đó có lẽ là một thứ “quốc tuý” mà ai đã từng thưởng thức qua đều  phải say nghiêng say ngả:

 

Cầm câu Lục Bát trên tay

Thì ra, không rượu vẫn say nồng nàn!

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 8 năm2009

Thành viên Nhóm Biên tập Lục Bát mỗi ngày

 

Nguyễn Đình Trọng

ĐT: 01233 123 789

Emai: tucchip@vnn.vn

            

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Mạnh Tuân - tuan.kcct@wru.edu.vn - 091353 0266 - Hà Nội  (Ngày 18/10/2009 10:49:28 PM)
.............................................. "Giùng giằng mây cũng biết đau Nỗi buồn trĩu nặng nửa bầu trời nghiêng (71) ........................................................ (71) – Hồ Đắc Thiếu Anh – Mùa lá chín Dùng dằng không phải giùng giằng, Biết đâu thay chữ nhùng nhằng lại hơn!
Các bài khác: