Thứ bảy, 18/05/2024,


Vần Lục Bát và khuôn âm nên như thế nào? (03/08/2009) 

     Nhân việc có nhiều tác giả gửi bài cho lucbat.com chưa chú ý đến vần của thơ Lục Bát và BBT còn để “lọt lưới” một số bài như thế, với khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình, chúng tôi xin có mấy lời tham gia trên cơ sở luật vần thơ lục bát, để bảo tồn truyền thống và phát triển thơ lục bát đúng và ngày càng hay hơn.

      Để dễ dàng bàn về luật gieo vần thơ lục bát, có lẽ nên đọc lại đoạn trích Tìm hiểu thơ Lục bát - thể thơ đặc thù dân tộc (Phần I)  của tác giả Nguyễn Ngọc Bảo (Trích tập san Trại Hè Lên Đường 2000).


 

      Trong tiếng Việt, những tiếng có vần với nhau là những tiếng không những cùng một thanh “bằng hoặc trắc” mà còn phải có âm hoặc hoàn toàn hợp nhau, hoặc tương tự nhau. Có hai loại vần là “vần chính” gọi là “vần giầu” hoặc “vần sát” và “vần thông” còn gọi là “vần nghèo” hoặc “vần gượng”.


 

     Vần chính: Những tiếng cùng một khuôn âm như “ba” với “bà”; “thương” với “trường”; “đời” với “trời” các âm bằng hoặc “chính” với “tĩnh”; “sợ” và “vợ” các âm trắc v.v.. Thí dụ như những câu thơ sau của Nguyễn Bính: 
 

Láng giềng đã đỏ đèn dầu
Đợi em ăn dập miếng trầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh...


       Hai chữ “dầu” và “trầu” cùng vần chính. Ba chữ “sang”, “làng”, và “vàng” cũng cùng vần chính.

      Vần thông: Những tiếng hợp nhau về thanh nhưng chỉ tương tự với nhau về âm như “Binh” với “Banh”, “Bang” với “Bương”, 'nâng' với 'trăng' các âm bằng hoặc 'lụt' với 'mục' âm trắc, v.v... Thí dụ như hai câu ca dao sau:


Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà...

 

        Hai chữ “đình” và “cành” hợp vần thông với nhau. Hai chữ “sen” và “xin” cũng hợp vần thông….”

       Trở lại bài 1: Ý kiến của BBT trực về bài thơ “Nghìn năm lục bát vẫn xanh” của tác giả NDX tôi thấy nhận xét phần lớn là đúng. Nhưng còn đôi ba chỗ phải bàn lại.
Những câu sau đúng luật vần thông

         Câu:

 

Tìm trong gió mát, trăng thanh
Câu hò, điệu ví bồng bềnh sông xa...


          Là đúng luật vần thông: anh & ênh


          Câu 240 và 241 Truyện Kiều cũng có:

 

Nách tường bóng liễu bay ngang trước mành
Hiên tà gác bóng chênh chênh


Câu:

Ngày đông giá rét kéo dài
Con trâu chậm bước, chân người dại tê...


          Là đúng luật vần thông ai & ơi


          Câu 1631-1632 Truyện Kiều cũng có:

 

Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắt son ?
Bài 2 có câu: Ban Mê chẳng phải núi cao
Nhà lầu san sát thi nhau đổi đời


          Đúng luật vần thông ao & au


          Câu 1130-1131 Truyện Kiều:

 

Làm chi dày tía, vò hồng, lắm nao
Một đoàn đổ đến trước sau


          Bài 2 câu:

 

Sợ rồi mai nữa về quê
Thèm nghe hương lúa thầm thì hát ru.


          Đúng luật vần thông ê & i


          Câu 132-133 Truyện Kiều cũng có:

 

Gốc cây lại vạch một bài cổ thi
Dùng dằng nửa ở nửa về

 

          … Một vài dẫn chứng thêm trong truyện Kiều :

          Vần thông ai & ơi:

Câu 1639 - 1640:

 

Nén hương đến trước Thiên đài
Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân

 

          Vần thông uôn & on:

Câu 167 - 168:

 

Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé reo.


          Vần thông eo & iêu.

Câu 169 -170:

 

Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.


         Vần thông anh & inh:

Câu 58 - 59:

 

Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Rằng sao trong tiết thanh minh…


         Vần thông ưa & ơ.

Câu 119 -120:

 

Một lời nói chửa kịp thưa
Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay

 

          Vần thông ay & ây.

                                                                  Câu 121 - 122:

 

 Ào ào đổ lộc rung cây
Ở trong dường có hương bay ít nhiều


        Trên đây chỉ là một vài ví dụ những câu gieo vần thông của Truyện Kiều, kinh điển mực thước không gì thay đổi được. Nó là tài hoa biến hóa vô cùng mà cụ Nguyễn Tiên Điền đã tiếp thu trong hồn ca dao dân tộc. Di sản văn hóa đó các thế hệ đời sau được tận hưởng thiết tưởng thừa kế và phát huy đúng đắn để khỏi phụ lòng tiền nhân.


         Với mong muốn tất cả chúng ta con cháu dân Việt nhiều đời giữ gìn vẻ đẹp trong sáng, muôn màu của hồn thơ đất nước, hy vọng những người sáng tác thơ lục bát cũng có thể tham khảo thêm, rút ra được điều gì đó cho riêng mình.

 

Trần Quang Liên 
(CLB Lucbat.com Xứ Đoài)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: