Thứ bảy, 18/05/2024,


Giơ tay vốc gió thả vào đồng không (28/07/2009) 

“Qua bến đò Mom”, một bài thơ hay của tác giả Nguyễn Thị Phụng. Tôi chợt lặng người hồi lâu sau khi đọc xong bài thơ. Đã có sự gặp gỡ giữa bài thơ và người đọc. Cho hay, sự kiệu kỳ của những phút giây cảm thụ nghệ thuật chính là sự bùng cháy phần nhiên liệu nhạy cảm nhất trong hồn người.

 

Qua bến đò Mom

 

Có lần qua bến đò Mom

Dòng sông còn đó thấy con đò nào

Cỏ trùm dấu cát lao xao

Giơ tay vốc gió thả vào đồng không.

 

Nguyễn Thị Phụng

 

 

 

 

Tên của bài thơ đã giàu sức gợi. Bến đò là nơi con thuyền kề mũi đón khách qua sông hàng ngày. Nhưng đây là “Bến đò Mom”, gợi một bến nước xa lảnh, lên xuống gian nan trắc trở. Quê tôi ven dòng Thương cũng có bến đò cùng tên như vậy, với đôi bến ven đê dốc đứng, lối đi gập ghềnh đá sỏi đất cát. Khách đò là dân quê chân đất, suốt năm gánh gồng rau cỏ, thóc lúa chợ búa qua sông…

 

Nhà thơ kể: “Có lần qua bến đò Mom”. Nhưng lần nào thì không rõ. Chất ảo tràn ra theo cảm xúc. Thì cảnh vật nơi bến nước được hiện lên: “Dòng sông còn đó thấy con đò nào/Cỏ trùm dấu cát lao xao. Sông nước còn đấy mà kỷ niệm không còn. Con đò xưa đâu rồi? Dấu xưa trên cát cũng đã bị cỏ trùm, vùi lấp. Chất ảo trong bài thơ càng thêm mông lung vô định. Tác giả cảm hoài về sức biến cải của thời gian. Thời gian đã làm thay đổi tất cả. Người đọc bỗng lạc vào thế giới nội tâm, ngược dòng hồi tưởng đến với những bến bờ ghềnh thác, những “bến đò” nhân thế mà mình đã từng qua, từng trải…

 

Điều ta tâm phục, đó là cách nói rất mới của tác giả. Xưa nay đã có nhiều thơ cảm hoài nổi tiếng. “Thế gian biến cải vũng nên đồi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm); “Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt/Nước còn chau mặt với tang thương” (Bà huyện Thanh Quan); “Rằng chàng Kim đó là người thày xưa” (Nguyễn Du).. Chị Phụng nói theo cách riêng của chị, cảm hoài bằng cảm xúc tự nhiên, với những thi liệu thiên nhiên thôn dã gần gụi, làm lộ ra lời thơ dung dị, sinh động trong sáng. Người đọc bị rung theo hồn chị đến xao xuyến vô cùng… Điểm lặng “thấy con đò nào” của bài thơ, quả là một nốt nhạc thăng hoa tài tình thi sĩ.

 

Câu kết của bài thơ nặng về triết lý thiền tự. Trước sức cải biến vô cùng của thời gian, nhà thơ đã bộc lộ cảm tưởng: “Giơ tay vốc gió thả vào đồng không”. Thế gian như bỗng nhuốm màu “Sắc sắc, không không” vậy. Hình thức lời thơ được ảo hóa đến siêu phàm. Câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng…” đã là ảo nhưng vẫn còn chút sắc màu. ở đây, phép ảo hóa Nguyễn Thị Phụng đã được đẩy tới kiệt cùng, đến mức không gian thơ trong suốt như thể “gió ném vào đồng không”. Phần nổi của câu thơ chỉ còn lờ mờ đâu đó, tất cả còn lại là phần chìm, người đọc thỏa sức tùy tâm cảm nhận…

 

Người xưa nói: Thơ hay giống như lửa, thấy đấy mà sao khó bình. Lời thơ: “Qua bến đò Mom” đẹp đến say người. Chị Phụng đã chớp được một tích tắc cảm hoài của lòng mình và kịp ghi lại bằng những lời thơ thật hay, thật lạ. Nhưng bình bài thơ mới khó làm sao!

 

 

Chu Ngọc Phan

(Nguồn: Báo Bắc Ninh)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: